Tứ Hoàng Tử

Chương 4: Mười năm trước




Nhớ lại năm đó, Lý Thụy hắn bị tai nạn xe, tỉnh dậy xung quanh vừa tối vừa tanh mùi máu. Phát hiện cơ thể có điểm kỳ quái, còn chưa kịp ổn định tinh thần. Một người phụ nữ trung niên ở bên cạnh vừa khóc vừa dặn dò hắn. Nói hắn là công chúa của đương kim hoàng thượng, mẫu phi hắn vì khó sinh mà qua đời. Bản thân hoàng thượng cũng không biết hắn còn có một đứa con. Người phụ nữ bên cạnh là mẹ nuôi chăm sóc hắn năm năm. Đây là một thôn làng hẻo lánh chỉ có vài hộ dân. 
Đêm hôm trước giặc phỉ cướp bóc tàn sát toàn bộ dân làng. Hắn vì được mẹ nuôi đem đi giấu mới thoát được một kiếp, trên người mới không bị đao chém, nhưng hắn bị giấu trong hòm quá lâu nên không còn hơi thở. Mẹ nuôi mang hắn ra tưởng hắn đã chết, còn đang hoảng loạn thì hắn lại mở mắt tỉnh dậy. Trên người mẹ nuôi cũng bị đao chém một nhát, chỉ kịp dặn dò hắn mấy câu, nhét vào tay hắn một cây trâm cài tóc của nữ nhân rồi gục đầu chết.  
Lý Thụy dò dẫm bước ra bên ngoài, khắp nơi bừa bộn, quang cảnh đúng là thảm không kể xiết. Lại nhìn cơ thể nhỏ bé của mình, cười khổ không thôi. Hắn quay vào nhà tìm kéo cắt ngắn mái tóc, gói tóc lại rồi chôn ở sau nhà. Lại kiểm tra đồ đạc trong nhà kĩ lưỡng. Hắn không muốn để lại chút manh mối nào. 
Lý Thụy tìm thấy một cái bánh bao trong nồi. Trước tiên phải ăn chút đồ lấy lại sức rồi nghĩ cách. 
Nếu không tiến cung, dựa vào cơ thể của hắn hiện tại muốn kiếm sống quả thực không dễ dàng. Không ai thuê một đứa bé làm việc, chỉ có thể ra đường làm ăn mày. Bữa đói bữa no, không có chỗ ngủ tử tế, rất dễ sinh bệnh. Không có tiền khám bệnh chỉ còn đường chết. 
Nhưng nếu tiến cung, cho dù hắn tìm được đường từ đây đến hoàng cung. Ai sẽ cho hắn gặp hoàng đế? 
Lý Thụy vừa gặm bánh bao vừa suy tính. Bỗng nhiên có tiếng vó ngựa dồn dập. Hắn vội trốn vào trong nhà. Mẹ kiếp, lũ giặc phỉ này cũng quá không có nhân tính. Cái thôn nghèo nát như vậy cũng đánh cướp, cướp rồi cũng thôi đi. Còn giết sạch không chừa một ai. Giết rồi cũng thôi đi, nhưng còn quay lại làm gì? Cắn rứt lương tâm nên đến dọn xác đem chôn chắc. 
“Chúng ta đến trễ rồi. Nơi này chắc hẳn vừa bị tấn công. Các ngươi mau tìm kĩ, một nữ nhân hơn hai mươi tuổi dung mạo xinh đẹp và một hài tử tầm năm tuổi”. 
Một giọng nói bên ngoài chỉ huy binh lính. 
Lý Thụy trong nhà giật mình. Ô! Các ngươi không phải đến tìm ta đấy chứ. Đến cũng thật là đúng lúc. “Mẹ nuôi” nói ngoài mẹ nuôi và “mẫu phi”, chỉ có một người nữa biết đến sự tồn tại của hắn. Chính là vị hoàng hậu tốt bụng trong cung. Binh lính bên ngoài có lẽ đến đón hắn và mẫu phi hồi cung. Đáng tiếc, mẹ ruột của thân xác này đã qua đời năm năm trước rồi. 
Bên ngoài lại vang lên tiếng binh lính bẩm báo:
“Tướng quân, chúng ta đã nhìn kĩ, không có hai người như vậy. Tổng cộng có mười bốn thi thể. Nữ nhân chỉ có hai người hơn bốn mươi tuổi và một nữ hài tử chín, mười tuổi. Cũng không còn hài tử nào khác”.
“Hoàng thượng có lệnh phải đón được hai người bọn họ bình an hồi cung. Tìm kĩ từng nhà cho ta, có thể còn có hi vọng”.  Vị tướng quân trên mặt tràn đầy lo lắng, hai người kia một người là nữ nhân một là hài tử, nhất định lành ít dữ nhiều. Liệu có phải là may mắn không có trong thôn lúc xảy ra án mạng hay không? Hắn vừa định phân phó thuộc hạ đi tìm kiếm các khu vực xung quanh, thì bên này Lý Thụy nghe được mới an tâm đi ra. Hắn sợ những kẻ được phái đến là giết người diệt khẩu, thời đại này rất biến thái, nói giết là giết, ai biết hoàng hậu tốt bụng kia có tốt bụng thật không, nên mới trốn ở trong nhà không dám ra. Nghe người kia nói “phải đón bọn họ bình an” hắn mới an tâm rời khỏi chỗ nấp.
