Vọng Giang Nam

Chương 6: Tâm nghi chưa tín




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Mồng bốn, tháng năm, Vĩnh Gia năm thứ ba, Chu lục sự nhậm chức, chính thức tòng thị Tĩnh tây vương.
Thời điểm trở về Lương Châu, vì có công sự cần xử lý mà Tĩnh tây vương không cưỡi ngựa, Chu Kỳ cũng vì chức vụ mà được hưởng vinh hạnh được ngồi cùng Vương gia, mặc dù bản thân y rất chi là không muốn.


Sau khi sao chép xong công văn của thứ sử các Châu, Chu Kỳ lặng lẽ xoa bóp sống lưng mỏi nhừ, thoáng nhìn qua sa liêm rũ bên ô cửa, bên ngoài vẫn mịt mù cát kim.
“Chu Kỳ, cầm ngọc ấn tới đây.” – Tĩnh tây vương không buồn ngoái đầu, ra lệnh.
Chu Kỳ kề cà nhỏm dậy, lựa chọn từ trong chiếc tráp lớn: “Cái nào?”
Tĩnh tây vương tức giận: “Cái lớn nhất.”
Chu Kỳ một tay nhấc ấn ra, nhưng do đánh giá thấp trọng lượng của ngọc ấn mà nhất thời hẫng tay, thấy ngọc ấn sắp rớt ra bên ngoài, cả người y túa mồ hôi lạnh.
Tĩnh tây vương đột nhiên nhảy lên, nhanh chóng bắt được ngọc ấn giữa không trung, bản thân gã thì ngã sõng soài trong xe ngựa.
Bên ngoài xe chỉ nghe thấy một tiếng “Uỳnh” vọng ra, xa phu tức tốc kéo cương dừng ngựa, sắc mặt trắng bệch, lo lắng chuyến này tiểu mệnh khó giữ. Trương Khuê cũng hung hăng trừng mắt với xa phu, sau thì vội vã thúc ngựa tới gần mã xa: “Vương gia?”
Giọng điệu Tĩnh tây vương như bị ngăn bởi một tầng vải dày: “Không có gì.”
Trương Khuê lo lắng hỏi lại: “Hay để thuộc hạ vào…”
Tĩnh tây vương bực dọc quát: “Cút!”
Mã xa lại chậm rãi thúc ngựa lên đường.
Chu Kỳ quỳ gối trên thảm cầm ngọc ấn, bên kia là Tĩnh tây vương với sắc mặt xám ngắt.
Chu Kỳ giật giật môi, lời đã chấm đầu môi lại nuốt trở vào bụng, cúi đầu, tỉ mỉ xem xét ngọc ấn trong tay, mặt trên ấn có khắc chữ triện đỏ: “Tĩnh vương Phù ấn.”
Ra là Hiên Viên Phù, Chu Kỳ âm thầm niệm một lần trong đầu, cũng khá thuận miệng.
Không biết bị thương ở đâu mà sau tròn một nén nhang Hiên Viên Phù mới chậm chạp ngồi xuống, Chu Kỳ để ý thấy tay trái gã bám vào thành xe, tay phải thì buông thõng bên người.
“Vương gia,” – Chu Kỳ dè dặt hỏi: “Tay ngài?”
Hiên Viên Phù tức giận lườm y: “Chắc gãy rồi.”
Chu Kỳ cả kinh: “Vậy phải làm sao?”
Hiên Viên Phù dùng tay trái vén mành xe, nhìn lướt ra bên ngoài: “Hơn mười dặm nữa là tới Tần Châu[1], đến đó tính sau.” – đoạn gã cắn răng dùng tay trái nâng tay phải, miễn cưỡng thả lên mặt sàn.
Chu Kỳ trầm mặc, cho tới khi Hiên Viên Phù ngồi trở lại chỗ cũ như chưa từng có gì xảy ra, y mới se sẽ: “Xin lỗi.”
*
Khi sắc trời nhuốm sắc tím sậm, đoàn người cũng tới hành quán Tần Châu.
Hiên Viên Phù xuống xe, dáng điệu vẫn thoăn thoắt như cũ, uy nghiêm vô thượng. Chu Kỳ cúi đầu theo sau gã, thái độ kính cẩn khác xa dĩ vãng.
Dầu rằng Tần Châu không phải đất phong của Tĩnh tây vương, nhưng bởi Lũng Tây toàn dân giai binh, trù trừ đi quân phòng thủ tại một số ít địa phương thì hầu như tất cả đều đặt dưới sự chỉ huy của Tĩnh tây vương, tại Lũng Tây, địa vị của Tĩnh tây vương có thể coi là cao nhất, hành quán trong các Châu cũng đều có quy chế tương đồng với Vương phủ.
Trước khi vào phòng trong, gã ném lại một câu: “Xuống nghỉ ngơi cả đi,” – ước chừng như do dự một chốc một lát mới nói thêm: “Chu Kỳ lưu lại.”
Bao ánh mắt quái dị đổ về làm Chu Kỳ thoáng khó chịu, máy móc theo gã vào trong.
Vừa vào phòng, tấm lưng cương trực của Hiên Viên Phù đột nhiên sụp xuống, Chu Kỳ tiến lên mấy bước muốn đỡ lại bị gã hất ra, đứng gần mới phát hiện, trán gã đã nổi cộm từng hàng mồ hôi hột.
