Dịch giả: Thùy Dương
Nguồn: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa
***
Thơ rằng:
Chàng chẳng thấy:
Đoàn Khanh ra làm tu nông chương (1)
Đốt văn tự Mạnh Thường nèo vua Lương (2)
Trượng phu liệu việc gan như đấu
Há vì lợi hại mà hoang mang
Thân nhẹ tình thêm nặng
Mạng nguy danh càng tăng
Đừng để cho:
Hủ nho cười ta tri giao bạc
Tham vàng hại bạn như sài lang.
1 Đoàn Khanh: Chưa rõ điển tích.
2 Phùng Huyên, thực khách của Mạnh Thường Quân, nhận đi đòi tô nợ ở ấp Tiết. Phùng đốt hết văn tự nợ để dân ấp Tiết hết lòng với Thường Quân. Sau đó lại sang gặp Lương Huệ Vương, gợi ý cho vua Lương mời Mạnh Thường Quân về làm tướng. Vua Tề vì vậy không dám bỏ Mạnh Thường Quân (Chiến Quốc sách).
Kẻ sĩ mưu lược, kẻ dũng nhiều quyết đoán táo bạo. Trong thiên hạ, việc mà đến tay hạng người trên thì tất cho kế sách chu toàn, tính trước liệu sau, nghĩ điều hơn, lo lẽ thiệt, việc nào mà chẳng lo xong xuôi trọn vẹn. Còn đối với hạng người thứ hai, lúc nào lòng nghĩa hiệp được khơi dậy, cũng chẳng cần nghĩ đến kết cục ra sao, cứ theo ý thích của mình mà làm những việc kinh thiên động địa.
Vừa rồi trước mặt đông đủ bạn bè. Thúc Bảo đột nhiên nghĩ ra chuyện đốt quách trát của Lưu Thứ sử, chẳng nghĩ tới chuyện mai kia sẽ hồi phúc thế nào với phủ đường Tế Châu. Mọi người thấy hành vi khẳng khái của Thúc Bảo, đều thực sự bái phục, cúi lạy sát đất. Thúc
Bảo cũng vội quỳ lạy đáp lễ.
Chỉ vì:
Thói đời ngẫm lại mỏng như mây
Nôn nóng lòng ta chính lúc này
Nghĩa nặng tình ai vàng thử lửa
Non cao biển rộng đáng khen thay!
Lúc bấy giờ chỉ có Huyền Thúy đút tay trong túi áo đứng nhăn mày ngẫm nghĩ. Tự Xương tựa vào bàn như đang tưởng nói tới chuyện xa xôi nào. Trình Giảo Kim vẫn ngang nhiên đứng yên không chịu quỳ lạy khí khái nói:
- Tần đại huynh, không có lẽ thế này. Người xưa đã nói: "Tự hành tác sự, tự thân đương", mình làm ra việc thì tự thân gánh lấy tội. Việc này chính do tiểu đệ gây ra, làm sao lại để liên lụy đến đại huynh. Lúc trước chỉ có tội không bắt được hai chúng tôi, thì tôi còn có thể để đại huynh gánh. Nay trát quan đã đốt đi rồi, làm sao có thể về phúc đáp phủ đường cho được. Thứ sử sợ gì mà không ghép đại huynh vào tội kháng lệnh quan, về hùa với bọn lục lâm, việc sẽ ra thế nào. Huống chi, tiểu đệ vợ con chưa có, chỉ có mỗi mẹ già, nếu đứng ra nhận chuyện này, thì đã có Vưu viên ngoại chu toàn chuyện cơm áo. Sao đại huynh lại làm thế. Nếu xảy ra chuyện không may, bỏ lại mẹ già, vợ con, ai người chăm sóc. Giờ đây tiểu đệ xin có kế này: xin Vưu viên ngoại tận tâm trông coi mẹ già tiểu đệ, tiểu đệ nguyện đứng ra gánh cả tội cho viên ngoại. Thực ra việc giết quan, giết lính cũng mình tiểu đệ. Viên ngoại cũng chẳng có dính dáng gì đến việc đuổi theo quan theo lính về sau. Nói rõ tên tuổi cũng là tội ở tiểu đệ nốt, chẳng quan hệ gì đến viên ngoại. Cứ thế mà đến đối chất ở phủ đường. Chỉ cần ngày mai làm lễ mừng thọ xong, tiểu đệ sẽ ra đầu thú, lúc đó Tần đại huynh dẫu có mất trát quan, việc cũng chẳng can hệ mấy nữa. Còn nếu như mất trát, người cũng không bắt được, bạc chẳng tìm ra thì tính mạng Tần đại huynh nguy mất.
Lúc đầu, thấy Thúc Bảo đốt trát quan ai nấy đều thấy khoái ý, nhưng chưa kịp nghĩ tới kết cục sẽ ra sao, nghe Giảo Kim nói, ngẫm nghĩ lại, mọi người mới thấy việc này rõ là nguy hại cho Thúc Bảo. Ai cũng ngẩn người.
