Vọng Giang Nam

Chương 13: Nhiều năm ngóng khách xa




Và thế là Chu Kỳ yên tâm ở lại Lương Châu.
Hiên Viên Phù vẫn ngày ngày tới thăm y như cũ, thậm chí, hôm nào rảnh rỗi còn ở lỳ từ bữa sáng cho tới bữa tối muộn. Cũng sau cuộc nói chuyện lần trước đó, dường như xu hướng nịnh nọt của gã càng ngày càng trầm trọng thêm, y đi đâu gã cũng lẽo đẽo theo thật sát, chẳng mảy may tránh né ánh mắt người ngoài.


Khi Giang Nam vào tiết tháng tám, hoa sen đều đã héo tàn, thì rốt cuộc Chu Kỳ cũng đợi được tin chiến thắng từ Lạc Kinh.
Quân Triều đình với hai mươi lăm vạn binh lực vây kín U Châu, sau hơn mười ngày thành trì bị công phá, Yến Vương bị xử tử.
Như vậy, cuộc phản loạn do hai vị Vương gia khởi xướng cùng mấy tên quyền thần bám gót, liên can tới hai Đạo mười Châu, cuối cùng cũng ngã ngũ.
*
Mùa nóng qua đi, Lương Châu không còn oi bức như trước. Triền núi sau lưng Vương Phủ có một mái đình, hình thù khác xa với cấu trúc thường thấy ở Trung Nguyên, từ cột trụ cho tới từng viên gạch đều dùng những khối đá to bản xây thành. Chính vì thế mà ngay khi thời tiết vừa trở nên dịu mát, Chu Kỳ thường sai Tố Huyền chuẩn bị rượu thịt trà thơm, dạo chân tới mái đình nghỉ ngơi hóng mát.
Mấy ngày này, đại loạn vừa được bình định, vô công rỗi nghề, Hiên Viên Phù cũng sớm ngày có mặt trong đình chuyện phiếm với y.
*
Chu Kỳ dựa lưng vào đình ẩm trà, dường như có chút xao động.
Gió núi ào ào, cuốn theo hai hàng tóc mai bay tán loạn, Hiên Viên Phù đưa tay muốn vuốt lại cho y, lại bị y tránh né.
Bất đắc dĩ thu tay về, gã nhìn y, hỏi: “Có tâm sự?”
Y lắc đầu, “Thiên hạ thái bình, không thể tốt hơn.”
Gã cười nói: “Mấy ngày trước Bệ Hạ đã khải hoàn, quân đội cũng về tới Lạc Kinh. Lệnh huynh nhất định cũng đã trở về quý phủ, lần này hắn lập được công lớn, tộc muội của ngươi cũng được thơm lây, thăng lên Quý phi, là chuyện đáng mừng.”
Lời khen còn chưa được đáp lại, hàng mày y đã nhíu chặt, chừng như hãy còn muộn phiền.
“Làm sao vậy?” – gã ướm hỏi.
Chu Kỳ nghĩ nghĩ, hỏi ngược lại gã, “Hôm qua ta nghe Vương gia có nhắc qua, có phải Lại bộ Thượng thư Tần đại nhân lao lực quá độ thành bệnh, tráng niên mất sớm không?”
“Đúng thế.”
Chu Kỳ tiếp tục truy hỏi: “Chuyện xảy ra khi nào?”
Hiên Viên Phù hồi tưởng, bảo: “Tin tức từ Lạc Kinh tới được Lương Châu, dùng bồ câu hay cấp báo tám trăm dặm[1] thì nhanh nhất cũng phải ba bốn ngày. Tin tức này ta nghe được từ hôm kia, vậy hẳn là chuyện tình từ nửa tháng trước.”
Chu Kỳ gật đầu, “Vậy thì đúng rồi, ngươi không thấy đầu đuôi câu chuyện này kỳ lạ sao?”
Được y nhắc nhở, Hiên Viên Phù cũng bắt đầu ngẫm nghĩ, “Phượng Nghi suy nghĩ thật cặn kẽ. Bệ Hạ khải hoàn chưa tới mười ngày, Tần Ương liền bệnh chết, quả là đúng lúc.”
Chu Kỳ lại hỏi: “Vương gia có biết thụy hiệu[2] của hắn là gì không?”
Gã gật đầu bảo: “Hình như là Tương Túc.”
Chu Kỳ đặt chén trà xuống, đi đi lại lại trong đình, hai hàng mày càng thêm xoắn xít, như thể đang nghĩ tới một chuyện gì đó thật khủng khiếp. Hiên Viên Phù nhìn y đi thôi đã thấy sốt ruột, cuối cùng cũng không nhịn được hỏi: “Tuy không phải Văn Chính, Văn Trung[3], nhưng dẫu sao đó cũng là tên hay, có gì kỳ lạ đâu.”