“Mã tướng quân, ở đây có một hài tử”. Một binh lính nhìn thấy Lý Thụy vội vàng hô to. 
Mã tướng quân nghe được vội vàng chạy đến bên này. Nhìn thấy Lý Thụy thì rất đỗi vui mừng nhưng lại không biết hỏi thế nào. Hỏi ngươi có phải con của hoàng thượng hay không ư, nhỡ nó gật bừa thì khác nào hắn phạm tội khi quân. Hắn phân phó thuộc hạ:
“Mau vào nhà tìm xem có còn ai khác không?”. Cho dù sống hay chết, tìm thấy Khánh nương nương trong nhà này, chứng tỏ hài tử này là con của hoàng thượng.
“Không cần tìm. Mẫu thân của ta đã sớm qua đời rồi. Là phụ hoàng sai tướng quân đến? Phiền tướng quân giúp ta chôn cất mẹ nuôi, người vì cứu ta mà mất mạng”. Lý Thụy vừa khóc vừa nói. Cũng may hắn lúc nãy nhanh trí tìm thấy được chút bột ớt. 
Mã tướng quân vào nhà thấy chỉ có một phụ nhân lớn tuổi đã tắt thở. Liền phân phó thuộc hạ chôn cất toàn bộ dân làng. Hắn nhìn Lý Thụy thầm tán thưởng. Đúng là một hài tử thông minh. Đứa nhỏ này trốn ở trong nhà vì lo sợ giặc phỉ quay lại, khi biết là quan quân triều đình phái đến mới đi ra. Tuy là vừa khóc vừa nói, nhưng lời lẽ rất rõ ràng, hỏi đáp rành mạch. Mã tướng quân nhìn quang cảnh thê thảm trong thôn, cũng không trách được đứa nhỏ này kinh sợ. Cũng may hắn còn chưa đến quá muộn. Liền nhanh chóng mang theo Lý Thụy hồi cung.
Hoàng thượng khi nghe được tin Khánh phi đã qua đời đau lòng không thôi, lại nhìn hài tử trước mặt quần áo thô bẩn thì càng đau xót. Hắn là vua một nước, nhưng đến nữ nhân của mình cũng không bảo hộ được. 
Sáu năm trước, trong triều có tặc tử kết bè kéo cánh muốn mưu phản. Hắn lúc đó vừa đối phó với phản tặc, vừa đề phòng giặc ngoại xâm, chuyện trong cung các phi tần tính kế, hãm hại nhau hắn muốn quản cũng không có thời gian để ý toàn bộ. Mà hoàng hậu lúc bấy giờ vì đại hoàng tử yểu mệnh qua đời, trong lòng u uất sinh bệnh, không thể quản chế hậu cung. 
Bệnh tình hoàng hậu càng lúc càng chuyển biến xấu. Hai hôm trước tin tức giặc phỉ hoành hành ngang ngược khắp nơi, cố tình chống đối triều đình trong cung không một ai không bàn luận đến. Hoàng hậu nghe thấy hoảng hốt không thôi, liền cho cung nữ mời hoàng thượng đến. 
Từ lời kể của hoàng hậu, hoàng thượng mới rõ sự tình. Vì các phi tần tính kế hãm hại nhau, Khánh phi đến cầu xin hoàng hậu đưa nàng ra khỏi cung. Lúc đầu nghe Khánh phi nói đang mang thai rồng liền nhất định không đồng ý cho nàng rời đi. Sau vì Khánh phi dập đầu nói, nàng không có phụ thân làm quan trong triều, hài tử sinh ra chỉ sợ không trưởng thành được. 
Hoàng hậu tuy thân thể bệnh tật cũng không phải không biết trong hậu cung phi tần trước mặt hoàng thượng xưng hô tỷ muội với nhau, sau lưng lại ra tay hãm hại nhau tàn độc không thôi. Lại nhớ đến đại hoàng tử đã mất mà đau lòng, suy nghĩ một hồi cuối cùng đáp ứng. Hoàng hậu an bài nàng cho một cung nhân có bà con ở một thôn làng hẻo lánh, vốn định để mẫu tử Khánh phi cả đời bình an trong dân gian. Nay vì nghe tin giặc phỉ hoành hành, đến các thôn làng nhỏ cũng không từ. Sợ hãi kể rõ cho hoàng thượng, muốn người đón mẫu tử Khánh phi hồi cung. 
Hoàng hậu kể rõ sự tình, trong lòng cũng không còn vướng bận, đến nửa đêm thì qua đời. Hoàng thượng cảm động tấm lòng của nàng, lập chiếu an táng hoàng hậu vào hoàng lăng, truy phong nàng thụy hiệu Hiếu Huệ Hoàng Hậu; tuyên bố về sau không lập kế hậu. 