Huyền Thúy lên tiếng:
- Từ việc trát quan này mà suy thì có hai lẽ. Trước khi đốt trát, thì chỉ sợ rằng Tần đại huynh muốn cứu mình, không dám tha Trình Giảo Kim, Tần đại huynh có phải giải tới Đông Kinh giao cho tổng lý Vũ Văn Khải xử đi nữa, thì tiểu đệ có thể thương lượng với Vũ Văn Khải để chu toàn cho Tần đại huynh. Nay lại có việc đốt trát này, thì việc gặp Vũ Văn Khải cũng không thể yên chuyện ngay được, nên có lẽ phải tìm đến Lai Tổng quản, Tổng quản ngày xưa vốn là thuộc hạ dưới trướng phụ thân tiểu đệ, tiểu đệ cùng tổng quản quan hệ rất thân thiết. Huống chi Tần đại huynh cũng vì tổng quản mà nhiều lần ra tay, nên tiểu đệ xin gặp đến tổng quản, nói với họ Lai bịa ra một việc cần kíp nào đó gọi Tần đại huynh về, thì mọi việc có thể xong xuôi.
Bá Đương gật đầu:
- Đó cũng là một cách.
Giảo Kim nói:
- Việc này thì hay đấy. Nhưng hai chúng tôi đây chưa bắt được, số bạc chưa tìm thấy, liệu Lưu Thứ sử có để yên cho Tần đại huynh an lành không, phải có người ra mà gánh lấy tội này chứ? Cho nên chỉ để tiểu đệ ra đầu thú là tốt hơn cả thôi.
Thúc Bảo bàn:
- Ngày mai mọi chuyện xong xuôi, nếu không có cách gì hơn thì tiểu đệ tính chuyện bồi thường số bạc này liệu có xong không?
Chính là:
Mười vạn thần quyền
Có tiền mua tiên
Đen sì mắt sắt
Tiền, vàng, được liền.
Thúc Bảo nói đến đây thì Tự Xương liền đập bàn la lớn:
- Việc này thì xin hai vị đừng lo, Tự Xương này đã có cách rất tuyệt diệu rồi đây.
Trước mặt mọi người, vì sao Tự Xương dám nói ra điều có vẻ khoác lác này. Vốn là Lưu Thứ sử là học trò của phụ thân họ Sài. Sau đó được lấy đậu tri cống cử cho nên họ Sài với Lưu Thứ sử coi nhau như anh em, đáng ra phải đến thăm Lưu Thứ sử, nhưng chưa có lúc nào rỗi. Trong việc này, Lưu Thứ sử chỉ phải lo nhất là đền cho đủ ba nghìn lạng. Nay có ba nghìn lạng của Đường công vừa gửi tặng Thúc Bảo, vậy thì chuyển số tiền này mà bồi thường cho Lưu Thứ sử. Thúc Bảo đành trắng tay, nhưng cả hai phía đều xong công sạch nợ, chính vì thế mà Tự Xương can đảm nhắc lại:
- Quả thật tiểu nhân không dám hứa hão với các vị đâu. Lưu Thứ sử đây vốn là môn sinh thuở xưa của thân phụ tiểu nhân, tiểu nhân xin đến gặp Lưu Thứ sử để tìm cách gỡ chuyện này.
Giảo Kim nói:
- Nếu đã là quan hệ thân thiết đến mức ấy, chỉ đưa cho Thứ sử khoảng một nghìn lạng cũng đủ rồi, làm gì phải cả ba nghìn lạng bạc kia.
Vưu Thông:
- Chuyện này thì Thúc Bảo đại huynh lấy đâu ra cho đủ. Mà chính chúng ta phải mang số bạc này đến.
Tự Xương yêu cầu:
- Số bạc này cũng ở tiểu nhân lo liệu cả, chả cần chư huynh phải lo, cứ ngồi yên uống rượu thoải mái, nhưng xin đừng bàn tán linh tinh, người ngoài biết ra, thì lại càng khó xoay xở.
Chính là:
Trần Bình sáu lần đưa thần kế
Cốt giải vây nên mẹo cũng dễ
Này li này chén, cứ say mèm
Để mặc bóng trăng non đoài xế.
Hùng Tín tiếp lời:
- Lý hiền đệ cùng Sài Quận mã đã đứng ra lo liệu chuyện này cho, thì sau lễ mừng thọ ngày mai, cả hai cùng đi lo ngay cho, xin lấy việc cứu hai bạn của chúng ta làm chuyện cấp thiết vậy.
Mưu kế đã có, ai nấy mới thở phào cùng nhau nâng chén, lại đủ chuyện giang hồ hảo hán, rượu hết chai này đến chai khác, cho bõ lúc lo lắng, tính toán. Chẳng bao lâu đã gần canh năm. Thúc Bảo đứng lên xin phép trở về nhà. Về đến nhà vẫn thấy cửa chưa đóng, mẹ già vẫn đứng trước cửa chờ. Trương Thị vẫn đứng cạnh bên mẹ chồng, Thúc Bảo kinh ngạc hỏi:
- Sao đến bây giờ mà mẫu thân vẫn còn đứng đây làm gì?
