Tôi là người thiếu nhẫn nại, có lẽ mọi sự kiên trì rèn luyện được đã dồn hết vào việc duy trì cuộc sống.
Cho nên, cái làm tôi thấy bất ngờ là bản thân chưa nổi khùng khi đối mặt với nhóc thúi chẳng biết tí gì này.
Không những không điên máu, còn thấy vô cùng vui vẻ.
Tôi dạy đứa nhỏ đánh răng, nhìn em vụng về chà răng đến nỗi chảy cả máu, sau đó còn xấu xa đứng cười, thấy em nhìn vết máu trên bàn chải đánh răng với ánh mắt nghi ngờ, tôi trêu: "Xong rồi, nhóc sắp toi đến nơi rồi."
Em sốt sắng nhìn tôi, sốt ruột đến nỗi suýt nuốt luôn bọt kem đánh răng trong miệng xuống.
Tôi nhanh chóng lấy cốc nước cho em súc miệng nhổ bọt kem đánh răng ra.
Em bảo: "Không muốn chết."
Tôi hỏi em: "Tại sao? Nhóc sống vì cái gì?"
Em nhìn tôi chăm chú, sau một lát mới nói: "Trước đây có thể chết, bây giờ không muốn nữa."
Tôi không phải kiểu người thích tự bổ não này kia, càng không phải người có ham muốn tự luyến, trước giờ tôi luôn biết phân lượng bản thân thế nào, không đến nỗi tự dát vàng lên mặt mình.
Nhưng khi bị em nhìn như vậy, tôi luôn có cảm giác bản thân là nhánh cỏ có thế cứu mạng em.
"Đùa nhóc đấy." Tôi nói: "Nhóc không chết được đâu, chỉ chảy máu chân răng xíu thôi."
Tôi đặt đồ dùng vệ sinh răng của em qua một bên, ấn đầu em xuống để rửa mặt cho em.
Chăm như chăm đứa nhỏ vậy.
Sửa sang cho em xong xuôi, tôi mới vệ sinh cho bản thân, em vẫn đứng phía sau nhìn tôi miết.
Thấy thế tôi bảo: "Đừng nhìn nữa, có nhìn cũng không nở nổi hoa đâu."
Em không lên tiếng, cũng không chịu ra ngoài.
Lúc tôi nấu cơm cũng vậy, em đứng cách tôi chừng nửa mét, rất vướng víu, mà có lẽ vì em quá đáng thương nên có vướng cỡ nào tôi cũng chẳng dám nặng lời.
Chúng tôi ngồi cạnh bàn ăn trong cửa hàng ăn sáng, biết đứa nhỏ không biết dùng đũa, tôi cố ý nấu cháo, sau đó nghiền nhỏ trứng gà bỏ vào trong cháo để em dùng thìa xúc ăn.
Nhóc con vẫn như thế, vẫn ăn như hùm như sói, mặc cho tôi có bảo em nhai kỹ nuốt chậm cũng chẳng ích gì.
Đói chết cả sói.
Tôi cảm thấy vậy.
Đợi đến khi em ăn sáng xong, tôi tìm cho em một bộ quần áo.
Tiết xuân trời vẫn se lạnh, lúc này nếu mặc áo cộc quần đùi ra ngoài lắc lư chắc chắn sẽ bị người ta cho là kẻ ngốc.
Tôi tìm cho em một bộ quần áo thể thao mà mình không mặc nữa. Lúc trước tôi mua nó với giá khá đắt, nhưng cũng mới mặc có mấy lần, quần màu đen có sọc trắng, em mặc lên nhìn khá ổn.
Mặc xong tôi bảo: "Được rồi, đi thôi."
Em vốn đang đứng trước gương vui vẻ ngắm bản thân, đột nhiên nghe thấy tôi nói vậy, em ngây ngẩn cả người.
Tôi vốn định không thèm để ý đến em, nhưng vừa gặp ánh mắt ấy, đầu quả tim như bị người ta nhéo một cái, vừa chua xót vừa đau đớn.
Lớn bằng này rồi, nhưng tôi chưa tổn thương ai bao giờ, nhưng ánh mắt em khiến tôi cảm thấy, mình làm tổn thương em rồi.
Tôi không cố ý làm tổn thương em, nhưng lúc này tôi chợt nhận ra rằng, có lẽ đối với một vài người, hành động tâm huyết dâng trào làm việc thiện của bạn có thể mang đến tổn thương rất lớn cho họ.
Em ấy cho rằng bản thân đã nắm được nhánh cỏ cứu mạng, ai ngờ đâu cọng cỏ còn muốn vứt bỏ em.
Tôi ra vẻ chính nghĩ nói: "Chỗ này không phải nhà nhóc, tôi không thể để nhóc ở lại được."
Sau đó tôi thấy em khóc.
Cảm giác bị quấn lấy thật sự không tốt đẹp gì, huống chi là một đứa nhỏ lang thang không rõ lai lịch.
Nhưng lúc em ôm tôi òa khóc, khiến tôi thấy mình đuổi em đi như thế rất xấu xa.
Hình như em ấy thích tôi thật thì phải.
Tôi vỗ lưng em an ủi: "Tôi hết cách rồi nhóc ơi, nhóc đâu phải chó con, mèo nhỏ mà tôi nói muốn nuôi là nuôi được."
Nhưng em ôm tôi rất chặt, ghìm chặt đến nỗi tôi không thở nổi.
Em khóc bên tai tôi, khóc rất lớn, dữ dội như trận mưa rào đêm qua.