Vì Sao Sa

Chương 2:




Biên tập: Mộ
***
Sau ngày hôm đó, cuộc sống của tôi thay đổi 360 độ.
Bạn cùng lớp bảo rằng họ ước gì có thể cách xa tôi hai mét, vì tôi đã trở thành đối tượng bị loại trừ của bộ ba. Lại gần tôi thì chẳng khác nào tự rước hoạ vào thân.
Bộ ba ấy là nhóm của Đặng Văn Tâm.

Thứ hai đầu tuần, trời đổ cơn mưa. Những hạt mưa tí tách đã xoá nhoà dấu vết cuối cùng của mùa hè.
Mùa thu vừa tới nên nhiệt độ cũng nhanh chóng giảm xuống.
“Thư Giai, hôm nay là sinh nhật Thanh Thanh, mày ở lại trực nhật thay bọn tao.” Sau khi tan học, ba người họ quây quanh bàn của tôi và ra lệnh.
Tôi mím môi không nói gì, đi thẳng về góc để đồ vệ sinh.
Da đầu của tôi đột nhiên căng lên, toàn bộ phần tóc đuôi ngựa bị túm lại, tôi không kịp phản ứng, loạng choạng một chút rồi bị Đặng Văn Tâm hất xuống đất.
“Mày nổi điên cái gì đấy? Không biết nói à? Mày bị câm chắc?” Đặng Văn Tâm vừa túm tóc tôi vừa bật cười trước bộ dạng xấu hổ của tôi khi tôi ngã nhào ra đất.
Cô ấy hất cằm nhìn tôi từ trên xuống dưới.
Tôi liếc xéo cô ấy, hất tay cô ấy ra rồi quay người chạy đi lấy chổi.
Có ai đó đã phì cười, sau đó là tiếng cười sảng khoái của bọn họ.
“Đi thôi, đi thôi, gần năm giờ rồi.”
“Hôm nay tha cho nó đi, ngày mai chúng ta xử nó sau.”
Giọng nói của họ càng ngày càng xa.
||||| Truyện đề cử: Sụp Đổ Hình Tượng |||||
Tôi cúi đầu nhìn cây chổi bẩn thỉu và chớp mắt một cách khó khăn.
Nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì thứ phẩm giá nực cười ấy của mình.
Liếc nhìn đám bạn cùng lớp ở xung quanh đang vùi đầu quét sàn, tôi cũng không tỏ vẻ gì nữa mà cúi đầu xuống và ra sức quét, tôi hận không thể vặn gãy cây chổi đó, như thể không phải đang quét nhà mà chính là đang chà lên gương mặt của những kẻ ấy.
Lúc trực nhật xong đã là 5 giờ 20, tôi thu dọn bàn học rồi cầm ô ra về.
Khi đứng trước cửa phòng bảo vệ, tôi cầm chiếc ô bị gãy, lắng nghe tiếng mưa với đôi mắt trống rỗng.
Đây là lần thứ hai họ làm hỏng ô của tôi, thậm chí tôi còn không thể nâng nó lên nổi, chỉ còn sót lại một vài mảnh sắt và bề mặt ô bị thủng lỗ chỗ.
Đột nhiên tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
Tôi ném chiếc ô vào thùng rác và không do dự bước vào màn mưa.
Nước mưa rất lạnh, nó nhanh chóng làm ướt áo khoác đồng phục của tôi, lạnh đến mức thấu da thấu thịt.
Khi băng qua chỗ đèn xanh đèn đỏ, Trịnh Kinh đứng ở phía đối diện, điên cuồng vẫy tay để gọi tôi.
Nhưng tôi đứng đó chừng nửa phút mới nhận ra người đó là Trịnh Kinh.
Lúc chuyển sang đèn xanh, Trịnh Kinh thấy tôi không di chuyển nên anh ấy chạy thẳng đến bên tôi.
Anh đứng cạnh tôi với một chiếc ô và mùi cỏ xanh thơm mát.
“Em bị đần à? Mưa rồi sao em không mở ô? Em tính làm tiên nữ múa dưới mưa ư? Em có phải tiên nữ đâu…” Trịnh Kinh nghiêng ô về phía tôi.
Mặc dù trời mưa nhưng anh vẫn mặc một chiếc áo cộc tay, mái tóc ướt đẫm mồ hôi, thoạt nhìn cứ như vừa vận động mạnh.