Tần mẫu lặng lẽ quay vào. Thúc Bảo vội vàng quỳ xuống trước mặt, Tần mẫu lúc này mới lên tiếng:
- Con thật là con nhà oan gia, từ tối đến giờ chẳng biết ăn uống ở đâu, mãi giờ mới thấy mặt. Chẳng hề nghĩ gì đến chuyện gì con đi xa ngàn dặm, mẹ lo lắng ở nhà. Nay tuy con không đi xa ngàn dặm, nhưng đang có việc lo lắng trong việc quan. Ngày hôm qua ở phủ đường ta thấy nhiều người bị phạt đòn, dân phố đâu đâu cũng bàn tán, ta không thể ngồi yên, còn con thì chẳng nghĩ gì đến mối lo lắng này của mẹ già cả.
Thúc Bảo thưa:
- Con đâu dám quên ơn dưỡng dục của mẫu thân, chỉ vì có việc quan hệ không thể dứt ra mà về ngay được.
Tần mẫu hỏi:
- Việc gì cần kíp như vậy?
Thúc Bảo thưa:
- Đơn viên ngoại ở Lộ Châu, năm trước đã cứu con khỏi cảnh thập tử nhất sinh, cùng với rất nhiều bạn bè, vừa mới đến Tế Châu. Sáng nay sẽ tới làm lễ mừng thọ mẫu thân.
Tần mẫu nói:
- Nếu đã như thế, con phải bàn với Trương Thị. Khách xa, khách quý đến nhà, mọi thứ cần phải sắm sửa, bày đặt cho sạch sẽ, tươm tất, từ trà đến rượu, đến hoa quả, các loại thức ăn.
Thúc Bảo lâu nay vẫn làm kỳ bài quan, cai quản hai mươi lăm tên thổ binh, nay đều gọi đến sai phái công việc, lại thêm cả hai bạn Kiến Uy, Vạn Nhẫn làm đô đầu ở phủ cũng lại giúp. Kiến Uy vốn tay chân vụng về, thì lo việc sắp đặt bàn ghế, rương hòm, lễ vật, tính toán việc thu chi. Vạn Nhẫn vốn viết chữ đẹp thì lo việc viết thiếp, viết chữ câu đối, thơ mừng. Lại còn có Liên Cự Chân lo việc khách khứa, tiếp đón, chào hỏi nghi lễ. Một vài đầy tớ nhanh nhẩu, chuyên dùng ngựa lo việc mua bán ngoài phố cho đầy đủ. Còn Thúc Bảo phải lo liệu mọi thứ, mọi nơi.
Lại không chỉ có bạn bè đã đang ở cửa hàng họ Giả, mà còn có cả khắp sáu phủ của Sơn Đông đều có người đến mừng, thêm bạn bè dưới trướng Lai Tổng quản, cho đến bản thân Tổng quản cũng có sai người đem lễ vật đến. Phủ đường Tế Châu thì từ thứ sử cho đến hai ban văn võ quan viên đều có gửi lễ, hoặc tự thân tới mừng, huyện Lịch Thành cũng vậy. Rồi trong đám lục lâm lâu nay, nhiều người được Thúc Bảo chu toàn cho, tuy không dám ra mặt đến bái thọ tạ ơn, nhưng cũng định nhân đêm hôm tới dâng thiếp mừng, lễ vật. Thấy cảnh nhộn nhịp như vậy. Thúc Bảo vội sai tay chân tin cẩn, chạy ra cửa hàng Nhuận Phủ, thưa với Hùng Tín, hãy khoan đưa bạn bè tới vội, vì chỉ sợ Giảo Kim trong lúc đi đứng, nói năng, có chuyện gì lỡ lầm thì thật không thể biết lời nào mà gỡ kịp.
Cho nên bạn bè ăn uống ở cửa hàng Nhuận Phủ xong xuôi, mãi hết giờ tỵ (1), họ mới qua cầu treo đi vào thành, cả đoàn gồm tới mười bảy vị, không kể bọn theo hầu, bưng lễ vật cũng đến hai mươi người nữa đi thành hàng dài theo dọc phố. Gần tới nơi, đã thấy Thúc Bảo cùng bọn Kiến Uy, quần áo mới, ra tận phố tiếp đón, rồi cùng tiến vào cổng ngõ, hai bên lối đi đều treo đèn, kết hoa rực rỡ, trong nhà lụa gấm phủ đầy khắp chỗ. Giữa nhà trên được quây thành một cái động rực rỡ ánh đèn, ánh nến. Mười bàn lớn được kê thành dãy ngay bán nguyệt đài, đầu bàn bày quả hộp phủ lụa điều, tiếp theo là các loại hoa quả, bánh trái, trà nước... Dưới sân trước bán nguyệt đài cũng rất ngăn nắp, bàn cúng tam sinh được bày ở đây cũng gồm đủ các lễ vật. Mọi người lần lượt bưng lễ mừng lên, đứng ngay bên thềm nhà, bái thọ Tần mẫu, thấy rõ cảnh trước thềm: chính giữa là một bức đại tự, viết bốn chữ cực lớn "Tiết thọ song vinh" (2), hai cột lớn hai bên là đôi câu đối:
1 Giở tỵ: Từ 9 giờ tới 11 giờ trưa.
2 "Tiết thọ song vinh": giữ được tiết hạnh với chồng đã mất, được hưởng tuổi già, cả hai đều được vinh hiển, danh giá.
