Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 99:




Dịch giả: Thùy Dương
Nguồn: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa

***
Từ rằng.
1. Người đã mất
Tóc mây lược ngọc rơi bùn đất
Chiếc tất sao còn vương vất
Bà lão bắt được
Của quý! Lòng ngây ngất.
2. Đường về khấp khểnh ngàn trùng
Lối xưa chuyện cũ, cho lòng đắng cay.
Mưa rơi rả rích đâu đây
Mưa vào lòng, giọt khi đầy khi vơi
Khúc hát trời
Khúc hát người?
Theo điệu: "Quy quốc dao"
Đ ại phàm trong chuyện sinh tử, biệt ly của nam nữ, nếu không bi thương, khổ lụy thì chẳng còn điều gì đáng nói. Nhất định phải có bi lụy nhớ thương, nhược bằng người tình lại đến nỗi ngọc nát, châu chìm, chẳng còn gì sót lại, phải tay không mà tưởng vọng, nhớ ảnh nghĩ hình, trằn trọc năm canh. Còn như may mắn hơn, của người xưa vẫn còn đó, phấn thừa hương thải, để rồi nâng lên ngắm nghía, mắt thấy lòng đau. Toàn là những thứ người ngoài chẳng mảy may động tâm, nhưng với người trong cuộc thì muôn nghìn trân trọng. Huống chi ân sâu tình nặng thuở xưa, ngày ngày đêm đêm không rời gang tấc, một sớm xa cách, kẻ về dạ đài xót xa, người trên dương thế xiết bao ngậm ngùi. Nhớ trước tưởng sau, mắt nhìn tai nghe, toàn gợi chuyện thảm sầu. Những tình cảm đó, gửi vào thư từ, thác vào thanh âm, thì quả là lấy lời ca thay tiếng khóc, một lời là một giọt lệ vậy.
***
Nói chuyện Mai Phi từ Tiểu Bồng Doanh lên đường trở về Trường An, trước lúc ra đi, còn kịp viết một tờ sớ sai nội thị vào Thục dâng lên thượng hoàng. Nguyên là ở Thục, thượng hoàng vẫn thương nhớ Mai Phi, nhân có người thưa:
- Quân nghịch vào nội cung, thấy một xác cung nga, nghĩ là Mai Phi.
Thượng hoàng nghe tâu, tin là Mai Phi đã chết, nên mười phần thương tiếc. Lúc này có một thầy phù thủy, người ở ngay đất Thục, tên gọi Trương Sơn Nhân. Thượng hoàng nghe danh, gọi vào cung, sai xuống âm phủ thăm tìm xem hồn phách Mai Phi hiện ở đâu. Trương Sơn Nhân lập đàn, tĩnh tọa một ngày một đêm, hồn trở về tâu rằng:
- Thần đã dạo khắp tam giới tuyến dài, lại dạo khắp các miền tiên giới, đều chẳng có tông tích.
Thượng hoàng ủ rũ, mà rằng:
- Hồn thơm không biết trú ở đâu. Nếu như hồn Mai Phi mà tìm được thì hồn Dương Quý Phi cũng phải gặp được, Nhưng sao cả hai đều không thấy là cớ sao?
Bởi vậy thường vẫn giọt dài giọt ngắn khóc than. Cao Lực Sĩ thấy tình cảnh thế, tìm được một bức tranh vẽ hình Mai Phi trình lên. Thượng hoàng ngắm nghía một hồi rồi thở than:
- Bức vẽ này giống, nhưng chỉ tiếc là không cử động được.
Xem đi ngắm lại, rồi tự tay đề một bài tuyệt cú vào bên cạnh:
Chầu hầu hai tám nhớ năm xưa
Vẻ đẹp thiên nhiên phấ sáp thua
Sương tuyết vẫn y phong thái áy
Làn thu ba sao chẳng đung đưa?
