Xuân Như Cựu

Chương 20:




Lúc Nhữ Nam Vương thoái vị là mười ba tuổi, một thiếu niên không coi là lớn, cũng không tính là nhỏ. Những đứa trẻ trong Hoàng tộc ở tuổi này đã hiểu được rất nhiều việc. Đáng tiếc là Nhữ Nam Vương cũng không phải như thế. Trước khi hắn lên ngôi thì Đại Chu đã gần như sụp đổ, hoàng thất họ Chu và họ Tiêu, đang giữ tước Ngụy Vương, như nước với lửa, không tiêu diệt được cũng không buông tay. Hoàng thất họ Chu nhân tài cạn kiệt, không tìm được người nối nghiệp, trong khi Tiêu gia lại đang lúc cường thịnh. Trong lúc hai bên đang tranh đấu, thiên tử lúc đó là huynh trưởng của Nhữ Nam Vương bị thái giám giết chết, thế lực của Tiêu gia lập tức được nâng cao.
Lúc đó từ trên xuống dưới đều có tin đồn Tiêu gia giết vua, đối với Tiêu gia vẫn luôn không phục. Ngụy Vương khi đó là phụ thân của Tiêu Ý, ông không muốn đánh mất lòng dân, cũng chỉ có thể nâng Nhữ Nam Vương bảy tuổi đăng cơ. Con cháu trong hoàng thất rất nhiều nhưng lại chọn Nhữ Nam Vương là nhìn thấy hắn từ nhỏ nhát gan và ngu ngốc mà thôi. Sau khi đăng cơ, Nhữ Nam Vương vốn là một đứa trẻ đầu óc có chút trì độn, dưới sự cố ý nuôi dưỡng của Tiêu gia lại càng ngốc nghếch hơn. Cứ như vậy qua bốn năm, sau khi Ngụy Vương hoăng, thụy hiệu là Văn, Tiêu Ý tiếp quản tước vị Ngụy Vương. Sau đó hai năm, ngài được Nhữ Nam Vương trao quyền lại, đổi quốc hiệu là Ngụy.
Lúc Nhữ Nam Vương còn là Hoàng đế cũng không có thế lực, đại thần trong triều đình hơn nữa đều hướng về Tiêu thị, còn có một bộ phận dù đồng tình thiên tử cũng không dám mạo hiểm đánh động Tiêu thị. Còn trong nội cung, thái giám và cung nữ bên người Nhữ Nam Vương đều là người của Tiêu thị, giám sát và khống chế hành động của hắn. Sau khi thoái vị, hắn cũng thân bất do kỷ, suốt ngày chỉ ở trong phủ đệ to lớn kia, không người làm bạn.
Như vậy, cho dù hắn từng là thiên tử thì cũng có được năng lực làm gì đâu?
Qua nhiều năm như vậy, giang sơn Tiêu gia vốn đã được củng cố, chỉ vài tên vô danh tiểu tốt cùng mấy trăm người là có thể phục quốc? Hoàng đế chỉ cảm thấy muốn cười thật to.
Những người này không khó đối phó, cái khó giải quyết là những danh sĩ tâm còn hướng về tiền triều. Đám người này ngông cuồng tự đại, hành vi to gan lớn mật, tự coi danh chính ngôn thuận, có được một ít người tin theo, liền dùng văn chương, ngôn từ của mình để ám chỉ hoài niệm tiền triều, hoặc phê phán triều đình. Bọn họ luôn khiến cho lòng người phiền muộn.
Nhưng Hoàng đế lại không thể giết bọn họ, giết họ không phải chính là nói cho người trong thiên hạ là Hoàng đế chột dạ?
"Có bản lĩnh tài hoa như vậy, vì sao không ra sức cho triều đình, tạo phúc cho muôn dân?" Hoàng đế đem oán giận nói hết với Bộc Dương "Luôn miệng nói tới nhà Chu, nhà Chu, nhà Chu. Nhưng năm cuối tiền triều, dân chúng lầm than, sinh linh đồ thán, làm sao được như bây giờ, cơm no áo ấm, lương thực đầy kho? Còn Nhữ Nam Vương, trẫm lưu lại mạng sống cho hắn không được coi là nhân từ sao? Nếu bọn hắn hoài niệm chủ cũ, có thể tự thỉnh tiến vào Vương phủ để hầu hạ, trẫm chắc chắn sẽ phê chuẩn. Nhưng kết quả thì sao? Không có, một người cũng không có!" Tiếp tục nói thì sự oán giận lại biến thành kinh bỉ, cười nhạt. "Chỉ nhìn liền có thể thấy được. Hoài niệm sao? Cũng chỉ được tới như vậy thôi, chủ cũ cũng không bằng được hoa phục cũng mỹ thực bọn hắn ăn dùng hằng ngày!"