Lại cho Mã tướng quân dẫn binh lính lập tức đi đón mẫu tử Khánh phi bình an hồi cung. Kết quả nghe được Mã tướng quân bẩm báo, Khánh phi nương nương vì khó sinh đã sớm qua đời. 
Hoàng thượng vừa mất đi hoàng hậu, lại nghe tin nữ nhân hắn sủng ái nhất cũng không còn; trong lòng tiếc thương không thôi. Lại nhìn ngắm nam hài tử trước mặt, tuy y phục thô bẩn vẫn không che giấu được ánh mắt sáng ngời; gặp kinh hách vẫn giữ được bình tĩnh, lớn lên nhất định sẽ làm nên nghiệp lớn. 
Ánh mắt hoàng thượng nhìn hài tử của mình càng nhìn càng thích, gọi Lý Thụy đến gần hỏi:
“Mẫu phi con có di ngôn gì không?”.
Lý Thụy nào biết “mẫu phi” có di ngôn gì. Nhưng cái này cũng không làm khó được hắn, liền cố ra dáng một đứa trẻ lễ phép đáp:
“Bẩm phụ hoàng, nhi thần vừa ra đời mẫu phi đã không còn, không kịp chính tai nghe mẫu phi dặn dò. Nhưng…”.
Lý Thụy vừa định nói là mẹ nuôi, lại nghĩ con của hoàng đế không thể gọi người khác là mẹ bừa bãi, đành đổi thành gọi vú nuôi:
“… vú nuôi trước lúc qua đời có đưa cho nhi thần vật này”. Nói xong hai tay dâng lên hoàng thượng. 
Hoàng thượng nhìn cây trâm hắn tặng cho Khánh phi trong lòng bùi ngùi, lại hỏi:
“Mẫu phi gọi con là gì?”.
“Bẩm phụ hoàng, là Thụy nhi”. Lý Thụy ngay lập tức đáp.
“Thụy nhi, kể từ hôm nay trở đi, con chính là tứ hoàng tử của trẫm. Mẫu phi con trước kia ở Khánh Đô cung, trước khi có phủ riêng con sẽ ở cung Khánh Đô. Sáng mai trẫm sẽ đưa con đến gặp hoàng tổ mẫu”. Hoàng thượng dặn dò rồi cho thái giám đưa Lý Thụy đến Khánh Đô cung.
Lý Thụy về tẩm cung của mình chưa được bao lâu thì chiếu chỉ sắc phong chính thức của hoàng thượng đã đến. Đúng là vua một nước, dù đang đau lòng vì mất vợ lớn vợ bé, tác phong làm việc vẫn không hề giảm sút. Thật là mau lẹ. Lý Thụy quỳ gối nghe thái giám đọc mà ù cả tai. Đại khái hoàng thượng ban cho hắn một cái tên dài ngoằng, năm ngày sau sẽ làm đại lễ sắc phong chính thức rồi tuyên bố với quần thần gì đấy. Hoàng tử bình thường thì cũng không cần làm đại lễ “nhậm chức” với lễ “ra mắt” cấp dưới. Nhưng hắn không giống các hoàng tử khác, bởi vì hắn ở bên ngoài năm năm nên để tránh dị nghị mới phải theo thủ tục đường hoàng. 
Thái giảm truyền chỉ đọc xong rời đi. Lý Thụy cũng cho nô tài trong cung lui ra hết. Một mình nằm trên giường suy nghĩ. 
Chuyện xảy ra bất ngờ, hắn đối với việc bản thân còn sống vừa vui mừng vừa khó tin. Hắn là người của thế kỉ hai mươi mốt, chuyện trên đời có người chết rồi sống lại, hồn nhập vào cơ thể khác, hắn chưa bao giờ nghe qua. Giả sử có người nói với hắn chuyện như vậy, Lý Thụy nhất định sẽ cho rằng đối phương thần kinh có vấn đề. 
Nhưng hiện tại vấn đề này lại rơi vào trên người hắn. 
Lý Thụy đau đầu không thôi. Nhưng hắn vốn là người quyết đoán, mau lẹ. Tạm thời nghĩ không ra thì gác lại. Việc cần làm bây giờ còn rất nhiều.
Đầu tiên, cơ thể này là một bé gái chỉ mới năm tuổi. Tuổi tác cũng không phải vấn đề, hắn ít nhiều là doanh nhân thành đạt, kiến thức học được không hề ít, thương trường hắn còn không coi ra gì thì giả làm một đứa bé cũng không khó. 
Mà vấn đề không nhỏ là giới tính của cơ thể này. Trước khoan nói đến chướng ngại tâm lý, hắn là kẻ thích nghi rất tốt, từ từ sẽ vượt qua được. Nhưng giấu giếm thân phận lại là việc nan giải. Nơi này là hoàng cung, chỉ cần có chút mất cảnh giác sẽ bị phát hiện. Hắn bây giờ còn nhỏ, cơ thể chưa thể còn chưa phát triển. Nhưng một khi đến tuổi dậy thì, cơ thể phát dục, chỉ sợ giấu đầu lòi đuôi. 
