Vị Khách Lúc Nửa Đêm

Chương 55:




Tiếng mở cửa chợt vang lên, nhịp tim Tông Anh lập tức đập, sống lưng căng cứng.
Cô luống cuống thu dọn bài thi và tài liệu dính vết máu trải trên giường bệnh, sau lưng đột nhiên truyền đến một giọng nói: “Xin hỏi cô là ai?”
Nghe tiếng, Tông Anh ngoảnh lại, thấy đối phương là bác sĩ kiểm tra phòng, trái tim vừa nhảy lên cổ họng bỗng rơi xuống, nhưng sắc mặt vẫn trắng bệch do kinh hãi bất thình lình, đôi môi mỏng trắng bệch, tay cầm cặp sách run nhẹ.
Tông Anh nhét di động xuống dưới chăn, lại thấy bàn tay kia kháng cự.
Cô trả lời bác sĩ kiểm tra phòng: “Tôi là chị của thằng bé.”
Bác sĩ liếc thiết bị giám sát, nhíu mày nhìn về phía Tông Anh mặc trang phục bệnh nhân, nhanh chóng nhớ lại cuộc xung đột xảy ra trong phòng khám, nói: “Cô là chị cậu bé à? Vừa tán gẫu chuyện gì mà khiến cậu bé kích động vậy?” Nói xong, anh ta lại nhìn thiết bị giám sát, có phần không hài lòng trách móc: “Hiện tại cậu bé cần tĩnh dưỡng, sao có thể để tâm trạng cậu bé dao động nhiều như vậy?”
Tông Anh gật đầu đáp “Tôi hiểu rồi”, lúc này Tông Du vẫn đẩy di động ra ngoài, cố gắng ra hiệu cho Tông Anh mang di động đi.
Tông Du hít thở khó khăn hơn, nhưng ánh mắt trước sau luôn tập trung vào chiếc cặp trên tay Tông Anh, cách mặt nạ ô xy, cậu bé thay đổi khẩu hình một cách khó nhọc, chỉ lặp đi lặp lại hai chữ: “Cầm… đi.”
Tông Anh quay đầu nhìn cậu bé, thiết bị giám sát đột nhiên vang còi báo động, bác sĩ lập tức đẩy Tông Anh ra, hai y tá bên ngoài nghe thấy tiếng cảnh báo cũng nhanh chóng chạy vào, một trong hai người trực tiếp đẩy Tông Anh ra ngoài cửa.
Trong phòng đấu tranh với sinh tử, ngoài cửa, Tông Anh một tay cầm cặp sách nặng trịch, một tay cầm di động bị vỡ màn hình, lượng điện sắp hết.
Trong hành lang khu phòng bệnh đặc biệt im lặng đến quái dị, cuối hành lang cùng truyền đến tiếng bước chân vội vàng, hộ lý nghe tin chạy đến, nhưng chẳng giúp được gì, chỉ có thể đứng chờ ngoài cửa.
Tông Anh ngẩng đầu nhìn đồng hồ điện tử treo tường trong hành lang – bảy rưỡi tối, đã bốn mươi phút trôi qua kể từ khi cô vào phòng.
Cô im lặng nhìn chăm chú cửa phòng bệnh đóng chặt, mười phút sau bác sĩ vẫn chưa ra, hộ lý quay đầu nhìn cô, tốt bụng nhắc nhở: “Chắc mẹ cậu bé sắp về rồi.”
Tông Anh thoáng lo âu nắm chặt di động, do dự một lát, cuối cùng rảo bước đi về phía thang máy, đến cửa thang máy, thấy con số trên bảng chỉ thị nhích từ 14 lên 19, ngay khi thang máy lên tầng 20, cô xoay người rẽ vào cầu thang bộ.
Năm giây sau, mẹ Tông Du ra khỏi thang máy.
Tông Anh cầm cặp sách đi theo lối thoát hiểm xuống tầng dưới, tổng cộng 20 tầng, lúc sắp xuống tầng dưới cùng, cô thở dồn dập, đầu óc thiếu ô xy, chiếc cặp sách trong tay dường như nặng nề hơn.
Ra khỏi cửa, toàn bộ đèn đường đã thắp sáng, đêm đầu thu, sau khi mưa rào tạm ngừng, gió thổi phần phật.
Tông Anh về chung cư.
Mấy ngày không có người ở nhà, cửa sổ căn hộ vẫn đóng kín, vừa mở cửa ra, mùi không gian khép kín đã lâu phả vào mặt.