Bộc Dương đương nhiên cũng thiên vị cho nhà mình nhưng nàng cũng không nói là thần mà tính kế phế vua là đúng. Hoàng đế dù cho bất mãn đám người Trần Độ cũng không thể nói bọn hắn trung với chủ cũ là sai, ngài vẫn còn muốn dựa vào sự trung thành mà quản lý triều chính, nhờ hiếu trị thiên hạ. Ngài có thể phủ nhận tiền triều nhưng không thể phủ nhận trung hiếu nhân nghĩa.
Bộc Dương dù sao cũng được sinh ra sau khi Đại Chu mất nước, cảm tình cũng không quá sâu, mà trong mắt nàng, làm người phải hướng về phía trước, sao lại vẫn luyến tiếc quá khứ làm gì?
"Phụ hoàng thừa biết rõ lòng trung thành của bọn họ đến đâu, làm sao lại so đo cùng họ làm gì?"
"Con nói đúng. Con vừa mới đưa ra thượng sách, đợi phụ hoàng lên kế hoạch tỉ mỉ. Lần này chắc chắn sẽ bẻ gãy mấy cái sống lưng cương trực đó" Hoàng đế cũng cười nói.
Bộc Dương bèn cười cười cũng không lên tiếng.
Hoàng đế thu lại bản tấu chương, không ngại Bộc Dương bên cạnh lập tức bố trí xử lý việc này. Đầu tiên là triệu xa kị tướng quân Vệ Du tới, hắn sẽ đem theo người truy nã mấy vị quan tướng si tâm vọng tưởng âm mưu phục quốc, việc này phải làm trong bí mật, một tiếng gí cũng không thể truyền ra ngoài.
Bộc Dương ngồi bên cạnh, cầm một quyển sách xem. Vệ Du con cháu của Vệ gia, một thế gia trong triều, năm nay bốn mươi tuổi đã là xa kị tướng quân, một nửa là do hắn lập được chiến công, nửa là do hắn xuất thân hiển hách, có gia tộc lo lắng chu toàn.
Nghe Hoàng đế hạ lệnh xong, Vệ Du trịnh trọng cúi người, lĩnh mệnh lui ra. Hắn có dáng người to lớn, khôi ngô nhưng đi đứng lại ưu nhã hữu lễ. Hắn nhìn thấy Bộc Dương ở đây cũng chỉ đơn giản hành lễ, không hỏi nhiều một câu, đối với việc Hoàng đế xử lý chính sự lại để cho một vị công chúa ngồi nghe cũng không có bất mãn gì. Nếu không phải trên người hắn một thân quân phục, giả làm một danh sĩ phong lưu là hoàn toàn có thể.
Ánh mắt Bộc Dương rời khỏi trang sách, nhìn bóng hắn rời khỏi điện, không thể không suy nghĩ về họ "Vệ" một chút. Vệ Tú cũng mang họ Vệ, không biết nàng có quan hệ gì với Vệ gia danh môn hay không.
Nghĩ tới chuyện này, Bộc Dương bất giác cảm thấy bản thân hơi có chút hoang đường. Kiếp trước, tuy lúc Vệ Tú xuất hiện, Vệ Du đã là Phiêu Kị tướng quân đi thủ biên cương, nhưng Vệ gia vẫn còn không ít con cháu ở trong triều, làm sao lại không lui tới? Hơn nữa, nếu thật sự là nữ nhi của Vệ gia, tại sao lại để nàng cải nam trang, một mình ở bên ngoài chứ?
Bộc Dương cảm giác bản thân có chút mê muội, mỗi khi thấy chuyện gì có chút liên quan tới Vệ Tú cũng suy nghĩ nhiều một chút.
"Hoành nhi" Hoàng đế kêu.
"Phụ hoàng?" Bộc Dương buông sách, nhìn qua, cung kính lên tiếng.
"Con đang suy nghĩ cái gì?" Hoàng đế nhìn nàng cười cười.
Bộc Dương đương nhiên sẽ không nói tới Vệ Tú, vô duyên vô cớ lại khiến Hoàng đế chú ý thì không nên. Nàng liền nói tới chuyện của Kinh Vương.