Bền với tuyết sương, gương đúc sáng
Vui cùng tùng bách, tuổi già cao.
Trong nhà các đỉnh đồng cổ, hương trầm bay nghi ngút tỏa mùi thơm, hai bên hai dãy bàn, đèn nến huy hoàng, hoa quả, lụa là rực rỡ, hương đốt nhấp nháy tỏa sáng. Phía bên tả treo một bức tranh vẽ cảnh "Nam Cực Thọ tinh", bên tả cũng một bức vải lớn thêu cảnh “Tây Trì Vương mẫu". Ngoài thềm là một cổng chào lớn, hai bên là chỗ ngồi của đội nhạc, với kèn, trống vui vẻ.
Thúc Bảo đi một bên, cùng với mẫu thân ra đáp lễ mừng của quan khách. Tần mẫu vừa đúng lục tuần, nhưng mấy năm nay, gia cảnh thuận hòa, nên dẫu tóc bạc da mồi nhưng vẫn nhanh nhẹn, hồng hào, mặc bộ quần áo lụa trang nhã, tay cầm tràng hạt, theo sau là hai đứa hầu gái. Đến gần gian chính giữa, trước mặt quan khách đứng đón, Tần mẫu cất tiếng:
- Già này với Thúc Bảo vụng dại, chẳng có đức có tài gì mà cũng được các quý khách tới thăm mừng, thật là vinh hạnh quá chừng. Quý khách đường xa mưa gió vất vả, xin nhận ở mẹ con già này lời cảm ơn chân thành.
Hùng Tín dẫn đầu cả đoàn tiến lên, rồi tất cả đồng thanh:
- Chúng tôi lớp người sau, xin bái lạy để tỏ lòng kính mừng.
Thế rồi cả loạt bạn bè hào kiệt cùng bái lạy chúc mừng, phía dưới thềm lại là bọn gia nhân, đầy tớ di theo chủ cũng nhất loạt bái lạy Kiến Uy, Vạn Nhẫn, Cự Chân, đứng ngay cạnh Tần mẫu, giữ hai cánh tay áo Tần mẫu, không cho Tần mẫu lạy trả lễ, mà Thúc Bảo đứng bên cạnh, thay mặt Tần mẫu trả lễ khách quan cùng mọi người. Hùng Tín lên tiếng:
- Chỉ sợ bá mẫu mệt, chúng tôi không dám quấy phiền nhiều!
Tần mẫu lúc này mới đứng thẳng dậy, tỏ lời cảm ơn một lần nữa. Khách quan lại lần lượt dâng lễ vật, đưa cho Thức Bảo nhận lấy, Thúc Bảo lại đưa từng thứ cho mẫu thân xem qua, rồi lại đưa cho hai đứa hầu gái đặt trịnh trọng lên mặt bàn. Tần mẫu cất tiếng:
- Quan khách hậu nghĩa thế này, già này lại thêm tội.
Thúc Bảo mang những gấm đoạn, lụa là cùng các bức trướng, câu đối mừng treo lên hai phía cho mọi người cùng xem. Hùng Tín tiến đến trước Tần mẫu đáp lời:
- Bá mẫu ở bên, đây mới chỉ là lễ nhỏ, không đáng để mừng thọ. Chúng tôi đã sắp sẵn rượu thọ, xin cho mỗi người dâng ba chén mừng thọ bá mẫu.
Thúc Bảo thưa:
- Đơn nhị ca, cả ba bạn Kiến Uy đây cũng không dám nghĩ tới chuyện rượu thọ. Lão mẫu tuổi cao, chả nói chén to, ngay cả chén nhỏ, cũng không dám lĩnh nhiều đến thế, xin nhị ca xem lại, tất cả xin nhận ba chén là vừa.
Huyền Thúy lên tiếng:
- Cứ như Đơn viên ngoại, mỗi người ba chén thì quá nhiều, nhưng Thúc Bảo lại sợ quá ít. Tiểu đệ xin thưa: nếu bạn bè mà chỉ một mình mình đến, xin cho mỗi người ba chén, cả nhà đều đến, cũng chỉ xin ba chén. Lại thêm các thư mừng, trướng mừng, lễ mừng thay người cũng phải được dâng rượu mừng nữa, mỗi lễ cũng phải được dâng ba chén vậy.
Thúc Bảo thấy thế vẫn nhiều, nên bàn:
- Số rượu này tiểu đệ xin thay mặt lão mẫu uống vậy.
Bá Đương lên tiếng:
- Như vậy cũng tốt. Mẫu tử cùng thọ thiên thu.