Hắn lại bắt đầu phân tích cơ thể của nam và nữ khác biệt nằm ở những điểm nào.
Nữ nhân ngực nhô, nam nhân ngực phẳng. Quấn vải che ngực gì đó nghĩ cũng đủ thấy không phải biện pháp có tác dụng. Nhất định phải làm cho cơ thể này săn chắc, cường tráng. Thời đại này không có giải phẫu cắt bỏ ngực, chỉ có thể dùng thuốc. Bác sĩ tốt nhất nên tìm ở đâu? Trong đầu Lý Thụy liền nhớ ra, “bệnh viện” cổ đại lớn nhất không phải thái y viện? Chính là phải tìm thái y có y thuật cao minh nhất, sau đó mua chuộc. Mà mua chuộc lòng người không ai có thể giỏi hơn Lý Thụy hắn. Còn điểm khác biệt thứ nhì, Lý Thụy cúi đầu nhìn xuống, trong lòng buồn bực nhưng lại cảm thấy còn có chỗ may mắn. Cái nam nhân có mà nữ nhân không có, cái này có thể nghĩ biện pháp che giấu.
Phải nói Lý Thụy là người thông minh mới sớm đề phòng mọi chuyện. Nếu không phải hắn tính toán kĩ, không sớm thì muộn sẽ có người phát hiện ra cơ thể hắn vốn không phải là hoàng tử, mà là công chúa.
Hoàng tử là chủ tử trong cung, việc tắm rửa thay y phục đương nhiên sẽ có cung nữ hầu hạ. Để người khác nhìn thấy hắn không có thứ “nhất định phải có” kia, hắn chết chắc. Lý Thụy liền nghĩ ra đối sách. Lúc đi tắm, Lý Thụy đợi cung nữ đổ nước đầy thùng rồi lại “thẹn thùng” cho cung nữ lui ra để hắn tự cởi y phục. Lý Thụy dùng khăn quấn quanh hông, giống như thời hiện đại vào phòng tắm hơi. Ngồi vào thùng tắm rồi mới gọi cung nữ vào hầu hạ kỳ lưng. Tiểu cung nữ muốn giúp hắn vệ sinh phía dưới, Lý Thụy liền ngăn lại nói:
“Vú nuôi ta có dặn, cơ thể nam nhân không thể để người khác tùy tiện nhìn, chỉ có thê tử mới có thể”. 
Tiểu cung nữ nghe giọng nói non nớt nói cái gì mà nam nhân với thê tử, không nhịn được phì cười. Sau vì Lý Thụy rất kiên quyết nên mỗi lần tắm cũng chỉ giúp hắn chuẩn bị nước tắm, kỳ lưng cho hắn. Còn lại Lý Thụy sẽ tự mình làm. Tắm xong tự thay y phục rồi mới gọi cung nữ dọn dẹp. Tất nhiên biện pháp này Lý Thụy chỉ là dùng tạm, cho dù là cơ thể một đứa bé, nhưng sao có thể che giấu được lâu. Về sau hắn có tiền lương, tiền thưởng liền lấy ra “mua chuộc” toàn bộ cung nhân trong cung của hắn. Việc tắm rửa về sau đều do Lý Thụy tự làm lấy. Lúc hắn tắm không muốn bất kỳ ai quấy rầy. 
Cho đến năm Lý Thụy mười một tuổi, thái hậu sai cung nữ bên người đến hầu hạ hắn. Lý Thụy nhức đầu liền diễn vai kẻ háo sắc, dọa sợ hai cung nữ. Cũng thành công chấm dứt mọi ý định bén mảng đến gần hắn của nữ tử trong cung. Còn về việc hắn như thế nào dọa hai cung nữ kia? Cũng chẳng có gì, nữ tử cổ đại da mặt quá mỏng, hắn dùng lời nói đã có thể khiến hai tiểu cung nữ bỏ chạy mất dạng.
Còn có một vấn đề phiền toái khác. Con người ai không có lúc ốm đau, cho dù hắn là “hoàng tử” cũng không ngoại lệ. Từ lúc nghĩ đến chuyện tìm thái y, Lý Thụy cũng đã nghĩ đến vấn đề này. Hắn không rõ cơ thể đến độ tuổi nào thì lúc bắt mạch sẽ tính ra được là nam hay là nữ. Nhưng hắn từ bên ngoài vào cung, trước lúc “nhậm chức” nhất định sẽ có thái y đến khám bệnh kĩ lưỡng. Cái này cũng giống như ở thời hiện đại muốn xin việc làm phải có giấy khám sức khỏe. 
Cho nên Lý Thụy vì không muốn chết hay vì muốn che giấu thân phận bắt buộc phải mua chuộc được thái y giỏi nhất. 
Biết được ai là thái y giỏi nhất không khó, chỉ cần hỏi chuyện các cung nữ. Lý Thụy đương nhiên không phải kẻ bộp chộp, hắn chỉ gợi chuyện để có được đáp án mong muốn mà không khiến ai để ý việc hắn muốn biết gì. Sau lại quan sát thái y kia nửa ngày trời xem vị thái y đó có thật sự có y thuật cao hay là hữu danh vô thực. 
