Vương Tử Ngược Bắc Em Xuôi Nam

Chương 7: Cách Biệt




Tối đó, Khung Dực chơi với Tiểu Huyền một lát rồi quay về cung điện của mình, sửa soạn lên đường. Khi đi ngang qua khoảnh sân nơi tiền viện, hắn thấy gian của Ngọc Huyên vẫn còn sáng đèn. Khung Dực đứng lại, nhìn ánh đèn mờ mờ tỏ tỏ kia, trên cửa hắt lên một chiếc bóng nhỏ, lẻ loi, cô độc.
Hắn chợt dừng chân, ngập ngừng một hồi, sau cùng quyết định đi vào gian cách vách, mở tủ lục lọi.
Ninh Ninh vốn là cung nữ chủ quản nơi này, sau khi cho Khung Huyền ngủ xong, nàng đi một vòng kiểm tra, định tắt lửa cài then, bất chợt nhìn thấy Nhị vương tử còn đang lúi húi làm gì đấy trong gian viện ngài vẫn hay nghỉ lại.
"Nhị vương tử tìm gì vậy ạ, có cần nô tì giúp không?"
Khung Dực quay ra, phất tay: "Không cần, tìm thấy rồi." Nói đoạn, hắn đưa cho nàng một hũ thuốc cao trị thương.
"Đây là thuốc thượng hạng, vết thương ngoài da hay sưng tấy đều có thể dùng, bôi vào sau một đêm là đỡ. Ngươi đem cho..."
Ninh Ninh vội gật đầu: "Nô tì biết rồi, chắc chắn sẽ cho Tam vương tử dùng ạ. Lúc nãy ngài ấy ngã hơi đau một chút."
Khung Dực khựng lại, cau mày: "Không phải!"
Ninh Ninh chưng hửng: "Vậy... ngài định cho ai dùng ạ?"
Không hiểu sao lúc này Khung Dực lại không thốt ra nổi lời muốn nói. Hắn lúng túng một hồi lại đâm ra mất kiên nhẫn, nhét hộp thuốc vào tay Ninh Ninh rồi xoay lưng bỏ đi: "Ai ngã thì cứ lấy cho người đó dùng. Phiền phức!"
Ninh Ninh ngẩn ra nhìn theo bóng lưng Nhị vương tử, lòng thầm nghĩ, ngài nói đùa đúng không? Thuốc quý thế này, nếu không phải là các ngài dùng thì còn ai vào đây kia chứ! Bọn nô tì chúng thần mà lấy dùng, vết thương chưa kịp lành thì đầu đã rơi khỏi cổ rồi còn đâu.
Khi tiếng bước chân của Khung Dực xa dần rồi im hẳn, gian phòng cách vách lặng lẽ thổi tắt đèn. Bóng đêm bao phủ. Cả thành Trích Nguyệt chìm vào giấc ngủ say, chỉ còn ánh trăng bàng bạc rót xuống Vương Đô, khiến vạn vật khoác lên mình một tấm áo choàng lấp lánh.
Đêm đó, Ngọc Huyên trằn trọc đến hơn nửa đêm mới thiếp đi. Vừa mới thiu thiu ngủ, trước cửa phòng em bỗng vang lên tiếng cào cửa nhè nhẹ. Ban đầu em không nghe rõ, mãi cho đến lúc tiếng cào cửa đã biến thành tiếng mè nheo rõ mồn một của Tiểu Huyền, Ngọc Huyên mới bừng tỉnh, vội vàng chạy ra mở cửa.
Tiểu Huyền mặt ngái ngủ, tóc bù xù, mắt mở không lên nhưng vẫn kéo gối, đi thẳng đến giường Ngọc Huyên, ục ịch leo lên rồi lại nằm phịch xuống, đưa hai tay về phía Ngọc Huyên vòi vĩnh. Ngọc Huyên dở khóc dở cười, đành về giường nằm xuống dỗ dỗ bé ngủ.
Lúc này Ninh Ninh mới chạy vào, rối rít tạ tội: "Xin Hoàng tử tha tội! Nô tì vừa về phòng một lát, khi quay lại thì Tam vương tử đã chạy sang đây rồi. Để nô tì ẵm ngài ấy về."