Đại để cũng vì xuất phát từ chột dạ mà Chu Kỳ nhẹ giọng hỏi han: “Có cần hạ quan tìm một lang trung cho Vương gia không?”
Hiên Viên Phù nhịn đau nói: “Đừng kinh động người khác, ngươi đi kiếm một tấm ván gỗ với ít vải bố lại đây, ta chỉ ngươi làm.”
Tuy rằng mang cả bụng nghi hoặc, song Chu Kỳ vẫn án theo lời gã, nhất nhất làm theo.
Vừa vén ống tay áo thùng thình của Hiên Viên Phù lên, Chu Kỳ không khỏi sững người, cổ tay gã sưng đỏ cả mảng, còn lẫn cả tấy tím xanh. Vô thức ấn nhẹ, Hiên Viên Phù lập tức hít mạnh, cả giận quát: “Còn ngây ra đó làm gì! Ngu rồi à?”
May mắn rằng Chu Kỳ tuy là thư sinh văn nhược nhưng tứ chi cũng không tới mức chưa từng dính qua nhân gian khói lửa, lóng ngóng một lúc cũng cố định được cổ tay bị trật khớp của Hiên Viên Phù, vậy nhưng cũng vì y thuật vụng về mà người bị thương sớm đã nhễ nhại mồ hôi lạnh.
Chu Kỳ nhìn nút vải được thắt gọn gàng, có chút tự đắc nhìn sang Hiên Viên Phù.
Người kia lại chỉ lạnh lùng nhả ra hai chữ: “Vô dụng.”
*
Vần qua vần lại cũng tới nửa đêm, ngồi trong phòng, Chu Kỳ tự châm một chén trà cho mình, bắt đầu trầm tư.
Biểu hiện hôm nay của Hiên Viên Phù khiến y không khỏi lấy làm kỳ lạ, Chu Kỳ chắc chắn, nếu y không có mặt đúng lúc gã bị thương, nhất định gã cũng sẽ giấu diếm y. Chẳng qua gã là chủ tướng, thương tích là chuyện thường xuyên khó tránh, lý ra nên dẫn theo y quan chăm sóc, đằng này, gã lại cứ cố chấp gánh vác một mình. Ngay cả hôm đầu tiên y tới Lũng Tây cũng bắt gặp phó tướng đang băng bó cho gã, hành sự lén lút thế vậy thật trái lẽ thường.
Hay gã sính cường sĩ diện? – ngay cả Chu Kỳ cũng thấy phỏng đoản của mình thật nực cười, Hiên Viên Phù kiêu hùng một đời chứ có phải hài đồng ba tuổi tùy hứng đâu.
Đứng dậy đi lại, bỗng nhiên Chu Kỳ dừng lại, mỉm cười.
Đặt y vào hoàn cảnh của gã, nếu y nhiễm bệnh tại Lũng Tây, có lẽ cũng không muốn thái y trong Vương phủ tới khám bệnh cho đi? Hiên Viên Phù kiêng dè người ngoài, nguyên nhân e là cũng giống y cả. Có lẽ, ngay cả trong Tĩnh vương phủ, trong số người đi theo gã, có một, hoặc thậm chí là một số người không hề được gã tín nhiệm, gã phòng bị họ còn hơn cả phòng bị một người ngoài như y.
Có lẽ, Tĩnh tây vương Hiên Viên Phù cũng không độc bá Lũng Tây, một tay che trời như y tưởng tượng? – cuộc phát kiến này làm tâm trạng vốn ủ dột của Chu Kỳ bỗng chốc phấn chấn lên hẳn.
Y mỉm cười với thủ vệ, tận lực ngáp một cái thật to, đóng chặt cửa nẻo, lên giường, hạ màn.
Nín thinh nghiêng tai nghe ngóng, sau khi đã xác định ngoài cửa không có âm thanh dị thường nào, y mới móc ra một viên minh châu cỡ nắm tay, ánh quang đủ để chiếu sáng.
Mài mực đề bút, dùng cỡ chữ nhỏ nhất viết nhanh lên trang giấy, sau đó cẩn thận cuốn nó thành một cuộn nhỏ, nạy phần đế của chiếc Tiêu vĩ cầm[2] mang theo đến Bắc cương, thả cuộn giấy vào bên trong, bấy giờ, cả người Chu Kỳ đã mướt lớp mồ hôi mỏng, tâm như trống dồn.
Dàn xếp ổn thỏa, hài lòng nhìn Tiêu vĩ cầm đã trở về dáng vẻ cổ xưa y nguyên như lúc ban đầu, Chu Kỳ mới trầm ngủ.
Trong mộng, là pháo hoa tháng ba rực rỡ Giang Nam.
____________
1. Tần Châu: Tên gọi khác của tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc.
2. Tiêu vĩ cầm: Một trong tứ đại danh cầm cổ của Trung Hoa. Tiêu vĩ cầm còn được xưng là “Thiêu tào tỳ bà”, hay sau này được biết với những tên như “Tiêu vĩ cầm, tiêu vĩ, tiêu đồng hay tiêu cầm.”