Từ đó thượng hoàng vẫn hay giở tranh Mai Phi mà sụt sùi. Về sau lại có người tâu rằng:
- Mai Phi vẫn chưa chết, tử thi dạo giặc thấy trong cung, không phái Mai Phi đâu!
Thượng hoàng nghe ra, ngờ rằng đã lẩn trốn dược vào dân chúng, bèn hạ chiếu cho khắp nơi, ai biết Quý phi Giang Thái Tần ở đâu lập tức tâu lên sẽ được trọng thưởng, hoặc phụng đưa về kinh, sẽ được ban tước lục phẩm, thưởng tiền một trăm vạn. Chiếu dụ ban ra, vừa khi Túc Tông đọc dược biểu chương của La Thái, liền sai người tâu lên thượng hoàng. Lúc này, thượng hoàng xa giá đã khởi hành về Trường An, nên được biết việc này ngay trên đường đi, mặt rồng vô cùng hoan hỉ, truyền chỉ nói rõ về kinh sẽ ban thưởng cho bọn La Thái. Còn Giang Thái Tần thì hãy về cung đợi thượng hoàng trước.
Mấy ngày sau, sứ giả của Thái Tần đã tới, dâng sớ tâu của Thái Tần ngay trước xa giá. Tờ sớ đại lược như sau:
Muôn tâu
Thần thiếp kể từ
Lầu Đông hiến phú
Một lầm hai lỡ
Nhờ lượng thánh nhân
Tha tội một lần
Cho về cung vắng
Mấy năm lắng đắng
Một dạ ghi ơn
Bỗng giặc nổi cơn
Phong ba phá tán
Thiếp nghĩ rằng phận
Phải chết theo vua
Dây treo vào cổ
Hồn gần lìa xác
Việc đâu lạ thật
Tiên Cô cứu cho
Tỉnh tỉnh mơ mơ
Chết sống rất lạ
Tiên ông Trương Quả
Vẽ giấy thành lừa
Từng mây lơ lửng
Lan Dương đưa tới
Am Tiểu Bồng Doanh
Cùng La Tố Cô
Họ La Công Viễn
Doanh Doanh lại đến
Cẩn thận dặn dò
Cành mai giành cho
Hương thơm vạn lý
Trạng nguyên Tần Thị
Tình duyên kỳ dị
Sẽ được tái hồi
La, Tần hai vị
Lệnh vua đến gọi
Thiếp nay tấu đối
Tỏ chút lòng hèn
Được gặp thiên nhan
Vô cùng may mắn
Nhành mai tươi tắn
Vẫn nở đầu cành
Bái chúc thánh hoàng
Thiếp tôi cẩn tấu.
Thượng hoàng trước đó đã được Túc Tông sai sứ tâu trình mọi chuyện, nay đọc sớ của Mai Phi vừa thương xót vừa mừng rỡ, lại thấy kỳ lạ, liền phê mấy lời an ủi rằng:
Hiền phi gặp nạn quyên sinh, tuẫn tiết rỡ ràng là chí
Tiên nữ nhớ lời cứu mạng, kiên trinh sau trước là thành
Nghìn dậm mây bay, lạ lùng bấy
Bồng Doanh rằng ẩn tích
Một cành mai hẹn, đẹp đẽ thay
Hoa Ngọc rằng lưu hương
Trẫm xem tượng vẽ mà đề thơ, tìm tòi
Mãi mà hồn thơm xa bóng dáng
Khanh được người tiên chừ từng chữ
Hẹn hò lâu mà hội ngộ chắc nay mai
Thấy bao nhiêu là việc hay
Nghe rõ lắm là chuyện lạ
Ấy cũng bởi lòng thành nên cảm động Phật Tiên
Lại khiến cho hưởng phúc được vuông tròn duyên kiếp
Từ nay một tấc không rời lầu tía
Đặng suốt năm canh có chung giấc mộng vàng
Nghĩa cũ mênh mang
Ơn nay dồn dập.