Ngọc Huyên lắc đầu, nhỏ giọng bảo: "Không sao, em ấy vừa ngủ thôi, đợi bé ngủ sâu đã."
Bấy giờ, Ngọc Huyên mới có dịp nhìn rõ gương mặt của Khung Huyền. Đúng là một đứa bé mũm mĩm dễ thương, tuy nhiên khi nhìn kỹ, mặt bé lại phảng phất nét ngờ nghệch khác thường.
"Chị Ninh Ninh, bé Huyền năm nay bao nhiêu tuổi?"
Ninh Ninh thở dài: "Bẩm Hoàng tử, năm nay Tam vương tử mười tuổi."
"Cái gì?" Ngọc Huyên giật mình. Xét về dáng vẻ bên ngoài lẫn hành vi, bé Huyền chẳng khác nào một đứa trẻ bốn, năm tuổi cả.
Đưa tay nhẹ nhàng vuốt gọn mái tóc xoăn xoăn của Tiểu Huyền, Ngọc Huyên hỏi khẽ: "Bé bị làm sao vậy?"
Ninh Ninh tỏ vẻ khó xử, bặm môi cúi đầu không dám trả lời. Ngọc Huyên đợi không thấy Ninh Ninh đáp, bèn ngẩng lên nhìn thẳng vào Ninh Ninh: "Không sao cả, chị nói đi. Hoàng đế đã ra lệnh cho em ở chung với Tiểu Huyền tại đây, em cũng cần phải biết."
Giọng nói của Ngọc Huyên lúc này tuy vẫn nhỏ nhẹ nhưng lại toát ra vẻ cứng cỏi, tỏ rõ vị thế của bậc chủ tử.
Ninh Ninh thoáng giật mình, vội vàng quỳ xuống thưa: "Bẩm Hoàng tử, Tam vương tử khó sinh, lúc sinh ra mất nhiều thời gian hơn, lại không khóc. Ban đầu thái y và bà mụ còn tưởng không sống nổi. Không ngờ lát sau cứu được, tuy nhiên mấy năm sau mới phát hiện người chậm phát triển cả thân thể lẫn trí óc. Chính vì việc này mà mẫu phi của người đau lòng tột độ, chẳng bao lâu sau cũng sinh bệnh mà mất. Hoàng đế vô cùng buồn bã. Thái y bảo, não của người bị thương tổn lúc sinh, cả đời sẽ chỉ phát triển tới đây, trí óc như trẻ con, thân thể cũng sẽ thấp bé như vậy. Còn có thể... còn có thể.... đoản mệnh. "
Ngọc Huyên thở dài, tay vuốt nhẹ lưng của Tiểu Huyền. Tiểu Huyền hơi trở mình, Ngọc Huyên sợ bé thức giấc, vội vã ôm vào lòng.
Thì ra đây chính là nguyên nhân Tam vương tử của Đại Thương ít khi xuất đầu lộ diện. Thái độ có phần xa cách của Hoàng đế khi nhìn thấy Tiểu Huyền, có lẽ cũng là vì lý do này.
"Tuy là như vậy, hai vị Vương tử lại rất yêu thương Tam vương tử, nhất là Nhị vương tử Khung Dực. Ngài ấy hay đi Khúc Băng lo việc quân binh, lần nào về Trích Nguyệt cũng đều dành phần lớn thời gian chơi với Tam vương tử. Gian kế bên cũng là của ngài ấy ạ."
"Em biết rồi, tối nay để em ngủ với bé Huyền cho. Chị lui xuống đi, cần gì em sẽ gọi."
"Nô tì tuân lệnh."
Tờ mờ sáng hôm sau, cổng thành Trích Nguyệt chậm rãi mở ra. Khung Dực cùng nhóm thân binh đã nai nịt gọn gàng, chuẩn bị tiến xa hơn về phía bắc, đến vùng Khúc Băng nơi có ngọn núi thiêng Tuyết Nhạn tọa trấn. Từ Vương Đô đến Khúc Băng chỉ tầm hơn ba ngày cưỡi ngựa, nếu cưỡi khoái mã hay chiến mã thượng đẳng như Tiểu Hổ của Khung Dực thì chỉ hơn hai ngày là đến. Khung Dực cũng đi đi về về giữa hai nơi suốt nên việc này đã biến thành lẽ thường. Dần dần hoàng gia cũng miễn luôn phần lễ tiết như đưa tiễn khi đi, chào đón khi về.