Đầu tiên là Hùng Tín, dẫn theo Vương Bá Đương, Lý Huyền Thúy, Đổng Hoàn, Kim Giáp, Trương Công Cẩn, Sử Đại Nại, Bạch Hiền Đạo, đó là tám người cùng đi từ Nhị Hiền trang, mà lễ vật đều do Hùng Tín đứng ra sắm sửa, cả bọn dâng ba chén rượu, Tần mẫu uống một chén còn thì Thúc Bảo uống một chén. Toán thứ hai là Sài Tự Xương, một mình một lễ, Tần mẫu cũng uống hai chén. Thúc Bảo uống một chén, sau đó là đến Uất Trì Nam, Uất Trì Bắc, một lễ, Uất Trì Nam giảng giải:
- Hai anh em chúng tôi, tuy có một lễ, nhưng xin được dâng sáu chén rượu thọ.
Thúc Bảo hỏi:
- Anh em Đơn nhị ca đông đến thế, nhưng theo lời Lý đại huynh cũng chỉ có ba chén. Anh em tiểu đệ tại sao lại những sáu chén?
Uất Trì Nam đáp:
- Hiền đệ nói thế là tính theo lễ vật, nhưng anh em chúng tôi ngoài lễ vật, còn mang theo thư của Lai Tổng quản, chúng tôi đóng vai gia tướng của Lai Tổng quản, đến đây vì công vụ, nên xin được ba chén để khỏi nhục mệnh chủ. Sau đó mới là chính ba chén của chúng tôi dâng lên bá mẫu vậy!
Ai nấy đều cho là hợp lý, Tần mẫu nghe nói là gia tướng của Tần phu nhân sai đến, cũng cố uống hết hai chén, Thúc Bảo uống thay bốn chén. Rồi đến lượt Vưu Thông cùng Giảo Kim. Thúc Bảo lên tiếng:
- Đây chính là Trình Nhất Lang ở Ban Cưu điếm ngày xưa.
Tần mẫu thất kinh:
- Sao lại là Trình Nhất Lang được, chẳng giống như ngày xưa chút nào cả. Nhớ lại hồi ly loạn, cùng lệnh đường nương tựa vào nhau, hai nhà như một, có đến mấy năm, về sau lệnh đường trở về Đông Á, tin tức cách trở, không ngờ gặp lại, lệnh đường có khỏe không?
Giảo Kim thưa:
- Nhờ ơn bá mẫu, cũng được bình yên. Hôm nay Giảo Kim này đến mừng thọ bá mẫu.
Tần mẫu rất vui, uống luôn hai chén. Hùng Tín đứng bên giục:
- Chúng ta sẽ nói chuyện tiếp khi ngồi vào bàn tiệc. Xin cho các bạn ở Tế Châu này cũng được nâng chén chúc thọ bá mẫu.
Lại thấy Giả Nhuận Phủ, cùng với Phàn Kiến Uy, Liên Minh, Đường Vạn Nhẫn, cũng cùng dâng một lễ, Tần mẫu lên tiếng cảm tạ:
- Quan khách từ xa xôi nghìn dặm tới, làm vinh hạnh cho mẹ con già này, xin vui tiệc rượu suốt đêm nay cho!
Tần mẫu quay vào bên trong. Thúc Bảo đóng cửa hai bên lại, rồi ai nấy theo thứ tự mà ngồi, cũng không khác gì lắm thứ tự đã ngồi ở Giả gia điếm hôm qua, nay chỉ thêm ba bạn ở Tế Châu, đều là chỗ đi lại thường xuyên trong nhà, nên cũng coi như chủ vậy thôi. Nhạc mừng nổi lên, theo đúng hiệu lệnh, ai nấy cùng nâng chén, nghe theo lệnh điều khiển của Hùng Tín, lấy bài chúc của Hùng Tín, mỗi người đến lượt mình, nâng một cốc rượu lớn, hát bài chúc thọ, cứ sai một chữ phạt thêm một chén rượu. Mở đầu là Hùng Tín, hát mừng.
Long lanh một giải Ngân Hà
Sương bay lất phất, trăng già thanh thanh
Băng sương thu nguyệt bạch
Ngạo hơi thu gặp rét vẫn trinh kiên
Bên thềm thơm nức chồi huyên
Rượu thọ ngấm thêm bền sức lão
Hòa khí như xuân sớm
Tuổi thọ tựa Bắc Sơn
Này đào tiên Vương Mẫu
Này ngọc nữ quỳnh tương
Quanh tiệc thọ ngang tàng con với cháu
Chúng hào kiệt một niềm hiếu thảo
Đại gia đình đàn cháu bạn con
Những mong bá mẫu trăm tròn.
Chúng hào kiệt hát những lời này, rồi uống rượu thọ. Bài hát này chính là Huyền Thúy làm khi ở nhà Hùng Tín, bọn họ không phải ai cũng thuộc ngay được. Bá Đương với Công Cẩn, hai người này vốn hiểu văn, biết võ, nên cũng đã quen thuộc, nghe qua là nhớ ngay, hát không sai. Tự Xương tuy mới nghe, nhưng cũng chẳng lạ gì nên đọc vẫn trôi chảy. Nhuận Phủ chữ nghĩa ít nhiều, lại vừa đọc vừa ca. Khổ nhất là Hiền Đạo, Đại Nại, Uất Trì Nam, Uất Trì Bắc, Vưu Thông, Giảo Kim, Quốc Tuấn, Bội Chi, Kiến Uy. Giảo Kim nói:
- Cái này thì đúng là khổ tiểu đệ rồi, tiểu đệ làm sao mà nhớ được đọc không ra, xin uống rượu phạt cho xong.