Trung sứ vâng mệnh cầm chiếu chỉ về ban cho Mai Phi. Lúc này Mai Phi đã về tới Tây Kinh, theo lệnh của Túc Tông, vào ở Thượng Dương cung như xưa. Thượng hoàng đến phủ Phượng Tường, truyền lệnh cho quân sĩ theo đi, đem tất cả áo giáp, khí giới, giao nạp lại cho kho của bản phủ cả. Lý Quốc Phủ theo lệnh của Túc Tông, dẫn ba nghìn lính cưỡi ngựa đi đón xa giá. Khi thượng hoàng gần về đến kinh thành, Túc Tông liền dẫn trăm quan ra ngoài cửa thành đón rước. Trăm họ cũng tràn đầy đường phố bái lạy, tung hô: "Vạn tuế! Vạn tuế”.
Túc Tông phủ phục trước xe rồng của thượng hoàng nước mắt đầm đìa, thượng hoàng không ngăn nổi, cố nén nghẹn ngào, cất lời an ủi.
Túc Tông dâng lời xin thoái vị, thượng hoàng không nghe. Túc Tông không dám mặc hoàng bào, chỉ mặc áo bào tía. Thượng hoàng sai lấy hoàng bào, lệnh nội thị đem thay ngay cho Túc Tông. Ngày hôm đó, xa giá đến cáo yết ở thái miếu. Nhân thấy thái miếu bị hủy hoại, liền ngửa mặt lên trời mà khóc rống, dân chúng không ai ngăn được thương cảm. Cáo yết xong, xa giá quay về triều. Túc Tông đi bộ theo sau xe, thượng hoàng nhiều lần khước từ, khuyên nhủ, mới chịu lên ngựa, đi theo bên xe rồng. Thượng hoàng quay nhìn các quan mà phán:
- Trẫm ở ngôi thiên tử năm mươi năm, mà chưa bao giờ được tôn kính đến thế, nay làm thái thượng hoàng, mới được thấy cảnh này vậy?
Các quan đều quỳ lạy mà mừng:
- Vạn tuế! Vạn tuế!
Thượng hoàng vào cung không chịu ngự đại điện nữa, chỉ lên ngay điện làm nơi nghỉ ngơi của thượng hoàng rồi ban cáo rằng:
- Trẫm nay lên ngôi thái thượng hoàng; lấy cung Hưng Khánh ở Nam Nội làm nơi vui nghỉ tuổi già. Việc chính sự của triều đình, từ nay không nghe, không dự bàn nữa. Nay ban bố cho thần dân đều biết!
Người đời sau đọc sử tới đoạn này, nói đến việc thượng hoàng sai nạp tất cả giáp trụ, binh khí vào kho, là ý ra sao? Túc Tông làm con ra đón xa giá của cha, lại đem ba nghìn binh mã cường mạnh, thì ý thế nào?
Có thơ than rằng:
Binh khi nộp kho, suy đã kỹ
Hiềm nghi cần tránh giữa cha con
Đón rước sao cần ba nghìn ngựa
Cờ quạt huy hoàng đúng lễ hơn.
Thượng hoàng về Hưng Khánh cung, lập tức triệu Mai Phi vào gặp. Mai Phi quỳ lạy rồi khóc lóc rất kiều mị, thượng hoàng không ngăn được thổn thức, tìm lời an ủi. Truyền đem bức tranh vẽ có đề mấy câu thơ ra, Mai Phi bái tạ:
- Tình của thượng hoàng, chẳng lấy gì mà đền đáp cho lại, thần thiếp dẫu có chết, còn đợi ơn sâu mãi tới dạ đài.
Nhân đó bèn kể lại chuyện quyên sinh, gặp Vi Thị ở Vương Ốc Sơn đến cứu thế nào, tỉ mỉ kể lại một lượt:
- Thiếp nếu không có Trương Quả tiên sư sai tiên cô đến cứu, thì làm gì có phúc gặp lại thượng hoàng hôm nay.
