Xuân Yến

Chương 3.1: Tín đắc nguyệt sơn mai chi (1)




Cô kể, có khi đang mơ thì choàng tỉnh, trong cơn ngái ngủ, tưởng đâu vẫn ở quán trọ gia đình Naya. Kiến trúc kiểu thực dân đã có lịch sử cả trăm năm, nhà hai tầng bằng gỗ trắng, cửa lớn cửa sổ lá sách màu lam tro. Đi xuống cầu thang, phòng khách có quầy lễ tân, sàn lát đá mài, đèn chùm pha lê, những bức ảnh xưa, tủ kính bày đầy đồ cổ và sản phẩm thủ công mĩ nghệ. Vườn hoa sau nhà có một cây rum, xuân nào cũng đơm chi chít hoa đỏ, phủ đầy mặt đất như tàn tích của những ngọn lửa.
Căn phòng họ thuê dài hạn ở mé trái tầng hai, trần nhà rất cao. Đồ dùng bằng gỗ tếch, thấp, màu nâu, trang trí lá sách, sàn nhà gỗ lim cũ nát, lau sạch để đi chân đất. Quạt trần màu xám khói, khi quay phát tiếng ken két, làm chiều mùa hè như dài mãi ra.
Quán trọ nằm ngay mặt phố, gần đường lớn, gần sông gần chùa chiền, có thể nghe thấy đủ mọi âm thanh trầm bổng. Xe máy xe đạp chạy qua, những ngôn ngữ khác nhau, chó sủa, người hét, chim hót, lá cây xào xạc trong gió, mưa... nguồn âm thanh ri rỉ loang rộng, lần lượt nối tiếp hoặc thay thế nhau.
Cửa sổ lá sách điều tiết ánh sáng của căn phòng, làm không khí trong trẻo. Ánh sáng lọt vào qua khe cửa, tãi những vệt sáng lốm đốm nhảy múa trên đường. Một thứ ảo ảnh nào đó khiến căn phòng mờ tối say ngủ bỗng khẽ khàng dịch chuyển, xoay tròn. Ngủ ở gian phòng dành cho khách này giống như ngũ giữa trung tâm thế giới, ngủ trên chiếc thuyền chở khách dập dềnh nơi mặt biển dồi sóng, ngủ trong một cái chợ lộ thiên ồn ào náo nhiệt. Với người vốn nhạy cảm từ nhỏ như cô, trạng thái này thật mê hoặc.
Thành cổ Luang Prabang. Một tiểu thành thanh tịnh thuần phác, làng mạc nằm giữa vòng ôm của núi cao và sông sâu. Hơi nóng trong kí ức, nắng đổ bỏng rãy của mùa hè. Đến mùa mưa, hơi nước ẩm ướt quẩn quanh. Có cảm giác khí hậu nhiệt đới làm nhòe mờ ranh giới về thời gian. Bắt đầu từ năm tuổi, cô dừng chân lại đây cùng Trinh Lượng. Coi như một cứ điểm. Xuất phát đi Thái Lan, Việt Nam, Bhutan, Nepal, nói chung là cả khu vực Đông Nam Á, cuối cùng lại quay về chốn này nghỉ ngơi.
Wat Xieng Thong là một ngôi chùa nhỏ, nhưng lại là thiên đàng hoa lệ của cô thời thơ ấu. Mái cong uốn vào trong mây, vút xa như cầu vồng. Tường có bích họa, phần lớn lấy đề tài sự tích tôn giáo, khi bắt nắng, màu sắc sặc sỡ hắt ra từ những vụn lưu ly óng ánh, chụm thành một chuỗi hình ảnh: nông dân, hổ, báo, khỉ, hoàng đế, thị nữ, ruộng đồng, ngô, nhà tranh, cây chuối, dòng sông, Bồ tát... Những bức bích họa này đã trở thành thắng cảnh mà cô thuở nhỏ nằm mộng đặt chân vào.
Một pho tượng Phật bằng đá đặt bên lối đi, ngồi kiết già, hai tay chắp vào nhau, cằm hạ xuống, khuôn mặt đọng nụ cười thâm trầm khó tả. Sư trong chùa đã dựng một khung hương, hoa tươi và nước trong. Khác với quần thể tượng tôn quý cao vời trong điện thờ, pho tượng này toát ra hơi hướm thế tục, nhưng vẫn có phong vị siêu thoát riêng. Trinh Lượng không theo đạo, nhưng khi quỳ xuống lễ Phật, bà đều buông bỏ thái độ kiêu hãnh ngạo nghễ và tỏ rõ tấm lòng tin phục.
