Vậy là từ đêm hôm ấy, cuộc đời của Phú lại rẽ sang một hướng khác. Một Minh Tâm xuất hiện, liệu còn mang dáng dấp của một Bình Phú vô tâm thực dụng ngày xưa?
Thầy cúng ấy tên là A Nùng. Lão nhìn trông lạ lùng kỳ dị, nhưng rất yêu nghề và quan tâm đến người khác. Ngày đầu tiên, lão dẫn Tâm về nhà lão. Lão sống một mình nhưng trong nhà thứ nào cũng có theo đôi. Thầy cúng rất được lòng mọi người, đặc biệt là bà con dân tộc miền sơn cước, sùng bái tâm linh tín ngưỡng.
Những đêm đầu tiên Minh Tâm chuyển đi sống lang bạt cùng thầy cúng, cậu và lão ngủ cùng phòng. Lão có một thói quen, đó là coi những cuốn tiểu thuyết, những pháp trận trấn trạch ma quỷ huyền huyễn là tư liệu học tập, hôm nào cũng mang ra đọc. Trước khi ngủ, cậu luôn phải nghe những câu chuyện ma quỷ, thỉnh thoảng còn bật dậy nửa đêm, đúng lúc ấy lại còn nghe thấy tiếng lão thầy cúng tụng những câu kì lạ, đến lúc nhắm mắt được thì trời cũng sáng rồi.
- Ngày xưa, có một cô hầu gái vô cùng xinh đẹp làm việc cho một gia đình giàu có. Nhan sắc của cô khiến người chồng không thể nào rời mắt. Trong lúc ghen tuông, bà vợ đã sai người rút hết móng tay của cô gái, cắt toàn bộ tóc và lông mi. Sau đó, bà ta cắt miệng cô ra, kéo chiếc miệng duyên dáng dài đến mang tai. Họ chôn cô gái vào một trong những bức tường nhà, chỉ chừa một lỗ thông hơi nhỏ. Một đêm, đang nằm trên giường ngủ cùng người chồng, bà vợ bỗng nhiên cảm thấy vô cùng bức bối và bất an. Bà khó ngủ nhưng có cảm giác ai đó đang quan sát mình nên không dám cử động. Quá sợ hãi, bà ta run rẩy kéo chiếc mền lông cừu qua đầu và nhắm mắt lại, sau đó thò một tay ra nắm lấy tay người chồng để trấn an bản thân. Nhưng bà vợ chợt nhận ra, đôi tay mà bà ta nắm lấy rất mềm mại, dinh dính thứ chất lỏng tanh tanh nào đó và đáng sợ hơn nữa là nó hoàn toàn không có móng tay..
Rồi vào thời xa xưa hơn nữa, trong một đêm không trăng, có..
- Lão này, im lặng chút được không? Những câu chuyện này không hề có thật đâu!
- Người thường không hiểu chuyện huyền bí, cứ tưởng ta ngậm ngãi mà nói, thực ra nếu có thì ngãi cũng chỉ là vật hữu hình, sự linh ứng vốn nằm ở Thầy Tổ đằng sau ta cơ. Đừng cản mất linh của ta.
Bên cạnh đó, thầy cúng A Nùng này cũng có nhiều việc làm tâm linh kì dị hơn. Lão không cho phép Tâm sử dụng điện thoại trước mặt lão, vì lão nghĩ ánh sáng đó sẽ làm con người mê muội, mù mắt. Hay mỗi khi Tâm cảm thấy thoải mái vui vẻ, tiêu dao tự tại nơi núi rừng trong lành, ngồi trong nhà nhìn ra trời mây, định huýt sáo một chút thì lão lại ra sức ngăn cấm. Lão bảo huýt sáo trong nhà là mời gọi quỷ quái. Rồi trong bữa cơm, lúc nào lão cũng lôi thêm một bát một đũa ra, đặt bên cạnh mình, còn đơm cơm vào bát ấy, nói là đơm cho vợ mình. Nghĩ đến đây, Tâm cũng thấy giật mình. Những hôm đầu tiên, lão kể rằng lão có một người vợ, nhưng mất mười mấy năm nay rồi. Vậy mà lão vẫn coi như vợ còn sống. Thỉnh thoảng, những lúc về nhà, lão luôn khen vợ thật hiền huệ, đồ ăn bà nấu cũng thật ngon. Lão còn thường xuyên thủ thỉ nói chuyện một mình, luôn bảo vợ lão đang ngủ trong phòng, không được ồn ào quậy phá. Ban đầu cậu cảm thấy rợn người nhưng lâu dần cũng quen.
Tâm cũng có thể hiểu cho những hành động mang tính bệnh nghề nghiệp của lão thầy cúng A Nùng. Nhưng cậu là một người con của thành phố xô bồ nhộn nhịp, không an tĩnh nhẹ nhàng như những việc tâm linh. Cậu sống hiện đại, vật chất, không để ý chăm chú nhiều đến đời sống tâm hồn. Đặc biệt, cậu là một con người vô tâm, nhưng lão thầy cúng thì lại rất quan tâm đến người khác, mặc dù kiến thức khoa học xã hội của lão rất hạn hẹp, cổ hủ, chưa tiến bộ.