Thượng hoàng phán:
- Thuở trước trẫm có ý định gả Ngọc Chân công chúa cho Trương Quả, nhưng tiên sư cố từ không nhận, quả có Vi tiên nữ ở Vương ốc Sơn thật. Nay lại có chuyện khanh được cứu như vậy, thì đúng con lừa giấy này vẫn thường có trong tráp của Trương tiên sư vậy.
Mai Phi lại đem cành mai của Diệp Pháp Thiên tặng trình lên thượng hoàng xem. Thượng hoàng thấy cành mai sắc như ngọc trắng, hương thơm tỏa khắp, vô cùng kinh ngạc:
- Khanh được cành tiên mai này, cũng không hổ thẹn với danh hiệu Mai Phi lâu nay vậy!
Mai Phi đọc lại mấy câu thơ của La Công Viễn, rồi tâu thêm:
- Bài thơ này tuy tặng Đạt Hề Doanh Doanh, nhưng việc thiếp được La Thái tâu lên thượng hoàng biết cũng đã được ngụ sẵn trong này.
Thượng hoàng gật đầu than:
- La Công Viễn trước đây đã từng viết thư gửi trẫm, nói rõ "An bất vong nguy", yên ổn đừng quên, lo lúc nguy khốn. Chữ "An" này rõ ràng là nói về An Lộc Sơn, lại gửi một củ thuốc tên gọi là "Thục đương quy", cũng rõ tiên sư khuyên trẫm nên tránh loạn vào Thục, để sau còn được quay về Trường An. Lời này của các bậc tiên sư, lúc ấy chẳng thể hiểu kỹ càng, chẳng có điều gì không đúng. Trẫm mấy hôm nay về đây thường nghĩ đến họ.
Mai Phi tâu rõ La Tố Cô cùng La Thái vốn là họ hàng, thượng hoàng liền truyền lệnh gia phong La Thái ba cấp, thưởng cho một trăm vạn tiền. Phong cho La Tố Cô làm Trinh Tĩnh tiên sư, thưởng tiền hai trăm vạn, để tu sửa, mở rộng Tiểu Bồng Doanh. Sai đắp tượng Trương Quả, Diệp Pháp Thiện, La Công Viễn, ba vị tiên sư trong am để sớm tối hương hoa thờ cúng.
Mai Phi nhớ tới đã cùng Doanh Doanh ăn ở lâu ngày, rất là kính yêu lẫn nhau, tình ý sâu nặng. Nhân đó xin với thượng hoàng lấy phủ đệ của Quắc Quốc phu nhân cho Doanh Doanh ở, điều này lại đúng với câu thơ của La Công Viễn: "Phong cảnh giả thành chân". Bởi lẽ lần gặp gỡ đầu tiên với Quốc Trinh, Doanh Doanh đã đem bức vẽ phủ đệ của Quắc Quốc phu nhân cho Quốc Trinh như của làm tin. Ai ngờ nay lại thực sự được ban cho phủ đệ này, quả là chuyện lộng giả thành chân, đùa quả hóa thật vậy.
Quốc Trinh đón Doanh Doanh, sau khi đã thưa rõ với Quốc Mô, không những là chuyện gặp gỡ lạ lùng ngày xưa, mà còn là việc kỳ ngộ ở Tu Chân quán, được La Thái đứng ra làm mối. Quốc Mô thấy Quốc Trinh đã được ý của thượng hoàng ban rồi, nên để cho Quốc Trinh mặc lòng.
Doanh Doanh được ban phủ đệ, đoàn viên với Quốc Trinh, cùng nhau kể chuyện trước sau, tình nồng duyên thắm, nói sao cho xiết. Có điệu từ "Hoàng oanh nhi" sau đây làm chứng:
Chàng ơi!