Hai chuyện có ấn tượng sâu sắc.
Tinh mơ hôm nào cũng nghe tiếng chuông chùa vọng vào qua cửa sổ, trời sáng rõ, tiếng chuông thấm cả vào tim phổi. Nhà sư bưng bát hóa duyên, mặc cà sa quét đất màu vàng cát, để lộ một bên vai, đứng thành một hàng. Thí chủ đã đợi trên đường, đặt cơm nếp và thức ăn vào bát. Trinh Lượng bảo cô đứng vào hàng ngũ đó, cảm nhận sự bình đẳng chân thành giữa cho và nhận, dùng nghi thức bố thí và cảm ơn để khởi đầu một ngày.
Tối xuống, theo chân Trinh Lượng, cô đến khu vực gần hoàng cung học các điệu nhảy truyền thống của người bản địa. Tơ trúc dìu dặt réo rắt, pha lẫn tiết tấu trầm bổng khoan nhặt. Tâm trạng linh hoạt hài hòa, không vướng bận đua tranh cõi tục. Khoác lên mình chiếc váy ống, búi gọn tóc, gài trâm và hoa tươi, cử động bàn tay, ngón tay và chân theo những vũ hình tao nhã. Trinh Lượng thích xem biểu diễn. Bà say mê âm nhạc và vũ đạo của mọi địa phương mà bà đặt chân đến, say mê cuộc sống thường nhật của họ.
Mỗi lần nhảy múa lại đi qua chợ đêm Luang Prabang. Yến tiệc linh đình sống động. Những chiếc lều nhỏ dựng san sát kéo dài tăm tắp cả con phố. Mọi người quên bẵng khu cung đình biểu tượng quyền lực và đấu đá ở ngay gần đó, chỉ cần một nơi an ổn. Đèn lửa nhấp nháy yếu ớt trong trời đêm, đám đông thư thả hoặc đi hoặc dừng. Phụ nữ địa phương ẵm con bày hàng, đứa trẻ bú sữa, thiếp ngủ trong lòng mẹ. Hàng hóa trong các lều vải không khác biệt nhau lắm, chênh lệch có chăng chỉ ở những chi tiết nhỏ nhặt. Chợ đêm sáng trưng yên tĩnh, kéo dài cho đến tận khuya.
Một ngày kết thúc, tấm màn sân khấu được kéo ra hằng tối tượng trưng cho nền tảng và bản chất của sinh mệnh: làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống, chơi đùa, rảnh rang, lặp đi lặp lại, cứ thế cho hết một đời.
2
Khu thành cũ thích hợp cho thiếu nhi vui chơi. Trời nóng hầm hập, người lớn và trẻ nhỏ lui tới trên đường đều ở các nơi khác đến tìm niềm vui yên ả. Đạp xe, đi bộ, chạy, bơi lội dưới suối, bắt cá, hát, đùa nghịch... luôn thấy mặt trẻ thơ, không vắng bóng bao giờ. Hằng ngày có đủ hạng người lui tới quán trọ. Nhiều lữ khách một thân một mình, một ba lô, đêm khuya ngồi trên bậc thềm hút thuốc. Gia đình nào dắt theo con nhỏ thì đặc biệt náo nhiệt. Cũng trọ dài ngày như họ là một nhà kia, ở đến hơn nửa năm, có bố mẹ, có hai chị em người Paris, một đứa sáu tuổi, một đứa ba tuổi. Và một bé trai tóc vàng bảy tuổi người Phần Lan.
Buổi tối cô thường chơi đùa với bọn chúng, chạy đuổi nghịch ngợm, la hét, xô đẩy lẫn nhau trong con ngõ chật hẹp dưới ánh đèn vàng vọt, mồ hôi đầm đìa. Trời đêm ngào ngạt mùi thơm của hoa dại.