Bật liền một lúc vài chiếc đèn lên, lại mở cửa sổ thông ra ban công, trong phòng rốt cuộc có chút thông thoáng.
Tông Anh rút quyển sổ ghi chép công việc hàng ngày cuối cùng mà Nghiêm Mạn sử dụng khi còn sống ra khỏi giá sách, lại mở sổ ghi chép công việc lấy từ biệt thự của Hình Học Nghĩa trước đó, đi đến ghế sô pha ngồi xuống, gộp cả mấy tờ báo cáo dính máu trong cặp sách, di động của Tông Du, bày hết lên bàn trà.
Bên ngoài, gió thu càn quét khắp nơi, trong phòng chỉ vẻn vẹn tiếng đồng hồ chuyển động – tích tắc.
Tông Anh đan hai tay vào nhau ngồi trên ghế sô pha trong chốc lát, ổn định lại tâm trạng, đưa tay bật di động lên lần nữa, mở đoạn ghi âm kia, nghe lại cuộc đối thoại “Tiên sinh nói… Cho dù cuộc phẫu thuật thành công hay không… Những gì chị cần làm chỉ là chờ đợi”.
Người nói câu này là thư ký Thẩm, tiên sinh mà anh ta ám chỉ chính là Lữ Khiêm Minh, kẻ hãm sâu trong cuộc tranh giành cổ phần của Tân Hi.
Kết hợp với lời đồn bị xoá trên internet lúc trước, bùa hộ mệnh và cuống vé vào khu ngắm cảnh núi Nga Mi, đủ để thấy giữa Lữ Khiêm Minh và mẹ Tông Du tồn tại mối quan hệ nào đó.
Tiếp tục nghe tiếp, thư ký Thẩm còn nói một câu rất đáng để suy ngẫm: “Chị cứ yên tâm về cuộc phẫu thuật của Tông Du, tiên sinh từ trước đến nay là người giữ chữ tín, chuyện Tông Khánh Lâm không dám mạo hiểm, nếu tiên sinh đã đáp ứng thì nhất định sẽ giúp chị làm được.” Cuối cùng anh ta thăm dò “việc xử lý 2.6% cổ phần trong tay Hình Học Nghĩa tiến triển đến đâu rồi” và dặn dò mẹ Tông Du: “Chị mau sắp xếp lại di vật của Hình Học Nghĩa, tiên sinh muốn nhanh chóng xử lý sạch sẽ.”
Qua cuộc nói chuyện nửa sau của thư ký Thẩm, quan hệ giữa Lữ Khiêm Minh và mẹ Tông Du càng giống một cuộc giao dịch.
Chip đánh bạc của Lữ Khiêm Minh là giúp Tông Du tìm được trái tim thích hợp, điều kiện trao đổi là cổ phần bà di vật của Hình Học Nghĩa.
Chuyện này có hai điểm đáng ngờ:
Thứ nhất là cuộc phẫu thuật của Tông Du, tại sao mẹ cậu bé lại để người ngoài nhúng tay?
Thứ hai, ngoài cổ phần, vì sao Lữ Khiêm Minh lại yêu cầu di vật của Hình Học Nghĩa?
Tông Du cần cấy ghép khẩn cấp, nhưng mãi vẫn không đợi được quả tim thích hợp, trong tình huống khẩn cấp này, liệu mẹ Tông Du có thông qua “đường dây phi pháp” để đạt được nó không?
Thư ký Thẩm nói “So với mò kim đáy biển, tìm khắp thế giới, gần ngay trước mắt chẳng phải dễ dàng hơn sao”, giải thích rõ trước khi nhăm nhe trái tim của cô, có lẽ họ đã cố gắng tìm kiếm trái tim phù hợp từ những con đường khác.
Anh ta còn nhắc tới “chuyện Tông Khánh Lâm không dám mạo hiểm”, liệu có phải vì Tông Khánh Lâm không chấp nhận ý tưởng “lấy trái tim qua đường dây phi pháp” nên mẹ Tông Du mới quay sang xin sự giúp đỡ của Lữ Khiêm Minh?
Giúp đỡ phải có thù lao, Lữ Khiêm Minh nghiễm nhiên đề ra điều kiện của bản thân – cổ phần và di vật của Hình Học Nghĩa.
Nếu nói mưu đồ chiếm cổ phần là để chiếm ưu thế trong cuộc tranh giành cổ phần ở Tân Hi, vậy muốn di vật, rất có khả năng là để tiêu hủy chứng cứ.
