Dịch: Quyên Nami
Ông chú tới chào tạm biệt khiến tôi chợt hiểu ra.
Chuyến đi đến Mẫu Đơn Giang lần này tính luôn cả việc lúc vừa đến đã được quỷ hồn của Ngụy Hữu Chí đón tiếp thì tôi đã trực tiếp tiếp xúc với tổng cộng là 2 con quỷ rồi!
Chuyện gặp quỷ này cũng từng xảy ra vào tháng trước tại thời điểm lời nguyền trăm quỷ khóc tang bắt đầu bị khởi động, tôi thở dài lấy điện thoại ra xem, quả nhiên không ngoài dự đoán của tôi, hôm nay đã là 13 âm lịch, còn chưa tới 2 ngày nữa thôi là đến ngày 15 âm lịch rồi!
Gần 15 âm lịch tháng trước, cũng do dương khí của tôi suy yếu cho nên tối đến tôi liên tiếp gặp quỷ chờ xe, không những vậy lúc nửa đêm còn nghe những lời thì thầm dưới gầm giường, lần này đến Mẫu Đơn Giang thì gặp ông chú bảo vệ cùng với quỷ hồn của Ngụy Hữu Chí, tất cả những sự kiện này đều có lý do của nó cả.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, cũng may cả Ngụy Hữu Chí và ông chú bảo vệ đều không phải là ác linh*, nếu không chuyến đi này của tôi thật sự là "có đi mà không có về"!
*Ác linh: là những linh hồn mang đầy oán niệm không thể hóa giải nên nó trở nên rất độc ác và chuyên làm hại con người. Chúng còn được gọi là oán linh hay tử linh.
Ngày 15 âm lịch hàng tháng tôi sẽ phải gặp một tai họa đổ máu nào đó, vậy kỳ này tôi sẽ gặp những chuyện gì đây?
Ngồi trên xe lửa trở về nhà mà tâm trạng tôi rất phức tạp, cũng may chuyến này đi tôi đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đã đề ra. Tôi lấy đại một quyển nhật ký của Ngụy Hữu Chí từ trong ba lô ra và bắt đầu lật xem.
Đọc một hồi lâu mà tôi vẫn chưa thấy bất kỳ một điểm nhấn nào cả, tất cả những gì được Ngụy Hữu Chí ghi lại trong này đều là kể lể về những chuyện vặt vảnh thường ngày như là buổi sáng thức dậy lúc mấy giờ, buổi trưa ăn cái gì, tối đến ăn cái gì, nhớ vợ nhớ con ra làm sao v.v...
Tôi đọc liên tiếp mấy quyển khác, nội dung bên trong cũng tương tự giống vậy, điều mà tôi ấn tượng nhất ở ông ta đó là ông ta có thể viết hàng ngàn chữ một cách trôi chảy, hơn nữa, ông ta còn liên tục chửi bới đội trưởng của ổng lúc đó nữa.
Ngụy Hữu Chí, lão Ngô và lão Đường là một nhóm tài xế. Mặc dù Ngụy Hữu Chí không đề cập gì đến những thứ tôi cần biết nhưng thông qua những dòng nhật ký này tôi cũng biết được một con người hoàn toàn khác của lão Ngô và lão Đường.
Chẳng hạn như trong nhật ký ghi lại, mười năm trước lão Ngô và lão Đường là một cặp bài trùng cũng giống như quan hệ của tôi với cu Sáu bây giờ vậy đó, hai lão ấy cùng lái xe chung, cùng ở chung phòng, hai lão ấy phối hợp làm việc với nhau rất ăn ý nên liên tục là cặp dẫn đầu của tổ tài xế, hai người bọn họ cũng đi đầu trong việc đóng góp làm từ thiện, trong nhật ký của Ngụy Hữu Chí, ông ta khẳng định về phẩm chất và phong cách cũng như tác phong làm việc của hai người này rất tốt, điều này khiến tôi không ngờ tới.
Sau khi đọc một hồi lâu, tôi bèn cất hết tất cả các quyển nhật ký này vào lại ba lô và lấy quyển nhật ký màu vàng mà vợ của Ngụy Hữu Chí đã đưa cho tôi sau cùng. Có thể bà ta nhìn vật nhớ người nên không nỡ đưa quyển nhật ký này cho tôi. Sự nhớ nhung của Ngụy Hữu Chí đối với bà ta được ghi lại mỗi ngày, nội dung của tất cả những quyển nhật ký này bà ấy đã đọc qua nên biết được đâu là quan trọng. Vì vậy, quyển nhật ký cuối cùng này chắc chắn đang ẩn giấu bí mật nào đó.
