Tướng Cướp Liêu Đông

Chương 42: Trong bãi tha ma




Nghiêm Thục Uyên lao đầu vào bóng tối.
Nàng cắn răng băng mình vào lùm bụi, nàng chạy như cố trốn một thực tế phũ phàng.
Nàng không còn nhắm hướng, cũng không cần biết chạy đi đâu.
Không biết bao lâu, cho đến khi nàng nghe hai chân rụng rời, ngực nàng nghẹn nặng và nàng dừng lại.
Nàng dùng ống tay áo quẹt mồ hôi trên trán, trên mặt, nàng thở một hơi dài và đưa mắt nhìn quanh.
Nghiêm Thục Uyên bỗng giật mình.
Chỗ nàng đến thật là hoang vắng, phía Tây thành đã là hoang vắng mà chỗ này càng có vẻ lạnh hơn, không biết nơi đây cách chỗ ở của nàng xa hay gần, nhưng hình như không cố dấu chân người lui tới.
Nàng vụt run lên khi thấy một nấm mồ.
Một, hai, ba, bốn, rồi...
Cả một vùng rừng chồi chỗ rậm chỗ thưa, những ngôi mộ chen vào nhau, có ngôi nấm hãy còn cao, có ngôi đã sụp.
Không khí vụt lạng ngang.
Đêm về khuya, nhưng vì phải chạy nhiều mồ hôi và hơi nóng bốc ra làm cho Nghiêm Thục Uyên nghe hừng hực, nhưng bây giờ thì không còn nữa, nàng vun bắn hai tay chân.
Nàng lật đật quay mình trở lại.
Nhưng vừa quay lại, nàng vụt nghe như tim ngưng đập, nàng hoảng hốt thụt lui.
Không biết tự bao giờ, sau lưng nàng có sẵn một người.
Một người lùn mập, bao mặt bằng vuông lụa đen, chỗ trống hai con mắt ngời ngời.
Ánh mắt như mũi thép xoáy vào mặt nàng, càng làm cho nàng nghe lạnh toát.
Nàng nuốt nước bọt thụt lui...
Người bao mặt lên tiếng, giọng hắn khàn khàn :
- Coi chừng, thụt nữa là sụp lỗ.
Nghiêm Thục Uyên hoảng hốt dừng lại.
Nàng ngó những ngôi mộ kia.
Người bao mặt nhìn quanh và gật gật :
- Chỗ này cách thành quá xa, đêm lại vắng vẻ, đúng là chỗ lý tưởng để... giết người.
Nghiêm Thục Uyên quắc mắt :
- Ngươi có phải là... sứ giả gì đó không?
Ánh mắt của người bao mặt lại lóe lên rờn rợn :
- Tại sao ngươi biết?
Nghiêm Thục Uyên đáp :
- Có người theo dõi bọn Hiên Viên Kỳ và gặp ngươi ở ngôi miếu hoang, có phải thế không?
Người bao mặt như rung động, giọng hắn gằn gằn :
- Có phải ngươi đã giết bọn Hiên Viên Kỳ, làm hỏng đại sự của ta không?
Nghiêm Thục Uyên muốn làm cho hắn sợ, nàng gật đầu :
- Đúng là người đó, ngươi hãy coi chừng...
Người bao mặt cười lạt :
- Không, nơi đây thì không có ai nữa cả...
Hắn nhìn lên những táng cây và nhìn về phía góc thành xa xa như sợ sệt, nhưng ngay sau đó hắn lấy lại bình tĩnh, lắc đầu cười khinh khỉnh :
- Không, ta đã quá lo xa, nhứt định nơi này không một ai có thể cứu được cô.
Hắn từ từ nhích tới.
Nghiêm Thục Uyên lại thối lui.
- Vừa rồi chính ngươi đã thấy người đó giết bọn Hiên Viên Kỳ...
Người bao mặt gật đầu :
- Đúng, ta đã thấy rõ ràng và vì thế nên ta mới theo nàng đến tận nơi đây.
Nghiêm Thục Uyên quắc mắt :
- Như vậy là ngươi đã thấy báu vật không còn ở tay ta...
Người bao mặt gật đầu :
- Ta biết, thế nhưng ta không thể để cho ngươi sống được. Ngươi đã chẳng nhứt quyết sẽ trả thù cho mười mấy nhân mạng Nghiêm gia đó sao, ta không thể lưu lại hậu hoạn, hiểu chưa...
Đôi mắt hắn long lên và hắn nhảy tới vung tay.
