Trót Yêu Em Rồi

Chương 8:




Chẳng hiểu sao trái tim Vân Nhi khẽ rung lên trước thái độ quan tâm của Thành Huy. Cô biết anh ở một thế giới khác, thế giới mà cô không thuộc về, thế nhưng trước đề nghị của anh, lẽ ra cô có thể từ chối bằng cách này hay cách khác thì cô lại gật nhẹ:
– Vâng… nếu anh không phiền thì… tôi nhờ anh đưa tôi ra bến xe Nam thành phố nhé!
Thành Huy mỉm cười, nụ cười làm khuôn mặt thường trực vẻ lạnh lùng lúc này trở nên rạng rỡ. Vân Nhi bất giác cúi mặt không muốn đối diện với anh, trái tim đập thình thình trong lồng ngực. Cô vội vã dọn dẹp đồ trong bếp, lấy túi xách khóa lại căn hộ rồi bước theo Thành Huy. Anh biết địa chỉ nơi cô ở, có lẽ vì anh đã xem hồ sơ của cô ở khách sạn, cũng sẽ biết quê cô ở tỉnh M cách thành phố chưa đầy bốn mươi kilomet. Ngồi bên Thành Huy trên chiếc xe đen bóng sang trọng, cô chỉ mong chiếc xe nhanh đưa cô ra bến để cô sớm về quê. Bố cô đang cấp cứu ở bệnh viện, lòng dạ nào cô yên được?
– Bố cô bị làm sao mà phải cấp cứu?
– Bố tôi… mắc bệnh tụy…
Vân Nhi mở lòng chia sẻ. Cô cũng bất ngờ khi mình nói ra điều này với một người xa lạ đến cái tên cô cũng không biết. Cô muốn biết tên anh nhưng… biết thì để làm gì? Cô và anh… nếu không vì vụ ngã xe hôm trước thì có lẽ đã chẳng bao giờ gặp lại.
– Ừm… nhắc ông ấy đừng uống rượu nữa.
Vân Nhi thoáng giật mình, đúng là vì bố cô hay say sưa nên mới lâm bệnh thế này, không ngờ chỉ một câu mà anh bắt trúng vấn đề.
– À… vâng mẹ con tôi vẫn nhắc suốt mà chẳng được… Cảm ơn anh!
– Bến xe kia rồi, cô giữ ví cho chặt vào, cũng đừng lo lắng quá.
Vân Nhi định mở cửa xe bước ra, nào ngờ cửa chẳng mở được. Cô biết anh chưa cho phép cô đi, quay sang anh bắt gặp ánh mắt trìu mến tim cô lại rộn lên một nhịp.
– Chưa cầm cái này cô chưa đi được đâu!
Vân Nhi ngập ngừng nhìn chiếc phong bì trên tay Thành Huy, cuối cùng cô cầm lấy, xúc động nói:
– Vâng… cảm ơn anh… thực lòng cảm ơn anh!
Thành Huy gật nhẹ, ánh mắt anh nhìn Vân Nhi có gì đó khiến cô như bị cuốn vào. Cất phong bì vào túi xách cô nhanh chóng quay mặt đi, không muốn anh thấy biểu cảm tủi thân xen lẫn cảm động trên khuôn mặt mình. Từ lúc cô gặp anh, cứ như trời xui đất khiến mà lần nào cũng là anh giúp đỡ cô. Nếu anh chỉ là một anh chàng bình thường, cô sẵn sàng chủ động quan tâm anh, có thể cô chỉ cần là một người bạn bên anh để duyên trời quyết định. Vậy mà… cô khẽ lắc đầu, thẳng bước vào bên trong bến xe, không muốn quay đầu lại. Anh, chiếc xe hơi đắt giá của anh, gia đình anh, thế giới của anh là những điều cô biết mình không nên nghĩ đến.
Vân Nhi vừa xuống xe, cô hộc tốc gọi điện cho Vân Ánh em gái cô năm nay học lớp mười:
– Ánh, em với mẹ đang ở bệnh viện tỉnh à?
– Vâng, chị đang ở đâu rồi?
– Bố thế nào rồi em? Chị vừa xuống xe khách, giờ chị vào bệnh viện luôn đây!
– Bố qua cơn nguy hiểm rồi nhưng… ban nãy bác sĩ nói…
Vân Ánh khóc nấc lên trong điện thoại. Vân Nhi sốt ruột hỏi:
– Bác sĩ nói sao hả Ánh?
– Bác sĩ bảo… bố bị chẩn đoán mắc… ung thư tuyến tụy.
