Trong Mắt Chỉ Có Trời Xanh

Chương 87: Ngoại truyện 3




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Ngoại truyện 3: Anh ngã em nâng (1).
Phương Hoành Tiệm kéo vali vừa lấy trên băng chuyền hành lý, chầm chậm ra đại sảnh sân bay.
Thời tiết Thành Đô tháng mười một khá buốt, không khí mang cảm giác lạnh ẩm. Anh ngẩng đầu nhìn bầu trời dày sương thân thuộc trong ký ức, dù không khoác màu trong vắt như nước Úc, nhưng lại khiến anh thật lâu rồi mới thấy dễ chịu như giây phút này.
Vài chiếc taxi đỗ ở ven đường, ba bốn giờ chiều đang trong giờ hành chính mà khách du lịch lũ lượt ùa ra, lại trông thấy mấy bác tài hạ ghế xuống phân nửa, nheo mắt trong xe gà gật chứ chẳng mảy may lo chuyện làm ăn.
Có một người có vẻ ngủ đã giấc rồi, mở mắt nhìn Phương Hoành Tiệm xách hành lý đứng một mình bên đường mới chậm chạp đánh một cái ngáp, bắt đầu kiếm tiền.
"Ầy, người anh em. Đi không?"
Phương Hoành Tiệm cười gật đầu: "Ừm, đi."
Bác tài chạy êm, không bao lâu sau đã vào tới nội thành.
Sân bay nằm ở phía Nam Thành Đô, anh báo địa chỉ bên Thành Bắc nên xe phải qua hết trung tâm thành phố. Phương Hoành Tiệm ôm hoài niệm nhìn khung cảnh trôi tuột về sau ngoài cửa sổ, nhóm cụ ông cụ bà tụ tụm năm tụm ba hội họp với nhau ngồi ghế trúc uống trà, đàn ông phụ nữ trung niên khoanh tay chơi mạt chược vừa lớn tiếng hô hào, bé con cầm chặt chong chóng chạy vù vù trong con hẻm nhỏ, còn có nhóc chó cỏ ghé mặt vào tảng đá say giấc nồng...
Đây mới là thành phố anh thân thuộc.
Không tiếng nước ngoài đầy tai, không những nước da trắng và mái tóc vàng hoe đầy mắt, không có khung cảnh xa lạ lạnh lẽo, không có những món cơm Tây thịt nguội ăn mãi chẳng quen. Nơi này khoác vẻ chậm chạp nhàn nhã tồn tại hằng muôn thuở, dù đại đa số không giàu có gì, nhưng họ vẫn hài lòng với cuộc sống này.
Đây mới là dáng hình của một ngôi nhà trong trí nhớ anh.
"Tới rồi người anh em. Một trăm lẻ ba tệ, chuyển tôi số chẵn là được rồi."
Bác tài dừng xe, sau khi vác mớ hành lý nặng nề khỏi cốp còn tiện tay cho Phương Hoành Tiệm một điếu thuốc.
Phương Hoành Tiệm cười xua tay. Anh móc bóp trong túi quần ra lấy tiền gửi bác tài, ngờ đâu bác tài nhiệt tình quá, nhận tiền rồi vẫn cứ một hai dúi điếu thuốc vào tay anh mới nghênh ngang rời đi. Để lại Phương Hoành Tiệm một mình đầu ngõ dở khóc dở cười.
Người ta có ý tốt mà anh lại không hút thuốc, chỉ đành nhét thuốc vào sơ mi, nhấc vali đánh mắt nhìn quanh quất bốn phía.
Từ ngày anh rời Thành Đô đến nay đã ngót nghét bảy, tám năm. Từ cậu chàng sinh viên ngây thơ trở thành người đàn ông chững chạc, mà dường như nơi này vẫn không đổi thay, vẫn chật chội chen chúc hệt như trong trí nhớ.