Nghiêm Thục Uyên nhảy tránh qua bên trái, nàng tránh được cú đánh thần tốc của người bao mặt, nhưng nàng bị sụp xuống một cái lỗ phía dưới chân một nấm mồ.
Cái sụp không nặng, nhưng làm hco nàng không gượng nổi, tai hại nhứt là chân trái bị trật khớp xương.
Người bao mặt chồm mình tới vươn tay cười sằn sặc...
Trong đời có nhiều chuyện bất ngờ, chẳng hạn như con bọ ngựa đang rình đớp con sâu, trên đầu con bọ ngựa lại thường có con chim đang lởn vởn.
Người ta bảo đó chỉ là chuyện đặt ra để răn đời, nhưng ít nhứt cũng phải hơn một lần có thật.
Vì sâu, bọ ngựa và chim đều là thứ sống theo rừng cây, có còn này là có con khác, chuyện chúng “đụng” nhau đâu có gì là lạ.
Cũng như người trong giang hồ, vì mục đích này hay mục đích khác, họ thường sống về đêm, nhứt là ở những ven rừng, lùm bụi sát tường thành là luôn có họ vãng lai.
Người bao mặt gặp ngay trường hợp đó.
* * * * *
Hắn vừa chồm mình tới vươn tay thì từ trên tàng cây rậm gần đó nhứt có tiếng bay xé gió :
- Dừng lại!
Tiếp theo tiếng quát là chưởng đã xả xuống thật gần, người bao mặt đã chứng kiến cái chết của bọn Hiên Viên Kỳ, hắn đã ngán Phí Độc Hành, cho nên vừa nghe tiếng động là hắn vội lộn ngược mấy vòng, cắm đầu chạy tuốt.
Hắn chạy bán chết bán sống.
Hắn vừa lộn lại quay đầu chạy thì một người thanh niên áo đen đã xà xuống tới.
Hắn là một gã đại hán trẻ tuổi, vai hùm lưng gấy, dáng gấp giống như một gã thợ săn, hắn chỉ lo hỏi han cô gái chớ không đuổi theo hung thủ.
Hắn không đuổi theo nhưng có người khác đuổi.
Đó là một người mặc áo đen, dáng dấp tầm thước, hình như đã chực sẵn để cứu Nghiêm Thục Uyên, nhưng khí thấy gã thanh niên lao đến trưóc thì hắn bèn đổi ý.
Hắn âm thầm đuổi theo người ba mặt.
Cứ lo dòm lại phía sau lưng, người bao mặt không ngờ có người luồn theo lùm cây theo bén gót hắn đến góc thành.
Nhưng hắn chưa kịp hoàn hồn thì phía sau có tiếng :
- Ông bạn.
Người bao mặt quay phắt lại.
Sau lưng hắn đã có một người.
Người mặt áo đen, có vóc mình tầm thước, người mà chính mắt hắn thấy giết bọn bốn người của “Phong Trần bát quái”, người mà hắn tưởng đang lo cứu cô gái họ Nghiêm.
Hắn há hốc mồm :
- Lại cũng là ngươi...
Phí Độc Hành lắc đầu :
- Ta cũng định cứu Nghiêm cô nương, nhưng đã có người ra tay trước, nhân có thì giờ nên đuổi kịp ngươi.
Ngưng một giây, hắn nói tiếp :
- Khinh công của ngươi khá lắm, nhưng nhờ ta chận trước nên theo cũng chẳng mấy khó khăn. Và tai hại nhứt là vì ta không muốn gặp mặt người đã cứu Nghiêm cô nương, chớ nếu không thì cũng không có thì giờ theo kịp.
Người bao mặt phát run.
Phí Độc Hành cười :
- Lập lại câu nói của ngươi vừa nói với Nghiêm cô nương, “nơi đây không ai cứu được ngươi đâu”, tốt hơn hết ngươi nên trả lời đúng theo câu hỏi của ta thì mới có hy vọng còn sống được...
Người bao mặt vụt tung mình lên phóng vọt qua tường.
Tây thành có hào sâu, cách chân thành chừng mười trượng. Hào đào lâu ngày bây giờ đã thành sông, nước chảy thật siết.
Người bao mặt lao nhanh về hướng đó.
Phí Độc Hành bám sát theo sau.
Còn cách bờ hào chừng ba trượng, người bao mặt nhún chân lao tới, vừa lao hắn vừa phất tay ngược lại.
Một bựng ánh sáng bắn ra.
Phí Độc Hành nghiêng người qua mấy bước và cũng nhún chân lao tới.