Trời xui thiếp lại gặp chàng,
Lầu Tần trút bỏ áo vàng cà sa
Tình ta duyên ta
Tương tư nợ cũ nay đã trả rồi
Họ cũng đôi
Tên cũng đôi
Đôi lứa êm đềm
Chẳng phải như đêm xưa
Mẹo riêng khó tìm
Chàng ơi!
Ghé tai thiếp nhắc duyên ta duyên gì?(1)
1 Tử xưa, Trung Quốc có họ kép, họ đơn: Độc Cô, Vũ Văn, Uất Trì, cùng Đạt Hề là họ kép, họ đôi. Tên cũng có tên đơn và tên kép, Doanh Doanh là tên kép vậy!
Nguyên phu nhân của Tần Quốc Trinh là Từ Thị, họ nhà Từ Mậu Công, rất hiền đức, vì vậy chị em cùng chung sống hòa thuận về sau ai cũng sinh trai quý. Quốc Trinh cùng anh Quốc Mô, đều làm quan cao rồi về chí sĩ. Doanh Doanh ra vào trong cung, đi lại với Mai Phi, thường sai người thăm hỏi La Tố Cô. Tố Cô sống mãi tới hơn một trăm tuổi, một chiều ngồi tĩnh tọa mà hóa. Đều là những chuyện sau này, chẳng phải nói rườm rà nữa!
***
Lại nói Mai Phi hôm ấy gặp Hoàng thượng xong; xin lui về cung Thượng Dương. Thượng hoàng phán:
- Trẫm nay đã già, chẳng người chăm nom, được khanh đây cùng trò chuyện, tất là vui vẻ thêm cho cảnh trời chiều, thế thì khanh còn quay về Thượng Dương cung làm gì nữa.
Mai Phi thưa:
- Thần thiếp từ cờ thúy hoa rẽ vào Tây Thục, ngày đêm mong sợ dáng chí tôn, nhưng lòng vẫn luôn nơm nớp sợ hãi bị ruồng bỏ, nên coi mình như phận ngoài vòng. Nay may thân còn sống sót những ngày thừa, được thấy lại thiên nhan, quả là đã có điều ngoài ước nguyện rồi. Nay được ơn trên thương đến, sủng ái như xưa, nhưng thiếp tự thấy nhan sắc đã kém nhiều, lấy làm tủi hổ mà thành thật xin lui vậy!
Thưa rồi, lệ tuôn như thưa. Thượng hoàng thân cầm tay an ủi:
- Trước kia khanh có xa cách ít nhiều, quả thực là lỗi ở trẫm. Nhưng ngọc lành gửi tặng, đã thấy rằng trẫm chẳng vô tình. Nay lại được như lời của các bậc tiên sư, chuyện xưa hóa tốt, cùng nhau ôn lại mừng có bây giờ. Khanh nỡ lòng nào bỏ trẫm mà đi nơi khác cho dành!
Mai Phi thấy thượng hoàng thực tình quyến luyến, nên vâng mệnh ở lại cung Hưng Khánh.
Chính là:
Tung tóc hoa dương theo gió sớm
Cành mai còn đượm mãi hương xưa.
Thượng hoàng từ ngày được gặp lại Mai Phi, cảnh già cũng đỡ hiu quạnh, nhưng thường vẫn nhớ tới cái chết thảm khốc của Dương Quý Phi, lòng không khỏi đau xót. Dạo từ Tây Thục về kinh, qua trạm Mã Ngôi, đặc sai người tới mộ tế. Lúc ấy đã có ý làm lễ cải táng, nhưng Lễ bộ thị lang là Lý Quỳ tâu rằng:
- Thuở trước tướng sĩ đội Long Vũ, nhân muốn giết Dương Quốc Trung nên mới lụy đến Quý Phi. Nay muốn cải táng Quý Phi, sợ đội Long Vũ lo lắng lại sinh biến chăng?