Mọi người dùng cơm trong tiệm nhỏ ở ngay bên đường, thực đơn đậm chất địa phương, họ thường gọi nước chanh, cá sông, mì gạo, cơm nếp mắm, nem, rau tươi, kết hợp với các gia vị như bạc hà, húng quế... Trời tối, núi đồi đồng ruộng ven sông Mê Kong lồi lõm đen thui như quái thú. Tiệm bật vô tuyến ầm ầm, chó mèo rúc rích vào ra. Cô nô giỡn ngoài ngõ, Trinh Lượng ăn cơm trong tiệm, uống mấy cốc bia Lào, mặc váy ống thổ cẩm. Bà làm việc ở ngôi làng gần đó, công việc là đi lên núi, vào vùng sinh sống của dân tộc thiểu số để thu thập nguyên liệu dệt và thêu.
Emily ba tuổi, chạy chơi mệt bèn bò lên người mẹ nó, kéo cái váy hai dây lệch xuống một bên làm nửa ngực chị ta hở ra, nhoài tới bú. Mẹ của Emily là một nhà sinh vật học, đang làm nghiên cứu ở đây. Người phụ nữ Châu Âu này có vóc dáng mảnh khảnh, khuôn mặt xinh đẹp, không mặc áo lót, phơi ngực trần ra trong bóng đêm, vẫn tự nhiên cười nói với người xung quanh. Cảnh tượng ấy lưu lại rất sâu trong kí ức Tín Đắc. Cô và Trinh Lượng không chia sẻ khoảnh khắc thân mật như vậy bao giờ. Cô chưa từng mút thử hay vuốt ve thân thể bà. Đã khi nào cô bú mẹ? Đã khi nào cơ thể cô thực sự hấp thụ hấp thụ một dòng sữa? Điều này, không bao giờ làm sáng tỏ được nữa.
Năm mười ba tuổi, cuối cùng cô đã nhận ra cấu trúc của đời mình: một cô bé sống cùng một phụ nữ trưởng thành. Một cô bé trong đời thiếu vắng sự hiện diện của người cha.
Huyết thống của cô, cố hương của cô, trong một lần động đất, đã bị phá hủy tan tành cả.
Thôn làng trên núi vắng, tách biệt với trần gian, phong cảnh nên thơ. Chỉ trong một đêm, đất long núi lở. Sau đó còn hai đợt động đất liên tục, tường xiêu nhà đổ và các thi thể bị lấp sẵn một lần nữa tụt sâu xuống. Địa hình thay đổi, cả khu vực biến mất, lịch sử bị xóa sạch, không còn xuất hiện trên bản đồ. Xuân Mai, tên đất, từ bấy chẳng ai nhắc tới. Mốc địa giới tiêu tan trên bề mặt địa cầu.
Cô bé năm tuổi là sinh mệnh duy nhất sống sót một cách diệu kì. Rất đông người đăng kí nhận nuôi. Trại trẻ mồ côi tiến hành xét duyệt phỏng vấn. Thẩm Trinh Lượng gia nhập danh sách nhận nuôi. Bà hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, có danh tiếng, kinh tế vững vàng. Và được chấp nhận.
Mỗi đứa trẻ có một lớp vỏ, sáng sủa hoặc tăm tối. Chúng là thứ quả tự sinh tự dưỡng, không phải đất bùn trong tay người lớn, cũng không phụ thuộc ước mong của ai. Trinh Lượng hiểu rõ điều ấy. Bà xuất hiện trước mặt cô, không dễ dãi ôm ấp, không nhiệt tình bắt quen hay làm thân chóng vánh. Năm ấy Trinh Lượng hai mươi bảy tuổi, nhan sắc không lấy gì làm tuyệt mĩ, nhưng ánh mắt khiến người ta khó quên. Đôi đồng tử, rõ ràng đang dịu dàng trong vắt như mỉm cười, chỉ tích tắc đã lắng xuống thành nỗi cô quạnh không thể đong đếm, chúng khiến vẻ mặt bà trở nên phức tạp. Giống sóng gợn lăn tăn trên hồ, dưới làn nắng và bóng mây, biến ảo ra muôn vàn tầng lớp và tiết tấu. Bà mặc xường xám mùa hè màu lam thẫm, không chăm chút cho lắm, rát rạt gió bụi vì lái xe tới đây, đứa bé cúi mặt, nhìn cá vàng và cành hoa thêu trên mu giày, lớp nhiễu hồng đã xơ sợi.