Người bao mặt chụm hai chân tung mình cắm đầu thẳng xuống hào.
Không một chút sôi tim, hình như hắn khá giỏi về thủy tánh.
Giòng sông sâu quá, nước chảy thật siết, không một chút bọt nổi lên.
Hắn đã lặn thật sâu và chắc chắn đã theo giòng nước đi xa về phía dưới.
Phí Độc Hành đứng nhìn theo thật lây, không thấy tăm hơị Hai bên bờ hào lau sậy cao quá đầu người, những bè lục bình đông đặc.
Một con người lội giỏi, một khi đã xuống đó rồi thì bao nhiêu người cũng khó mò theo.
Phí Độc Hành mím miệng tung mình lướt dọc theo bờ hào...
* * * * *
Cũng phía tây thành, trong một khu rừng rậm.
Nơi đó có một gian nhà đá, chung quanh cỏ hoang bít lối, cây cối um tùm.
Ban ngày, đứng ở bên ngoài không làm sao thấy được, ban đêm cho dầu có ánh đèn cũng khó nhận ra.
Trong nhà đó bày trí rất đơn giản, một cái kỷ trà thấp, trên đó có bộ khai trà, bên dưới nhiều tấm da hổ chen vào nhau vừa làm phòng khách mà cũng vừa làm chỗ ngủ.
Bên trên, mấy thanh trường kiếm giắt ngang, có thêm mấy cây cung và mấy bó tên đầy ấp.
Đúng là chỗ ẩn trú của đám thợ săn.
Một đại hán trung niên dang dò trên tấm địa đồ.
Gã thanh niên áo đen vịn Nghiêm Thục Uyên bước vào, nàng đi cà nhắc.
Người trung niên ngẩng mặt :
- Lão Lục, vị cô nương này...
Người thanh niên áo đen đáp :
- Không sao. Tam ca, vị cô nương đây chỉ bị trật chân vì sụp lỗ.
Người trung niên ân cần :
- Hãy đỡ người ngồi lại.
Chờ cho Nghiêm Thục Uyên ngồi yên, người trung niên hỏi :
- Tên đó ở đâu?
Người thanh niên đáp :
- Chạy rồi, tiểu đệ không thể đuổi theo.
Người trung niên hỏi :
- Có biết hắn thuộc cánh nào không?
Người thanh niên lắc đầu :
- Không rõ, chỉ thấy hắn bao mặt và nói giọng khàn khàn.
Người trung niên đưa mắt nhìn Nghiêm Thục Uyên, nàng vội nói :
- Tôi chỉ biết hắn là một “sứ giả” gì đó trong một tổ chức bí mật.
Người thanh niên đưa mắt nhìn vị “Tam ca” và người trung niên nhìn cô gái :
- Chẳng hay cô nương quí tánh?
Nhưng sợ có gì bất tiện, hắn không đợi cô gái trả lời, hắn vội nói luôn :
- Chờ khi chân cô nương bớt đau, lục sư đệ của tôi sẽ đưa cô nương trở về nhà.
Nghiêm Thục Uyên nghiêng mình :
- Đa tạ ân nhân, tôi vốn không phải người ở Kinh sư, tôi họ Nghiêm, người từ quan ngoại.
Người trung niên đưa mắt trao đổi với người sư đệ và nói luôn :
- Như thế thì cô nương cứ nghỉ cho hết đau chân rồi sẽ lên đường.
Hắn hất đầu về phía gã thanh niên :
- Lục đệ, rót trà cho Nghiêm cô nương giải khát.
Gã thanh niên rót chén trà mang lại, hắn mỉm cười :
- Trà có hơi nguội, mong cô nương dùng tạm.
Nghiêm Thục Uyên nghiêng mình :
- Đa tạ.
Nàng vốn không khát, nhưng không uống thì lại sợ người ta bảo là chê trà nguội, nên phải bưng chén hớp một hớp nhỏ và ngập ngừng :
- Dám xin nhị vị ân nhân cho biết...
Người thanh niên đưa mắt cho người trung niên, người này chận đáp :
- Xin cô nương chớ bận tâm, chúng ta đều phải làm những chuyện phải, đó là thái độ chung, không có chi đáng gọi là ơn cả.
Biết người ta không muốn tiết lộ, Nghiêm Thục Uyên không nỏi nữa.
Người thanh niên nhìn nàng và vụt hỏi :
- Nghiêm cô nương, vừa rồi tôi nghe tên bao mặt hỏi chuyện, hình như cô nương và họ có thù?