Chu Kỳ cười khẩy, “Vương gia sống lâu nơi biên thùy, e không hiểu những thứ nhiễu nhiễu nhương nhương trong Triều. Đối với quan văn, nếu xuất thân từ Tiến sĩ Hàn Lâm, tất nhiên là mở đầu bằng chữ ‘Văn’, cao nhất đương nhiên là Văn Chính, Văn Trung, không thì cũng phải là Văn Đoan, Văn Cung[4]. Nếu không có công danh mới dùng tới Túc, Mẫn, Đạt[5].”
Hiên Viên Phù chau mày, “Hình như Tần Ương là Trạng Nguyên đỗ đạt.”
“Vả lại… chữ ‘Tương’ thường được dùng cho thần tử tử trận, hắn lại không tòng quân, Vương gia không thấy lạ sao?”
Gã nhíu mày nhìn y, “Hắn và lệnh huynh ngươi có qua lại thân thiết, nếu thấy tò mò, ngươi viết một phong thư hỏi Chu đại nhân là biết.”
Mấy người Hồ tổng quản, Trương Khuê và Tố Huyền đang đứng gần đó hầu hạ, Chu Kỳ khoát khoát tay ý bảo họ lùi ra sau hơn mười trượng.
“Vương gia có nghĩ tới một khả năng, trước kia Tần đại nhân có liên quan với Đột Quyết hay không?”
Hiên Viên Phù sửng sốt, trầm ngâm trong giây lát mới hỏi lại: “Bản Vương chưa từng gặp mặt hắn, khó kết luận được. Nhưng sao ngươi lại nghĩ thế?”
Y cười khổ, “Hắn và huynh trưởng ta đều là cựu thần trong đông cung, tình như thủ túc, Thái Tử cũng nể trọng mấy phần. Kỳ thật, ta cũng không muốn đoán mò như thế, song từng ấy dấu hiệu đã khiến ta nghi ngờ có gì đó rất mờ ám, giờ hắn lại chết đúng lúc…” – y dừng lại một lúc rồi nói tiếp: “Hơn nữa, trước kia ta cũng từng nghe Tào Vô Ý kể rằng từng gặp vợ con của Tần Ương trong Lạc Kinh, vợ tuy là người Hán, nhưng con thì lại không giống những đứa trẻ bình thường.”
Hiên Viên Phù cũng chen vào bảo: “Nghe nói trẻ con người Hồ rất khác với Hán nhân, khuôn mặt góc cạnh, nước da lại trắng bóc, phải tới khi lớn lên mới giống người Hán.”
Chu Kỳ gật đầu, “Hình như khi ấy Tào Vô Ý còn khen rằng, ‘Lệnh công tử thật là cốt ngọc cơ băng, mai sau nhất định vượt cả Đàn Lang[6].’ Tần đại nhân nghe xong dường như không mấy vui vẻ.” – nói tới đây thì y thở dài đánh thượt, “Ai~, phỏng đoán này đáng tin tới bảy phần, nếu hỏi thẳng nhị ca ta, chẳng phải càng chọc ngoáy vào vết thương lòng của huynh ấy sao.”
6. Đàn Lang: Đẹp giai =)) ở đây ý chỉ Phan An, Tống Ngọc.
Hiên Viên Phù bèn an ủi, “Chuyện nào cũng có ngoại lệ, có thể chúng ta đoán sai cũng chưa biết chừng. Nhị ca ngươi bám trụ được tới địa vị kia thì cũng tu luyện được ‘Kim cương bất hoại’ từ lâu rồi, dẫu sau cũng chỉ là một cố hữu, chưa tới mức thương tâm tới chết đâu mà lo.”
Chu Kỳ bật cười, dẫn dắt đề tài sang hướng khác, “Mà, đình này của Vương gia, tên là gì?”
Hiên Viên Phù cười xòa, “Bản Vương có phải văn nhân nhã sĩ gì đâu, ngươi đang muốn giễu cợt Bản Vương đấy hả?”
Ngồi xuống rót thêm trà cho cả hai người, y bình thản nói: “Khi còn ẩn cư ở Mông sơn, có hồ nước dài trăm trượng, giữa hồ nổi lên một hòn đảo xanh biếc, trên đó có một mái đình trúc, nhỏ nhắn mà rất đặc biệt.”
“A, thế tên nó là gì?”
“Khứ Ba, ý nói kiếp phù sinh cũng như nước đổ về đông hải, chẳng bằng dong thuyền theo sóng cuốn đi.”