Hai tiếng “ung thư” như tiếng sét đánh đoàng bên tai Vân Nhi. Bố cô… mắc phải căn bệnh chết người đó sao? Vân Nhi thần người bàng hoàng, nhất thời cô còn chưa tiêu hóa được những gì vừa nghe, chỉ run rẩy an ủi em gái:
– Em bình tĩnh… Chị bắt xe ôm vào bệnh viện ngay đây!
Nói xong Vân Nhi bước nhanh đến gần bác xe ôm mặc áo bộ đội ngồi trên xe máy ở hàng nước. Giờ đã chín giờ rồi, may mà bác còn chờ khách ở đây. Đến bệnh viện, mở cửa phòng hồi sức, Vân Nhi sụt sịt bước lại mẹ cùng em gái đang ngồi cạnh giường. Bố cô nằm đó gầy gò, màu da ông đen sạm như chẳng còn sinh khí.
– Mẹ… bố giờ thế nào rồi mẹ?
Nước mắt lăn dài bà Lụa ôm lấy con gái lớn khóc rưng rức. Quanh năm trồng rau bán rau ở chợ, đối diện với việc này bà thương chồng bao nhiêu thì nỗi lo lắng tiền chữa bệnh cho chồng lại lớn bấy nhiêu. Bác sĩ nói bệnh này là bệnh của nhà giàu, khuyên gia đình chuẩn bị trường kỳ kháng chiến nhưng dù có đáp ứng đủ tiền thì tiên lượng sống lại… không quá ba năm. Những lời nói của bác sĩ cứ như dao cắt vào lòng bà, lúc này bà nghẹn ngào chẳng nói được câu gì.
– Ánh nói với con rồi mẹ… chúng ta phải cứu bố… còn nước thì còn tát! Mẹ đừng lo, con sẽ xin thêm việc làm!
– Nhi… mẹ thương con lắm Nhi ơi… con người ta chỉ lo ăn lo học đã đủ mệt, con lại còn phải đi làm gửi tiền về… Con gái bé bỏng thế này mà bố mẹ cứ đè gánh nặng lên con…
Bà Lụa giương đôi mắt nhòe nhoẹt nước nhìn con gái. Vân Nhi bặm môi gạt nước mắt, nhìn mẹ nhìn em, cô cảm thấy mình cần là chỗ dựa cho họ.
– Mẹ đừng lo… Con sẽ trao đổi việc này với bác sĩ xem thế nào. Chúng ta có phải bán nhà cũng phải chữa cho bố mẹ ạ.
Bà Lụa chẳng biết nói gì, chỉ thẫn thờ quay về chồng. Ông chồng bà mê rượu từ ngày trẻ, được cái ông vẫn chăm chỉ hay lam hay làm không để mẹ con bà phải khổ, thế nào mấy tháng gần đây ông cứ kêu đau bụng rồi đi ngoài, đi khám mới ra bệnh về tuyến tụy. Lúc ấy bác sĩ chỉ kết luận là viêm tụy cấp, thế nhưng ông cứ đau đớn mãi, uống thuốc cũng chẳng khỏi, cuối cùng hôm nay ông ngất đi hai mẹ con mới tá hỏa nhờ chú hàng xóm làm lái xe đưa ông vào viện.
Vân Nhi quay ra, thấy ông bác sĩ tầm tuổi năm mươi đeo ống nghe bước vào phòng, ông ấy nhìn bố cô rồi nhìn ba người trong nhà cô cất lời:
– Đêm nay gia đình cứ để ông ấy lại đây để theo dõi. Giờ bác gái sang phòng gặp tôi.
Vân Nhi bặm môi, nghẹn ngào nói với vị bác sĩ:
– Bác sĩ… cháu muốn nói chuyện với bác sĩ về tình hình của bố cháu có được không ạ?
– Được, vậy cô sang phòng tôi.
Thở dài một hơi Vân Nhi trấn tĩnh lại, đóng lại cửa phòng bác sĩ cách phòng hồi sức mấy phòng. Nhìn ông bác sĩ vừa ngồi xuống trước bàn làm việc, cô bước đến gần, nhỏ giọng:
– Bác sĩ, bố cháu…
Ông bác sĩ chắp hai tay vào nhau đặt trên bàn, gật nhẹ đầu trả lời, ánh mắt ông có chút thông cảm cho tâm trạng của Vân Nhi lúc này.
– Gia đình nên sắp xếp mổ cho ông ấy càng sớm càng tốt… bệnh viện xếp lịch cho ông ấy hai ngày nữa, nếu gia đình lo đủ tiền thì chúng tôi sẽ tiến hành luôn.
Vân Nhi lo lắng, đáy mắt rung rung cô hỏi:
– Tiền nhà cháu cần chuẩn bị… là bao nhiêu ạ?