Trinh Lượng hỏi khẽ, em thích hoa à? Cô gật đầu. Người phụ nữ vòng bàn tay vẫn giấu sau lưng ra, đưa cho cô một bó thạch trúc thảo hai bên đường. Bông hoa màu trắng xốp, diềm cánh răng cưa, giống đàn bướm đang đỗ nghỉ, lá dài hẹp màu xanh còn đọng sương. Hỏi cô, hoa này đẹp chứ? Cô gật đầu. Bấy giờ người phụ nữ mới chìa tay, nhẹ nhàng nắm lấy tay cô, nói, gọi tôi là Trinh Lượng. Tên tôi đấy. Thẩm Trinh Lượng. Em là Tín Đắc. Tên tôi đặt cho. Thẩm Tín Đắc.
Trinh Lượng lái xe đưa cô đi. Xe lúc đi lúc nghỉ, băng qua nhiều tỉnh khác nhau, vượt qua các thành phố, phường xã, làng mạc lớn nhỏ. Cô vẫn cầm bó thạch trúc thảo, trải qua ba ngày hai đêm dài dằng dặc ở băng ghế sau. Trông thấy mặt trời mọc, rồi lặn, trăng lên, rồi mờ. Dọc đường, người phụ nữ rất kiệm lời. Lúc mở nhạc, lúc hút thuốc, có lúc vừa lái vừa thò tay từ ghế trước xuống, ra dấu bảo cô nắm tay. Tay Trinh Lượng gầy trơ cả xương, lòng bàn tay ráp và ấm, làn da không được chăm sóc, có thể thấy đã làm rất nhiều việc nặng. Mu bàn tay ngoằn ngoèo gân xanh rêu, đập phập phồng dưới làn da mỏng. Cô vuốt ve những đường gân từng trải, cảm nhận sức sống thẩm thấu trong đó, lòng thấy bình yên, dần dần chìm vào giấc ngủ, tay vẫn cầm bó thạch trúc thảo.
Trước tiên đến Bắc Kinh. Trinh Lượng dẫn cô đi gặp bạn bè, đến một chung cư cao cấp chiếm trọn cả một tầng lầu. Cô chưa bao giờ trông thấy một căn nhà hoa lệ đến vậy: nội thất cổ bằng gỗ lim, khăn trải bàn thêu bằng lông đuôi khổng tước, đế nến nung Cảnh Thái Lam, xô pha nhung thêu tay, bình phong bằng gỗ đàn hương khảm ngọc... Tất cả mọi vật hiện lên lung linh trước mặt Tín Đắc bé nhỏ. Hứa Hy Niên là một người đàn ông năm mươi tuổi, ăn bận chỉn chu, tóc mai đã bạc, vẻ mặt và giọng nói đều trầm tĩnh, vẻ người phong nhã lịch thiệp. Ông làm việc lâu năm ở Thụy Điển, không rõ xuất thân ngành nghề là gì. Hôm ấy ông cất công về nước, đợi ở căn hộ, cốt để gặp họ.
Trinh Lượng nói, người bạn nhỏ của em đấy. Sẽ sống với em.
Ông hỏi, em có định cho cô bé đi học không.
Cô bé chưa đi học vội. Chúng em sẽ sang Lào sống một thời gian.
Hay lắm.
Anh bán giúp em căn hộ ở Bắc Kinh. Em không cần nó nữa. Em cũng không định quay về.
Ừ. Anh biết thứ em cần, suy đến cùng đều vượt trên những thứ này.
Có thể thấy, Hứa Hy Niên rất cưng chiều và yêu thương Trinh Lượng, nhưng bầu không khí giữa họ không thể gọi là quyến luyến thân mật. Họ ít trao đổi, thái độ đều lạnh nhạt, khách sáo, thậm chí thờ ơ. Buổi tối ông đưa hai người đến dùng cơm ở một nhà hàng Pháp sang trọng. Hứa Hy Niên ăn vận đắt tiền, Trinh Lượng mặc áo vải bông cũ, xuềnh xoàng, tóc búi lỏng cài một cây trâm bạch ngọc. Hai người không hề tương xứng, cả về trang phục lẫn khí chất. Người đàn ông liên tục nghe điện thoại, giải quyết công việc. Trinh Lượng chăm cho cô ăn, nhưng không dạy cô phải dùng khăn tay dao dĩa thế nào, để cô tùy ý. Có lẽ là thấy chẳng cần học hỏi hay tuân thủ quy củ gì hết. Về sau cô cũng luôn thực hành nguyên tắc này.