Giọng điệu y nhẹ bẫng như không, vậy mà thâm tâm gã lại xót xa mười phần, lặng thinh một chốc một lát, gã mới đáp thật nhẹ, “Đình này, tên là Sâm Thương[7].”
7. Sâm Thương: sao Sâm, sao Thương, tên gọi trong dân gian là sao Hôm, sao Mai, là hai vì sao chẳng bao giờ trông thấy nhau, một đằng Đông buổi tối, một phía Tây rạng đông.
Chu Kỳ ngẩn người, bất giác ngâm lên: “Ở đời không gặp gỡ, như cách vời Sâm Thương[8]…”
“Đình này được dựng lên vào mấy năm trước, từ đây nhìn ra là thẳng hướng đông nam. Bản Vương từng nghĩ, nếu ngươi không trở về Giang Nam, thì hẳn cũng quay lại Lạc Kinh, cả hai đều nằm phía đông nam Lương Châu, thi thoảng lên đây trông về phương xa, là có thể du thần gặp được người mong nhớ. Lại chưa từng nghĩ rằng, ngươi chôn chân ở Kiếm Nam đạo, đó là phía nam Lương Châu. Vậy, đình này, rốt cuộc cũng xây nhầm rồi.”
Chẳng biết phải đáp trả thế nào, y chỉ đành buột tiếng cười ha ha, “Cửu châu có phân nửa là nằm về phía đông nam Lương Châu, Vương gia tấm lòng quảng đại, tâm vì thiên hạ lòng lo vạn dân, thật khiến người đời phải kính trọng.”
Gã đi tới đứng bên cạnh y, dịu dàng hỏi: “Giờ ngẫm lại, phía sau thủ thơ kia còn gì mà ‘Mai núi sông cách trở, cùng man mác việc đời[9]‘, hình như cũng xui thật, hay là đổi tên đi, Phượng Nghi nghĩ thế nào?”
Chu Kỳ bỗng gượng gạo mất tự nhiên, sợ gã lại phun ra câu nào buồn nôn tiếp nữa, liền bảo: “Đây là phủ đệ của Vương gia, đình là đình của Vương gia, Vương gia quyết định tất cả đi.”
Hiên Viên Phù đứng đón gió một lúc, một lòng hào hùng từ lâu đã hóa thành xuân thủy tháng ba, “Lần đặt chân tới Hàm Dương vừa qua, Bản Vương đóng quân ở sườn núi Lạc Phượng, thấy cái tên này thật xui xẻo, thế là ban thưởng cho nó cái tên Đắc Phượng. Rồi chỉ sau nửa canh giờ, Bản Vương chờ được ngươi.”
“Ta thấy đình này, đặt là đình Lưu Phượng đi, được chứ?”
________
1. Cấp báo tám trăm dặm: Thời cổ đại muốn truyền tin phải dựa vào dịch trạm, thông thường thì cứ cách khoảng 20 dặm là có một dịch trạm. Khi công văn được ghi chú là “Phi mã truyền thư”, nhất định phải truyền với tốc độ 300 dặm mỗi ngày. Nếu gặp phải tình huống khẩn cấp, tốc độ vận chuyển có thể đạt tới 400 dặm, 600 dặm và cao nhất là 800 dặm. Khi truyền văn kiện khẩn cấp, mỗi dịch trạm đều dùng khoái mã, tuy rằng không phải thiên lý mã nhưng mỗi con ngựa đều liều mạng chạy cũng có thể đạt được tốc độ rất cao.
Và như thế “Cấp báo 800 dặm” chuyên là chỉ những tin tức rất khẩn cấp.

3, 4, 5: Đều là tên thụy.
[Minh hội điển] ghi lại:
– Lấy chữ “Văn” là chữ mở đầu của tên thụy, cao nhất là “Văn Chính”, sau đó là “Văn Trung”, sau đó là tới các chữ Thành, Đoan, Định, Giản, Ý, Túc, Nghị, Hiến, Trang, Kính, Dụ, Lễ, Nghĩa, Tĩnh, Mục, Chiêu, Khác, Cung, Tương, Thanh, Tu, Khang, Khiết, Mẫn, Đạt, Thông, Giới, An, Liệt, Hòa.
– Lấy chữ “Võ” ghép với một chữ khác tạo thành tên thụy, với thứ tự là: Ninh, Nghị, Mẫn, Huệ, Tương, Thuận, Túc, Tịnh.
– Lấy chữ “Trung” ghép với một chữ khác tạo thành tên thụy, với thứ tự là: Văn, Võ, Định, Liệt, Giản, Túc, Nghị, Kính.
8, 9. Hai câu thơ đầu và hai câu thơ cuối của bài thơ “Tặng Vệ Bát xử sĩ” của Đỗ Phủ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.