Tương Tư Thành Nắm Tro Tàn

Chương 11: Mùa Hè Athens 2004 1




Tô Nhất cười, sà vào lòng cậu. Đêm hôm đó, họ đã hẹn với nhau sau khi tốt nghiệp, Tô Nhất sẽ đến Bắc Kinh ở cùng Chung Quốc. Chung Quốc hào hứng hứa với cô, Olympic Bắc Kinh 2008, cậu sẽ đưa cô đi xem Lưu Tường chạy vượt rào một trăm mét, để cô được tận mắt nhìn thấy phong thái của người bay châu Á.
1
Kì nghỉ hè năm 2004, lần đầu tiên Tô Nhất quan tâm tới sự kiện thể thao lớn với quy mô toàn cầu, được tổ chức bốn năm một lần - Olympic. Ai bảo Chung Quốc yêu thích thể thao, mà trong mùa hè này, chẳng gì có thể thu hút cậu hơn thế vận hội Olympic.
Lúc đầu, cô không hiểu tại sao Chung Quốc lại yêu thích và coi trọng Olympic như vậy. Cậu trả lời tỉ mỉ: “Ban đầu là vì anh thích thể thao, mà Olympic lại là sự kiện thể thao có quy mô lớn nhất thế giới. Năm 1996, lần đầu tiên xem Olympic Atlanta, anh đã mê rồi.”
Năm 1996, Chung Quốc mới mười ba tuổi, vẫn còn là một cậu thiếu niên. Trên sàn đấu của các vận động viên hàng đầu thế giới này, sự cạnh tranh khốc liệt cực kì kích thích người xem. Đặc biệt là giây phút giành được ngôi vô địch, niềm vui sướng và tự hào của các vận động viên, cảm giác thiêng liêng và quang vinh khi lá Quốc kì được kéo lên lúc trao giải khiến ngay đến những khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ cũng thấy rạo rực trong lòng. Chung Quốc cũng không tránh khỏi bị thu hút rồi mê mẩn Olympic.
Chung Quốc nói rất hăng say nhưng Tô Nhất vẫn không hiểu nổi. “Thu hút đến vậy sao? Em chưa xem bao giờ, chẳng hình dung nổi nó kích động, rạo rực thế nào.”
“Đến Olympic, anh sẽ đưa em đi xem. Xem rồi, chẳng cần anh phải nói, em sẽ hiểu được sức hút và sự lan tỏa của thể thao.”
“Vì thích thể thao nên anh mới thích Olympic à?”
“Đấy chỉ là một lí do, lí do thứ hai là anh cảm thấy Olympic là sự kiện rất có ý nghĩa.”
Chung Quốc kể với Tô Nhất rằng Olympic bắt nguồn từ Hi Lạp cổ đại. Nghe nói ở Hi Lạp thời đó thường xảy ra chiến tranh giữa các thành bang, nhưng cứ đến bốn năm một lần, họ lại tạm ngưng đánh trận để tham gia một đại hội thể thao, và tất cả phải tuân thủ nghiêm khắc hiệp định ngừng chiến. Olympic là biểu tượng hòa bình và hữu nghị. Cho đến giờ đã có hai mươi tám kì Olympic được tổ chức. Cứ bốn năm một lần, các nước trên thế giới lại phái một đoàn vận động viên đại diện cho nước mình đi tham gia sự kiện thể thao công bằng, trung thực và công khai này.
Đây là lần đầu tiên Tô Nhất nghe nói đến những kiến thức cơ bản về Olympic, cách miêu tả sinh động và thú vị của Chung Quốc khiến cô cảm thấy hưng phấn vô cùng. “Em biết những người Hi Lạp cổ yêu thích thể thao nhưng không ngờ họ lại thích đến mức độ như vậy, mở đại hội thể thao là đến đánh trận cũng không đánh nữa, thú vị thật đấy.”
“Biết vì sao thế vận hội phải tổ chức rước đuốc không? Chính là vì trong thời Hi Lạp cổ đại, trước mỗi kì Olympic đều có vận động viên cầm đuốc chạy đến các thành bang truyền tin: “Sắp đến thế vận hội, chúng ta sẽ đình chiến trong một tháng”.”