Đoàn người ngựa rầm rập phóng qua cửa thành, tiến ra vùng ngoại ô Vương Đô. Đi qua hết những nông trại, những cánh đồng lúa mì uốn lượn này sẽ đến một vùng đồi núi thấp, không gì chắn tầm mắt, có thể thấy rõ ngọn Tuyết Nhạn sừng sững từ xa. Khi chỉ còn cách ngoại ô không xa, khoảnh khắc cuối cùng trước khi Trích Nguyệt khuất bóng, Khung Dực chợt quay đầu lại, phóng ánh mắt về phía tường thành.
Trên nền trời mờ nhạt tản ra chút ánh rạng của bình minh, một thân ảnh nhỏ xíu vận lam y đứng đó, thấp thoáng giữa những cột đá cao. Khung Dực vẫn cho ngựa phi nhưng cứ ngoái đầu nhìn lại. Không biết có phải tự mình tưởng tượng hay không, qua nhịp vó ngựa trập trùng, hắn cơ hồ thấy dáng hình nhỏ bé kia chạy theo hết chiều dài của tường thành, mãi cho đến khi đoàn người ngựa mất hút.
Khung Dực chợt thấy ngực trái nhói lên một cái, cứ như có một chiếc dằm nhỏ đâm vào con tim hắn, làm rỉ ra một giọt mật ngọt ngào.
Khi Khung Dực đi được hơn mười ngày thì phong thư đầu tiên của Vũ Miên cũng đến. Dù là gửi cho Ngọc Huyên, người nhận và mở ra đọc đầu tiên vẫn là Khung Tuấn. Sau lần trước bị phụ hoàng nhắc nhở, chuông cảnh giác của hắn cực kỳ nhạy với những gì liên quan đến vị Đại công chúa Kinh Lạc này.
Sau khi xem tới xem lui lá thư, thấy rõ cũng chỉ là thư hỏi thăm và căn dặn bình thường, Khung Tuấn bèn gấp lại, sai người mang cho Ngọc Huyên. Bất chợt, thuộc hạ hắn dâng lên một phong thư nữa: "Đại vương tử, còn đây là của ngài."
Khung Tuấn cau mày: "Cái gì?"
"Bẩm Đại vương tử, ngoài thư gửi Hoàng tử Ngọc Huyên, Đại công chúa Kinh Lạc còn gửi cho ngài một phong thư. Cả hai phong thư đều được giao tận tay cho quân đồn trú của chúng ta tại biên giới Mạc Bắc."
Khung Tuấn từ từ siết nắm tay. Đây rõ ràng là kiếm chuyện làm khó hắn mà. Đường đường là Đại vương tử của Kinh Lạc mà lại thư từ trao đổi với Công chúa địch quốc, phụ hoàng hoặc bá quan văn võ mà biết được thì hắn có nhảy xuống hồ nước trong nhất của Vương Đô mà gột rửa cũng không hết tội. Thế nhưng nếu không đọc, lỡ như đó là chuyện gì quan trọng hoặc có liên quan đến việc Ngọc Huyên ở đây trong sáu năm tới, hắn cũng gánh không nổi.
"Lui ra!" Khung Tuấn sầm mặt. Thuộc hạ biết điều lập tức lui xuống, trước khi ra ngoài còn cẩn thận khép cửa.
Ngần ngừ một hồi, hắn vẫn đưa tay mở thư ra. Đập vào mắt là những dòng chữ nhỏ nhắn nhưng sắc nét.
Đại vương tử,
Phiền ngài chú ý sức khỏe của Ngọc Huyên. Phương bắc lạnh giá, xin may áo ấm cho em ấy. Ngoài ra, Ngọc Huyên đang lớn, quần áo của Kinh Lạc đem theo không nhiều, em ấy mặc không lâu sẽ chật. Thỉnh thoảng ta sẽ gửi tơ lụa phương nam cho ngài, cậy nhờ ngài may quần áo mới cho Ngọc Huyên.