“Đèn xanh rồi, sao em không đi? Em tưởng mình là cụ già phải chờ học sinh tiểu học dắt em sang đường sao?” Trịnh Kinh cứ cằn nhằn mãi.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy vô cùng chán chường, tôi chẳng muốn suy nghĩ gì cả. Khi đèn giao thông lại chuyển sang màu xanh, tôi không quan tâm gì nữa, cứ thế đi thẳng về phía trước.
Trịnh Kinh cầm ô tiến lên hai bước, đến bên cạnh tôi, kéo tay tôi lại và khom lưng xuống rồi bảo: “Từ từ đã, bà cụ Thư của tôi ơi, học sinh tiểu học Trịnh Kinh dắt bà sang đường nhé.”
Tôi nhìn bộ dạng cợt nhả của anh, tức đến nỗi nhéo tay anh ấy.
Chậc, cũng đủ dứt khoát.
“Đau, đau, đau!”
Tôi tăng tốc, không thèm để ý đến cậu học sinh tiểu học đang ăn vạ này nữa.
Khi đến cửa chung cư, Trịnh Kinh chạy lên trước rồi nhét ô vào tay tôi: “Mau cầm lấy, đừng để bà xã của anh nhìn thấy, ngày mai chúng ta gặp nhau ở chỗ cũ nhé.”
Trịnh Kinh tỏ vẻ nghiêm túc, sau đó xoay người lao vào màn mưa.
Tôi ngẩn người ở đó hàng chục giây, cuối cùng cũng phản ứng lại.
Vị diễn viên này…
Trịnh Kinh sống trong căn nhà đắt đỏ trước cổng chung cư. Nhà anh ấy mở một cửa hàng nhỏ ở đây.
Chúng tôi quen nhau từ khi còn nhỏ. Chỉ là ngày xưa anh phải chuyển về quê sống với ông bà ngoại, dạo gần đây mới quay về.
Trong khoảng mười năm trống vắng, tôi gần như đã quên mất một người là Trịnh Kinh.
Nhưng vào hôm đó, khi anh giới thiệu bản thân, tôi mới nhận ra đó là Trịnh Kinh – người bạn duy nhất trong thời thơ ấu của mình.
Mặc dù bây giờ tôi không dám dùng từ “bạn bè” để định nghĩa một ai nữa.
Nhưng thật ra Trịnh Kinh vẫn quen thuộc như trước kia, mấy hôm nay ngày nào tôi cũng gặp anh ấy.
Tôi nhận ra rằng thời khắc duy nhất tôi có thể thở phào nhẹ nhõm trong những ngày này, có lẽ là lúc tôi gặp Trịnh Kinh.
Tôi tra chìa khoá vào ổ, sau đó nhẹ nhàng mở ra, hành động ấy dường như chậm chạp hơn trước cả chục lần, tôi mệt đến nỗi gần như không cầm nổi chìa khoá.
Trong nhà vắng tanh, đã mấy hôm rồi mẹ chưa về nhà? Nhất thời tôi không thể nhớ nổi.
Tôi nằm vật xuống giường, mở to đôi mắt nhìn lên trần nhà.
Tôi mệt lắm nhưng tôi không ngủ được, dù có làm thế nào cũng không thể chìm vào giấc ngủ.
Trong một đêm mất ngủ, những ký ức đau đớn khiến tôi tan xương nát thịt.
Đặng Văn Tâm, Từ Sư Thi, Thẩm Thanh và Trương Hân.
Khuôn mặt của họ cứ lượn lờ trước mắt tôi.
Cảnh tượng đau đớn khi bị đánh cứ lặp đi lặp lại.
Tôi chạm vào vết sẹo đã kết vảy của mình, những hàng nước mắt trào ra nhưng tôi không kiểm soát được.
Tôi mệt lắm, mệt lắm rồi.
Hôm sau tôi dậy rất sớm, bởi vì phần lớn thời gian tôi sẽ ngồi phát ngốc trên giường suốt đêm. Khi không ngủ được, tôi cũng bắt đầu cảm thấy nhàm chán và lật sách giáo khoa.
Tôi không thể dừng lại, một khi không có gì để làm, tôi sẽ cảm thấy buồn chán.