Tôi đưa hai chân kẹp quyển nhật màu vàng đưa lên tay, thở phào nhẹ nhõm, lòng thầm nghĩ: Đã đến lúc bí mật được bật mí rồi!
Quả đúng như dự đoán, thế nhưng, ngay lúc tôi vừa mở cuốn nhật ký ra, lướt nhanh vài dòng thì muốn bật ngửa té xỉu.
Cả người tôi nổi hết cả da gà da vịt!
Trong phần đầu của cuốn nhật ký này, Ngụy Hữu Chí đã viết một đoạn ngôn tình lãng mạn, ướt át cho vợ của lão ấy.
Do trình độ văn hóa của Ngụy Hữu Chí không cao cho nên cách hành văn của lão ấy cực kỳ đơn giản, dễ hiểu, rõ ràng. Đoạn ngôn tình miêu tả về nỗi nhớ nhung của lão ta đối với vợ lão ấy đại khái như là: cục cưng bé bỏng của anh, chắc có lẽ giờ này em cũng không thể ngủ yên được đâu ha bởi vì anh đã hôn tấm ảnh của em cả tiếng đồng hồ rồi đó, rồi gì mà anh rất muốn được tắm chung với em, muốn được cùng em abc-xyz chi tiết cụ thể được lão ấy mô tả không dưới mấy ngàn chữ mà ở đây chúng tôi không tiện nói ra, quý vị vui lòng tự tưởng tượng ra nha!
Cứ coi như cuốn nhật ký này được lão ấy viết cách đây 10 năm thì lúc ấy lão ta cũng hơn 40 tuổi rồi chứ có còn trẻ trung gì nữa đâu vậy mà lời lẽ miêu tả trong nhật ký của lão ta khiến một thanh niên 30 xuân xanh chưa từng nếm trãi mùi đời như tôi cũng phải ngượng chín mặt!
"Đúng là lão già mất nết, tuổi già nhưng tâm không già mà!"
Tôi thầm chửi lão ấy một câu nhưng đồng thời sự hy vọng trong lòng tôi cũng dần vơi đi không ít. Lúc mới cầm cuốn nhật ký này lên, lòng tôi tràn đầy hy vọng sẽ tìm ra lời giải đáp cho lời nguyền của con xe 13 của tôi, nào ngờ đây chỉ là một quyển ngôn tình ba xu!
Vợ của Ngụy Hữu Chí xem quyển nhật ký này giống như là báu vật, lúc giao cho tôi còn bảo có thể có thứ tôi cần tìm ở bên trong này, tôi đã háo hức đến nỗi muốn rụng cả râu vậy mà giờ thì tôi đang phải đọc cái quái quỷ gì đây chứ?
Càng đọc tôi càng dở khóc dở cười, cấp độ mô tả của lão ấy càng ngày càng mạnh bạo hơn!
Cuối cùng thì tôi đã thực sự tuyệt vọng, tôi đang định quăng cuốn nhật ký này trở lại trong ba lô thì vô tình mắt tôi bắt gặp dòng chữ định mệnh: Số 2386 đường Hoài Viễn.
Đó là khu mà lão Lưu và Lưu Vân Ba đang ở. Ngụy Hữu Chí đã ghi lại trong nhật ký của mình về vụ hỏa hoạn năm đó như sau:
Hôm nay, một số nguồn thông tin cho rằng nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn thiêu rụi cả nửa tòa tháp số 2386 đường Hoài Viễn khiến một nửa số dân cư ở đây bị chết thảm là do một bảo vệ ở đó đã vô tình ném một mẩu thuốc lá dẫn đến vụ hỏa hoạn đó.
Chuyện này đã dạy cho chúng ta một bài học đau thương, từ nay tôi sẽ quyết tâm bỏ thuốc lá nhưng hy vọng lão đội trưởng vẫn sẽ không bỏ thuốc lá, tốt nhất là lão cứ ở nhà hút cho nhiều vào, sau đó, nếu thuận tay ném luôn mẩu tàn thuốc vào góc nhà để cháy mịa ngôi nhà của lão ấy thì còn gì bằng.
...
Những thông tin được đề cập trong cuốn nhật ký này đối với tôi cũng không mấy xa lạ bởi đa số những thông tin ấy tôi đều đã biết rồi. Tuy nhiên, nguyên nhân vụ hỏa hoạn ở toà tháp 2386 đường Hoài Viễn không phải là do nhân viên bảo vệ ở đó không làm tròn bổn phận mà do chính tay lão Lưu cố ý phóng hỏa đốt nhà.
Tôi lại đọc lướt qua vài tờ phía sau đó:
Hôm nay trời đẹp mình lại nhớ vợ dã man!