Vũ Miên cảm tạ.
Khung Tuấn lật qua lật lại lá thư kia một hồi, sắc mặt vẫn khó tin như cũ. Chuyện quái quỷ gì vậy? Hắn ta trở thành tên sai vặt cho chị em nhà họ Chu kia tự bao giờ?
Tháng sau, Vũ Miên gửi tơ lụa đến thật. Không những tơ lụa, nàng còn gửi kèm hoa quả, bánh trái phương nam, có cả loại dầu gội gọi là bồ kết gì đấy cho Ngọc Huyên. Khung Tuấn ban đầu không nhận, cho người đem trả về. Tháng sau, kèm theo phong thư vẫn là hàng hóa, bánh trái, tơ lụa như cũ. Gửi đi gửi về, quân thám báo của đồn trú Mạc Bắc đến khổ, dập đầu cầu xin thuộc hạ của Khung Tuấn nói giúp một câu, nhờ Đại vương tử nhận hàng để bọn hắn không phải chật vật mang đi vác về nữa.
Thuộc hạ của Khung Tuấn còn chưa dám mở lời thế nào thì một hôm, Hoàng đế tìm đến gặp Khung Tuấn. Lúc trò chuyện, ngài vô tình nhìn thấy đống sản vật phương nam kia, bèn tiến lại mở rương xem xét. Khi đó, Khung Tuấn gần như toát mồ hôi lạnh.
"Đây là cái gì?"
"Bẩm phụ hoàng, là đồ phương nam gửi cho Ngọc Huyên theo thư hàng tháng. Nhi thần đã trả về mấy lần mà tháng nào họ cũng cố chấp gửi kèm."
"Ừm." Khung Vũ suy tư một lát rồi phất tay, "Mang xuống cho Ngọc Huyên đi."
Cung nữ theo hầu lập tức lĩnh mệnh, chuẩn bị mang đồ xuống thì bỗng nhiên Hoàng đế gọi lại: "Khoan đã."
Ngài nhìn đống sản vật một lần nữa rồi lẩm bẩm: "Hử, không có rượu mơ à?"
Chẳng mấy chốc, mùa xuân đã qua, mùa hè chói chang rực rỡ của Vương Đô đã đến. Lúc này trên Khúc Băng, tuyết đã tan đi gần hết. Chỉ khi nào trèo tới lưng chừng Tuyết Nhạn mới bắt đầu đạp lên tuyết trắng, giẫm lên băng trơn. Khung Dực khoác áo choàng nhung dày, đứng trên một mỏm núi cao của Tuyết Nhạn nhìn xuống thị trấn Khúc Băng, nheo nheo mắt nhẩm tính rồi cho người vẽ lại, chuẩn bị cho việc xây dựng hàng phòng thủ. Nắng lên cao, trời trong veo sáng rõ. Khung Dực phóng tầm mắt ra xa hơn, vượt qua Khúc Băng, nhìn về hướng kinh thành, về hướng Vương Đô. Từ chỗ này không sao nhìn thấy được nơi đó, nhưng từ nơi đó có thể nhìn rõ đỉnh núi này, nhất là vào những ngày mùa hạ. Gương mặt hắn thoáng lướt qua một suy nghĩ mông lung, không ai rõ là hắn đang nghĩ gì.
Đến mùa thu, mảng rừng chếch phía sườn tây của Tuyết Nhạn biến thành một mảnh vàng rực. Khung Dực cùng đám thân binh đi tuần, phát hiện khoảnh rừng này có rất nhiều suối nhỏ, lại là nước suối nóng tỏa khói chứ không lạnh. Cả đám đàn ông thi nhau cởi trần nhảy xuống tắm rửa thỏa thích, thấy nơi đây chẳng khác nào tiên cảnh. Khung Dực cũng khoan khoái ngâm mình, hơi nóng dưới suối tỏa ra khiến gương mặt hắn ửng hồng. Nhìn vào ảnh phản chiếu của mình trong làn nước, nhìn tới làn da ngăm đen cháy nắng của mình, Nhị vương tử chợt thấy, da trắng một chút cũng được, nếu hồng một chút nữa thì càng đẹp.