Người trung niên lừ mắt :
- Lục đệ!
Nghiêm Thục Uyên vội nói :
- Không sao, nhị vị vốn là ân nhân cứu mạng, tôi cũng không có gì đáng dấu, câu chuyện không biết bắt nguồn từ đâu, nhưng chính cái tổ chức bí mật đó đã cho người tàn sát cả gia đình hơn mười nhân mạng của tôi.
Người trung niên cau mày :
- Thật là ác, nhưng cô nương cùng với họ có thù chi?
Nghiêm Thục Uyên đáp :
- Thưa ân nhân, tiên phu vốn làm quan triều đình, cùng với người trong giang hồ không từng kết oan, cứ theo tôi biết thì hình như họ muốn đoạt ở tiên phụ hai báu vật.
Người trung niên nhìn sửng cô gái :
- Cô nương bảo lịnh tôn là một vị quan của triều đình?
Nghiêm Thục Uyên đáp :
- Vâng, tiên phụ là quan ở địa phương.
Người trung niên hỏi :
- Chẳng hay cô nương và vị tiền nhiệm Tri phủ Tế Nam Nghiêm đại nhân có...
Nghiêm Thục Uyên đáp :
- Đó là tiên phụ...
Người trung niên vội vòng tay :
- Té ra đây là ái nữ của Nghiêm đại nhân. Kim Đại Khuê thất kính!
Nghiêm Thục Uyên lật đật nghiêng mình đáp lễ :
- Không dám, chẳng hay nhị vị...
Kim Đại Khuê đáp :
- Không dám dấu cô nương, hai anh em của chúng tôi là môn đệ của “Thần Châu thất hiệp”.
Sự vui mừng hiện lên nét mặt, Nghiêm Thục Uyên nhướng mắt :
- Nhị vị là cao đệ của Cố Đại tiên sinh, tiểu nữ thật là thất kính.
Kim Đại Khuê mỉm cười :
- Cô nương đã quá lời...
Hắn chỉ người thanh niên và nói :
- Đây là Lưu Ngọc Khanh, lục sư đệ của tôi.
Nghiêm Thục Uyên lại nghiêng mình...
Kim Đại Khuê tỏ vẻ lo lắng :
- Cứ như cô nương nói thì Nghiêm đại nhân...
Nghiêm Thục Uyên gật đầu :
- Vâng, cha tôi đã cùng toàn gia lâm nạn.
Kim Đại Khuê cau mặt :
- Chẳng hay Nghiêm cô nương có thể cho chúng tôi biết cạn sự tình?
Nghiêm Thục Uyên thuật lại việc cả nhà lâm hại, nàng cũng cho biết trong chuyến đến Kinh sư, ngang qua Lão Long Hà có gặp Phí Mộ Thư và mãi cho đến lúc bị người bao mặt đuổi theo tới bãi tha ma...
Kim Đại Khuê có phần thận trọng, nhưng Lưu Ngọc Khanh thì quắc mắt hầm hầm :
- Thật là tàn ác, chỉ vì hai vật không đáng vào đâu như thế mà lại tàn hại cả gia đình, nếu sớm biết thì nhứt định tôi không thể cho hắn thoát.
Kim Đại Khuê nhìn Thục Uyên và thấp giọng :
- Nghiêm cô nương, thật tình tôi không dám nói năm xưa Nghiêm đại nhân đã cứu lầm người, vì lúc đó Phí Mộ Thư quả thật đáng cứu, chỉ tiếc là bây giờ hắn lại cam tâm làm tay sai cho kẻ ác, chính anh em chúng tôi phụng linh gia sư mấy lần ngăn cản hắn, nhưng đèu đã hoài công, vì thế công việc trước mắt của chúng tôi là phải loại trừ cho kỳ được Phí Mộ Thư, nếu không bằng vào âm mưu của Hòa Khôn, hắn sẽ là tên tay sai đắc lực, khiến cho kẻ trung lương và bá tánh còn phải chết nhiều.
Nghiêm Thục Uyên gật đầu :
- Điều đó tôi cũng có biết, ban đầu thật thì tôi cũng có nhiều thiện cảm với hắn, nhưng bây giờ tôi lại thấy thẹn khi nhận hắn là người quen...
