Mười năm thấm thoắt thoi đưa. Chàng trai Minh Tâm ngày nào giờ đã trở thành bác sĩ của một bệnh viện Ung bướu lớn.
Những lời nói cuối cùng, cũng chỉ đánh dấu được bằng những bức thư..
"Ông A Nùng đáng kính, tôi còn chưa đưa ông lên thành phố chơi, thăm ngôi nhà khang trang, cơ ngơi rộng lớn của chính tôi làm ra. Bao năm nay, tôi không về thăm ông lấy một lần, là tôi có lỗi quá. Giờ quay về, mộ ông đã mọc cỏ cao đến đầu gối tôi rồi. À ông được nằm yên nghỉ ngay cạnh vợ mình đấy, mặc dù tôi không giúp ông thực hiện mong muốn cuối cùng ấy của ông, nhưng bà con trong làng đã giúp ông rồi. Nghĩ lại, cảm giác như ông chỉ thoáng qua cuộc đời tôi vậy, ý nghĩa nhưng đặc biệt." Chúng ta.. cũng coi như là có duyên. "Anh Kình bảo với tôi, ông bị ung thư phổi. Ông biết không, tôi từ một thằng ất ơ bỏ học, vậy mà có thể trở thành bác sĩ rồi đấy, lại là bác sĩ có tiếng ở bệnh viện ung bướu. Tôi vẫn luôn tự hào vì mình có thể cứu giúp bao người, có thể sống với tấm lòng thiện lương, không vô tâm vô cảm, mà thương người như ông vậy. Tôi cứu sống một em nhỏ đi 200km đến bệnh viện của tôi, cứu những người xa lạ, cứu cả người bạn tôi không ưa chút nào, cứu cả người bố ruột năm nào bỏ mẹ con tôi mà đi. Nhưng tôi lại không cứu được ông, không nhận ra ông bị bệnh từ sớm, không ở bên ông những tháng ngày ông vật lộn với bệnh tật tại căn trọ tồi tàn ngay cạnh bệnh viện của tôi. Sao ông lên thành phố rồi mà tôi lại không biết? Sao ông đến thành phố rồi về lại miền núi xa xôi mà tôi vẫn không hay? Tại sao?
Ông có lẽ là người gắn bó và quan trọng hơn cả đối với tôi, ông A Nùng đáng kính ạ. Tôi còn chưa được chứng kiến ông thay đổi thế nào, chưa được nghe ông bình luận với tôi về cuốn truyện Đôn Ki-hô-tê như hai ông cháu mình đã hứa với nhau. Nhưng ông biết không, anh Kình đã kể với tôi là ông đã thoát khỏi thế giới ảo tưởng của mình rồi. Tôi vui lắm ông ạ, vậy là hai ông con mình không còn mang vác cái bị chất đầy quá khứ đau thương lệch lạc ấy nữa. Ông ra khu mộ nhỏ thăm vợ hàng ngày. Ông vẫn bói quẻ tác duyên, vẫn nhìn chữ đoán mệnh, chỉ điểm bấm tay.. nhưng đặc biệt hơn nữa, ông còn học thuộc tờ giấy ghi chú kẹp cuối chương tám cuốn truyện của tôi, rồi giảng lại cho bà con trong làng..
Tôi cũng kết thúc cái ảo mộng thực dụng của tôi rồi. Dù có xuất thân sang hèn thế nào đi chăng nữa, thì cuối cùng khi bước chân vào guồng quay xã hội, đều sẽ giống như bao người khác, vất vả xoay quanh một cái vòng lặp vô hạn, như những giọt nước nhỏ bé xuôi theo dòng chảy mà bị cuốn vào guồng nước vậy. Tồn tại một mình thì nhanh chóng bốc hơi và biến mất, dựa vào người khác thì đánh mất bản thân. Chỉ có chấp nhận cống hiến mới tồn tại mãi, ông A Nùng ạ.