Ai nấy đều cười rũ rượi, một hồi lâu, rồi lại cùng nâng chén rượu tràn.
Phía nhà ngoài cũng kê bàn ghế đầy đủ, cũng đủ tiệc rượu để mời anh em thổ binh, bọn đẩy tớ tay chân của khách của chủ. Bỗng nghe tiếng gõ cửa ở bên ngoài rất gấp, một thổ binh cầm đèn ra cổng xem sao, thì thấy một đạo sĩ cao lớn, vai vác một thanh bảo kiếm.
Thổ binh hỏi:
- Đạo sĩ tới đây có việc gì?
Đạo nhân đáp:
- Ta đi quyên giáo!
Thổ binh nói:
- Quyên giáo là lúc ban ngày ban mặt. Bây giờ là lúc nào? Xin đừng quấy rầy chúng tôi.
Đạo nhân vẫn khăng khăng:
- Người khác đi quyên giáo ban ngày, còn bần đạo đi quyên giáo ban đêm vậy thôi!
Thổ binh quát:
- Nhà người ta đang có việc bận. Ai rỗi hơi mà lý sự với đạo sĩ được. Xin đạo sĩ đi ngay cho được việc.
Nói rồi đẩy đạo sĩ ra, nhưng lập tức thấy thổ binh ngửa mặt kêu một tiếng rồi ngã lăn quay xuống chân tường. Đám thổ binh cùng đầy tớ bên trong nghe ra vội chạy tới xúm xít, thấy thổ binh vừa rồi vẫn nằm trên đất, đều định xăn tay áo đánh đạo sĩ một trận, nhưng chỉ thấy đạo sĩ lia tay một vòng, cả bọn đều ngã lăn quay trên nền đất. Một thổ binh hoảng hốt chạy vào nhà báo cho mọi người trên bàn tiệc. Thúc Bảo lớn tiếng quát:
- Các anh chẳng biết gì cả, đạo sĩ đã đến hóa trai, thì là tiệc chay hoặc tiệc mặn, cứ mời ăn thật no là xong, sao lại kinh động lên thế?
Kiến Uy đứng lên:
- Xin Tần đại huynh cứ ngồi tiếp khách. Để tiểu đệ thử ra xem sao.
Kiến Uy ra cửa, thấy đạo sĩ cao lớn như dáng hổ dữ, râu tóc vừa tốt vừa dài, thì biết ngay người khác thường, liền cung kính chắp tay thưa:
- Đạo trưởng chỉ đến đây hóa trai hay còn điều gì chỉ giáo nữa chăng?
Đạo sĩ đáp:
- Ta nào phải hóa trai đâu, mà cần gặp Thúc Bảo đại huynh cho biết mặt, nói với Thúc Bảo dăm câu rồi xin đi ngay thôi!
Kiến Uy đáp:
- Nếu như vậy, xin đạo trưởng chờ cho một lát, tiểu nhân sẽ mời Thúc Bảo đại huynh ra ngay.
Kiến Uy trở vào kể lại, Thúc Bảo vội chạy ra, thì thấy đạo sĩ đi vào hỏi:
- Vị nào là Thúc Bảo đại huynh?
Lúc này chúng hào kiệt nghe chuyện cũng ùa cả ra xem. Thúc Bảo lên tiếng:
- Chính là tiểu đệ đây ạ!
Rồi vội chắp tay chào đạo sĩ. Đạo sĩ lại hỏi tiếp:
- Vị nào là Đơn Hùng Tín ở Nhị Hiền trang?
Hùng Tín bước lên đáp:
- Tiểu nhân chính thị là Đơn Hùng Tín.
Rồi cũng chắp tay chào đạo sĩ.
Bá Đương đề nghị:
- Đạo trưởng, xin mời vào ngồi cùng với anh em chúng tôi uống chén rượu nhạt vậy. Để anh em chúng tôi cùng được vái chào!
Thúc Bảo hỏi họ tên đạo sĩ. Đạo sĩ đáp:
- Tiểu đệ họ Từ, tên Hồng Khách!
Nghe xong, Thúc Bảo vui mừng thưa:
- Thì ra là Từ Hồng Khách đại huynh, hôm nay không hiểu duyên may gì mà chúng tiểu đệ lại được tiếp đón ở đây?
Hùng Tín tiếp:
- Đại huynh Ngụy Trưng thường hay nhắc tới Từ Hồng đại huynh đây, ngợi ca đại huynh nhiều kỳ mưu dị thuật, văn vũ toàn tài, có thể bàn hoạch đại mưu đại kế. Nay được gặp mặt, thật thỏa nguyện bình sinh.
Thúc Bảo kính cẩn mời ngồi, rót rượu đưa tận tay. Hồng Khách nói:
- Xin hãy ngồi với bạn một chút. Tiểu đệ còn phải mừng lễ đại thọ của bá mẫu, giờ thì không dám phiền bá mẫu phải ra tiếp. Tiểu đệ ở trong núi, có pha được một ít rượu thơm gọi là "Tiên dịch hương giao". Xin phiền chư huynh dâng lên bá mẫu, tiểu đệ ở ngoài này kính bái cũng đủ rồi.