"Trước khi nhi thần vào đây đã gặp lục hoàng huynh, hình như huynh ấy có chuyện vui."
Chân mày Hoàng đế khẽ nhướng lên một chút rồi lại từ ái nói với Bộc Dương.
"Để ý tới hắn làm gì? Trời cũng không còn sớm, con trở về sớm nghỉ ngơi, dưỡng sức đi. Qua mấy ngày nữa vào thu, phụ hoàng đưa con đi săn nai."
Hoàng đế rõ ràng không có ý định nói tới Kinh Vương. Bộc Dương trong lòng nghi hoặc nhưng ngoài miệng vẫn ngoan ngoãn đáp ứng.
Kinh Vương nghe lời Tấn Vương, sai đâu đánh đó, đây là điều mà cả triều thần đều biết. Hoàng đế không muốn nâng Kinh Vương lên, người ngoài đều có thể thấy được. Mà Kinh Vương luôn bị Tấn Vương liên lụy, bị Hoàng đế giận cá chém thớt.
Bộc Dương lại thấy không đúng, nếu phụ hoàng thật sự giận cá chém thớt với lục hoàng huynh, vậy làm sao giải thích vừa nãy sao huynh ấy lại có sắc mặt vui sướng như vậy?!
Sáng sớm hôm sau, Bộc Dương vừa tỉnh lại đã nghe nói Hoàng đề phái Kinh Vương đến quận bị thiên tai, cũng triệu Tấn Vương hồi kinh. Chiếu chỉ vừa đưa ra, các đại thần đều tưởng rằng đây là phái Kinh Vương thay Tấn Vương thu dọn cục diện rối rắm.
Nhưng nhờ có câu nói kia của Vệ Tú, Bộc Dương ngược lại cảm giác chuyện này là Hoàng đế muốn kéo ra khoảng cách giữa hai người Kinh Vương và Tấn Vương.
Nếu thật sự là như vậy, vụ cá cược của nàng và tiên sinh, nàng đã thua.
Bộc Dương thật sự buồn bực, may mà chuyện này không phải một lần là xong, nên nàng vẫn còn thời gian cứu vãn. Lúc cá cược cũng không nói là nàng không thể xen vào giữa. Hơn nữa, Đại Vương cũng dễ đối phó hơn so với Kinh Vương. Để Đại Vương thay thế Tấn Vương, thứ nhất nàng có thể thắng vụ cá cược, hai là sau này cũng có lợi nhiều hơn.
Bộc Dương liền có ý định xen vào một chút.
Can thiệp chuyện này cũng đơn giản. Nàng chỉ cần để Kinh Vương tiếp tục theo sát Tấn Vương là được, hai người như cũ không có mâu thuẫn thì nan đề đã được giải quyết.
Ba ngày sau, Tấn Vương đem công vụ cứu tế giao lại cho Kinh Vương rõ ràng liền hồi kinh. Hắn vừa vào cửa thành đã thấy một thái giám mặt y phục thái giám màu xanh đang đợi.
Ngày hôm đó là một ngày đẹp trời, gió thu lượn lờ, mặt trời màu đỏ đang ngả về tây, thành Lạc Dương bị bao phủ dưới một tầng nắng chiều tuyệt đẹp. Cửa thành vốn là nơi tấp nập, quan lại, thương nhân qua lại rất nhiều.
Trên mặt Tấn Vương đã có râu mọc lởm chởm, đôi mắt cũng xanh đen, lộ ra một bộ dạng hết sức tiều tụy. Hắn nhìn thấy tên thái giám và khoảng chừng mười tên vũ lâm quân phía sau thì dừng cương ngựa.
Tên thái giám lập tức tiến lên, từ trong ống tay áo lấy ra một đạo chiếu thư. Tấn Vương mấy ngày không ngủ yên, lại đi cả ngày đường, tinh thần vốn không mấy tốt. Tới khi nhìn rõ là một đạo chiếu thư, hắn mới vội vàng nhảy xuống ngựa, quỳ trên đất chiếu. Thái giám từ từ đi tới, hai tay mở chiếu thư ra, cao giọng đọc.
Mỗi chữ đều là thất vọng, mỗi câu đều trách cứ.
Tấn Vương quỳ trên đấy, nghe tên thái giám đọc từng chữ, từng chữ rơi vào trong tai hắn.