Vì vậy, hai giờ sáng tôi dậy lau nhà, bốn giờ thì tưới hoa, sáu giờ bắt đầu nằm lên giường và thức dậy ngay khi nghe thấy tiếng chuông báo thức vào lúc sáu giờ mười lăm, sau đó tôi mặc quần áo, tắm rửa và ăn sáng.
Tôi sắp xếp cuộc sống của mình ở lúc nhà một cách rất gọn gàng và có trật tự, tôi không có thời gian để cảm thấy khó chịu, thậm chí còn chẳng có thời gian để ngủ.
Nhưng khi ra khỏi cánh cửa đó, tôi phải đối mặt với những biến cố không thể chống cự và những ác ý nối gót theo sau.
Tôi từ từ đi bộ đến trạm xe buýt và cẩn thận kiểm tra bảng mô tả lịch trình khởi hành, đây là một cách tốt để giết thời gian.
“Thư Giai?”
Giọng nói đó vang lên bên tai tận ba, tôi mới từ từ quay đầu lại.
Người vừa gọi tôi là Trương Hân.
Cô ấy mặc bộ đồng phục học sinh lớn hơn một cỡ, tết tóc hai bên, và nhìn tôi với ánh mắt đầy nghiêm túc.
Nhận thức đầu tiên của tôi là
Cô ấy không bẩn chút nào.
Trong quá khứ, Đặng Văn Tâm hay chọc Trương Hân, bảo rằng cô ấy bẩn lắm vì mẹ cô ấy là gái điếm. Lúc ở trường mọi người cũng hay trêu đùa quá chớn nên cô ấy còn chẳng dám ngẩng đầu lên.
Lúc đó tôi chợt nhận ra sự thật không phải như thế, đó chỉ là lời đồn vô căn cứ của những người khác, hơn nữa còn là dị bản sau khi truyền qua truyền lại bởi rất nhiều người.
Tôi gặp mẹ Trương Hân rồi, bà ấy bán bánh rán và cháo quẩy ở khu phố phía Nam. Lúc đó tôi thường xuyên mặc đồng phục nên thỉnh thoảng mẹ cô ấy lại tán gẫu với tôi vài câu, cụ thể là gì thì tôi quên mất rồi, nhưng tôi vẫn nhớ bàn tay thô ráp của bà ấy khi thối lại tiền thừa cho tôi, tôi hiểu rõ hơn ai hết đó không phải bàn tay của gái điếm mà là bàn tay của một con người luôn yêu thương cuộc sống.
Tôi gật đầu thân thiện với Trương Hân.
“Cảm ơn cậu vì hôm đó đã nói giúp mình.” Sau khi lên xe và ngồi vào chỗ, câu nói đầu tiên của Trương Hân chính là câu này. Tôi hơi ngạc nhiên.
Tôi bỗng nhiên nhớ đến mấy lời lên án công khai nhưng đầy hèn nhát của mình vào hôm ấy, dù sao chúng tôi cũng không hay nói chuyện, câu nói gần đây nhất là “các cậu không thấy mình quá đáng lắm sao?”
“Không sao, cũng chẳng có ích gì.” Tôi xấu hổ xua tay.
Tôi không ngờ cô ấy lại nghe thấy câu đó. Thế là lòng tốt giả tạo của tôi đã bị vạch trần rồi sao?
“Dù sao cũng cảm ơn cậu rất nhiều.” Trương Hân vuốt ve đuôi tóc rồi chần chừ hỏi: “Bây giờ cậu bị bọn họ nhắm đến rồi à?”
Tôi ngẩn người, nhìn vào mắt Trương Hân và không nói gì.
“A, mình xin lỗi, mình xin lỗi, mình không cố ý đâu, mình chỉ hỏi vậy thôi.”
Khi bắt gặp ánh mắt của tôi, cô ấy vội vàng chắp tay, che miệng rồi lắc đầu nguầy nguậy.
Tôi cúi đầu và “ừm” một cái rất nhỏ.
Một tiếng thở phảo rõ ràng phát ra từ bên cạnh.
“Hóa ra là thật… Dù sao cũng cảm ơn cậu.”
Cô ấy nói câu đó với giọng điệu nhẹ nhõm hơn bao giờ hết.
Tôi lại bước vào lớp, giờ đây nơi này đối với tôi chẳng khác nào địa ngục trần gian.