Kim Đại Khuê nói :
- Cô nương bằng lòng lăn vào nguy hiểm chớ không khứng được sự che chở của hắn để ẩn núp trong Trung Đường phủ, điều đó khiến chúng tôi bội phục, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy cô nương cũng không nên mạo hiểm thêm nữa, vì mối thù của nhà họ Nghiêm chưa trả được, cô nương bây giờ tứ cố vô thân, xứ xa người lạ, nếu cô nương không hiềm chúng tôi thô lổ và chỗ ở bần hàn, mong cô nương hãy tạm trú nơi đây để chờ cơ hội.
Nghiêm Thục Uyên đáp :
- Đa tạ Kim tam ca, tôi chỉ sợ phiền lụy...
Lưu Ngọc Khanh rước nói :
- Không có chi phiền cả, sợ là sợ cô nương cực nhọc vì nơi đây là chốn hoang sơ, nếu cô nương có thể ẩn nhẩn thì mối huyết cừu kia chúng tôi nguyện đem tài hèn ra đóng góp...
Nghiêm Thục Uyên nói :
- Chư vị ở tại đây nhứt định phải có nhiệm vụ, tôi chỉ sợ có mặt tôi sẽ làm trở ngại...
Kim Đại Khuê nói :
- Cô nương là người hiểu thông đại nghĩa, chúng tôi cũng không có gì phải dấu, bao nhiêu năm nay. Thần Châu thất hiệp vẫn âm thầm tiến hành công việc “Phản Thanh phục Minh”, không lúc nào không lo chuyện tiêu diệt quân nhà Mãn, chỉ có điều chúng chiếm cứ nước ta đã ngót trăm năm, cơ sở của chúng đã khá vững vàng, thêm vào đó, thuật cai trị của chúng cũng quá khôn ngoan, vì thế mà lòng người ly tan, mầm mống khôi phục giang sơn không còn được mạnh như xưa, cho nên gần đây, chư vị sư phụ sư thúc của chúng tôi đã thay đổi sách lược, tập trung nổ lực ngấm ngầm phá hoại từ nội bộ của chúng, cho người vào nắm các cơ quan trọng yếu làm cho cơ sở gốc của chúng lung lay, anh em chúng tôi ở bên ngoài hộ trợ, đó là nhiệm vụ mà anh em chúng tôi phải ở sát nội thành.
Nghiêm Thục Uyên nhướng mắt :
- Kim tam ca, sao chuyện quá trọng đại như thế mà Tam ca lại nói...
Kim Đại Khuê đáp :
- Chúng tôi biết cô nương là người biết như thế nào là đại nghĩa, vì cô nương là giòng Hán Tộc, lịnh tôn tuy có làm quan cho triều Thanh, nhưng ai cũng biết đó là chuyện tòng quyền, không giờ phút nào lịnh tôn quên mình là di dân của nhà Minh.
Nghiêm Thục Uyên mừng ra mặt :
- Ta ca ca, chư vị tin được tôi sao?
Kim Đại Khuê đáp :
- Nếu không tin thì làm sao chúng tôi lại dám nói với cô nương những điều hệ trọng.
Nghiêm Thục Uyên cảm kích, giọng nàng hơi rung :
- Kim tam ca, tôi tình nguyện ở đây và mong được cùng chư vị chia xẻ nhọc nhằn.
Kim Đại Khuê nghiêm giọng :
- Bắt đầu từ giờ phút này, chúng ta là bạn với nhau, nhưng tôi xin nói trước, việc trừ khử Mộ Thư là việc cần kíp, mối thâm cừu của cô nương phải đặt ra sau...
Nghiêm Thục Uyên gật đầu :
- Kim tam ca, tôi rất biết việc này khinh trọng, bao nhiêu năm nay tôi đã chờ đợi được thì bây giờ đâu lại nôn nóng hay sao.
Kim Đại Khuê vụt hỏi :
- Nghiêm cô nương, bọn bốn người của Hiên Viên Kỳ đều chết về tay của Phí Mộ Thư?
Nghiêm Thục Uyên gật đầu :
- Đúng như thế.
Kim Đại Khuê thở ra :
- Thật khó mà có được chuyện không quên ơn như thế...
Như nhớ ra việc gì quan hệ, hắn vội hỏi :
- Chuyện cô nương theo dõi người đến Kinh sư như thế nào, xin nói rõ lại cho chúng tôi được biết?
Vừa bảo chuyện của nàng hãy để lại sau, bây giờ Kim Đại Khuê lại hỏi, chuyện đó làm cho Nghiêm Thục Uyên hơi lấy làm lạ nhưng không tiện hỏi, nên cứ thuật lại từ lúc chia tay với Vương què và Cổ mù tại Lão Long Hà cho đến bây giờ...