"... Phạt Tấn Vương hồi phủ kiểm điểm, không có chiếu chỉ của trẫm không được ra ngoài!"
Quần áo Tấn Vương đã ướt một mảng lớn, cảm giác tức giận cũng tràn ra. Hắn ra ngoài giúp nạn dân thiên tai, mỗi ngày vất vả, tuy không có công nhưng cũng không phạm vào chuyện gì lớn. Phụ hoàng đến cả nhìn cũng không muốn nhìn thấy hắn đã lệnh hắn hồi phủ kiểm điểm, không phải là quá tuyệt tình sao?
"Vương gia, nên lĩnh chỉ." Thái giám tuyên chỉ xong, ngữ khí liền ôn hòa hơn. Nhưng lời này lọt vào tai Tấn Vương, một người đang tràn ngập lửa giận, thì lại giống như là đang vui sướng khi người gặp họa.
Hắn điều chỉnh biểu tình của mình, ngẩng đầu lên, hai tay tiếp nhận chiếu thư. Hạ nhân phía sau lập tức bước lên đỡ hắn.
Tấn Vương làm như không còn sức để đứng lên được, tiếp được lực đỡ của hạ nhân mới có thể đứng thẳng. Hắn cười khổ nói.
"Trung quan chê cười rồi."
"Không dám. Như vậy Vương gia nên hồi phủ ngay thôi, tiểu nhân cũng cần hồi cung phục mệnh." Thái giám kia lập tức xua tay, vội nói.
"Hoàng thượng có tốt không?" Tấn Vương lắc đầu, vừa lo lắng vừa xấu hổ hỏi tới.
Hoàng tử đã hỏi, thái giám cũng không thể phất tay mà đi, chỉ phải dừng lại cung kính trả lời.
"Hoàng thượng rất tốt." Chỉ bốn chữ, hắn cũng không dám nói nhiều hơn.
Tấn Vương cũng biết muốn đào ra được chút gì từ miệng của những người bên cạnh Hoàng đế còn khó hơn lên trời, cũng không hy vọng nhiều gì. Hắn trịnh trọng hành lễ.
"Khẩn cầu trung quan thay ta bẩm với Hoàng thượng, nhi thần biết sai, đương nhiên sẽ tự kiểm điểm bản thân, không thể cùng tẫn hiếu cùng phụ hoàng, mong phụ hoàng bảo trọng long thể."
Thái giám cũng hành lễ với Tấn Vương, cáo từ rời đi.
Nhìn thái giám rời đi, Tấn Vương hồi tưởng lại lời nói vừa nãy của mình mấy lần, nhận thấy không có sai lầm mới nhẹ nhàng thở ra mọt hơi. Hắn nhìn xung quanh đều là người đi đường, vừa nãy hắn chịu trách cứ của phụ hoàng không biết bao nhiêu người đã thấy được, trong lòng lại càng tức giận hơn.
Hắn cố gắng điều chỉnh vẻ mặt của mình, không để sự tức giận hiện lên trên mặt, duy trì một dạng kính cẩn, ân hận xấu hổ, không để có bất kì ai có thể chê trách hành vi thái độ của hắn, bắt được nhược điểm của hắn.
Hạ nhân dẫn ngựa tới, Tấn Vương tiếp nhận dây cương, phòng người lên ngựa. Con ngựa lui lại hai bước, hắn ổn định tư thế, quay đầu nhìn lại cổng thành, trong mắt hiện lên vẻ tiếc nuối thật sâu.
Đây vốn là một thời cơ rất tốt để kiến công lập nghiệp, đáng tiếc là thuộc hạ không chịu phối hợp khiến cho hắn bỏ lỡ. Hiện tại chỉ có lục hoàng đệ giúp hắn sửa chữa sai lầm, hy vọng đệ ấy có thể hoàn thành tốt đẹp, miễn sao đừng để việc này bôi đen thanh danh của hắn.
Cho tới lúc này, Tấn Vương vẫn nghĩ là Kinh Vương sẽ giúp hắn thu dọn kết cục. Phụ hoàng đối với huynh đệ bọn hắn luôn khoan dung. Hắn làm sai, phụ hoàng cũng phái người có giao hảo với hắn là Kinh Vương tới mà không phải là người trêu chọc sai lầm của hắn Triệu Vương tới, nhất định là muốn thay hắn chấm dứt việc này, chứ không phải muốn nghiêm trị khuyết điểm của hắn.
- --------------

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.