Nơi này là khu phố cổ phía Bắc thành phố, cách chưa đầy một cây số là một cái chợ rất lớn, tiểu thương buôn bán ở nhiều huyện thành quanh đây đều tới nhập hàng, vậy nên vàng thau lẫn lộn, hạng người nào cũng có. Mà nhà họ Lương của anh kia đã từng chui rúc trong con hẻm nhỏ ấy, dưới tầng hầm của một tòa nhà ống.
Phương Hoành Tiệm nhớ lại cuộc điện thoại với cha nuôi Lương Đại Quân trước khi về nước.
Lương Đại Quân nói nhà mình vẫn ở chỗ cũ, chỉ là đổi lên một căn khá khẩm hơn. Rồi ông đưa số đứa con thứ cho Phương Hoành Tiệm, bảo anh cứ gọi điện thẳng, em trai sẽ tới đón.
Phương Hoành Tiệm cúi đầu lướt tay trên màn hình danh bạ, cuối cùng dừng ở một cái tên.
—— Tiểu Hạo.
Cha mẹ ruột đưa anh đi trong gấp rút. Chẳng thấy bóng dáng thằng nhóc cáu kỉnh kia đâu, anh chỉ đành gửi phương thức liên lạc lại cho cha nuôi, nhét một ít tiền dưới gối đầu em trai. Đến lúc anh lên chiếc xe con, dần biến mất khỏi nơi chốn mình sinh sống hơn mười năm này, chợt trông thấy thiếu niên chạy theo sau xe không biết đã được bao lâu từ gương chiếu hậu, và đôi mắt đen nhánh trên khuôn mặt bẩn thỉu.
Khi ấy Phương Hoành Tiệm đã kéo cửa xe xuống, cắn môi rướn cổ về sau, mà theo đà đạp của chân ga, cái bóng ấy cứ mỗi lúc một nhỏ dần, rồi cuối cùng biến mất chẳng còn thấy đâu.
Đêm khuya vắng lặng nơi đất khách quê người, Phương Hoành Tiệm vẫn luôn khắc khoải về đôi mắt nhìn mình chăm chăm không chớp lấy một lần ấy của em trai. Chấp nhất, ngoan cố, dữ tợn, và khiến anh lo lắng vô cùng.
Anh từng ngây thơ tưởng mình có thể giải quyết vẹn toàn quan hệ cả hai bên gia đình. Nhưng sự thật là, tình cảm gia đình ruột rà xa cách gần hai mươi năm không thể lấp đầy trong một sớm một chiều, anh không quen sự lo lắng từng li từng tí lạ lẫm của cha mẹ ruột, cũng chẳng cách nào chấp nhận được sự phủ định của họ với gia đình anh từng có.
Anh bị đưa ra nước ngoài, khi ấy Phương Hoành Tiệm không còn lựa chọn nào khác.
May mà... giờ đây anh đã trở về.
Dù có đôi chút muộn màng, nhưng anh đã vững vàng độc lập, có thể lựa chọn cuộc sống cho bản thân, có đủ khả năng chăm sóc cha nuôi đã lớn tuổi và em trai đã từng sống nương tựa.
Người đàn ông đang chìm trong hồi tưởng không hề phát giác, trong con hẻm nhỏ có đôi mắt lén lút chằm chằm vào điện thoại của anh cùng với chiếc ví vừa móc ra từ túi quần.
Con hẻm này lọt thỏm giữa hai tòa nhà xi măng xây dựng từ những năm tám mươi, chỉ rộng đâu đó chừng hai ba mét. Mặt đường lát đá gập ghềnh sau nhiều năm thiếu tu sửa heo hút bám đầy rêu xanh.
Phương Hoành Tiệm ấn xuống danh bạ, kẹp điện thoại giữa tai và vai.
Hình như vài hôm trước có mưa, những phiến đá lâu ngày không được ánh nắng chiếu đến hơi trơn trượt kéo tuột chiếc vali vào trong con ngõ. Phương Hoành Tiệm nghĩ, cha đã nói nhà vẫn ở quanh đây, chắc không xa tầng hầm kia đâu, anh ở đó chờ em trai cũng được.