Chuyện rằng, Linh đế không nhìn nhận nhân tài khiến Thái Ung[*] nghèo túng tha hương, ở ẩn tại Lật Dương, Tô Châu một thời gian. Tại đây, một hôm Thái Ung đang ngồi trong phòng đàn thở dài, nữ chủ cho thuê nhà nhóm lửa nấu cơm bên vách, nàng đem củi gỗ nhét vào trong bếp, lửa cháy, thanh gỗ phát ra những tiếng “lét két” vang. Thái Ung ngồi cách vách nghe thấy một âm thanh thanh thúy reo lên thì lòng cả kinh, ngẩng đầu dỏng tai nghe trong giây lát, sau tiếp ông hô to một tiếng rồi chạy xộc về gian bếp. Tới trước lò lửa, Thái Ung bất chấp thế lửa cuồng dã mà thò tay vào lôi miếng gỗ ngô đồng đang cháy kia ra. Khi lôi ra, hai tay ông đều bị bỏng, vậy mà Thái Ung lại chả thiết đau đớn, ông kinh hỉ mà vuốt ve tấm gỗ. Cũng may, cứu ra kịp lúc, thân gỗ ngô đồng vẫn còn đầy đặn, Thái Ung mua nó từ nữ chủ. Sau đó ông bào lớp vỏ cây, ấn cung thương, điều âm luật, tinh điêu tế khắc, cẩn thận tỉ mỉ, cuối cùng, sau bao tâm huyết cũng biến khối gỗ ngô đồng cháy dở thành một thanh cầm. Cầm tấu lên, âm sắc như tuyệt âm thiên địa, động tâm trí cực. Sau đó cầm lưu truyền đến ngày nay, là trân bảo hiếm có của thế gian, bởi phần đuôi bị cháy mà được đặt tên là “Tiêu vĩ cầm” – tức cầm có phần đuôi bị cháy.
[*] Thái Ung(132-192) tự là Bá Giai, người Trần Lưu (nay thuộc tỉnh Hà Nam) đời Đông Hán. Đời Hán Hiến Đế, ông làm Tả trung lang tướng nên còn thường được gọi là Thái Lang Trung. Ông là người bác học đa tài, giỏi từ phú, tản văn, thư pháp, tinh thông âm nhạc, thuật số, thiên văn,… Cũng là người đã tạo nên hai loại nhạc khí lưu truyền hậu thế là “Kha đình địch” và “Tiêu vĩ cầm”


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.