– Ca mổ này rất phức tạp… tổng chi phí sẽ rơi vào khoảng một tr.ăm tr.iệu.
Một… một tr.ăm tr.iệu sao? Số tiền này… lớn quá… Đây mới chỉ là khởi đầu của quá trình điều trị có phải không? Vân Nhi sững lại, toàn thân như có luồng khí lạnh buốt chạy dọc khiến cơ thể cô tê rần.
– Càng sớm phẫu thuật thì cơ hội kéo dài sự sống của bệnh nhân càng cao, cô cứ cân nhắc kỹ.
Vân Nhi nuốt nghẹn, sống mũi cay xè cô nhắm mắt lại, nước mắt chẳng thể ngăn được lăn dài trên má. Số tiền này là bao nhiêu năm bố mẹ cô làm lụng đây? Lần trước mua thuốc cho bố cô đã phải vét sạch tiền rồi, giờ lại phải một lúc đưa ra một khoản tiền lớn như vậy, quả thực gia đình cô không lo nổi. Nhưng… tính mạng của bố cô… cô phải lo đủ, có chết cũng phải lo cho đủ!
Vân Nhi gạt nước mắt, cô gật nhẹ đầu cam chịu trả lời:
– Vâng… gia đình cháu sẽ cố gắng lo đủ… sớm nhất có thể!
Ông bác sĩ gật gù, hoàn cảnh đáng thương ông gặp quá nhiều rồi, nói chai sạn thì cũng không hẳn mà chính xác là cảm giác bất lực không thể làm gì. Vân Nhi không làm phiền bác sĩ thêm, cô thẫn thờ trở lại phòng hồi sức cấp cứu. Bà Lụa xót xa nhìn sắc mặt tái mét của con gái, e dè hỏi:
– Nhi, bác sĩ nói gì hả con?
– Bác sĩ nói bố phải phẫu thuật càng sớm càng tốt để kéo dài thời gian… sống. Chi phí cần… là một tr.ăm tr.iệu.
– Trời ơi… một tr.ăm tr.iệu thì đào ở đâu ra… Ông Khiêm… sao ông lại đam mê rượu thuốc mà làm khổ vợ khổ con thế này… huhuhu…
Bà Lụa khóc nấc lên, ôm lấy mặt hai vai rung rung làm những người cùng phòng hồi sức cũng phải ái ngại. Vân Nhi vỗ về bà:
– Mẹ… chúng ta phải lo thôi… không còn con đường nào khác!
– Lo thế nào… thế nào hả con? Bán nhà à con ơi?
Vân Nhi lắc đầu, nuốt nước mắt cô nắm lấy tay mẹ:
– Không… bán nhà đi rồi mẹ với cái Ánh ở đâu? Nhà này là nhà hương hỏa họ hàng mình cũng không cho mẹ con mình bán đâu mẹ… Lúc nãy… con cạn nghĩ nên nói vậy… mẹ đừng nghĩ đến chuyện bán nhà nữa! Con sẽ tìm cách vay mượn cho đủ… Vay họ hàng bạn bè, mỗi người một ít! Sẽ đủ thôi… mẹ cứ tin thế mẹ nhé!
Bà Lụa chẳng thể nói gì, sức bà muốn lo cũng chẳng lo được. Ông Khiêm chồng bà là con trưởng, vợ chồng bà bao năm chịu áp lực phải sinh con trai nối dõi nhưng bà không làm được, bà luôn cảm thấy có lỗi với họ hàng dòng tộc, giờ lại còn bán căn nhà hương hỏa nữa thì… bà có chết cũng không nhắm được mắt.
Vân Nhi ngồi một góc mở chiếc phong bì Thành Huy dúi theo quý giá như sinh mệnh lúc này. Số tiền trong đó khiến cô cảm kích anh vô cùng. Mười triệu cho một sự đền bù, con số này vốn dĩ là quá lớn, lương cả tháng cô làm ở Kim Liên lúc trước cũng chỉ được bốn triệu, thế nhưng… khoảng cách đến con số một tr.ăm tr.iệu kia vẫn còn xa xôi quá!
Ngay trong buổi tối Vân Nhi gọi điện nhắn tin khắp họ hàng bạn bè. Bạn cô toàn sinh viên, họ hàng toàn nông dân ở chốn làng quê nghèo, cuối cùng số tiền vay mượn được cũng chỉ có độ hai chục tr.iệu, trong đó Mai Anh đã cho cô vay đến năm tr.iệu. Trong tay Vân Nhi lúc này có ba m.ươi tr.iệu, còn bảy m.ươi triệu nữa… cô biết kiếm ở đâu đây?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.