Tối hôm đó, Hứa Hy Niên bay đi Zurich. Trinh Lượng dắt cô bước vào một cuộc hành trình.
3
Năm tuổi, tôi gặp Trinh Lượng, mọi sự kiện trước đó không để lại mảy may dấu vết trong tâm trí. Cô nói. Không hiểu tại sao.
Không còn kí ức nào về bóng tối, tan vỡ, sụp đổi, chìm lỉm, sợ hãi, chôn vùi. Không còn khái niệm hay hình ảnh gì về cha mẹ, cố hương, không hiểu bản chất và ý nghĩa của họ. Vì vậy cũng không tồn tại nỗi đau. Cô không tìm thấy trên đời một bằng chứng nào liên quan đến cuộc đời mình, đã đánh mất hết những tọa độ, kinh tuyến, vĩ tuyến của thân thế mình. Dấu ấn về một khoảng thời gian cũng rơi đâu đó. Điều này khiến cô cảm nhận được sự độc lập và hoàn chỉnh của một tồn tại tự thân. Khiến cuộc sống cô bớt phần rườm rà phức tạp.
Một người phụ nữ trưởng thành quyết định liên minh với cô. Đặt tên cô là Tín Đắc. Cái tên mang hàm nghĩa gì, Trinh Lượng chưa bao giờ giải thích.
Bởi tin tưởng (tín), nên có được (đắc)! Một quan điểm đang mong mỏi được kiểm chứng chăng? Trinh Lượng muốn cô trở thành bạn đồng hành trong thế giới trò chơi đối kháng. Bà là người hướng đạo, dẫn cô vào rừng theo con đường nhỏ gần với lưng trời, quyết dương xỉ mọc rậm rạp hai bên chân đi, mục tiêu của cuộc đời không giới hạn ở những thứ có được trên trần gian. Cô không thể làm đứa con gái bò lên người mẹ vòi vĩnh âu yếm. Cô là đồng minh của bà. Bầu bạn cùng bà trên những chặng đường trắc trở, vượt qua mạng lưới kinh vĩ tuyến giăng khắp bề mặt địa cầu. Quan sát, cảm thụ, tìm kiếm, trải nghiệm.
Khi nhận bó thạch trúc thảo từ tay Trinh Lượng, cô đã quyết định chấp nhận số mệnh đó.
4
Rời khỏi Lào, họ đến đảo Tứ Độ, sống trong hai năm.
Trinh Lượng dệt vải gai, thêu thùa. Vải dệt từ sợi gai thực vật, thành hình trên khung cửi truyền thống. Hòn đảo này trồng rất nhiều đay phù hợp để dệt vải gai. Trinh Lượng không chỉ thu mua xơ sợi, mà còn tự mình trải nghiệm quá trình trồng trọt chăm bón, chọn đay, luộc đay, lên men, giặt tẩy, phơi khô, kéo sợi, dệt sợi, xe tết. Từng công đoạn một. Bà nói, biết sợi trên tay mình hình thành thế nào, khi dệt vải mới cảm nhận được chất liệu, thấu hiểu sự giao hòa. Vải như thế, dệt ra sẽ khác lạ.
Đảo rất hoang vắng. Chỉ có đay, rậm rạp phủ kín núi non ruộng đồng. Tháng Tám nở hoa. Từng chuỗi hoa như cánh bướm hồng tím, tỏa hương ngọt lừ vào không gian. Thân cây mập mạp, chia nhánh dài, lá hình bầu dục mọc tầng tầng. Giữa hè là thời điểm phù hợp để cắt đay, đay chưa nở hoa là chưa già. Sợi kéo ra mảnh nhẹ, bề dai, lại có sắc sáng bóng tự nhiên. Trinh Lượng làm cùng mấy bà già trong vùng. Người trẻ không làm những việc này, phần đông đã rời đảo vào thành phố kiếm sống.
Họ hái đay trong núi sâu, bó lại rồi chất vào nồi lớn để luộc, sau làm nguội bằng nước biển, lại cho vào vại đợi lên men. Qua một ngày rưỡi, mang ra biển rửa trôi phần biểu bì rữa nát. Tất cả các công đoạn này phải thực hiện vào mùa hè.