Khi tôi ngồi xuống với vẻ mặt thất thần và lấy ra con chuột đồ chơi từ trong ngăn kéo, Đặng Văn Tâm ở ghế phía trước đột nhiên cười phá lên, cô ấy cười đến nỗi cong cả người, chỉ vào tôi và nói: “Ha ha ha ha, chúng mày xem kìa, Thư Gia ngồi xuống rồi.”
“Èo, mẹ kiếp tao cá là nó không ngồi cơ mà.”
“Nôn tiền ra đây. Ha ha ha! Mày nghĩ xem có phải nó mất não rồi không?” Đặng Văn Tâm chìa tay ra, ngẩng cao đầu như một con đại bàng chiến thắng, suýt chút nữa không cánh mà bay lên.
Tôi bình tĩnh nhìn bọn họ ầm ĩ.
“Này, mày bị đần đấy à? Không thèm nhìn mà đã ngồi rồi, làm ông đây tốn mất một trăm tệ, mày muốn chết đúng không?” Chàng trai thua cược tên là Phí Kỳ, cậu ta đá một phát vào ghế của tôi, tạo ra âm thanh vô cùng chói tai.
Lúc đó tôi mới hiểu tại sao mình không thể ngồi, bởi vì dưới ghế toàn là keo cường lực, chúng đang dính chặt vào quần của tôi.
Tôi im lặng lắng nghe những lời chế giễu và phàn nàn của họ, chịu đựng những bàn tay có thể túm lấy tôi bất cứ lúc nào để đè vai tôi xuống.
Thật kỳ lạ, tôi không muốn khóc, cũng không muốn phản kháng. Tôi chỉ cảm thấy mệt, mệt lắm, mệt đến mức không muốn làm gì cả.
Chuông vào lớp vang lên, những người vây quanh tôi lập tức giải tán.
“Được rồi, bây giờ chúng ta cùng ôn lại bài văn xuôi “Mặt sau” đã học ngày hôm qua nhé. Đoạn thứ năm bắt buộc phải học thuộc lòng. Bây giờ bắt đầu kiểm tra ngẫu nhiên.”
Cô giáo Ngữ Văn là một người rất nghiêm túc, không ai dám lơ là trong tiết học của cô ấy.
“Cô ơi! Bắt đầu từ tổ một đi ạ!” Nhưng vẫn có một số học sinh như này bị cô ấy cho vào diện cá biệt.
Chất giọng của Phí Kỳ thực sự rất nặng, lúc vỡ giọng thì chẳng khác gì vịt đực. Chỉ cần nghe cái giọng đó thôi, cũng có thể hình dung ra dáng vẻ của một cậu trai lôi thôi lầm lì với gương mặt đầy mụn.
Tôi rụt người lại một chút, cậu ta vừa cất lời thì chẳng có gì tốt đẹp.
“Cô ơi! Sáng nay em thấy Thư Giai đọc hay lắm, cô bảo bạn ấy đọc cho chúng ta nghe đi.”
Quả nhiên.
Bộ ba cũng thi nhau phụ hoạ: “Thư Giai cũng ở tổ một mà.”
“Được rồi, bắt đầu từ Thư Giai và sau đó lần lượt từ dưới lên.” Cô nâng kính rồi gọi tên tôi.
Đặng Văn Tâm quay đầu lại, cười ngặt nghẽo với tôi như thể đang chứng kiến một chương trình thú vị. Sau đó cô ta quay về chỗ cũ, ngồi thẳng lưng và giả bộ như đang chăm chú lắng nghe.
Tôi từ từ đứng dậy dưới ánh mắt chăm chú của tất cả mọi người.
Tôi cố gắng hết sức để uốn cong đầu gối, thân trên thì thẳng đứng nhưng chân tôi vẫn bị cong. Dù có làm thế nào thì chiếc ghế vẫn không chịu khuất phục, dính chặt vào mông tôi và theo tôi “Đứng dậy.”
Tôi liếc Thẩm Thanh, Từ Sư Thi đang cười thầm, thậm chí Phí Kỳ còn lấy điện thoại từ ngăn kéo ra để quay lén.
Nụ cười chợt tắt, ánh mắt lạnh lùng và sự tủi nhục vô cùng cực.
Tôi bắt đầu đọc từng chữ, từng chữ cho đến khi đọc hết đoạn văn kia.
Cô giáo nhìn tôi một cách hài lòng rồi gật đầu ra hiệu cho tôi ngồi xuống.