Những nghi vấn xung quanh vụ hỏa hoạn ở tòa tháp 2386 đường Hoài Viễn gần đây lại bùng lên dữ dội, có rất nhiều lời đồn đại rằng đó là do ma quỷ lộng hành gây ra, lại có tin đồn rằng trong vụ hỏa hoạn đó người ta đã cứu được một ông lão bị cháy hết cả nửa người, tất cả bác sỹ đều bó tay nhưng không ngờ ông ta lại sống sót!
...
Ông lão bị cháy?
Đọc được thông tin này, người đâu tiên mà tôi nghĩ đến không ai khác chính là người bạn cùng vào sinh ra tử với tôi: lão Lưu.
Tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi không biết lão Lưu đã làm cách nào để thoát thân sau khi phóng hỏa đốt tòa tháp khiến cả nửa số người trong tháp bị chết?
Lúc ở thôn Đường Oa Tử, cả ông già tóc bạc lẫn cô bé kia đều nói rằng lão Lưu là một con quỷ chết cháy.
Còn nữa, ngay cả Mộng Nga cũng nói không thể phân biệt được lão Lưu là người hay quỷ.
Tôi đọc đến đây mà không khỏi phì cười.
Lão Lưu này đúng là quá thần bí rồi!. truyện tiên hiệp hay
Trong phần tiếp theo của nhật ký, Ngụy Hữu Chí ghi chép lại các tin đồn về việc lão Lưu đã sống sót như thế nào bằng những câu chữ ngô nghê, vụng về của hắn.
Có một lời giải thích khiến tôi cảm thấy rất hứng thú đó là: tương truyền, lão Lưu là một đạo sỹ Vu sơn, sở dĩ lão ấy bị cháy nửa người nhưng vẫn không chết là bởi vì lão ấy đã dùng một nửa người giấy để thế mạng cho mình.
Đáp án này hết sức hợp lý vì nó có thể giải thích được tại sao sau khi lão ấy bình phục thì nửa người bị cháy kia lại không hề để lại vết tích nào chứng tỏ là lão ấy đã từng bị phỏng cả.
Nếu như nửa người kia của lão Lưu quả thật là bằng giấy thì cũng chính là người không ra người, quỷ không ra quỷ rồi còn gì! Nếu nói lão ấy đã chết rồi cũng không đúng mà nếu như nói lão là con người lại càng sai.
Tôi thở dài, thì ra là có một loại cảm giác khó tả như vậy.
Không còn nghi ngờ gì về bản lĩnh của lão Lưu, cho nên, với cách làm này tôi tin là lão ấy có thể làm được, tuy nhiên tôi lại hết sức tò mò không biết vì sao Ngụy Hữu Chí lại có thể biết được bí thuật này. Vì vậy cho nên tôi vội vàng lật tiếp mấy trang sau của quyển nhật ký để xem.
Thật may mắn, ở phần nhật ký này Ngụy Hữu Chí có ghi lại rất nhiều thông tin và có một chuyện đã làm cho tôi sốc nặng!
Ông ta đã nhắc đến quán mỳ Đại Đông Môn trong nhật ký của mình.
Vâng, đó chính là cái quán mà dùng dòi làm sợi mỳ, bán mấy chai bia đã ngừng sản xuất từ lâu và mỗi bữa ăn chỉ trị giá 2 xu!
Ông chủ quán mới ngoài 40 tuổi, ủa, vậy là quán mỳ này đã có từ 10 năm trước rồi sao?
Thông qua quyển nhật ký này mà tôi biết được Ngụy Hữu Chí cũng tình cờ biết được quán mỳ này, lúc tính tiền ông chủ quán chỉ lấy của lão ấy vỏn vẹn 2 xu nên lão ta rất ngạc nhiên do đó lão ấy đã ghi điều này vào nhật ký của mình.
Sau đó, Ngụy Hữu Chí trở thành khách hàng thân thiết của quán. Những lúc rảnh rỗi Ngụy Hữu Chí đều đến quán ăn một tô mỳ, uống một chai bia, lâu dần thì thân quen với ông chủ quán, vậy là hai người cùng nhau uống rượu tám chuyện trên trời dưới đất mỗi ngày, chính ông chủ quán mỳ đã nói cho Ngụy Hữu Chí biết vì sao lão Lưu lại sống sót sau vụ cháy.
Nhìn vẻ bề ngoài của ông chủ quán mỳ không có gì đặc biệt cả, dáng người cao, khuôn mặt sáng sủa, ít nói đó là ấn tượng duy nhất của tôi đối với ông ta.
Quả thật là trái đất tròn, thế giới có hơn 7 tỷ người, mỗi người lại có một cuộc sống riêng của họ nhưng cứ xoay vòng một hồi thì cũng gặp lại nhau ở một mối quan hệ nào đó mà chúng ta không thể nào giải thích được.