Trong thời gian đó, cô cảm thấy hết sức vui thích. Mặc váy chấm bi chạy nhảy bên bờ biển, hái hoa cỏ, bắt các loại cua còng. Đợi Trinh Lượng xong việc. Đôi lúc Trinh Lượng bận rộn đến tận chiều tà, băng qua bãi cát đã rút triều để về nhà, mồ hôi đầm đìa. Mặc quần vải thô, áo phông, đầu tóc búi gọn trong khăn trùm. Nghỉ chân giữa chừng, bà châm một điếu thuốc, quay mặt ra biển mà hút, vẻ an nhàn tự tại. Ráng chiều trên biển huy hoàng chứa chan.
Trong kí ức cô, người phụ nữ ấy đã dành phần lớn cuộc đời để dệt một tấm vải.
Đem sợi thực vật tách được từ cây cỏ, cuốn thành từng cuộn, mắc lên khung cửi. Tẩm ướt chỉ rồi đưa vào dệt luôn, dệt một mạch cho xong, nêu không sợi đay sẽ cứng lại. Sợi chỉ xuyên qua suốt, bắt đầu tuôn đi. Con thoi nhịp nhàng qua lại. Tốc độ rất thong thả. Một cuộn sợi có thể dệt được một mảnh vải 40x30cm. Đây là công việc trùng lặp, đơn điệu, gói gọn thời gian tĩnh lặng vào mình. Trinh Lượng tuần tự làm từng xen ti mét một. Tư thế và tiết tấu khiến cho cô, đang còn thơ bé, cảm thấy kì diệu đến mê hồn.
Trinh Lượng dạy cô học cổ thi, đọc “Gió sông làu áo vải, sương cỏ ướt hài thô” của Lục Du. “Áo vải” ở đây chính là thứ bà đang dệt. Vải gai màu trắng mỏng tang như cánh ve, mỏng mà dai, hắt sáng lờ mờ như tơ tằm. Loại vải dệt tự nhiên hợp với làn da này là kết quả của vật liệu do thiên nhiên ban tặng vào một thời điểm nhất định, phối hợp với các công đoạn phức tạp ngặt nghèo và lao động hoàn toàn thủ công. Công việc ấy phải điều chỉnh theo sự thay đổi của thời tiết, chứ không phải hoạt động độc lập dựa vào máy móc. So với sản phẩm đại trà ở các dây chuyền nhà máy, thì sản xuất sợi tự nhiên rõ ràng là khó khăn mong manh hơn, dễ sai sót hơn, phải đầu tư nhiều công sức, kiên nhẫn, tập trung hơn. Nhưng nó lại chứa đựng tinh thần và ý chí của con người, nó sống động, nếm trải cả cái đẹp và lầm lỗi khó lường trong từng giây từng phút. Đó là thú vui khi dệt một tấm vải.
Sản xuất sợi thực vật đòi hỏi giá thành cao nhưng sản lượng thu về lại thấp, chưa kể khung dệt truyền thống đã bị đào thải gần hết, thao tác mất công, thận trọng, nên trong thời đại công nghiệp dây chuyền quy mô lớn đề cao lợi nhuận thương mại, hình thức này chỉ còn mang tính tượng trưng thẩm mĩ. Trinh Lượng lên núi, xuống biển, ra đảo, vào thung lũng, sưu tầm các loại hoa văn, màu sắc, chất vải, cách thêu. Tự tay dệt vải, cắt, may váy áo và đồ trẻ con đơn giản xinh xắn, lại thêm thêu tay và nhuộm màu tự nhiên, sản phẩm bán ra rất đắt, khách mua thưa thớt. Cũng có nguồn cầu cố định, chủ yếu là Nhật Bản và Châu Âu. Trinh Lượng chỉ coi đây như việc làm để giết thời gian. Họ không lo nghĩ về sinh kế. Cuộc sống cũng đơn giản.
Trinh Lượng gắn bó cuồng nhiệt với ngành nghề thủ công lâu đời này, hiển nhiên là còn mục đích khác. Nó đi ngược lại thời đại thần tốc và huyên náo hiện nay, mà bà lại đang muốn giật lui. Nói cách khác, bà định thử nghiệm một phương thức chạy trốn, cái giá phải trả là cuộc sống phiêu bạt vô định không chốn nương thân, xa cách với con người và xã hội.
5
Năm cô mười ba tuổi. Trinh Lượng nói, Tín Đắc, chúng ta đến Lâm Viễn nhé.
Sