Cái tiệm này của tôi chẳng kiếm được mấy, hay nói chính xác hơn là thời buổi bây giờ hiếm có cửa hàng sách nào ăn nên làm ra.
Cũng may tiệm sách này do ông tôi để lại, xung quanh có vài trường đại học, cố gắng vẫn có thể cân bằng thu chi, còn vấn đề cơm nước tôi chẳng trông mong vào nó.
Từ nhỏ tôi đã là một người rất bình thường, không có tham vọng gì quá lớn, lúc mười hai mười ba, có người hỏi tôi rằng lớn lên muốn làm gì, câu trả lời của tôi là: "Muốn làm chủ tiệm sách, ngày ngày phơi nắng đọc sách."
Khi ấy mọi người cười bảo: "Đứa nhỏ này thật an phận."
Là an phận.
An phận đến mức chẳng có chút dã tâm, mới hai mươi bảy, hai mươi tám mà lại an phận trông một tiệm sách không kiếm ra tiền, ăn no chờ chết.
Ba tôi hay bảo: "Con nhìn con trai chú Trần con đi, mới từ Mỹ về, đã đảm đương chức vụ giám đốc quản lý công ty gì đó rồi đấy."
Đối với mấy lời kiểu này, tôi toàn nghe tai trái ra tai phải, ba tôi cũng quen rồi, nhưng ông thích lải nhải, cuối cùng tôi đành làm cho ông thêm một món, để ông vui hơn một chút, cũng làm ông bớt theo tôi nói mấy chuyện đâu đâu kia.
Tôi bị chính ông ba thích cằn nhằn này của mình đánh thức, hơn mười giờ sáng, mặt trời vừa lên, rất ấm áp, tôi vùi mình trên ghế sa lông bên cửa sổ ôm sách chẳng biết ngủ quên từ bao giờ, tiếng chuông điện thoại di động bất chợt vang lên khiến tôi giật mình.
Tiếng ba tôi truyền đến từ đầu kia: "Dì Từ con muốn giới thiệu đối tượng cho con, con đến gặp người ta chút nhé?"
Tôi đang ngáp nghe vậy bật cười: "Ba đừng đùa nữa, bên con thế nào chẳng lẽ ba không biết."
Ba tôi "hừm" một tiếng, rồi hỏi tôi, chả biết đây đã là lần thứ bao nhiêu rồi: "Thật sự không đổi được hả?"
Tôi cười bảo ông: "Cái chuyện như đồng tính luyến ái thế này sao nói đổi là đổi được ba? Cũng đâu phải đổi từ thuận tay trái qua tay phải, chỉ cần ba gõ mấy cái là xong."
Khi còn bé tôi vốn thuận tay trái, sau đó ông nội tôi nói như vậy không hợp lẽ thường, ép tôi phải sửa lại, cách thức vô cùng đơn giản đánh vài cái là xong.
Sau đó ba tôi nói: "May là lúc ông con còn sống không biết con thích đàn ông, nếu biết dù có nói thế nào ông ấy cũng phải vặn con thẳng lại."
Lúc ấy tôi không phản bác lời ông, chỉ cười cho qua, nhưng bản thân tôi biết rõ, hai chuyện này khác nhau.
Bên đầu kia điện thoại ba tôi thở dài, không tiếp tục đề tài này nữa: "Ừ, thế cuối tuần này con có về nhà ăn cơm không?"
Lúc đang nói chuyện điện thoại tôi thoáng thấy bên ngoài có bóng người, chẳng biết người đó đã đứng đấy bao lâu rồi, nhìn chằm chằm vào tôi, trong mắt không giấu được nét hoảng hốt, sợ hãi.
Tôi nói với ba mình: "Nói sau đi, ba với dì Từ con vẫn ổn chứ?"
"Vẫn ổn." Ba tôi nói: "Chuyện của đôi ta không cần con lo."
Ba tôi gà trống nuôi con một mình nuôi tôi gần hai mươi năm, mãi tới năm ngoái được người ta giới thiệu mới chịu quen một dì xinh đẹp, hai người không đi lấy giấy đăng ký kết hôn, cứ vậy về ở với nhau.
Hai người họ rất hợp nhau, vì sức khỏe không cho phép nên ba tôi về hưu sớm, hai người ở nhà sớm hưởng thụ cuộc sống sinh hoạt khi về già, rất ý vị.
"Vậy là mừng rồi." Tôi đáp: "Con bận chút việc, không nói chuyện với ba nữa."
Sau khi cúp máy, tôi nhìn thằng bé bên ngoài qua cửa sổ.
Trong ấn tượng của mình tôi nhớ lúc hơn chín giờ mình đã bảo em ấy là có thể đi được rồi, dù sao cũng đã ăn uống no đủ, có ngồi xổm ở đây thêm nữa cũng chẳng ích gì.
Không ngờ tôi vừa thức giấc, em lại đứng đó nhìn tôi thế này.
Hẳn là phải có nguyên nhân gì đó mới khiến em bị giày xéo thành như thế?
Quần áo lam lũ, trời xuân se lạnh em chỉ xỏ mỗi đôi giày mất đế, mặc chiếc quần bò bẩn thỉu, rách rưới, tóc tai vừa dài vừa rối, dưới ánh mặt trời có thể nhìn thấy cả một lớp bụi đóng trên đó.
Một đứa bé lang thang điển hình.
Cánh tay gầy, cẳng chân cũng nhỏ, thế nhưng vóc dáng không hề lùn.
Quan trọng hơn là tôi phát hiện đôi mắt của đứa nhỏ lang thang này rất sáng, hệt như con sói trong rừng sâu, đang canh chừng con mồi của nó vậy.
Nhưng vấn đề là tôi đâu phải con mồi của em ấy, cũng sẽ không có ý định cho em bữa cơm thứ hai.
Tôi cười với em một cái, rồi làm cái mặt quỷ với cu cậu, sau đó đứng dậy, uống nốt chút cà phê đã nguội lạnh trong chiếc ly để trên bàn, cầm chiếc ly không đi rửa, xong xuôi bắt đầu dọn dẹp lại giá sách.
Nhưng cái khiến tôi bất ngờ là, sau khi dọn dẹp giá sách, nấu xong cho mình hai món ăn, tôi phát hiện em vẫn đứng đó, dường như không hề di chuyển cũng chẳng đổi tư thế.
Tôi mở cửa hỏi em: "Nhóc không đi vệ sinh hả?"
Thằng bé ngây người nhìn tôi, dáng vẻ ấy khiến tôi chẳng nhịn nổi bật cười.