Tô Nhất có vẻ hứng thú, nói: “Thì ra lễ rước đuốc ra đời như vậy.”
“Đúng vậy! Nên đến tận bây giờ, ngọn lửa Olympic vẫn là biểu tượng của đoàn kết, hữu nghị, hòa bình và chính nghĩa. Việc trao ngọn đuốc đi khắp toàn cầu tượng trưng cho việc truyền đạt hòa bình hữu nghị đến khắp thế giới. Rất có ý nghĩa phải không?”
“Nói như vậy thì đúng là rất có ý nghĩa, chẳng trách Thế vận hội được mệnh danh là sự kiện hòa bình của nhân loại.”
“Bốn năm nữa, Olympic lần thứ hai mươi chín sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là một niềm vinh dự, bởi vì Olympic là sự kiện có quy mô vô cùng lớn. Bắc Kinh giành được quyền tổ chức Olympic 2008 chính là sự công nhận của thế giới đối với Trung Quốc.”
Chung Quốc nói với vẻ tràn đầy tự hào, Tô Nhất không nhịn được cười, nói: “Chung Quốc, em phát hiện anh đúng là một thanh niên yêu nước đấy.”
Cậu nhướng mày, cười, nói: “Đúng vậy, chưa cần nói những chuyện khác, chỉ cần nhắc đến tên mình thôi cũng đủ khiến anh yêu nước rồi. Chung Quốc thì phải yêu Trung Quốc chứ, không phải sao?”
“Vậy cũng phải.” Tô Nhất cười rồi ngả vào lòng cậu, khẽ hát: “Tôi yêu Trung Quốc...”
Cậu lập tức bật cười, lắc vai cô. “Này, hát rõ ràng một chút, em yêu “Trung” Quốc hay là “Chung” Quốc đấy?”
Cô nhất định không chịu hát rõ ràng, chỉ cười, tiếng cười như chuỗi nhạc tinh nghịch du dương khắp phòng...
Thế vận hội mùa hè lần thứ hai mươi tám được tổ chức tại thủ đô Athens của Hi Lạp từ ngày 13 đến ngày 29 tháng 8 năm 2004.
Lễ khai mạc long trọng của Olympic Athens trong ngày Mười ba được truyền hình trực tiếp vào khoảng một giờ sáng ngày Mười bốn tháng Tám theo giờ Bắc Kinh. Chung Quốc và Tô Nhất ngủ cả một buổi chiều, chuẩn bị tinh thần để đến đêm đón xem lễ khai mạc.
Sau một trăm linh tám năm, Olympic đã trở về quê hương. Người Hi Lạp đã đem sự nhiệt tình gấp cả trăm lần để tổ chức kì Olympic này. Lễ khai mạc vô cùng hoành tráng, sân khấu trung tâm của sân vận động là một hố nước màu xanh ngọc, tượng trưng cho biển Aegean nổi tiếng của Hi Lạp, tiết mục thể hiện một cách sống động và rõ nét nền văn minh Hi Lạp cổ đại và sự lãng mạn của Aegean.
Lần đầu tiên xem lễ khai mạc Olympic, Tô Nhất hết sức bất ngờ. Sau chương trình biểu diễn văn nghệ là nghi thức điều hành của các vận động viên. Trong tiếng reo hò của khán giả, hai trăm linh hai đoàn đại biểu của các quốc gia và khu vực sẽ lần lượt tiến vào sân vận động theo thứ tự chữ cái La Tinh. 
Chung Quốc đã tiêm cho Tô Nhất một mũi dự phòng: “Cái này không hay bằng biểu diễn văn nghệ đâu. Chỉ là vận động viên các nước đều bước ra đi một vòng thôi, chắc cũng mất một, hai tiếng đồng hồ, nếu thấy khó khăn thì em chợp mắt một lúc đi, khi nào chuẩn bị châm đuốc anh sẽ gọi dậy.”
Trong lễ khai mạc Olympic, nghi thức châm đuốc chính là màn đặc sắc nhất. Chung Quốc nói cậu thích nhất nghi thức châm đuốc của Olympic Barcelona năm 1992 và Olympic Sydney năm 2000, cho rằng đó là hai lễ châm đuốc kinh điển nhất trong lịch sử khai mạc Olympic.