Lạch cạch.
Có tiếng đế giày giẫm lên vũng nước, chắc là người qua đường, tiếng động khẽ không hấp dẫn sự chú ý của Phương Hoành Tiệm.
Điện thoại đang kết nối. Tút tút, Phương Hoành Tiệm nhìn xuống chân.
Đùi trái đụng phải gì đó, túi quần nhẹ đi nhiều. Phương Hoành Tiệm bay mười mấy tiếng đồng hồ hơi ngơ ngác không kịp phản xạ. Anh vừa định cúi đầu nhìn thì từ đâu bàn tay gầy khoằm xẹt qua gò má anh, thứ trên vai biến mất, tiếng "A lô" vừa vang lên trong cuộc gọi không ai nghe thấy.
Bóng đen lao khỏi ngõ với tốc độ cực nhanh. Phương Hoành Tiệm còn chưa kịp la chữ "Cướp" nào, tên kia đã mất dạng.
.... À, hiểu.
Đầu anh bật lên một câu phương ngữ lâu rồi không xuất hiện, bất đắc dĩ tháo mắt kính rồi day day mũi.
Thẻ ngân hàng với tiền nhét cả trong ví, mấy số liên lạc đều nằm hết trong điện thoại... Anh kéo chiếc vali chỉ chứa vài bộ quần áo với mấy món đặc sản, biết đi đâu bây giờ?
Đợi người ta nói chuyện điện thoại xong rồi giật không được à?
Phương Hoành Tiệm thấy hơi đau đầu.
Cũng may anh không phải người nóng nảy dễ giận, cho dù cả di động lẫn ví bị cướp sạch anh cũng không quá giận. Anh phát hiện túi quần mình hở ra, trái lại còn thấy không xui rủi lắm, ít nhất không phản kháng giành giật rồi bị thương.
Vali vẫn còn, chỗ này loạn lạc như thế, Phương Hoành Tiệm không thể quẳng nó ở đây mà đuổi theo tên cướp, kẻo hai tay cùng rỗng tuếch. Anh dứt khoát kéo vali đi tới, trước hết cứ tìm chỗ để hành lý đã rồi báo án sau.
Vài phút sau, anh bước vào khu nhà quen thuộc trong ký ức.
Ngoài hành lang đậu vài chiếc xe điện với xe gắn máy, bên trong vang tiếng ồn ào không ngớt, như thể có rất nhiều người tụ tập chơi bời ầm ĩ với nhau.
Anh đưa mắt nhìn sang, dường như âm thanh đến từ dưới lòng đất.
Cha nói hiện nhà mình không ở dưới này nữa, xem ra sau khi họ chuyển đi, tầng hầm đã thành chỗ tụ tập rồi.
Nơi này vàng thau hỗn tạp, thanh niên thì nhiều nên anh cũng không quá thắc mắc. Phương Hoành Tiệm nhớ ngày còn bé xung quanh có rất nhiều quán net với bida, ngày nào cũng toàn dân lưu manh anh chị ra ra vào vào. Mỗi lần đón em trai đi học về, Phương Hoành Tiệm luôn cố tình né mấy chỗ đó ra, còn nghiêm túc giáo dục em không được vào mấy chỗ đó đâu, thể nào cũng bị bắt đem bán.
Giờ này cũng vừa khoảng tan tầm, Phương Hoành Tiệm đưa mắt nhìn xung quanh, nghĩ bụng nếu có gặp được mấy hộ sống lâu năm ở đây không chừng hỏi thăm được địa chỉ của cha nuôi. Nhưng chờ đã mười phút mà vẫn không thấy bóng dáng ai, lại trông thấy vài thanh niên tóc tai lòe loẹt lần lượt bước ra từ tầng hầm.
Phương Hoành Tiệm thở dài, chỉ đành chuẩn bị báo cảnh sát.
