Ương Ngạnh

Chương 86: Ngoại truyện 12




Sau khi đến câu lạc bộ, Phó Duy Khanh dường như bắt đầu có hứng thú với bộ môn thể thao bắn cung. Từ đó trở đi mỗi lần Phó Ngôn Chân rảnh rỗi xem trận đấu thì cô bé cũng mon men đến gần ngồi xem cùng.
Trước đây cô nhóc không nghĩ cái trò này có gì thú vị, vả lại có xem cũng không hiểu gì, ngồi xem bắn cung thì thà xem PAW Patrol còn hay hơn. May rằng nhà cô nhóc có nhiều tivi nên hai bố con không phải tranh giành nhau, mỗi người một chiếc thoải mái với sở thích riêng của mình. Nhưng bây giờ cô bé lại thấy hứng thú với bắn cung nên thỉnh thoảng lại sán vào gần bố để “quấy rối”.
Phó Ngôn Chân đang tập trung theo dõi trận đấu thì cô con gái lại cứ hỏi hết cái này đến cái khác. Bé hỏi anh ai là người giỏi nhất, ai là người xấu ai là người tốt? Chơi bắn cung thôi mà cũng phải chia thành người tốt người xấu….
Phó Ngôn Chân thấy con gái làm phiền mình nên yêu cầu cô bé đi ra chỗ khác chơi. Phó Duy Khanh lập tức ngoác miệng mách với Tăng Như Sơ, bảo rằng bố không thèm để ý đến mình mà chỉ mải xem tivi. Tăng Như Sơ đi đến hỏi anh có đúng như lời con gái nói không. Với áp lực vô hình này, Phó Ngôn Chân đành phải “xin lỗi” con gái và hứa lần sau sẽ không tái phạm. Lần sau anh sẽ kiên nhẫn giải thích với Phó Duy Khanh.
Hai người một lớn một nhỏ ngồi ngả ra trên ghế sofa trong phòng khách. Dáng ngồi của cả hai trông chả ra làm sao, Phó Ngôn Chân chọn một tư thế thoải mái dễ chịu nhất, Phó Duy Khanh ngồi cạnh cũng y hệt. Trông không khác gì đúc từ một khuôn ra. Cô nhóc không học được cái vẻ ngoài xuất sắc có một không hai của Phó Ngôn Chân mà lại học được cái nết ngông nghênh bất cần của bố. Dạo gần đây hai bố con thân thiết hơn hẳn, từ lời nói cho đến ánh mắt đều học từ bố mà ra.
Con cái chính là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất dáng vẻ của bố mẹ. Hơn nữa chiếc gương này còn kỳ quái hơn cả gương thần bởi mọi khuyết điểm của bố mẹ đều hiện rõ, thậm chí còn được phóng đại lên gấp mấy lần. Triệu Doãn Điềm cũng từng nói với Tăng Như Sơ rằng Đa Đa cũng học thói xấu huýt sáo của bố. Không chỉ huýt ở nhà mà còn làm thế ở lớp nữa. Hôm ấy Triệu Doãn Điềm đã được giáo viên mời đến nói chuyện về vấn đề này. Sau khi về nhà, cô đã đe dọa Thẩm Du, “Nếu còn có lần sau thì anh cứ liệu hồn với bà.”
Vừa dứt lời, cô lại cảnh giác nhìn xung quanh, thầm thấy may mắn vì Đa Đa ở chỗ khác, nếu không thằng bé mà nghe được những lời th ô tục thế này thì không biết sau này sẽ thế nào. Sau đó Thẩm Du phải tập bỏ thói quen xấu cứ thấy buồn là lại huýt sáo cùng với con trai. Từ khi có con, những người lớn này dần dần bắt đầu phải đối mặt với nhiều vấn đề của chính bản thân mình.
Da đầu Tăng Như Sơ giần giật khi trông thấy tư thế ngồi của hai bố con. Cô lặng lẽ lấy điện thoại di động ra chụp lại cảnh tượng này. Tối đó sau khi dỗ Phó Duy Khanh ngủ say, cô đã đưa bức ảnh này cho bố cô bé xem.
“Anh nhìn xem nó có giống anh không?” Tăng Như Sơ hỏi.
Phó Ngôn Chân chưa xem ảnh đã thấy buồn cười bởi câu hỏi của cô, “Con gái anh không giống anh thì giống ai?”
Tăng Như Sơ lạnh lùng hừ mũi, chìa điện thoại về phía anh, “Vậy là anh thừa nhận phải không?”