Lý Thụy dùng đến mọi biện pháp có thể, trải qua một ngày trời, cuối cùng có được đầy đủ thông tin.
Tống thái y năm nay bốn mươi tuổi. Hắn mười lăm tuổi đã tinh thông y thuật, chữa được những bệnh mà đại phu bình thường cũng phải bó tay. Năm hai mươi tuổi vào làm ở thái y viện, chỉ giữ một chức quan nhỏ. Chỉ sau tám năm, hắn thăng đến hàm quan ngũ phẩm, đứng đầu thái y viện. Lập không ít công trạng. Tống thái y dành trọn tâm huyết cho việc nghiên cứu chữa bệnh, chỉ có một thê tử sinh được một nữ nhi năm nay bốn tuổi. Không có thiếp thất. 
Lý Thụy tán thưởng Tống thái y là “bác sĩ có tâm huyết”, lại không ham mê nữ sắc. Người như hắn nhất định xem trọng tình thân. Không thể dùng bạc mua chuộc, mà Lý Thụy vốn cũng chưa có bạc để đút lót cho thái y. Liền nghĩ ra một kế.
Chính là lần thứ hai đến cung thái hậu, hoàng tổ mẫu quan tâm hoàng tôn mới đón về cung này, lo lắng hắn ở bên ngoài chịu khổ. Liền muốn cho mời Tống thái y đến. Lý Thụy liền giả vờ sợ hãi hỏi có phải khám bệnh sẽ bị đau hay không, phải uống thuốc rất đắng hay không. Thái hậu hiền từ trấn an hắn. Lý Thụy lại cố ý nhắc đến năm ngoái hắn bị phong hàn, vú nuôi có mời đại phu đến xem bệnh dẫn theo một tiểu muội muội. Hắn sợ đau không dám để đại phu châm cứu, sau nhờ có tiểu muội muội hát cho hắn nghe nên hắn mới không sợ nữa. Lý Thụy hỏi thái hậu:
“Hoàng tổ mẫu, Tống thái y có hài tử không, Thụy nhi muốn có tiểu muội muội hát cho Thụy nhi nghe, như vậy Thụy nhi sẽ không sợ thái y xem bệnh nữa”. 
Lý Thụy một tiếng Thụy nhi, hai tiếng Thụy nhi ngọt ngào làm tâm thái hậu mềm nhũn. Trước mặt hoàng thượng, Lý Thụy chỉ xưng nhi thần, bộ dáng ngoan ngoãn lễ phép. Lúc này lại sắm vai một đứa cháu nội nũng nịu với thái hậu. 
Thái hậu thấy cũng không phải việc gì lớn, cho người triệu kiến Tống thái y, đồng thời dặn dò hắn mang nữ nhi vào cung. 
Lý Thụy lại vui vẻ nói với thái hậu, hắn có lễ vật để ở cung Khánh Đô, muốn dâng lên hoàng tổ mẫu. Thái hậu vừa ngạc nhiên vừa hiếu kỳ, càng cảm thấy yêu thích đứa cháu này. Định sai cung nữ cùng hắn về cung Khánh Đô. Lý Thụy nói muốn giữ bí mật, cười hì hì mấy tiếng rồi lỉnh mất. Mà thái hậu cũng không trách hắn, cho rằng hắn ngoan ngoãn hiểu chuyện, lại thông minh lanh lợi trong lòng càng vui vẻ. Cung nữ ở bên nào là khen tứ hoàng tử đáng yêu, hiếu thuận; nào là thái hậu tấm lòng bồ tát nên công chúa hoàng tử nào cũng muốn hiếu kính người. 
Trong cung thái hậu tiếng cười nói không dứt. Mà Lý Thụy lại không hề nhàn rỗi. Cha con Tống thái y vào cung, đầu tiên sẽ đến thái y viện để Tống thái y chuẩn bị “đồ nghề”. Lý Thụy nhanh chân chạy đến thái y viện, nấp vào một chỗ.  
Đúng lúc này thì có một cung nữ bước vào thái y viện, nói Dung phu nhân thai nghén trong người không thoải mái, muốn mời Tống thái y. Vị phu nhân này mới vào cung, tuy chỉ là một phu nhân trong cung không tính là có thân phận gì cao, nhưng nàng lại là tân sủng của hoàng thượng. Các thái y không dám đặc tội, chỉ nói Tống thái y được thái hậu triệu kiến. 
Tống thái y vừa đến thái y viện, nghe được những lời này đang định lên tiếng thì Lý Thụy bước vào cười nói:
“Hoàng tổ mẫu cho mời Tống thái y là muốn ngài xem thân thể ta có khỏe mạnh hay không, cũng không phải việc gì gấp. Tống thái y trước tiên cứ giúp Dung phu nhân rồi lại đến chỗ hoàng tổ mẫu sau là được”. 
Rồi lại bước đến cười với nữ hài tử bên cạnh Tống thái y:
“Muội muội đáng yêu, ca ca đưa muội đến ngự thiện phòng ăn điểm tâm”. 