Bất kể cuộc gặp gỡ tại nhà Hình Học Nghĩa lần đó, hay chuyện biệt thự của Hình Học Nghĩa bị đốt sau này, tất cả đều chứng minh một điều – Trong sô những di vật của Hình Học Nghĩa có thứ Lữ Khiêm Minh cần tìm kiếm khẩn cấp, và mục đích tìm kiếm là để tiêu hủy.
Thứ ông ta muốn tìm là thứ này ư?
Tông Anh cầm mấy tờ báo cáo trên bàn, đọc lần lượt từng tờ một.
Mấy tờ giấy này có lẽ chỉ là một phần trong báo cáo, kết cấu thoạt nhìn không hoàn chỉnh, nội dung liên quan đến thí nghiệm đánh giá tính an toàn khi đưa loại thuốc mới ra thị trường. Năm đó, sau khi xem qua, Nghiêm Mạn còn bày tỏ nghi vấn và viết ý kiến, trong đó có vài dòng chữ nhỏ viết: “Vì sao số liệu trong bản báo cáo này lại khác với số liệu thực tế mà tôi nắm được?”
Bà khoanh tròn một vài con số, cuối cùng lưu lại một câu: “Xin nhớ kỹ: Cố ý xuyên tạc bất kỳ con số nào, đều có tính chất là làm giả.”
Ngày tháng ghi trên tờ báo cáo cuối cùng chính là hôm trước khi Nghiêm Mạn qua đời, ngày 13 tháng 9.
Người chỉnh lý báo cáo: Hình Học Nghĩa; Người thẩm duyệt bước đầu: Lữ Khiêm Minh.
Ánh sáng tờ mờ chiếu xuống vết máu loang rộng, nhắc nhở những báo cáo này từng xuất hiện tại hiện trường vụ án ngã từ trên lầu cao của Nghiêm Mạn.
Vì sao Nghiêm Mạn lại mang theo báo cáo nhảy lầu? Ở cùng bà, ngoài Hình Học Nghĩa, còn có người thứ ba – Lữ Khiêm Minh.
Ba người gặp mặt vì bản báo cáo này? Vì nó mà nảy sinh tranh chấp? Cuối cùng vì tranh chấp mà khiến Nghiêm Mạn ngã xuống?
Báo cáo rơi xuống cùng Nghiêm Mạn, vì sợ để lại vật chứng có liên quan nên hai kẻ Hình, Lữ nhặt lại bản báo cáo dính máu này.
Trong đầu Tông Anh không ngừng hiện ra ảnh chụp hiện trường vụ án.
Thi thể của Nghiêm Mạn, vết máu trải rộng, cảnh tượng kia càng ngày càng rõ ràng, thậm chí có cả âm thanh và mùi vị…
Lúc bà rơi xuống, báo cáo trong tay tản ra khắp nơi, chậm rãi rơi xuống đất, tờ giấy kề bên Nghiêm Mạn nhanh chóng bị nhuốm máu.
Hai kẻ trên tầng cao có lẽ kinh hoàng bối rối, có lẽ bình tĩnh khác thường vì thực hiện được âm mưu, tóm lại, họ vội vã xuống lầu, bỏ mặc Nghiêm Mạn đang thoi thóp, chỉ nhặt tờ giấy dưới đất.
Có kẻ chủ mưu không, nếu có, kẻ đó là ai, Lữ Khiêm Minh hay Hình Học Nghĩa?
Tông Anh giơ tay chống lên trán, nhắm mắt điều chỉnh suy nghĩ và tâm trạng.
Sau một hồi, cô đưa tay mở quyển sổ ghi chép công việc của Hình Học Nghĩa trên bàn trà, ngày 14 tháng 9 chỉ viết “Hôm đó, tôi nuốt sống lương tâm của mình”, dù không ghi nhiều thông tin, nhưng những hàng chữ phần nào toát lên sự phiền não.
Từ đó về sau, Hình Học Nghĩa dường như liên tục đắm chìm trong tự trách, trái với Lữ Khiêm Minh, kẻ luôn không từ bất kỳ thủ đoạn nào, mưu toan tiêu hủy chứng cớ, trực giác nói cho Tông Anh biết, Lữ Khiêm Minh rất có thể là kẻ chủ mưu.
Kế đó, tay họ Lữ có quan hệ thế nào với Hình Học Nghĩa, cái chết của Hình Học Nghĩa… Có liên quan đến ông ta không?
Vụ án ở hầm 723 thật sự chỉ là ngoài ý muốn thôi sao?