Bèn gọi lấy một mâm rượu không, đầy tớ vội mang đặt lên bàn. Hồng Khách lấy từ trong ống tay áo ra một cái hồ lô, cao khoảng ba bốn thốn, ngước mặt niệm chú mấy câu, rồi lấy móng tay vạch một vạch vỏ ngoài cửa hồ lô, cấm hồ lô nghiêng khẽ rót, một mùi thơm lạ lùng tỏa đầy nhà, khói bay thấp thoáng thành những dãy trắng uốn lượn. Hồng Khách xem đã đúng vạch vừa vạch chưa, rồi dừng lại lên tiếng:
- Vốn định trước tiên hãy dâng lên bá mẫu. Nhưng ngại tiểu đệ với Thúc Bảo đây mới gặp nhau lần đầu, sợ có điều gì nghi ngại, tiểu đệ xin uống trước một chén.
Nói rồi rót ra một chén, tự uống một hơi cạn, lại rót thêm một chén, đưa cho Thúc Bảo nói:
- Đại huynh cũng nên uống một chén, rồi sau phiền đại huynh dâng vào bá mẫu, uống tăng tuổi thọ.
Thúc Bảo đáp:
- Mấy khi được thấy "Tiên dịch hương giao" ở trên mẫu thân chưa uống, tiểu đệ sao dám uống trước.
Chưa nói dứt lời, thì đã thấy Giảo Kim đỡ lấy chén rượu, miệng nói:
- Xin để tiểu đệ cùng Tần đại huynh cùng uống là hay hơn cả!
Rồi dốc cả chén vào miệng cạn sạch, thì đã thấy vị ngọt thấm khắp lục phủ ngũ tạng, người say ngây ngất. Giảo Kim bèn nài:
- Xin cho một chén nữa vậy?
Hồng Khách đáp:
- Không nên thế! Xin mời dâng vào cho bá mẫu, còn thừa bao nhiêu, sẽ mời chư huynh sau.
Thúc Bảo cầm hồ rượu, đi vào nhà trong. Hồng Khách ở ngoài này, quay mặt theo vái đủ bốn lạy. Chính là:
Kính dâng thêm thẻ hạc
Vâng chuốc chén đào tiên.
Lát sau, Thúc Bảo ra, bái tạ Hồng Khách:
- Lão mẫu sai tiểu đệ tạ ơn đại huynh vì mấy chén quỳnh tương. Lão mẫu đã uống tới ba chén. Còn bao nhiêu cho Tần Quỳnh này đem ra mời các vị nếm thử.
Kiến Uy lại kể cho Thúc Bảo nghe, Hồng Khách đã bái lạy bá mẫu như thế nào, Thúc Bảo lại vội bái lạy đáp lễ. Hồng Khách kéo Thúc Bảo dậy, rồi lấy hồ lô trong tay áo ra, thổi một hơi dài, dốc hồ lô lên, rót cho mỗi người một chén, mãi đến Thúc Bảo thì hồ lô cũng vừa cạn, ai nấy đều xuýt xoa khen ngợi mãi không thôi. Thúc Bảo bèn mời Hồng Khách ngồi ngay cạnh Hùng Tín, mọi người lại ai về chỗ người ấy. Thúc Bảo nói với Hồng Khách:
- Lần vừa rồi tiểu đệ có đi công cán ở Trường An, được gặp đại huynh Lý Tĩnh, Lý đại huynh cũng thường nói đến Từ đại huynh luôn.
Hùng Tín hỏi:
- Từ đại huynh đã lâu không thấy đến chơi với Ngụy Trưng chúng tôi.
Hồng Khách đáp:
- Tiểu đệ rằm tháng trước có ghé qua Tây Nhạc miếu ở Hoa Sơn, được Ngụy Trưng hiền đệ giữ lại một đêm. Có nói tới chuyện Thúc Bảo đại huynh, năm trước bị nhiễm bệnh ở Lộ Châu, ngay trong miếu Đông Nhạc. Lại được Đơn nhị ca đây hết lòng chăm sóc, bạn bè gặp gỡ có đến nửa năm. Sau đó Thúc Bảo gặp chuyện không may, phát phối đi U Châu, đến nay đã bốn năm năm rồi, ngày tháng thấm thoát lòng nào có quên được. Ngụy Trưng nhân công việc ở miếu không thể nào thoát ra được mà đi, nên có thư cho tiểu đệ đem đến Nhị Hiền trang, thăm Đơn nhị ca vừa là cùng đi Tế Châu làm lễ mừng thọ. Đến Nhị Hiền trang, thì được tin Đơn nhị ca cùng các bạn đã đi Tế Châu rồi. Vì vậy đệ ngày đêm tới đây, đề được mừng thọ bá mẫu.
