Võ Lâm Tĩnh Hải

Chương 49: Nghi hoặc




Hai đệ tử Thiên Quân Môn gác ngục sắc mặt không khỏi kinh hãi, một tên vội lấy ra một lọ thuốc nhỏ bằng sứ, mở nắp đổ ra một viên đan dược to cỡ bằng hạt sen bỏ vào mồm Đinh Hoàn.
Thu Thủy đương nhiên cũng không khỏi thắc mắc, nàng giật lấy lọ thuốc xem qua. Chỉ thấy hoa văn trên chiếc lọ sứ nhỏ này khá là đặc biệt, không giống được chế tác trong Tĩnh Hải, liền vội hỏi:
- Hắn rốt cuộc bị làm sao?
Tên đệ tử này không biết phải nói sao đành ấm ớ giải thích:
- Hai người dẫn y đến dặn… khi nào trăng sáng thì cho y uống thuốc này. Ngoài ra không nói gì thêm.
Thu Thủy cầm lọ thuốc nhỏ đưa lên ngửi thử, ánh mắt khẽ nheo lại nói:
- Thuốc này là độc dược, dùng độc công độc sao! 
Nàng nhìn lại sắc mặt của nam nhân kia không biết sao lại sinh ra một cảm giác lo lắng khó hiểu, cũng may lúc này sắc mặt của y cũng đã bớt thâm tím, thần sắc đã có chút điều hòa trở lại, khiến nàng có phần an tâm hơn.
Bình tĩnh nghĩ lại, khi nãy toàn thân nam nhân này toát ra hàn khí lạnh lẽo, tay hắn khi nàng cầm vào cũng lạnh như băng, hẳn là hắn trúng phải kỳ độc không nhẹ. Thu Thủy xưa nay vốn ham đọc sách, các loại sách y thuật cũng đã từng đọc qua nhiều, nhưng loại trúng độc này thì chưa từng thấy qua. Khóe mắt khẽ nheo lại, suy nghĩ rất nhiều.
Ngoài trời trăng đã lên cao, chiếu qua lỗ hổng lớn trên nhà lao, soi rõ lên khuôn mặt góc cạnh của nam nhân đang nằm ở đó. Ánh mắt Thu Thủy không hiểu vì sao cứ lưu lại ở chỗ y, thậm chí nàng chính mình cũng không phát hiện ra điều này. Hạnh Hoa cũng chưa rời đi, nàng đứng đó đã rất lâu chỉ cảm nhận là có điều gì đó không đúng đang xảy ra ở đây, nhưng là chuyện gì thì không giải thích được.
Đinh Hoàn cũng chưa tỉnh lại, mà lần này hắn tỉnh lại có lẽ mình đã ở một nơi xa xôi khác.
Mặt trời lại chiếu sáng dòng Tiêu Tương, cả bến đò mờ ảo trong sương vàng óng ả. Bên bến thuyền, Vân Nga soi mình dưới dòng nước, tâm tư man mát buồn, cũng chẳng rõ là buồn vì đâu. Chẳng biết là vì dòng Tiêu Tương trong vắt gợi nhớ trong lòng, hay vì chân trời xa vắng đã lâu không thấy nụ cười của một người.
Ái Liên đã dìu Dương phu nhân lên đến trên thuyền khẽ nói vọng vào:
- Tỷ tỷ, chúng ta đi thôi.
Vân Nga khẽ cười với bóng nàng một cái, ngẩng lên bước nhanh lên thuyền.
Phu thuyền cắm sào đẩy thuyền ra xa bờ hỏi:
- Các vị muốn đến Nguyễn Xá Trang chăng?
Vân Nga cười tươi tắn, ánh mắt linh động nói:
- Quả thật muốn đến Nguyễn Xá Trang, sao lão bá biết hay vậy?
Phu đò cười đôn hậu, mải miết chèo đò ngang sông vừa nói:
- Mấy hôm nay lão đều chở người tới Nguyễn Xá Trang, các vị đây nhìn qua cũng biết là người quyền quý, qua sông hẳn là muốn đến Nguyễn Gia Loan rồi.
Vân Nga vẫn mỉm cười với lão bá nói:
- Nhiều người chẳng phải sẽ rất đông vui sao?
Thuyền lướt trên mặt sông êm đềm, nửa canh giờ cũng đã đến Nguyễn Gia Loan, Ái Liên vội vã đỡ Dương phu nhân xuống đò, Vân Nga đi phía sau trả cho người phu đò một quan bạc trắng. Phu đò nhận bạc cảm tạ, sau khi nàng bước lên khỏi đò còn không quên dặn:
- Tiểu thư, mấy ngày nữa có bão lớn, nếu có thể về sớm thì nên về!