Bấy giờ Phó Ngôn Chân mới nhận ra có điều gì đó không ổn, khi cúi xuống nhìn tấm ảnh, anh thấy răng mình hơi ê.
Trong tấm ảnh ấy, con gái anh đang tựa vào gối dựa lớn mềm mại, tay ôm cái gối dựa bé hơn, một chân ngắn ngủn co lên, chân còn lại duỗi thẳng…Đôi mắt hiện lên vẻ thờ ơ lạnh lùng. Cái dáng vẻ này như sao chép y hệt cái người ngồi cạnh. Mà người ngồi cạnh đó không ai khác chính là anh.
Vì ít khi xem thi đấu nên nét mặt Phó Duy Khanh không giữ được vẻ bình tĩnh, lông mày hơi nhíu lại vì lúc ấy tuyển thủ mà cô bé cổ vũ thi đấu không tốt lắm.
Phó Ngôn Chân tặc lưỡi, ánh nhìn chuyển từ màn hình điện thoại sang Tăng Như Sơ. Tất nhiên cô cũng đang nhìn anh chăm chú. Ngay khi ánh mắt chạm nhau, Phó Ngôn Chân bỗng lộ vẻ ngượng ngùng hiếm thấy. Một lát sau anh mới cười cầu xin, “Lần sau anh sẽ chú ý hơn.”
Hừ.
Để xem lần sau như nào.
Song Tăng Như Sơ không trách anh, chỉ nhìn anh chằm chằm không nói gì.
Kể từ tối đó, cô nhận thấy đúng là anh có để ý hơn thật. Cuối tuần này, hai bố con lại ngồi trên sô pha xem trận đấu. Phó Ngôn Chân ngồi nghiêm chỉnh để hai chân vuông góc, nhưng đôi chân như ngó sen của cô con gái chốc chốc lại động đậy không thể ngồi im. Thỉnh thoảng anh sẽ quay sang để mắt đến cô nhóc, thấy cái chân thập thò co lên là sẽ hắng giọng cảnh cáo.
Phó Duy Khanh bĩu môi bực bội nhưng lại không bới ra được tật xấu của bố vì hôm nay bố cô ngồi rất nghiêm chỉnh. Cái chân nhỏ cứ ngọ nguậy, lúc thì muốn bắt chéo chân, lúc lại muốn dang rộng ra, chỉ cần không phải ngồi ngay ngắn như bây giờ. Phó Ngôn Chân thấy con cứ nhấp nhổm không chịu ngồi yên bèn nhấc bé ngồi vào lòng mình rồi vòng tay đè chặt chân con gái.
Phó Ngôn Chân biết nếu anh không ngồi đúng tư thế mà không cho con gái ngồi giống mình chắc chắn sẽ bị cô bé phản bác, “Bố cũng ngồi như thế mà.”
“Sao bố ngồi được mà con lại không được ngồi như thế?”

Còn nếu anh nói với Phó Duy Khanh rằng, “Bố là con trai, con là con gái, con gái thì phải có ý tứ chứ.”
Phó Duy Khanh chắc hẳn sẽ vặn lại, “Tại sao con gái thì phải có ý tứ? Con trai như bố tại sao không cần có ý tứ?”
Tiếp đó sẽ là một màn tranh luận sự khác nhau giữa “con trai” và “con gái”…
Con nhóc này một khi đã lý sự thì đến anh cũng khó có thể cãi thắng.
Phó Duy Khanh không biết học được cái từ “công bằng” ở đâu, bây giờ cứ động chút lại liến thoắng “công bằng”. Nói nó một câu mà nó cãi trả ba câu. Mới tí tuổi mà đã có thể “suy một ra ba”, cùng với cả cái tính tình không e sợ điều gì thì tương lai hẳn sẽ đầy hứa hẹn. Vậy là sau khi quyết định sửa lại tư thế ngồi lười nhác của Phó Duy Khanh, Phó Ngôn Chân bắt đầu chú ý đến dáng vẻ của mình hơn, tuy không đến mức đứng như cây tùng, ngồi như cái chuông nhưng cũng ra dáng nghiêm chỉnh. Sau đó tư thế ngồi của Phó Duy Khanh rốt cuộc cũng được như mẹ cô mong muốn. Tuy rằng trong thời gian ngắn chưa thể thành một cô bé hiền thục nết na nhưng tạm thời cũng kìm hãm được xu thế phát triển thành nữ tướng cướp. Cùng lúc đó, khí chất của bố cô cũng thay đổi hẳn, nhất là khi mặc vest, trông càng đứng đắn tin cậy.