Túi ma tuý bị phát hiện trên xe là do ai đưa? Liệu có khả năng là Lữ Khiêm Minh không?
Nghĩ tới đây, Tông Anh đứng bật dậy, rảo bước vào phòng ngủ, lấy gói đồ Lữ Khiêm Minh gửi cho cô ra khỏi tủ.
Cô mở hộp gỗ, lấy phong thư, đổ một xấp ảnh ra, cẩn thận cầm lấy một tấm, soi dưới ánh đèn quan sát…
Trên tấm ảnh chất liệu bóng có hai ba dấu vân tay trọn vẹn nằm rải rác.
Cô đang định cất chúng vào túi đựng vật chứng, điện thoại bàn chợt đổ chuông khiến dây thần kinh đang căng thẳng đứt đoạn.
Tông Anh vô thức xoa huyệt thái dương, rảo bước tới bắt máy, đầu dây bên kia truyền đến giọng nói dồn dập của Tiết Tuyển Thanh: “A lô?”
Tông Anh đáp: “Tôi đây.”
Tiết Tuyển Thanh thở phào nhẹ nhõm: “Quả nhiên cậu ở nhà, làm tôi sợ muốn chết. Khi nào cậu đi sửa di động đi, thường xuyên không liên lạc được với cậu, tôi cứ thấp tha thấp thỏm.”
Cô ngập ngừng, lại hỏi: “Sao cậu lại đột nhiên về nhà?”
Tông Anh hỏi ngược lại: “Hiện tại cậu có rảnh không?”
Tiết Tuyển Thanh vuốt tóc mái: “Đương nhiên!”
Tông Anh liếc vật chứng trên bàn trà: “Vậy đến đây một chuyến, tôi có vài thứ muốn đưa cho cậu.”
Tiết Tuyển Thanh tới rất nhanh, mười lăm phút sau, cô thở hổn hển gõ cửa nhà Tông Anh.
“Bên ngoài gió to quá!” Cô ai oán nhìn về phía Tông Anh, đột nhiên kìm lại nhịp thở dồn dập: “Sao sắc mặt cậu kém vậy? Lại xảy ra chuyện gì à, bà già ngu ngốc kia lại tới làm phiền cậu sao?”
“Không.” Tông Anh xoay người đi về chỗ ghế sô pha, im lặng ngồi xuống.
Tiết Tuyển Thanh đi theo sau, chưa kịp ngồi xuống liền chú ý tới túi vật chứng trên bàn trà.
Cô còn đang ngẩn người, Tông Anh liền chìa điếu thuốc ra.
Tiết Tuyển Thanh nhận lấy điếu thuốc nhưng không vội hút, chỉ vào túi vật chứng hỏi: “Đống này là cái gì?”
Tông Anh chỉ mải cúi đầu hút thuốc, hút đến điếu thứ ba liền quay đầu ho mạnh một trận, mặt đỏ lừ, sau một hồi mới trở lại bình thường: “Cậu ngồi đi, tôi từ từ kể cho cậu.”
Tiết Tuyển Thanh cụp mắt nhắc nhở: “Dập thuốc lá đi.”
Tông Anh tiện tay dập thuốc lá, vứt non nửa điếu thuốc còn lại vào thùng rác, cơn phẫn uất, bất bình và đau khổ leo đến đỉnh điểm, trái lại trên mặt lại tỏ ra bình tĩnh lạ thường.
Lúc giải thích lần lượt cho Tiết Tuyển Thanh về nguồn gốc vật chứng và suy luận của mình, giọng cô tỉnh táo đến nỗi chính cô cũng thấy kinh ngạc.
Sau cùng, lúc phát đoạn ghi âm giữa thư ký Thẩm và mẹ Tông Du, Tiết Tuyển Thanh suýt nổi cơn tam bành: “Quả nhiên họ đã có dã tâm từ lâu! Tâm địa ác độc đến vậy, sao lại nuôi được đứa con trai như thế nhỉ?!”
Cô vò nát điếu thuốc trong tay, mượn hành động này để hạ hoả, lại hỏi: “Tông Du đột nhiên đưa cậu những thứ này, có phải ám chỉ rằng thằng bé muốn nói gì đó không?”
Trước đó, lúc phối hợp điều tra với bên cảnh sát, Tông Du liên tục lấy cớ “mất trí nhớ tạm thời sau tai nạn”, nhưng hiện tại cậu bé tung ra những vật chứng này, là vì nhớ ra thật, hay giấu diếm đến hôm nay mới đột nhiên thức tỉnh lương tâm?