Kim Đại Khuê ngồi nghe, hắn có vẻ trầm ngâm...
* * * * *
Đêm đã về khuya.
Sương càng lúc càng xuống nặng.
Toàn thể Bắc Kinh thành gần như không thấy một ánh đèn.
Một bóng đen lùn lùn mập mập, vượt qua chỗ thấp nhứt của trường thành, nép mình trong bóng tối thẳng vào một tòa trang viện.
Tòa trang viện thật đồ sộ.
Thình lình, một ánh đèn quét ngang qua và dừng lại đúng chỗ bóng đen.
Dưới bóng khá sáng, người trung niên lùn mập mặc bộ đồ đen, bộ đồ ướt nhẹp như vừa dưới nước lội lên.
Hắn ngẩng mặt và gắt giọng :
- Ta đây.
Gã đại hán cầm đèn bước tới, mặt hắn lộ vẻ kinh nghi :
- Tổng quản...
Người trung niên áo đen, khoát tay không cho gã đại hán nói và bước thẳng vào trong.
Hậu viện có một khu vườn hoa rộng lớn, hồ sen, nhà thủy tạ, tiểu kiều, và những gian lầu nhỏ bao bọc chung quanh, tòa trang viện quả thật đã chiếm một địa khu quá lớn.
Chỉ nhìn vào những dãy hành lang, từ đông sang tây, từ nam sang bắc, ngoài đã có hành lang, bên trong lại có hành lang, hành lang mắc dọc ngang, tạo thành những ngả ba, ngả tư, khiến cho tòa trang viện trở thành một trận đồ, không có người dẫn lối nhứt định không làm sao đi được.
Trong nhà, từ gian này sang gian khác, trần thiết cực kỳ hoa lệ, không chỗ nào giống nhau mà không phòng nào kém hơn phòng nào, bất cứ một xó hóc nào, khách sang đến đâu cũng có thể ngồi và nhứt định không hề bị giảm phần trang trọng.
Chưa từng thấy một trang viện nào rộng lớn và đầy đủ như thế.
Người mập áo đen đi vào dãy hành lang phía đông.
Tại dãy hành lang này có một gian phòng, ánh đèn rực rở rọi sáng khỏi hành lang, rọi sáng đến những bồn bông, những chậu kiểng bên ngoài.
Bước vô cửa phòng là chân đã dẫm lên một tấm thảm hồng, loại thảm sản xuất tận Ba tư, hai bên tường, một dãy đèn pha lê óng ánh, chính giữa có kỷ trà bằng gỗ nâu đánh bóng, bên trong kỷ trà có một chiếc ghế bành bọc nhung đỏ, ghế thật rộng, rộng đến mức có thể nằm khoanh trên đó được.
Trên ghế là một người thiếu phụ ngồi dựa nghiêng nghiêng, một người thiếu phụ thật trẻ, thật đẹp, trong vẻ đẹp này còn phảng phất vẻ liếng thoắng, láu lỉnh của một cô gái nhỏ.
Thật ra thì người thiếu pụ này cũng khoảng đến ba mươi, nhưng có lẽ nhờ biết giữ làn da và thân thể, nhờ vào cuộc sống không mệt nhọc, nên nhìn qua ai cũng nghĩ nàng chỉ mới vừa qua hai mươi, tuổi hai mươi của một cô gái đẹp, vì nàng đẹp quá, hồng quá, xinh quá.
Nhìn vào làn da không thôi, chắc chắn phần đông đều nghĩ nàng không quá mười bảy tuổi.
Nàng mặc chiếc áo màu hồng bằng lụa mỏng, vì thế cho nên chiếc áo không thể gọi là không kín, thế mà người vừa vào có cảm giác phảng phất như bất cứ chỗ nào cũng thấy được... lờ mờ.
Trên kỷ trà có một cái đĩa bằng bạc khá lớn, trên đĩa từng xâu nho bóng lưởng, nàng ngắt quả nho bằng ngón tay thon dịu, người đẹp là bàn tay phải đẹp, nhưng với bàn tay của người thiếu phụ này, người nhìn bỗng bị thú hút vào một điểm, móng tay.
Móng tay thật nhỏ, thật mỏng và ửng hồng.
Quả nho bóng lưởng, được hai móng tay ửng hồng đưa vào vành môi mọng đỏ, nhìn ba thứ đó chạm vào nhau, bất cứ một người nào cũng đều có cảm giác như thấy những giọt nước thơm tho ngọt lịm.