Sau khi xem quá nhiều cuộc thi, một ngày nọ Phó Duy Khanh nhận thấy có gì đó không ổn, buột miệng hỏi, “Con gái cũng có thể bắn cung không bố?”
Cô bé chưa bao giờ nhìn thấy một cô gái cầm cung tên trên TV.

Thật ra là vì Phó Ngôn Chân toàn xem cuộc thi bắn cung của nam.
Anh nhướng mày trả lời con gái, “Tất nhiên là được rồi.”
Sau đó anh đưa Phó Duy Khanh đi xem vài trận đấu nữ. Ai ngờ sự hứng thú của cô nhóc đột nhiên bị khơi dậy, thế là cô bé bắt đầu xin xỏ mè nheo muốn tập bắn cung. Mặc kệ con gái muốn tập thật hay chỉ nổi hứng trong phút chốc, Phó Ngôn Chân lập tức đi mua vài chiếc cung về cho cô bé. Lúc chọn cung tên anh cũng suy nghĩ đến giới tính của con mình nên chỉ toàn chọn những chiếc có màu hồng nhạt, màu vàng tươi,…túm lại là các màu mà bé gái sẽ thích. Chẳng ngờ Phó Duy Khanh lại bĩu môi chê bai. Hôm sau Phó Ngôn Chân đành đưa cô bé đi chọn cái khác. Phó Duy Khanh đến cửa hàng tự chọn lấy một cây cung đen tuyền. Cô bé bảo trông cái đấy “ngầu nhất”. Nếu dựng thẳng cây cung thì nó còn cao hơn cả cô bé.
Căn nhà có không gian rất rộng cả bên trong nhà và ngoài trời để cô nhóc vui chơi thỏa thích. Phó Ngôn Chân đặt vài bia ngắm ở nhà, sau đó cũng dành cho cô nhóc một phòng tập ở câu lạc bộ. Khi có thời gian rảnh rỗi anh sẽ cầm tay chỉ dạy cô bé cách bắn cung.
Nửa năm trôi qua chỉ trong một cái chớp mắt. Phó Duy Khanh đã được chuyển từ lớp mầm lên lớp chồi. Trong sáu tháng qua, nhờ luyện tập bắn cung mà Phó Ngôn Chân đã hiểu thêm về cô con gái của mình. Xét về tính cách, Phó Duy Khanh quả thực rất giống anh. Cô nhóc cực kỳ bướng bỉnh, hiếm khi than phiền mệt mỏi và cũng không thích thua cuộc.
Bố cô bé phải sống hơn hai mươi năm mới nhận ra thắng thua chỉ là một chuyện vô cùng bình thường. Huống hồ nếu như cứ giữ cái tính hiếu thắng thì cũng không hẳn là việc tốt. Có đôi khi phải học được cách chấp nhận, buông bỏ.
Lần đó Phó Duy Khanh bị ốm nhẹ, nằm ở nhà nghỉ ngơi mấy ngày. Đến khi trở lại việc tập luyện thì chưa thể bắt kịp như trước đó, mà đứa trẻ ở bên cạnh lại thể hiện tốt hơn cô nhóc. Mọi người đều vỗ tay khen ngợi đứa trẻ ấy, điều này khiến cô nhóc thấy buồn bã tủi thân. Mặc dù điểm số không quá cách biệt nhưng đứa trẻ kia quả thực lớn hơn cô bé một tuổi rưỡi và đã luyện tập lâu hơn nửa năm.
Phó Duy Khanh ấm ức không phục. Khi ở câu lạc bộ, cô nhóc chỉ cúi đầu không thể hiện cảm xúc trước mặt người khác. Nhưng vừa mới thấy bố thì bao cảm xúc như vỡ òa. Mắt rơm rớm, miệng mếu máo tuy không khóc nhưng cũng không nói chuyện liến thoắng như mọi khi. Hai chữ “không vui” được thể hiện rõ ràng trên gương mặt.
Phó Ngôn Chân đã chú ý đến cảm xúc của con gái nên chỉ dịu dàng xoa đầu con. Nhận được sự an ủi vỗ về của bố khiến cô nhóc tủi thân rơi nước mắt.
“Bố ơi.” Cô bé nức nở, “Con bắn không tốt..” Dứt lời còn nấc lên nghẹn ngào.
“Con đã làm rất tốt.” Phó Ngôn Chân khen ngợi.
“Làm sao mà tốt được…” Phó Duy Khanh lau nước mắt.
Hôm nay cô nhóc chỉ bắn cao nhất được bảy điểm, quả thực không thể coi là tốt. Người khác càng khen đứa trẻ bên cạnh thì cô bé lại càng hoảng, vừa hoảng thì tay lại càng run nên bắn không tốt như mọi như.