Huống hồ, tại sao thằng bé lại có những vật chứng này?
Đặc biệt là bản báo cáo kia, nó hẳn phải nằm ở chỗ Hình Học Nghĩa mới đúng, tại sao lại ở trong cặp sách của Tông Du?
Tiết Tuyển Thanh cắn môi suy tư, Tông Anh đưa cho cô túi vật chứng cuối cùng: “Tôi nhớ người ta đã thu được một dấu vân tay hoàn hỉnh trên túi ma tuý phát hiện tại vụ tai nạn ở hầm 723, những tấm ảnh này là Lữ Khiêm Minh gửi cho tôi, cậu có thể đem đi đối chiếu dấu vân tay xem chúng có thống nhất không.”
“Tôi hiểu rồi.” Tiết Tuyển Thanh tiếp nhận, khom người cất toàn bộ vào thùng: “Tôi sẽ nhanh chóng giải quyết chuyện này.”
Tông Anh ngồi bên cạnh nhìn, ánh mắt ngẩn ngơ trong chốc lát, cô đột nhiên nói: “Vụ án của mẹ tôi, vụ tai nạn ở hầm 723, sau đây có lẽ sẽ có kết quả cuối cùng, nhưng tôi không chắc mình có sống được đến lúc đó không…”
“Nói linh tinh gì đấy?” Tiết Tuyển Thanh lập tức ngắt lời cô, quay đầu nhìn chằm chằm vào mắt cô, nói: “Đây là chuyện của mẹ cậu, sau này tra ra manh mối, chính cậu phải cầm kết quả đến nghĩa trang nói cho bà biết, tôi tuyết đối không làm giúp.”
“Tôi cũng hy vọng như thế, tôi cũng hy vọng như thế.” Cô nhỏ giọng lặp lại hai lần rồi đưa mắt sang nơi khác.
Kim đồng hồ để bàn chỉ 9 giờ 40 phút tối.
Đêm nay thật lạnh, tại Thượng Hải năm 1937, thời tiết lại oi bức đến lạ.
Toàn bộ số máy móc thiết bị của nhà máy nhà họ Thịnh cuối cùng cũng được đóng vào thùng ổn thỏa, thừa dịp ban đêm qua sông Tô Châu, ngụy trang vận chuyển ra ngoài, lại gặp cuộc oanh tạc tại bến tàu.
Máy bay địch kêu ù ù, bom đạn không có mắt ngẫu nhiên rơi xuống, những thuyền đã bốc xếp ổn thỏa liều mình chèo vào bụi lau sậy rậm rạp để tránh né, những công nhân chưa kịp lên thuyền gặp oanh tạc, đối diện với cảnh đồng nghiệp chết tại chỗ cũng chỉ có thể nghiến răng rơi lệ, bất chấp nguy hiểm tiếp tục khuân vác máy móc lên thuyền.
Đây là số máy móc cuối cùng, chờ đến Trấn Giang, có thể đổi tàu chạy đường sông, men theo dòng Trường Giang thẳng tiến đến khu vực an toàn tạm thời.
Một quả bom nổ tung cách đó mấy chục mét, nửa phút sau, người quản lý đi cùng Thịnh Thanh Nhượng đến nhà máy lau bụi và nước mắt trên mặt, ôm danh sách hàng hoá trên thuyền, quay đầu nhìn về phía Thịnh Thanh Nhượng la to: “Tam thiếu gia! Nơi này rất nguy hiểm! Cậu…”
Khói bụi hạ xuống, nhưng ông không tìm thấy Thịnh Thanh Nhượng đâu nữa.
Tiết Tuyển Thanh đi rồi, Tông Anh ngủ mê man một giấc.
Cả đêm mơ thấy rất nhiều giấc mơ dài dòng hỗn loạn, khi tỉnh lại, chiếc đèn hành lang nhỏ ở cửa trước im lặng toả sáng, cô đứng dậy khỏi ghế sô pha, trực tiếp đi ra ngoài ban công.
Ảnh hương do cơn bão số 21 “Dujuan” mang lại vẫn tiếp tục kéo dài, gần sáng sớm, trong trời đất ẩm ướt là cơn lạnh khắc nghiệt.
Giữa khung cảnh âm u xám ngắt bao trùm khắp nơi, cô cụp mắt, bắt gặp một bóng người, một bóng người đã lâu không gặp.

Lời tác giả:
– Thịnh tiên sinh: Hôm nay lên sân khấu, trông tôi có vẻ lôi thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.