Tuy rằng việc lão Lưu cắt người giấy để thế mạng cho mình chỉ được ghi lại trong nhật ký của Ngụy Hữu Chí, nhưng dựa vào mối quan hệ giữa tôi với lão Lưu hiện tại thì tôi có thể trực tiếp hỏi lão ấy về việc này.
Sau khi đọc xong những câu chuyện này, tôi gấp quyển nhật ký lại coi như cũng biết thêm được câu chuyện về một đời người.
Đêm đã về khuya, tiếng xe lửa xình xịch đều đều, lắc lư trên đường ray như ru ngủ, tôi ôm quyển nhật ký vào lòng rồi ngủ thiếp đi.
Xe lửa về đến ga lúc 5 giờ sáng. Lần này trở về tôi không thông báo với ai mà tự mình bắt taxi đi về ký túc xá ở công ty.
Không thấy cu Sáu trong phòng, chỉ thấy con heo trọc Đầu Viên đang nằm lăn quay trên giường tôi ngáy khò khò.
Tôi mỉm cười đi lại phía giường rồi vung tay đấm cho hắn một phát, Đầu Viên cứ tưởng là cu Sáu nên mở miệng chửi ỏm tỏi rồi mở mắt ra thì thấy tôi liền vùng dậy khỏi giường.
"Về hồi nào vậy?"
"Em vừa mới về tới nơi nè, quần áo còn chưa thay luôn đó!"
Vừa nói tôi vừa đặt hành lý xuống, thay quần áo và nói:
"Anh dọn tới đây thật hả? Anh tính ở đây bao lâu?"
Đầu Viên vẫn còn ngái ngủ, hắn ngáp dài một cái rồi nói:
"Đại ca ở đây là chờ chú mày về để bảo vệ cho chú mày đó, ở bao lâu thì còn tùy, nếu như chuyện phức tạp quá thì chúng ta có thể tùy cơ ứng biến, có thể trao đổi qua điện thoại cũng được"
Lúc chúng tôi đang trò chuyện thì cu Sáu bưng thau nước cùng một ấm nước nóng đẩy cửa bước vào, vừa thấy tôi cu cậu vội vàng đặt xuống, cười nói:
"Anh Hai về rồi, sao rồi, mọi chuyện thuận lợi không?"
Tôi cười, vỗ vai cu Sáu nói:
"Đương nhiên là thuận lợi rồi!"
Đầu Viên chợt nhớ đến món tiền 30k tệ mà tôi đã mượn liền hỏi:
"Không phải là anh hẹp hòi gì nhưng mà trong điện thoại chú mày cũng không nói rõ mục đích mượn tiền để làm gì, rốt cuộc là chú mày mượn tiền đem cho ai vậy hả?"
Tôi ngồi ở mép giường trả lời:
"Lúc trước ở công ty tụi em có một tài xế tên là Ngụy Hữu Chí, lão ấy mới chết cách đây 2 năm bỏ lại một bà vợ cùng đứa con nhỏ, lúc đưa đứa bé đi khám thì phát hiện nó bị động kinh phải nhập viện để điều trị nhưng nhà lại không có tiền, em muốn giúp đỡ chút ít gọi là"
Tôi vừa dứt lời thì cu Sáu đã trợn mắt xông tới đấm cho tôi một phát đau điếng. Cu cậu gầm gừ:
"Anh đúng thiệc là, anh lại đi quan tâm tới vợ người khác nữa hả? Ủa, anh là đại sứ của những bà góa ở công ty chúng ta hả?"
Đầu Viên vừa nghe xong thì lăn ra cười, cái khúc bánh tét cu Sáu này đầu óc như củi mục trôi sông nên tôi chẳng thèm giải thích làm gì cho mệt, chỉ cần cu cậu vui vẻ là được rồi.
Như thường lệ, cứ mỗi lần tôi đi đâu về đều hỏi cu Sáu xem công việc dạo này như thế nào rồi, có ai đến tìm tôi hay không.
Lần này cu Sáu cũng y như mọi khi, cười hề hề bảo không có ai đến tìm tôi cả nhưng cu cậu tỏ ra rất thân mật với vị đội trưởng mới đến này, nhìn cu cậu tíu ta tíu tít rất vui vẻ khi nói về chuyện này.
Tôi hỏi cu cậu tại sao lại thích ông ta? Cu Sáu thích thú nói:
"Từ khi anh nghỉ phép, ngày nào em cũng đến giao ban với đội trưởng Vương hết đó, mà có một điều bất ngờ là ông ta cũng đã bắt đầu lái con xe 13 của tụi mình rồi đó!"