Mùa đông năm đó, tuyết rơi đặc biệt dày, trời cực kỳ lạnh. Hoa màu chết sạch, gia súc cũng chịu không nổi, những con già bắt đầu ngã xuống trước tiên. Hồ tộc ở sâu trong núi, nhất là sườn núi phía bên kia càng chịu không thấu. Một đêm nọ, bọn chúng kéo ba trăm người xuống rìa thị trấn, tập kích một nông trại ở rìa và đồn lính biên phòng gần đó, cướp hết quân lương, cũng giết sạch hơn năm mươi mạng người. Nhạn Quân kịp phản ứng, xua binh đuổi chúng về lại sâu trong lòng núi, không cho tiến sâu hơn. Khi Khung Dực quay lại nông trại và đồn lính đó, chỉ thấy năm mươi nấm mồ mới lập im lìm nằm trong tuyết trắng. Thống lĩnh Nhạn Quân cởi mũ giáp, lẳng lặng quỳ xuống dập đầu.
Vào đêm giao thừa, khi Vương Đô nổ những loạt pháo hoa đầu tiên, người dân trên Đại Mạc cũng bắt đầu ca hát nhảy điệu múa mừng năm mới xung quanh đám lửa trại to, bên cạnh nào là thịt nướng, nào là rượu nho, bánh mật ong, cháo lúa mạch, Khung Dực cùng Kỷ Phong chia làm hai mũi giáp công trái phải, dẫn một ngàn quân đánh thẳng vào một trong những sơn trại lớn nhất của Hồ tộc. Hồ tộc chắc mẩm Nhạn Quân còn mải đón Tết nên tâm tình thả lỏng, không phòng bị kỹ càng, trận đó thương tổn nặng nề.
Lúc kéo quân về, Khung Dực đi ngang một nhóm năm, sáu đứa trẻ người Hồ đang co ro ôm nhau trong gió tuyết, cả người run rẩy vì lạnh và đói. Hắn dừng lại nhìn một chút rồi cởi tấm áo choàng nhung dày của mình ra trùm lên người lũ trẻ, cũng vứt lại bình nước và ít lương khô mang theo bên người. Khi Khung Dực về đến thị trấn thì đã sang năm mới, không thấy pháo đỏ ăn mừng, chỉ thấy tuyết trắng cô liêu.
Năm đầu tiên đã trôi qua như thế.
Năm thứ hai, hệ thống phòng thủ của Khúc Băng đã được Nhạn Quân nâng cấp. Ngoài việc xây tường thành, đào hào sâu, họ còn rèn thêm cung tên, trường thương, đao kiếm và thành lập thêm đội dân binh. Đội dân binh này do chính Kỷ Phong và Khung Dực cùng nhau huấn luyện. Năm này, việc trao đổi hàng hóa giữa người dân Khúc Băng và những bộ tộc trên núi, bao gồm cả người Hồ, vẫn diễn ra như thường. Sau đợt thương tổn đôi bên vào giao thừa năm trước, binh sĩ hai phe đều có giao ước ngầm, đánh nhau phải có chừng mực, tránh tổn hại thường dân hết mức có thể. Một lần nọ, Khung Dực, Kỷ Phong mặc thường phục, lẫn vào đoàn đi buôn của Đại Thương, theo con đường mòn mà thương nhân hai bên vẫn hay dùng, đến được sườn bên kia của Tuyết Nhạn. Nơi này binh lính Đại Thương chưa từng có ai vào tới. Khung Dực phát hiện ra, khu vực này địa chất khác một chút, dường như còn có rất nhiều khoáng sản và bảo thạch. Trước đây những loại hàng này ít khi được mang xuống tới tay Đại Thương, người Hồ chỉ dùng để trao đổi với các dị tộc cùng sinh sống trên Tuyết Nhạn như tộc Nùng, tộc Kỷ Di, tộc Dao Tán..., thế nên Đại Thương bọn họ mới không biết đến. Lần đó họ cũng phát hiện, những già làng của tất cả các bộ tộc trên núi này đều có cùng một tôn giáo. Nói cách khác, họ cùng thờ cúng một vật thiêng, gọi là Hỏa Xà.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.