Tống Nghi nhìn thấy trước mặt là một nam hài tử xinh đẹp, miệng có hai má lúm đồng tiền, lại nghe hai tiếng “ca ca” thì vui vẻ gật đầu. Tống thái y chỉ có một mụn con, Tống Nghi bình thường không có huynh đệ tỷ muội chơi cùng. Thấy Lý Thụy nói dẫn mình đi ăn bánh liền đi đến bên cạnh hắn.
Tống thái y dặn dò đồ đệ đến cung thái hậu bẩm báo, để tránh thái hậu trách phạt; rồi theo chân cung nữ kia rời đi.
Ngự thiện phòng cách thái y viện không xa, Lý Thụy dắt Tống Nghi vào trong. Đầu bếp nghe Lý Thụy nói muốn ăn bánh liền chuẩn bị một phần điểm tâm tinh xảo, đưa hai đứa trẻ vào một căn phòng nhỏ bên cạnh rồi quay về chuẩn bị ngọ thiện. Mà Lý Thụy vốn trước đó đã lẻn vào thái y viện kiếm được thuốc an thần. Hắn không muốn làm tổn thương đứa bé bên cạnh nên chỉ cho liều lượng rất nhỏ vào sữa bò. Tống Nghi rất ngoan ngoãn nghe lời hắn ăn bánh, uống sữa. Chưa đầy một khắc, dưới tác dụng của sữa bò và thuốc an thần liền thiếp đi. 
Căn phòng nhỏ này vốn được khóa từ bên trong, Lý Thụy dùng dây mảnh khéo léo quấn quanh chốt cửa, rồi cõng Tống Nghi lên lưng ra khỏi phòng. Từ bên ngoài giật mạnh sợi dây, căn phòng bị khóa trái. Hắn thử đẩy mạnh cảm thấy cửa chắc chắn đã khóa mới thu hồi sợi dây rồi rời đi. 
Lý Thụy cõng Tống Nghi đến bóng cây cách đó không xa, chỗ này rất khuất, Tống Nghi lại nhỏ rất dễ giấu. Để Tống Nghi ngoan ngoãn nằm ngủ ở đó, Lý Thụy lại chạy đến mé trái Ngự Thiện Phòng, lẻn vào một căn phòng khác. Ngự Thiện Phòng chỗ nào cũng có dụng cụ để nấu nướng. Lý Thụy lấy dầu, cứ chỗ nào có vải là tưới lên. Lại lấy đá đánh lửa đánh đau cả tay mới ra lửa, bắt đầu đốt. Trước kia lúc đi dã ngoại đã từng học qua kĩ năng sinh tồn, học cách dùng đá đánh lửa cũng không có gì khó. Chỉ là hiện tại tay hắn nhỏ, lực tay yếu, phải mất một lúc mới “phóng hỏa” được. Lửa vừa cháy Lý Thụy liền mau chóng rời khỏi “hiện trường”. 
Đến khi có đầu bếp phát hiện có căn phòng đang bốc cháy liền hoảng hốt gọi tất cả đầu bếp đi dập lửa. Lý Thụy giương đông kích tây thành công, chạy đến phòng bếp lúc này không còn một ai. Ở đây có sẵn củi lửa, dầu rất nhiều, mà khăn vải cũng không ít. Lý Thụy nhanh chóng đá đổ tất cả thùng đựng dầu, lại cố ý làm dầu lan đến căn phòng nhỏ bên cạnh. Chính là căn phòng lúc trước đầu bếp đưa hắn và Tống Nghi vào dùng điểm tâm. Lý Thụy phóng hỏa lần hai rồi chạy ra cửa sau đến chỗ Tống Nghi. Cô bé còn đang ngủ. Hắn đem tấm chăn lấy được trong một căn phòng đắp cho cô bé.
Đầu bếp đang dập lửa bên mé trái không chú ý động tĩnh bên kia, đến lúc cảm thấy lửa đã dập được một nửa thì lại cảm thấy hơi nóng hầm hập, nghe âm thanh lép bép như gỗ cháy. Đầu bếp tròn mắt nhìn nhau, một người la to: “Hình như bên kia cũng cháy rồi!”.
Mọi người chạy ra khỏi phòng thì sững sờ. Ngự thiện phòng rộng lớn, có một gian sảnh chính để bày biện đồ ăn dâng lên cho các cung. Nơi này cột lớn tường chắc, nhưng các gian phòng nhỏ bên cạnh thì không như vậy. Có mấy gian phòng nhỏ là nơi dùng cơm của đầu bếp, hoặc chứa củi và nguyên vật liệu để chế biến thức ăn. Toàn bộ đều là gỗ thông thường dễ bén lửa. Mà gian bếp chính để nấu ăn tập trung củi dầu lúc này đang cháy lớn. 
Đầu bếp hoảng hốt dập lửa. Một số thái giám, cung nữ từ xa nhìn thấy cũng vội vàng đến giúp. Lúc này thì một đầu bếp đột nhiên nhớ ra, thất kinh la lên:
“Tứ hoàng tử còn ở trong đó chưa đi ra. Chính là căn phòng bên cạnh bếp chính”.