Vân Nga ánh mắt trong sáng khẽ động, ngó lên nhìn bầu trời buổi sáng sớm đang xanh ngần khẽ cười nói:
- Đa tạ lão bá đã nhắc nhở!
Nàng nói xong tung tăng cầm kiếm đi nhanh về phía hai người kia, Dương phu nhân vẫn đứng đợi trên bến thuyền khẽ mắng một cái:
- Nha đầu, từ khi nào ngươi cẩn trọng như vây!
Vân Nga khẽ đỏ mặt cúi xuống, cơ hồ lại thấy rất xinh đẹp. Ái Liên đương nhiên không băn khoăn gì, mỉm cười rất vô tư, ba người cùng đi về hướng Nguyễn Xá Trang.
Nơi này so với phía bên kia sông thật khác nhau một trời một vực, những thực ấp xung quanh đều được xây dựng bởi những loại gỗ tốt, tường xây bằng gạch đỏ kiên cố, mái lợp ngói hài. Phân cách giữa thực ấp và Nguyễn Xá Trang Tam Bảo là một hệ thống hào đê lớn, xây dựng ngang dọc khá là kỳ công. Thoáng nhìn chỉ nghĩ nơi đây giống như những ao hồ lớn để sản xuất, chăn nuôi, nhưng nhìn kỹ ra mới thấy nó được xây dựng có quy củ nghiêm ngặt. Những chỗ giao kết các hào đê đều có năm đường chia ra theo lối bốn rộng, một hẹp, thủy hào lại ngăn cách ở lối hẹp nhất gọi là ngũ tử nhất sinh. Vân Nga đọc không ít sách về địa chí và kiến trúc, nhưng với loại kiến trúc công phu này đúng là lần đầu thấy qua. Chỉ nhìn qua cũng đủ thấy tầm vóc của gia tộc Nguyễn gia trong Tĩnh Hải lớn như thế nào.
Dương phu nhân cùng Ái Liên ghé vào một cửa hiệu bán nữ trang nhỏ ven đường, tìm mua vài thứ nữ trang được mang qua từ thương nhân phương Bắc, vốn dĩ Nguyễn gia xuất thân là người phương Bắc di cư đến Tĩnh Hải, nên trong nhiều năm nay vẫn giữ giao thương với Bắc Triều. Đồ trang sức ở đây vì thế mà rất tinh tế lại nhiều kiểu dáng bắt mắt.
Vân Nga không có hứng thú với tạp hiệu nữ trang này, một phần trong lòng cũng đang lo lắng không yên nên vẫn đứng bên ngoài.
Đang còn băn khoăn suy nghĩ, thì bỗng từ phía cuối hào đê xuất hiện một đoàn người ngựa, khói bụi kín trời kéo đến. Đoàn người này dễ không dưới năm trăm người, người dẫn đầu uy mãnh hùng dũng, cưỡi một con tuấn mã màu nâu đen, Vân Nga thoáng nhìn cũng nhận ra đó không ai khác chính là Nguyễn Khoan. Đi sau hắn là đoàn người của Lý gia, Lý Khuê cũng ở trong số này. Khi đoàn người ngựa đi qua không hiểu vì sao Vân Nga lại cảm giác có ánh mắt nào đó dõi nhìn nàng.
Chỉ một thoáng đám quân binh đã kéo nhanh qua con phố nhỏ, bụi khói mù mịt chỉ còn nhìn thấy phía xa cuối bến đò Tiêu Tương, Vân Nga vẫn còn một vẻ thất thần không rõ nguyên cớ. Ái Liên lúc này cũng Dương phu nhân từ một cửa tiệm trang sức nhỏ cũng đã đi ra, thấy vẻ thất thần của Vân Nga, liền hỏi:
- Nha đầu ngươi lo lắng chuyện gì vậy?
Vân Nga mắt vẫn nhìn về phía bến đò, vô định nói:
- Tiểu nữ vừa thấy mấy người Lý Gia đi cùng Nguyễn Khoan.
Dương phu nhân khẽ cười:
- Chuyện này có gì lạ đâu. Lý – Nguyễn hai nhà xưa nay vốn có quan hệ gần gũi, chuyện qua lại cũng là dễ hiểu.
Vân Nga định nói thêm gì đó, nhưng thấy nới này đông đúc, lại không biết bắt đầu ra sao nên lại thôi.