Phó Ngôn Chân nhìn bộ dạng len lén lau nước mắt của con gái chợt nhớ đến vợ mình. Hai mẹ con khóc giống nhau như đúc, nghĩ vậy lại thấy buồn cười. Phó Duy Khanh ngước lên nhìn bắt gặp nụ cười của bố, mình thì đang buồn bã vậy mà bố còn cười được…
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn không hiểu mình có chỗ nào để bố cười như vậy, “Sao bố lại cười?”
Bị con gái chất vấn làm Phó Ngôn Chân không cố kìm nén nữa mà cười thành tiếng. Nhưng biết con gái đang khó chịu nên không cười quá đà.
“Về nhà bố mua cho một cái bánh nhỏ nhé, lần sau cố gắng hơn là được.”
“Nếu lần sau vẫn không tốt thì sao ạ?”
“Thì lần sau nữa.”
“Nếu lần sau nữa con vẫn không thể bắn tốt…”

“Phó Duy Khanh, hôm nay con bắn không tốt cũng không sao cả.” Phó Ngôn Chân bỗng nghiêm nghị nói với con, “Chị gái đó hơn con một tuổi, tập nhiều hơn con một năm, nếu như chúng ta thấy được sự cố gắng của họ thì họ xứng đáng nhận được thành tích tốt.”
“Chúng ta cổ vũ cho họ đồng thời bản thân cũng phải tự cố gắng.”
Phó Duy Khanh ngơ ngác, cái hiểu cái không nhưng vẫn không cam lòng.
Mặc dù khá mất mặt khi thừa nhận trước mặt con gái rằng thành tích của mình trong cuộc thi đầu tiên rất kém, nhưng cũng như những bậc cha mẹ bình thường khác, anh vẫn còn nhiều điều để khiến con gái sùng bái ngưỡng mộ, vẫn là một ông bố siêu nhân làm được mọi thứ trước mặt con gái.
Nhưng anh thấy con trẻ cũng nên có một cảm nhận chính xác về việc thất bại. Nghĩ đến đây, anh kể cho con nghe về những trải nghiệm của mình. Sự an ủi tốt nhất có lẽ là việc nói ra chuyện mình còn kém hơn con bé rất nhiều. Dùng “thảm hại” để trị “thảm hại”.
Phó Duy Khanh nghe được trải nghiệm “thảm không nỡ nhìn” của bố cũng được an ủi phần nào, mắt chớp chớp buột miệng hỏi, “Bố ơi, sao bố lại không bắn cung nữa ạ?”
Phó Ngôn Chân hừ mũi, “Vì phải đi làm kiếm tiền mua bánh cho con đấy.”
“Nếu bắn tên thì không kiếm tiền được ạ?”
“Thế thì nhà mình sẽ nghèo đi đấy.”
“Nhà mình có bao nhiêu tiền thế ạ?”
“…”
“Thế con vừa muốn kiếm rất nhiều tiền lại vừa muốn bắn cung thì phải làm thế nào ạ?”
“Kiếm tiền để bố lo, con cứ bắn cung đi, nhiều tiền quá thì nhà mình gánh không nổi đâu.” Phó Ngôn Chân bật cười với suy nghĩ của con gái, mới tí tuổi đầu mà đã lo xa, “Có bắn được chức quán quân thế giới không?”
“Được ạ!” Phó Duy Khanh ngẩng lên tràn trề sức sống dõng dạc đáp lại bố.
Phó Ngôn Chân cười tươi, bế cô nhóc lên, “Vậy bố chờ cục cưng bé bỏng của bố trở thành quán quân thế giới nhé.”
“Vâng!”
Phó Duy Khanh huơ huơ bàn tay bé nhỏ trước mặt bố như muốn đập tay. Phó Ngôn Chân chiều theo ý con gái giơ tay chạm nhẹ.
Phó Duy Khanh nghĩ ngợi điều gì đó, gương mặt bỗng cảnh giác hơn hẳn, “Bố ơi, bố còn có cục cưng lớn nữa à?”
“Cục cưng lớn là mẹ con đó.” Phó Ngôn Chân nói.
“Àaa.” Phó Duy Khanh thở phào nhẹ nhõm.
Vừa dứt lời thì Tăng Như Sơ lái xe đến gần. Chiếc xe dừng lại, cửa kính hạ xuống, cô vẫy tay với hai bố con. Phó Ngôn Chân bế con gái bước về phía vợ mình dưới ánh chiều tà rực rỡ. Một nhà ba người quây quần bàn xem tối nay sẽ ăn món gì…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.