Hai khung cảnh kinh điển đó, cùng với nghi thức châm đuốc có tính sáng tạo riêng của các kì Olympic gần đây, đã được kênh thể thao chuyên đề về Olympic phát đi phát lại trước lễ khai mạc Olympic Athens. Tô Nhất nhờ vậy mà biết được thế nào là “Rebollo thiện xạ,” và “nước lửa giao hòa ở Sydney”, mà Chung Quốc vẫn thường nhắc tới. Thế nên cô rất mong đợi nghi thức châm đuốc của lễ khai mạc Olympic Athens, chẳng thấy buồn ngủ mà hào hứng cùng Chung Quốc xem vận động viên các nước điều hành.
Vận động viên các nước lần lượt ra sân, những khuôn mặt tươi cười với những màu da khác nhau lướt nhanh qua màn hình. Chung Quốc thuộc nằm lòng tên và những thành tích đáng tự hào của rất nhiều vận động viên. Tô Nhất cứ gọi là hoa mắt ù tai.
“Đây là vận động viên bơi lội Michael Phelps, năm nay mới mười chín tuổi. Bốn năm trước, cậu ta đã thành danh tại Olympic Sydney, hiện nay là một trong những ngôi sao sáng giá nhất của làng bơi lội Quốc tế.”
Tô Nhất thốt lên: “Bốn năm trước, cậu ta mới mười lăm tuổi mà đã đoạt được ngôi vị quán quân Olympic á?” Cô cho rằng cứ thành danh thì nhất định sẽ giành được ngôi quán quân.
“Mặc dù không giành được ngôi vị quán quân nhưng cậu ta mới mười lăm tuổi mà đã đạt được thành tích đứng thứ năm trong nội dung bơi bướm hai trăm mét, lọt vào top 5 cao thủ bơi lội toàn thế giới, điều này đã đủ khiến cậu ta thành danh trong làng bơi lội Quốc tế rồi. Hơn nữa mấy năm gần đây, cậu ta còn thường xuyên phá kỉ lục thế giới, kì Olympic này cậu ta chính là tuyển thủ vàng có thực lực nhất trong môn bơi lội, anh đoán cậu ta ít nhất phải giành được bốn huy chương vàng.”
Lúc đoàn đại biểu thể thao Trung Quốc ra sân, vận động viên bóng rổ nổi tiếng Diêu Minh đảm nhiệm cầm cờ dẫn đầu, tiến bước vào sân vận động. Những khán giả Trung Quốc có mặt tại sân cũng rào rào vẫy lá cờ nhỏ trong tay. Đối với các vận động viên của nước mình, Chung Quốc lại càng quen thuộc hơn, cứ như là kể về vật báu trong nhà. Cậu đứng trước màn hình ti vi, chỉ từng khuôn mặt rồi nói với Tô Nhất đây là ai kia là ai, có hi vọng giành được huy chương vàng hay chạy nước rút trong nội dung thi đấu nào.
Cuối cùng cũng đến màn châm đuốc. So với màn biểu diễn văn nghệ sử thi hào hùng, tráng lệ trên sân khấu nước Aegean kì trước, nghi thức châm lửa này lại có vẻ bình lặng, đơn giản hơn. Ngọn đuốc được hạ xuống từ từ sau khi được vận động viên châm lửa thì lại được nâng lên từ từ. Phương thức châm lửa đơn giản không chút màu mè kỹ xảo như vậy có lẽ cũng để tượng trưng cho tinh thần trở về với tính nguyên thủy của Olympic.
Chỉ có điều mong đợi lâu như vậy, ít nhiều Tô Nhất cũng thấy có chút thất vọng. Nhưng xét về tổng thể thì lễ khai mạc tương đối thành công. Chung Quốc thì lại nói: “Nghi thức châm đuốc của Athens lần này chẳng có điểm gì đặc biệt cả, đợi đến năm 2008 mà xem lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh đi, nhất định sẽ có một màn châm đuốc mới mẻ, độc đáo.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.