"Xin chào, cho tôi hỏi đồn cảnh sát gần đây nhất nằm ở đâu được không?"
Phương Hoành Tiệm cản hai thanh niên tóc vàng vừa bước khỏi hành lang, sắp sửa leo lên xe máy phóng đi, lịch sự hỏi.
Hai người nọ nhìn Phương Hoành Tiệm một lượt, đưa mắt nhìn nhau một cái. Tên cao gầy dữ dằn gằn Phương Hoành Tiệm: "Mày là ai? Kiếm cảnh sát làm gì?! Mắc đéo gì ông phải chỉ cho mày?"
Phương Hoành Tiệm tử tế nở nụ cười, mọ mẫm trên người nửa buổi trời cũng chỉ tìm ra điếu thuốc bác tài mới dúi cho hồi nãy, khách sáo đưa cho ngườ kia: "Tôi không có ý gì cả. Chỉ là mới bị mất đồ, muốn lên báo án."
"Hả! Mày quăng đồ ở đây mà còn muốn đường tìm về à?"
Tên mập lùn trừng mắt, cười xùy mấy tiếng: "Này người anh em, hình như đằng ấy mơ hơi đẹp quá đấy!"
"Mắc rắm gì mày lắm mồm vậy, người ta muốn báo thì báo thôi!" Tên cao gầy thấy thái độ của Phương Hoành Tiệm rất chân thành, hoàn toàn không đề phòng nữa, thụi cùi chỏ vào người tên mập lùn rồi chỉ về giao lộ phía đông, nói với anh: "Đồn công an bên kia, hơi xa. Rẽ trái qua ba cái đèn giao thôi rồi rẽ phải."
"À vâng, cảm ơn."
Phương Hoành Tiệm cười gật đầu, chìa điếu thuốc đến trước mặt tên cao gầy.
Người kia đang chuẩn bị nhận, bỗng như thoáng nhìn thấy ai đó, biểu cảm trên gương mặt trở nên nịnh bợ, tay cũng để khựng giữa không trung.
Ánh mặt trời ngả về đằng Tây, chẳng biết lúc nào số bóng trên mặt đường xi măng đã biến từ ba thành bốn.
Phương Hoành Tiệm cảm giác có bóng đen rất cao lớn từ sau lưng, còn chưa kịp quay đầu điếu thuốc trong tay đã bị bàn tay luồn qua vai kẹp lấy.
"Anh Tam!"
"Chào anh Tam ạ!"
Hai tên đầu vàng cúi đầu cung kính chào phía đằng sau Phương Hoành Tiệm.
Anh nghiêng đầu, phát giác điện thoại và bóp tiền bị trộm mất giờ này thình lình xuất hiện trước mắt, bị tung hứng hết lên rồi xuống trong tay người kia.
"Báo cảnh sát?" Anh nghe thấy giọng nói vừa lạ lẫm lại vừa thân thuộc.
Phương Hoành Tiệm dời điểm nhìn, trông thấy điếu thuốc mình vừa chìa ra bị thanh niên cao lớn ngậm hờ vào môi. Thanh niên ấy mặt mày ngông nghênh ngang tàng, mang nét lưu manh, miệng cợt nhả phát ra từng chữ.
"Anh trai à. Đã ngần đó năm rồi sao anh vẫn ngây thơ thế nhỉ?
Tác giả có lời muốn nói:
Và đây, long trọng chào đón chúng ta...
Lương - xóm chợ - xưng bá một phương - Ngô Ngạn Tổ giới thu ve chai – tay đua ba gác – tay trung gian hai mối – anh đại giới shipper – chiến thần võ miệng – Tam đồng chí chào sân!
*Ngô Ngạn Tổ là nam diễn viên điện ảnh, đạo diễn, kiêm nhà sản xuất phim người Mỹ gốc Hoa của điện ảnh Hồng Kông. Ý chỉ đẹp trai giới ve chai =)))))
*Nhà kiểu ống:

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.