Có thái giám tạt nước lên người xông vào, chỉ một lát lại hốt hoảng xông ra nói:
“Phòng bị khóa rồi, có đẩy thế nào cũng không mở được”.
Ba, bốn thái giám định xông vào cùng nhau hợp sức tông cửa cứu người, nhưng lúc này lửa lại cháy mạnh, một thanh gỗ lớn mang theo lửa cháy phừng phực rơi xuống chặn ngay lối vào. Đừng nói là căn phòng nhỏ kia, ngay đến gian bếp cũng không xông vào được.
Mà thái hậu từ lúc nghe có cháy đã hốt hoảng mang theo cung nữ đến Ngự thiện phòng. Đồ đệ của Tống thái y có đến bẩm báo nói tứ hoàng tử muốn dẫn nữ nhi của Tống sư phụ đến Ngự thiện phòng dùng điểm tâm. Vì Dung phu nhân thân thể không khỏe muốn mời Tống sư phụ đến khám. Thái hậu thấy Dung phu nhân được sủng ái mà sinh tật nhưng nể nàng mang long thai nên cũng không trách tội; lại thấy tứ hoàng tử còn nhỏ hiểu chuyện nên không để ý đến chuyện tứ hoàng tử tại sao lại chạy đến thái y viện.
Thái hậu hốt hoảng đến Thái y viện, mà bên kia Tống thái y nghe tin cũng hoảng sợ vội vàng chạy đến nơi này. Lúc mọi người đều đến nơi, lửa đã cháy hơn nửa canh giờ. Thái hậu vô cùng tức giận, hỏi tứ hoàng tử đâu. Một đầu bếp quỳ xuống khóc nói:
“Khởi bẩm thái hậu, tứ hoàng tử… tứ hoàng tử và Tống tiểu thư còn ở bên trong. Lửa cháy quá lớn không ai đi vào được”.
“Có chắc chắn tứ hoàng tử còn ở bên trong không?”.
“Lúc tứ hoàng tử và Tống tiểu thư vào bên trong chưa hề thấy ra. Căn phòng đó lại bị khóa kín lúc Tiểu Thức Tử xông vào đẩy cửa không được nên mới chậm trễ việc cứu người”. Tiểu Thức Tử chính là thái giám lúc đầu đi vào.
“Khóa kín? Làm sao lại khóa kín?”. Thái hậu vừa nhìn chúng nô tài vẫn đang dập lửa, mà hy vọng cứu được tứ hoàng tử chỉ e không còn. Lại nhớ đến bộ dáng tứ hoàng tử ngoan ngoãn đáng yêu gọi hoàng tổ mẫu. Nhất thời khóe mắt ươn ướt. Thái hậu đau lòng mà càng thêm tức giận: “Kẻ nào chịu trách nhiệm nơi này?”.
“Bẩm… bẩm… thái hậu, căn phòng kia vốn để cất giữ những nguyên liệu quý nên bên trong có làm một cái chốt, là để buổi tối có người ngủ bên trong canh chừng. Vì căn phòng đó sạch sẽ nên chúng nô tỳ mới để tứ hoàng tử vào đó dùng điểm tâm…”. Đầu bếp vừa giải thích vừa hoảng sợ. Tứ hoàng tử gặp nạn, bọn họ chỉ e đầu sắp lìa khỏi cổ rồi.
Không ai để ý đến Tống tiểu thư sống chết ra sao. Mà Tống thái y lúc này lảo đảo suýt ngất. Hắn chỉ có một đứa con. Tuổi tác hắn cũng đã lớn, phu nhân hắn vì sinh non cơ thể yếu ớt. Hắn giúp nàng giữ được tính mạng, nhưng về sau không thể lại có con. Mà Tống Nghi dù là nữ nhi nhưng là đứa bé rất ngoan ngoãn. Hắn về sau còn định dạy nàng y thuật. Tống thái y không giống quan lại khác, hắn lớn lên trong dân gian chứng kiến dân chúng bệnh tật, một lòng muốn nghiên cứu y thuật cứu người. Tư tưởng không có phân biệt nam nữ, cho dù con hắn là nữ nhi cũng muốn dạy dỗ để sau này nối nghiệp hắn, giúp dân chữa bệnh cứu người. Thay hắn thực hiện tâm huyết. Tống thái y vì y thuật cao mà được mời vào cung chữa bệnh, sau lại bị giữ lại ở thái y viện. Không thể theo ý nguyện đi khắp nơi hành y cứu người. 
Lửa bên trong cháy, mọi người bên ngoài khóc. 
Đến lúc lửa sắp được dập hết, bên trong lại có bóng người lao ra. Chính là tứ hoàng tử trên lưng cõng Tống Nghi. 