Ông biết gì không? Con trai của bạn tôi bị nghiện game đấy ông ạ. Thằng bé thường xuyên chơi những trò chơi trên điện thoại thông minh của bố nó ấy, chơi đến quên trời quên đất, tôi vào chơi thằng bé còn mải bùm chíu trên điện thoại, quên cả chào hỏi. Mẹ nó than nó chẳng học hành gì cả, u mê chìm đắm như vậy có chết không? Đấy. Mỗi con người ở mỗi thời điểm sẽ đều chìm trong thế giới mới chỉ của riêng mình. Thế giới ấy hấp dẫn lôi cuốn hơn bao giờ hết, nhưng đều khiến con người luẩn quẩn xa rời hiện thực. Có người thì lập tức tỉnh ngộ mà buông bỏ hết, đối mặt với thực tại, nhưng có người thì dành cả đời mới thoát ra được, hay đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay mới ngộ ra.
Chúng ta có lẽ may mắn hơn Đôn Ki-hô-tê, vì chúng ta" chỉ "mất nửa đời người để ngộ được, thấm được. Có được cuộc sống hiện tại này, ông phải biết tôi đã trân quý nó đến nhường nào, A Nùng ạ.
Cũng mong tất cả mọi người trên thế gian này, đều buông bỏ được quá khứ không mấy tốt đẹp, gỡ được nút thắt tâm hồn, giết chết những mối mọt của dằn vặt ám ảnh đang đục ruỗng tâm trí. Sống tốt cũng coi như là một loại báo đáp.
Tôi chỉ viết được đến đây thôi, cũng coi như 2 ông con ta luận một chút về chuyện đời. Hãy yên nghỉ đi nhé, người cha đáng kính của tôi.
Đứa con trai bất hiếu
Minh Tâm"
Vậy là từ ấy, sau khi ở bản ba ngày rồi trở lại thành phố, trên bàn thờ nhà bác sĩ Minh Tâm bên cạnh hai tấm ảnh hai người mẹ của anh, còn có ông thầy cúng thiện lương chất phác A Nùng. Không ai biết quá khứ của bác sĩ giỏi Minh Tâm. Anh mắc những căn bệnh nặng, nhưng lại được chữa bởi người có bệnh nặng hơn. Căn bệnh vô tâm của anh được xoa dịu bởi trái tim ấm áp của 1 thầy cúng đôn hậu. Căn bệnh thực dụng của anh được rèn bởi xã hội sứt mẻ nhưng nghiêm minh, công bằng, có quy luật. Căn bệnh mê muội trong cái đáy của quá khứ được trị bởi guồng quay bận bịu của công việc. Hay nói cách khác, tất cả chúng đều được chữa khỏi bởi những lối suy nghĩ trưởng thành, chín chắn, tích cực anh đúc rèn sau bao năm trời. Sự day dứt dằn vặt bởi cái chết lặng lẽ của ông thầy cúng ấy, rồi thanh thản chấp nhận, và sống an yên với cuộc sống hiện tại, liệu có phải báo hiệu cho một tâm hồn đã lành lặn?
Giữa cuộc sống xô bồ tấp nập này, còn ai được biết đến, được trải nghiệm một cuộc đời mới nơi bản Hà Dinh như Minh Tâm? Nơi đâu đấy giữa cuộc sống hiện đại này vẫn có những con người có đầu óc mụ mị, nhận thức sai về cuộc sống. Họ có lí tưởng, mục đích cao đẹp nhưng phi thực tiễn. Len lỏi, xâm chiếm trí óc họ là những điều tầm thường lạc hậu, những căn bệnh nguy hiểm nặng nề, những thế giới u mê ảo tưởng. Đó là những ảo tưởng về cuộc sống, về chính bản thân mình, ảo tưởng về quá khứ và những cám dỗ khách quan. Nhan sắc, năng lực hay phẩm chất đều có thể trở thành vỏ bọc giả tạo cho một con người phi thực tế. Nhiệm vụ của mỗi người chúng ta, là phải trừ bỏ nó, mới có thể hy vọng dung hợp sự hội nhập và cùng nhau phát triển.