Thượng hoàng nghe tâu thế, bằng lòng tạm đình việc lại. Đến khi về kinh, mật sai Cao Lực Sĩ lặng lẽ tìm đến Mã Ngôi lo việc này. Lại dặn riêng rằng: "Nếu có di vật gì của Quý Phi, thì hãy nhớ cầm về!” Lực Sĩ vâng theo tìm đến gò hướng bắc, con đường phía tây trạm Mã Ngôi, cẩn thận đào mộ Quý Phi, lo liệu việc cải táng nơi khác. Thịt da đã tiêu tan, y phục cũng hóa thành bùn đất cả. Chỉ có mỗi chiếc túi đựng hương thơm tử la hàng ngày Quý Phi đeo trước ngực là vẫn còn nguyên. Loại lụa tử la này do nước ngoài tiến cống, dệt bằng sợi tơ băng, trong túi đựng loại hương lạ, nên không bị hỏng. Cao Lực Sĩ bèn cất lấy.
Lại nghe nói có chiếc tất sót lại, một bà lão nhà ở ngay núi Mã Ngôi phía trước còn giữ. Bà lão này họ Tiễn, Cao Lực Sĩ liền tìm đến, đem mười nghìn ra chuộc. Nguyên hôm Dương Quý Phi bị làm tội chết ở trạm Mã Ngôi, chôn cất vội vàng, xa giá lên đường ngay. Lính tráng coi trạm dịch liền vào trong quét dọn, trong số đó có người lính họ Tiễn, ngay ở dưới chân tường của Phật đường, nhặt được chiếc tất gấm, biết là của phi tần trong cung đánh rơi, liền giấu mọi người, cất kỹ. Trở về nhà, đưa cho mẹ già xem. Bà lão họ Tiễn xem kỹ thì thấy chiếc tất này làm bằng lụa mỏng, lại thấy chỉ gấm đủ năm màu, thêu thành những đóa sen cùng gốc, màu sắc rực rỡ lóa mắt, hương thơm phảng phất, bèn nói:
- Cái này chính là vật còn lại của Phi tử nương nương vừa mới mất. Vật báu như thế này, dễ một lúc mà thấy được!
Đang lúc ngắm nghía, gặp ngay một bà lão hàng xóm sang chơi, bèn cùng nhau xem xét một hồi. Chuyện cứ thế mà bay xa, những kẻ hiếu sự kéo từng lũ tới xin được xem. Người này được xem, chẳng nhẽ người khác lại không. Lúc đầu bà già họ Tiễn còn như thế đưa ra cho mọi người xem chán, về sau số người đòi xem càng nhiều, bà già liền đòi mỗi người mấy đồng tiền, càng về sau giá càng cao, tới một trăm đồng một lần xem. Vì vậy, chẳng mấy chốc, họ Tiễn được tiền kể vạn, cuộc sống gia quyến ngày càng sung sướng.
Nguyên chiếc tất của Dương Quý Phi, có tên là "Ngẫu lý". Hai chữ "Ngẫu lý" này, do ngày thường Quý Phi rất thích đi tất có thêu hoa sen, Huyền Tông thường đùa rằng:
- Trên tất của ái khanh, đúng là nên thêu hoa sen vậy, bởi vì bên ngoài không có hoa sen, thì sao ở bên trong lại có ngó sen trắng như thế?
Từ dạo Quý Phi gọi tên đôi tất của mình là "Ngẫu lý" (1). Không ngờ tấm thân chẳng giữ nổi, còn lại mỗi một chiếc tất nơi trạm dịch, để cho người đời tranh nhau xem, đem lại bao nhiêu là tiền cho bà lão họ Tiễn.
Về sau Lưu Vũ Tích (2) có làm bài "Mã Ngôi Hàng", cũng có nói đến chiếc tất này như sau:
Dây buộc hài đã mất
Chỉ thêu vẫn ửng nền
Đâu bằng người trước núi, (3)
Đây chiếc tất thêu sen
Có bác lính ưa lạ
Khéo tay gỡ mối liền
Muôn nghìn mắt ngắm nghía
Sợi đứt, hương triền miên.