Ba người đến phủ Nguyễn Xá Trang, hỏi ra mới biết Nguyễn Siêu rời đi đã ba tuần trăng chưa về. Trong phủ cũng vắng vẻ ít người qua lại, tên nô bộc sau khi đi báo với chủ nhân một hồi lâu mới quay ra. Người ra đón lại không phải là Nguyễn Thủ Tiệp mà là một lão quản gia đã ngoại ngũ tuần. Lão lễ phép chào rồi dẫn ba người về phía khách đường Nhất Bảo. Đi qua rất nhiều tầng cửa lớn nhưng tuyệt nhiên đều không thấy chủ nhân nhà này cử người ra tiếp đón. Vân Nga khẽ nheo mắt hỏi người quản gia:
- Chủ nhân nhà các ngươi đâu sao không ra tiếp đón?
Người quản gia vẻ mặt có chút thất thần, liền trấn tĩnh nói:
- Đại lão gia và nhị lão gia hiện đi ra ngoài chưa về, Phu nhân và hai vị tiểu thư xin nghỉ lại Nhất Bảo. Khi nào lão gia về tiểu nhân lập tức sẽ báo lại.
Vân Nga nhìn thấy y có điều gì không phải liền gặng hỏi:
- Lão phu nhân và đại tiểu thư nhà các ngươi đâu?
Lão quản gia này lại có phần lúng túng nói:
- Lão phu nhân hai hôm trước đổ bệnh, tự giam mình trong phòng không muốn gặp ai. Còn đại tiểu thư…
Dương phu nhân thấy nha đầu này có vẻ lo lắng quá mức, khiến lão quản gia này hết sức bối rối, liền cũng nói chen vào:
- Thôi được rồi, khi nào lão gia các ngươi về hãy nói lại là chúng ta có việc gấp muốn bàn bạc.
- Vâng thưa phu nhân.
Lão quản gia lễ phép nói, sau khi an bài xong nơi ở và nô bộc hầu hạ liền lui ra ngoài ngay.
Đợi lão quản gia đã đi rồi Vân Nga vẫn vẻ bực tức nói với vị Dương phu nhân.
- Nương Nương, tiểu nữ cảm thấy có gì đó không đúng? Nguyễn gia này không phải quá hống hách coi chúng ta không ra gì sao?
Dương Phương Lan lắc đầu cười nói:
- Nha đầu ngươi nghĩ ngợi nhiều quá rồi, đây là Nhất Bảo Nguyễn Xá Trang, chỉ dành để tiếp đón thượng khách. Chủ nhân nhà người ta chưa về ngươi nhất định là phải lục tung cả phủ Nguyễn gia lên sao?
Vân Nga phụng phịu hai má, khẽ cúi đầu không nói thêm, liền phụ cùng Ái Liên đỡ vị phu nhân ngồi xuống ghế lớn trong phòng.
Nàng đưa mắt lại nhìn ra ngoài, nơi này xung quanh đều một bầu vắng vẻ không giống những gì người ta nói về Nguyễn gia, cơ hồ lại nảy sinh trong lòng nàng nhiều mối nghi hoặc trong lòng.
***
Trên đường lớn ven con sông Tiêu Tương, đoàn kỵ binh vẫn rầm rập tiến về phía Phù Liệt, lúc này ở các ngả đường lớn những đạo kỵ binh, giáp binh khác cũng đã tiến ra nhập chung vào đoàn quân của Nguyễn Khoan, quân số lúc này không dưới năm ngàn người. Ngũ kỳ năm màu bay phấp phới, quả là một vĩ cảnh.
Đi ở phía giữa đoàn quân lúc này là ba người của Lý gia: Lý lão gia, Lý Khuê và Vạn Hạnh. Lý Khuê có phần thắc mắc quay sang hỏi phụ thân:
- Phụ thân, lần này người dự đoán sẽ có biến cuộc gì chăng?
Lý lão gia quay sang nhìn Vạn Hạnh cười có chút ẩn ý, lại nhìn lên phía khói bụi tiền quân nói:
- Biến cuộc thế nào với Lý gia chúng ta mà nói đều cũng không bất lợi gì.
Nói xong liền thúc ngựa băng về phía Nguyễn Khoan.
Bầu trời chiều trên sông Tiêu Tương đỏ rực, sắc mây cũng một màu đỏ, sắc đỏ hoàng tráng mà thê lương. Vạn Hạnh kéo cương ngựa nhìn về phía chân trời xa trầm tư, rồi lại quay lại nhìn Lý Khuê khẽ mỉm cười.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.