Nói rồi rút trong tay áo ra thư của Ngụy Trưng, Hùng Tín mở ra xem, thì cũng nhắc lại chuyện ở Lộ Châu, nhớ ơn Hùng Tín đứng làm hộ pháp trông coi công việc của miếu Đông Nhạc. Cùng là một thư gửi Thúc Bảo, kể lể chuyện xa cách, sau là những lời chúc mừng ngày sinh nhật của Tần mẫu, sau nữa là giới thiệu tài năng khác thường của Từ Hồng Khách, khuyên Thúc Bảo hãy nghe theo những lời dặn dò của Hồng Khách, sau hết là một hài từ chúc thọ Tần mẫu, Thúc Bảo xem xong cẩn thận bỏ vào ống tay áo rồi nói:
- Tiểu đệ năm trước ngã bệnh trong miếu, may được Ngụy đại huynh chăm sóc thuốc men. Đến khi tiểu đệ từ U Châu trở về Lộ Châu, định quay lại miếu Đông Nhạc để tạ ơn, thì Ngụy đại huynh đã đi Hoa Sơn. Thật là tình sâu nghĩa nặng, một chút báo đền cũng chưa có, đến bây giờ vẫn thế thôi.
Huyền Thúy hỏi:
- Từ đại huynh đến đây từ bao giờ?
Hồng Khách đáp:
- Tiểu đệ trưa hôm qua mới vào đến thành Tế Châu này, trọ ở Nhan gia điếm. Nguyên định sáng sớm mai sẽ đến báo thọ bá mẫu. Nhưng xem thiên văn, thấy ở phương Tốn, đêm nay khí độc giăng đầy sợ có họa nhỏ, lại chiếu phương vị, đúng là nơi này, vì vậy dù tối rồi, cũng phải đến gặp chư huynh vậy.
Ai nấy nghe nói đều nhất tề hỏi:
- Có tai họa gì không?
Hồng Khách đáp:
- Xin chư huynh cứ đợi cho một lát sẽ rõ ngay.
Mọi người thấy Hồng Khách cốt cách khách thường, phong thái siêu tài, cử chỉ hiên ngang, đều muốn được Hồng Khách chuyện trò mãi. Hết người này lại người khác đứng dậy rót rượu mời. Chính lúc ngày đêm gặp gỡ (1), bỗng thấy Hồng Khách ngừng chén, mắt nhìn vội ra bên ngoài, hét lớn:
1 Tức là giờ tý, 12 giở đêm vậy.
- Nguy rồi! Hỏa tinh xuống!
Hồng Khách vội vàng đứng dậy, nâng một chén rượu, ra đứng ngay thềm bán nguyệt đài, rút bảo kiếm đeo sau lưng, miệng thì thầm niệm chú, rồi bỗng quát lớn:
- Biến!
Lập tức hắt chén rượu lên không. Phút chốc gió lớn nổi mạnh, mây đen kéo đầy trời. Trong nhà bao đèn nến đều bập bùng, cái bạt, cái tắt ai nấy đều kinh hoàng, thì lại nghe ngoài cổng tiếng huyên náo, kêu la ầm ĩ, nhiều thổ binh, đầy tớ vào thưa:
- Khốn khổ rồi, nhà phía trái phát hỏa, đang cháy dữ lắm!
Thúc Bảo cùng bạn bè nghe nói, vội chạy ra xem rồi sai người cứu hỏa. Hồng Khách can rằng:
- Chư huynh không nên ra vội. Bên ngoài sẽ mưa to ngay bây giờ!
Lời chưa dứt, thì đã thấy bên ngoài mưa như trút từ trong chậu ra. Một lát sau, mây đen bay hết, mưa cũng tạnh, trời quang đãng trở lại. Đầy tớ lại vào thưa:
- Thật là trận mưa lớn chưa từng thấy, quý báu quá chừng, tắt được cả đám cháy lớn. Nếu không có khi còn cháy lan cả sang hàng xóm cũng nên!
Chúng hào kiệt lại càng phục Từ Hồng Khách.
Vừa tới canh năm, ai nấy trở dậy chia tay. Hồng Khách nói với Thúc Bảo:
- Sáng rồi, tiểu đệ xin từ tạ!
Thúc Bảo cố mời:
- Đại huynh từ xa đến đây, các bạn cùng còn ở lại cả, xin đại huynh hãy ở lại hàn huyên ít ngày đã.
Hồng Khách đáp:
- Tiểu đệ vẫn thường nói với Ngụy trưng hiền đệ vùng Thái Nguyên có vượng khí thiên tử, vì vậy có giao hẹn với Lưu Văn Tĩnh, thử đến đây hội ngộ một lần. Vì vậy không thể chậm hơn, sợ lỡ hẹn chăng!
Thúc Bảo nói:
- Nếu đã như vậy, đệ cũng xin gửi một hai phong thư, nhờ đại huynh chuyển hộ tới Lưu Văn Tĩnh, cùng Ngụy Trưng, sáng ra xin sai người đưa tới quán trọ.
Hồng Khách bằng lòng. Ai nấy nhất tề vái chào từ biệt, ra khỏi cửa.
Chính là:
Tiệc vui, vui mãi được nào
Tiệc này đã vậy, tiệc sau xin chờ!