Một điều khiến cho người cho người nhìn quên nháy mắt nữa là khi ngón trỏ và ngón cái nhón lấy quả nho cho vào miệng, ngón cái lại cong lên, kéo theo cả ngón áp út và ngón giữa, làm cho hàm răng của nàng lộ hẳn ra, hàm răng thật nhỏ, thật đều và thật trắng.
Quả nho lăn nhẹ vào giữa hai hàm răng ngà ngọc đó, vành môi khép lại hững hờ, người ta bỗng thấy một đóa hoa hàm tiếu ứ đọng giọt sương đêm.
Những giọt sương tan lần và hương nhụy thoảng hơi dìu dịu...
Bên trái của kỷ trà, hơi nhích bên sau chiếc ghế người thiếu phụ ngồi, một cô a hoàn khoảng mười bảy mười tám tuổi, nói là a hàn tại vì cô ta vốn thật là tớ gái, chớ giá như gặp ở ngoài đường, bất cứ ai cũng có thể tưởng rằng đó là một đài các tiểu thơ.
Cô ta quá đẹp, vẻ đẹp có nhiều dụ cảm, nhứt là đồng tiền lúm ở khóe miệng bên trái, ai khó tánh đến đâu, ai có chuyện buồn đến đâu, nhìn vào mặt cô ta chắc chắn cũng phải mỉm cười.
Đôi mắt của cô ta thật long lanh, chỉ tiếc vì cô ta đang đứng gần người thiếu phụ thành ra đôi mắt đó bị giảm một cách thiệt thòi, nếu bảo đôi mắt của cô tớ gái nhìn ai người đó sẽ nghe tim đập loạn, thì đôi mắt của người thiếu phụ nhìn vào ai người đó sẽ cảm nghe như thân mình không còn gân cốt và hồn phách tiêu tán.
Cô tớ gái quá đẹp nhưng tội vì nàng đứng không đúng chỗ, giống y như một ngọn đèn quá sáng lại trưng dưới ánh trăng tròn.
Nép xa về bên phải của kỷ trà, còn có hai người, hai người đàn ông.
Một người trung niên có râu mép và một gã đại hán lực lưỡng.
Như vậy, trong phòng hiện có mặt bốn người.
Có mặt bốn người nhưng vắng như cõi chết, vì ngoài động tác dịu dàng chậm rãi khi ngắt những quả nho cho vào miệng của người thiếu phụ, không còn có một cử chỉ nào khác của bất cứ một ai.
Không một cử chỉ và hoàn toàn không một tiếng động.
Người mập áo đen đi vào giữa khung cảnh lặng trang.
Áo quần của người mập áo đen vẫn còn tươm nước.
Người trung niên có râu mép và gã đại hán đưa mắt gật nhẹ cho nhau, cả hai cùng biến sắc.
Người thiếu phụ đổi thế ngồi.
Từ thế dựa hơi bên trái, nàng dựa mình qua bên phải và hai ngón tay ngắt quả nho ngừng lại nửa chừng.
- Tại làm sao như thế?
Tia mắt như hai mũi thép của nàng xói vào thân người ướt nhẹp của gã mập áo đen.
Người lùn mập áo đen vòng tay lại, mọp mình :
Người lùn mập áo đen vòng tay lại, mọp mình :
- Bẩm Đàn chủ, thuộc hạ xin lãnh tội!
Đôi mày liễu hơi cau lại, người thiếu phụ hỏi :
- Sao? Đã hư chuyện rồi phải không?
Người lùn mập áo đen lại vòng tay :
- Bẩm Đàn chủ, thuộc hạ ước hẹn đúng giờ, đúng chỗ để gặp bọn Hiên Viên Kỳ, truyền mạng lịnh của Đàn chủ lại cho họ và sau đó là âm thầm theo dõi trong bóng tối xa xa.
Hắn ngập ngừng ngưng lại.
Người thiếu phụ hất hàm thật nhẹ :
- Rồi sao nữa?
Người lùn mập áo đen có vẻ sợ sệt, giọng hắn hơi khàn, bây giờ thêm đặc sệt :
- Bọn Hiên Viên Kỳ đã đến đúng chỗ và đã gặp con a đầu họ Nghiêm, nhưng khi sắp sửa đắc thủ thì...
Đôi mắt hạnh của người thiếu phụ hơi tròn :
- Thì sao?
Người lùn mập áo đen càng sợ sệt :
- Thì... bẩm Đàn chủ, bỗng có một tên vô loại đến cứu con a đầu và đánh ngã bọn “Phong Trần bát quái”...