1 “Ngẫu lý": Nghĩa là cái ngó sen vùi sâu dưới bùn, rất trắng. Lý là che đậy, giấu kín.
2 Lưu Vũ Tích (722-842): người Giang Tô, đỗ tiến sĩ năm hai mươi mốt tuổi. làm quan nhiều lần bị biếm, nên sống lưu lạc nhiều nơi.
3 Cả hai câu thơ này đều nhắc đến Tây Thi, nhưng với hai thái độ khác nhau trong việc so sánh với Dương Quý Phi. Linh Nham là một di tích nổi tiếng thuộc Ngô Huyện, tỉnh Giang Tô, có ba hồ lớn đào từ thời Xuân Thu, còn những dấu vết cung Tây Thi ở và động Tây Thi... (Từ Hải).
Lại cũng có người nói rằng, ngay cả chiếc tất còn giữ được đấy, có ngày sẽ hỏng, chẳng thể nào còn mãi với đời, để cho người đời ngắm nghía suốt cho được. Nên có bài thơ rằng:
Tất gấm truyền xem chỉ một thì
Sóng hồ sen thêu nhớ làm gì?
Tây Thi đất Việt danh hơn hẳn
Khách đến Linh Nham rất nể vì.
Lúc ấy, Cao Lực sĩ nghe nói bà lão họ Tiễn có chiếc tất này, đem tiền đến chuộc. Bà lão không dám không đưa. Lực Sĩ liền đem cả túi đựng hương thơm, lẫn chiếc tất trở về phục chỉ. Thượng hoàng lấy hai vật này, không giấu nổi ngậm ngùi, lệnh cho cung nữ cất kỹ, lúc nào bâng khuâng, lại lấy ra để than tiếc.
Mai Phi muốn tìm mọi cách khuây khỏa cho thượng hoàng, liền sai Cao Lực Sĩ, tìm những Lê Viên tử đệ còn sót lại, đến làm vui cho thượng hoàng. Một hôm, nhân trăng sáng, thượng hoàng trèo lên lầu Cần Chánh, dựa lan can nhìn ra xa, mây giăng đầy trước mặt, nhớ lại thuở vui vẻ tưởng như là chuyện xảy ra từ kiếp trước, bất giác buồn thương, xót xa mới giương cất giọng ngâm hai câu thơ:
Trước sân cành vỗng cành la
Sao người đi thú ải xa chưa về (1)
1 Nguyên văn: "Đình tiền kỳ thị dĩ kham phan; Tái ngoại chinh nhân thù vị hoàn”.
Ngâm xong lại nghe xa xa có tiếng đàn ca, thượng hoàng lặng yên lắng nghe, tuy không rõ khúc điệu, nhưng thoảng âm thanh rất thánh thót, nên quay lại hỏi tả hữu:
- Tiếng ca nhạc này có phải của Lê Viên tử đệ ngày xưa chăng?
Cao Lực Sĩ thưa:
- Cái này có khi là ngoài dân gian ngẫu nhiên ca xướng vậy thôi, chưa chắc đã phải của Lê Viên tử đệ đâu. Hôm qua thần nghe tin Hoàng Phiên Xước đã chết, những người trong Lê Viên ngày càng hiếm dần.
Thượng hoàng càng buồn rầu:
- Gần đây trẫm có làm từ khúc "Vũ lâm lang". Nếu được Phiên Xước hát cho nghe thì thật hay nhất. Nay thế là thôi rồi!
Lúc này Lý Mô, Trương Dã Hồ đều đứng hầu bên cạnh Cao Lực Sĩ liễn nhắc rằng tài nghệ hai người này chẳng kém gì Hoàng Phiên Xước Thượng hoàng liền lệnh cho Dã Hồ hát khúc "Vũ lâm lang" còn Lý Mô thì thổi sáo họa theo. Hai người vâng mệnh. Dã Hồ lấy hơi cất tiếng hát, Lý Mô đưa chiếc sáo tiên ông cho đạo nào lên môi họa theo, âm thanh trong vắt, nức nở như oán, như sầu như khóc như gào, người nghe gần thêm thê thảm, người nghe xa cũng cảm khái.