Lý Thụy trốn kĩ phía sau Ngự thiện phòng chính là đợi thời cơ này. Lúc lửa cháy hết đã không còn nguy hiểm, hắn lấy chăn chạy đến chỗ giếng nước nhúng kĩ rồi quay lại cõng Tống Nghi. Mọi người đều ở phía trước dập lửa, không ai để ý động tĩnh phía sau vốn không bị lửa lan đến. Lý Thụy từ cửa sau đi vào, chú ý phía trên đầu tránh đi vào những chỗ có thể có vật nặng rơi xuống. Lại cố tình làm bản thân và Tống Nghi lấm bẩn. Lúc đi tới gian bếp liếc nhìn căn phòng kia thấy nơi đó đã gần như cháy trụi. Rất tốt, không để lại dấu vết. Tứ Thụy cố ý làm dầu lan đến đó chính là muốn thiêu hủy chứng cứ. Cảm thấy Tống Nghi trên lưng khẽ ho, Lý Thụy thấy nơi này nhiều khói ở lâu không tốt, nhanh chóng cõng cô bé chạy ra ngoài.
Thái hậu cùng mọi người nhìn thấy tứ hoàng tử chạy ra từ đám cháy thì kinh hỉ vô cùng. 
“Thụy nhi, Thụy nhi, ngươi không sao chứ?”. Thái hậu vội vàng chạy đến đỡ hắn. Mà Tống thái y cũng vui mừng chạy qua đỡ Tống Nghi từ trên lưng Lý Thụy, đón lấy. 
Lý Thụy bị khói hun cho hai hốc mắt đỏ bừng, lấy chăn che đùi rồi trong chăn véo mạnh, nước mắt liền trào ra:
“Hoàng tổ mẫu… hu hu… Thụy nhi với muội muội ăn điểm tâm xong thì ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy không biết vì sao cửa lại đóng. Thụy nhi không mở được vội lớn tiếng hô nhưng không có ai đến…”.
Một đầu bếp nói:
“Bẩm thái hậu, lúc đó có lẽ bên mé trái có cháy nên toàn bộ chúng nô tỳ đều chạy đi dập lửa. Vì thế không ai nghe thấy tứ hoàng tử kêu cứu”.
Lý Thụy trong lòng vui mừng, ây da vị đầu bếp này nói thực hợp ý hắn, ngoài mặt lại tủi thân hức hức thêm hai tiếng. 
Thái hậu kiểm tra thân thể hắn thấy không bị bỏng thì thở phào một tiếng, lại hỏi:
“Thụy nhi làm sao lại thoát ra được?”.
Lý Thụy đã sắp sẵn câu trả lời, tay lau lau nước mắt đáng thương nhìn thái hậu:
“Then cửa cao hơn Thụy nhi, nhi thần kéo mãi không được. Lại thấy khói bốc lên mới biết bên ngoài đang cháy. Thụy nhi lấy dao khoét một góc ở cửa rồi cõng muội muội chạy ra. Nhưng mà đằng trước lửa quá lớn Thụy nhi  không dám đi ra, liền cõng theo muội muội đi vào một căn phòng trốn tạm. Đợi lửa cháy sắp hết, nhi thần thấy ấm nước trên bàn liền tưới lên chăn, sau lại thấy không đủ nước nên… nên… dùng nước của bản thân bù vào rồi choàng lên người chạy ra đây”.
Mọi người nghe đến câu cuối, nghiêng nghiêng đầu mới hiểu ra “dùng nước của bản thân” có nghĩa là gì. Có cung nữ phì cười. Lý Thụy giả bộ thẹn thùng gãi gãi tai:
“Hoàng tổ mẫu, Thụy nhi muốn về cung… tắm”.
Thái hậu nghĩ hắn vì bị cung nữ cười nên ngại, cười hiền hòa sai người đưa hắn về Khánh Đô cung. Lại nhân tiện bảo hai cha con Tống thái y đi theo tứ hoàng tử. 
Lý Thụy trong lòng thở phào. Một chiêu này thành công kéo sự chú ý của mọi người. Không ai kiểm chứng lại lời nói của hắn. Lúc thái giám kia vào cứu người, lúc đó Lý Thụy còn ở trong căn phòng đó không? Lúc đó lửa đã cháy, Lý Thụy nếu còn ở bên trong nghe thấy tiếng người gọi sao có thể im lặng không trả lời? Thời điểm đó hắn rõ ràng đã “ngủ dậy”. Nếu hắn không còn trong phòng nữa mà khoét được cửa chui ra, thái giám kia sao lại không thấy cửa bị khoét? 
Vì hỏa hoạn ai nấy đều tâm trạng hoảng loạn nên không chú ý đến những chuyện này. Mà bản thân thái giám kia cũng thấy có gì đó không thích hợp, lại không biết là chỗ nào không thích hợp. Cuối cùng vì không ai bị làm sao, chỉ có Ngự thiện phòng cháy hết phân nửa ra thì có thể nói lần hỏa hoạn này tuy khiến mọi người bị kinh sợ, lại không để lại hậu quả đáng tiếc nào. 
Thái hậu thấy tứ hoàng tử bình yên vô sự nên cũng không truy cứu trách nhiệm. Đầu bếp đều vui mừng, cuối cùng bọn họ cũng may mắn không bị chém đầu. Chỉ duy nhất có một vấn đề nhỏ phát sinh. Trưa hôm đó toàn bộ các cung đều….. nhịn đói!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.