“Bộc!”
Trái nho từ trên tay người thiếu phụ văng mạnh xuống nền gạch, nàng ngồi ngay lại :
- Giỏi lắm, họ đâu rồi?
Người lùn mập có hơi run :
- Bẩm Đàn chủ, thuộc hạ chưa nói hết...
Người thiếu phụ lạnh băng băng :
- Nói đi, ai bịt miệng ngươi sao?
Người lùn mập áo đen nói :
- Người đó giết hết, chỉ chừa lại một mình Hiên Viên Kỳ, rồi cùng với con a đầu họ Nghiêm tra hỏi, vì ở xa không biết rõ nhưng cứ theo tình thế mà suy đoán, thuộc hạ nghĩ chúng hỏi về chúng ta.
Đôi mày liễu của người thiếu phụ càng cau lại sâu hơn :
- Ngươi nghĩ chúng đã hỏi được Hiên Viên Kỳ về chúng ta?
Người lùn mập áo đen đáp :
- Thuộc hạ không dám đến gần, nên không nghe rõ lời đối đáp của chúng.
Người thiếu phụ cười lạt :
- Ngươi thật là giỏi, làm việc thật hay!
Người lùn cúi đầu sợ sệt :
- Thuộc hạ nghĩ họ không hỏi được gì cả, vì sau đó chúng giết ngay Hiên Viên Kỳ, sau đó gã tiểu tử ấy lại nói chuyện với con a đầu họ Nghiêm khá lâu, không hiểu họ đã nói với nhau chuyện gì, chỉ thấy con a đầu quăng một cái túi lụa nho nhỏ trước mặt hắn rồi bỏ chạy...
Hắn thuật lại tất cả những chuyện xảy ra từ lúc hắn theo Nghiêm Thục Uyên đến bãi tha ma, cho đến khi bị người thanh niên áo đen cứu thoát và bị Phí Độc Hành đuổi gấp phải nhảy xuống sông.
Người thiếu phụ hỏi :
- Có phải ả quăng Thủy Xương Thạch cho tên khốn kiếp đó?
Người lùn mập áo đen đáp :
- Vâng, có lẽ như thế.
Người thiếu phụ gặn lại :
- Tại sao ngươi biết?
Người lùn mập đáp :
- Thuộc hạ thấy tiểu tử đó cầm lên lấy ra xem lâu lắm...
Người thiếu phụ trầm ngâm :
- Không biết danh tánh của tên khốn kiếp đó?
Người lùn mập đáp :
- Bẩm không, nhưng cứ theo thuộc hạ thấy thì có thể bọn Hiên Viên Kỳ có biết tên ấy, ít nhứt cũng đã có gặp qua...
Gã đại hán đứng hầu vùng lên tiếng :
- Bẩm Đàn chủ, không biết Đàn chủ có nghĩ rằng tên ấy chính là tên đã một lần can thiệp tại Lão Long Hà?
Người lùn mập áo đen rước nói :
- Có thể, rất có thể...
Người thiếu phụ quắc mắt :
- Có thể cái gì, người ta đã giết cả bọn Hiên Viên Kỳ, phá hoại cả công việc quan trọng của ta mà ngươi chỉ định chừng, kinh nghiệm bao nhiêu năm ăn cơm trong giang hồ, ngươi để chỗ nào? Ngươi đã đui rồi à, ít nhứt ngươi cũng phải biết qua hình dáng chớ?
Người lùn mập hơi run :
- Bẩm Đàn chủ, võ công hắn khá cao...
Người có râu mép nhướng mắt như muốn nói nhưng không hiểu sao hắn lại làm thinh...
Người thiếu phụ chớp mắt :
- Tại sao trong nội thành Bắc Kinh chưa từng nghe có con người như thế...
Nàng nhìn thẳng vào mặt gã lùn mập áo đen, gặn hỏi :
- Võ công của hắn cao lắm phải không?
Người lùn mập áo đen đáp :
- Bẩm Đàn chủ, có thể hạ bọn Hiên Viên Kỳ như trở bàn tay thì đủ chứng tỏ...
Người thiếu phụ gật đầu :
- Bằng vào thân thủ đó, trong giang hồ không có được mấy người... nhưng không hiểu hắn thuộc cánh nào và tại sao lại có chuyện tình cờ như thế?
Đám thuộc hạ nhứt là tên áo đen cúi mặt làm thinh.
Hình như nhắc đến Phí Độc Hành là chúng đâm hoảng hốt...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.