Cô ấy không nhìn thấy chiếc ghế phía sau tôi, cũng không nhìn thấy những con quái vật xung quanh đang há miệng để chầu trực ăn thịt tôi.
Nếu cô ấy cẩn thận hơn một chút, liệu cô ấy có thể nhìn thấy ánh mắt tuyệt vọng của tôi không?
“Thư Giai, hôm nay em thể hiện tốt lắm. Lần sau tiếp tục phát huy.”
Sau khi tan học, Đặng Văn Tâm vỗ vai tôi, khi cô ta rụt tay về, móng tay của cô ta hằn lên mặt tôi và để lại một vệt máu.
Lúc đó cô ta mới hài lòng cùng mọi người bỏ đi.
Tôi chạm vào miệng vết thương bắt đầu rỉ máu rồi chậm chạp thu dọn đồ đạc.
Lúc ngang qua cửa hàng tiện lợi, tôi vào mua mấy miếng băng cá nhân. Hôm nay mẹ của Trịnh Kinh là người tính tiền.
“Ôi, bé à, mặt con làm sao thế?” Mẹ của Trịnh Kinh hơi mập, lúc đưa băng cá nhân cho tôi bà ấy còn hỏi thăm vài câu.
Gần như những người quan tâm đến tôi đều là người xa lạ, nhưng tôi lại phải chịu đựng sự ác ý của những người mà tôi từng xem là bạn, và sự thờ ơ của người thân nhất với tôi.
Đó là một thực tế vô cùng khó khăn.
Nhưng tôi không ngờ tôi vừa tạm biệt mẹ của Trịnh Kinh, quay đầu một cái đã thấy Trịnh Kinh trước cửa nhà.
Anh cầm hai que kem và ngẩn người ở đó, dường như đã đợi rất lâu.
“Bức tường ở đối diện có gì đáng để anh suy ngẫm sao?” Tôi bước đến gần anh.
Khi thấy tôi đến, anh nở nụ cười tươi rói và đưa cho tôi cây kem vị dâu tây: “Anh định hỏi em, vị vani có ngon không?”
Hóa ra là chuyện lần trước, tôi nhìn Trịnh Kinh mà thấy buồn cười, anh thật sự coi mình là đại thiếu gia đấy à.
“Ờ thì cũng được.” Tôi đưa ra một lời nhận xét khá công tâm.
Trịnh Kinh vừa lòng gật đầu, cắn một miếng vị vani trong tay, còn liếm môi và nói: “Ồ, thực sự rất ngon.”
Tôi không nhận que kem anh đưa mà nhìn anh ăn hết sạch que kem kia.
“Tại sao em không ăn?”
“Em không thích vị dâu.”
“Ồ, thế em cầm hộ anh đi.”
Tôi lấy cây kem từ tay anh, muốn xem anh định làm gì.
Trịnh Kinh lau tay vào áo, sau đó rút một cái băng cá nhân hình con thỏ từ trong túi ra.
Anh cẩn thận lại gần, sau đó nhẹ nhàng bóc miếng băng cá nhân rồi dán lên mặt tôi.
Nhẹ nhàng đến mức tôi không thể cảm nhận được hành động của anh, tôi chỉ thấy ánh mắt đầy chăm chú và khoé miệng hơi nhếch lên của anh thôi.
Anh lùi về phía sau một chút, sau đó cầm lấy cây kem và cười với tôi: “Thư Giai, ngày mai gặp lại nhé.”
Tôi thẫn thờ nhìn theo bóng lưng đang bỏ chạy của anh, sờ tay lên miếng băng cá nhân và âm thầm đáp: Hẹn gặp anh vào ngày mai.
Tối hôm đó, tôi nhét chiếc quần đã thay vào đáy tủ, lấy ra một chiếc quần mới để trên đầu giường.
Tôi đã uống mấy ly sữa mà vẫn không thấy buồn ngủ, cứ ngẩn người nhìn móc khoá hình con thỏ trên mặt bàn.
Ngoài cửa sổ không có sao, đã hơn một giờ sáng, cũng chẳng còn ai ở ngoài đường, tôi đứng trên ban công lầu sáu, lặng lẽ nhìn ánh sáng mờ ảo của đèn đường.
Tôi siết chặt móc khoá một lần nữa, hít sâu một hơi và thả nó từ tầng sáu xuống.
Nhìn nó rơi theo một vòng cung hoàn mỹ, trái tim tôi vô cùng bình tĩnh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.