Khúc "Vũ lâm lang" này, làm vào lúc nào vậy? Dạo thượng hoàng từ Thành Đô lên đường về Trường An, đường xá xa xôi, gợi nhớ Dương Quý Phi, lòng dạ rã rời. Đến cửa Tà Cốc gặp mưa luôn suốt tuần, xe rồng phải đi đến sạn đạo, mưa gõ trên mui xe nghe trong trẻo, thánh thót, vang cả vào vách núi sát bên đường, tiếng nghe càng não ruột. Thượng hoàng quay lại nói với Hoàng Phiên Xước:
- Khanh nghe tiếng mưa rơi ra sao? Tại trẫm đang buồn, nghe ai oán, thật không tài nào chịu nổi.
Phiên Xước nghiêng tai nghe cho rõ thêm rồi thưa:
- Tiếng mưa rơi này nghe ra phạm tội bất kính rất lớn. Cần phải trị mới xong!
Thượng hoàng hỏi:
- Khanh lại giở chuyện khôi hài rồi! Tiếng mưa thì sao lại bất kính cho được?
Phiên Xước đáp:
- Tiếng mưa như đang thổn thức, giải bày, chỉ riêng thần nghe hiểu. Nhưng quả không dám tâu lên thượng hoàng!
Thượng hoàng hiểu là Phiên Xước tìm chuyện nói giải buồn, bèn phán:
- Khanh cứ nói thực, trẫm không bắt tội đâu mà sợ?
Phiên Xước tâu:
- Thần lắng nghe kỹ, rõ ràng là tiếng mưa rơi vào chuông xe rồng, nghe như tiếng thở than: "Tam Lang Tam Lang!” (1) Rõ ràng là phạm tội bất kính rồi còn gì?
1 Vũ lâm lang: tên điệu từ, nghĩa là "mưa rơi vào chuông ngựa, chuông xe". Tam Lang: Chàng ba, chỉ Đường Minh Hoàng. Xem chú thích hồi 92. Cũng việc xưng hô, ở hồi năm, tập 1, khi sinh Lý Thế Dân, là "Thế tử thứ hai" của Lý Uyên, nhầm là "Hai thế tử”. Tiện đây xin định chính.
Thượng hoàng cả cười, từ đó bắt chước âm điệu này mà làm nên khúc: "Vũ lâm lang". Vì vậy khúc hát này mới thê lương đến thế!
Tiếng mưa ảo não, mù giăng trắng
Thánh thót chuông rơi, ai nỉ non
Thương nỗi Mã Ngôi, người đã vắng
Đường trập trùng, Tam Lang lắng đắng!
Ngày hôm sau, thượng hoàng trò chuyện với Mai Phi, kể lại nỗi lòng khi nghe tiếng mưa rơi trên chuông dạo hồi loan vừa rồi, nhân đó tiếp:
- Lúc ấy lòng trẫm thật thảm thương, bỗng nghe tin khanh ở Tiểu Bồng Doanh, mới vơi phần sầu não ít nhiều vậy!
Mai Phi thưa:
- Thiếp nghe thượng hoàng hạ chiếu cho tìm, mới tin rằng bệ hạ chưa quên người xưa. Thật muôn vàn đội ơn thánh đế?
Bỗng nội thị vào dâng biểu của Túc Tông, xin ân xá cho hai viên quan của triều đình đã hàng giặc.
Chính là:
Muốn cong phép nước Cao Dao (1)
Phải vin đức nhân Nghiêu, Thuấn.
Chưa biết sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.
1 Cao Dao bề tôi nổi tiếng của vua Thuấn, chuyên về luật pháp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.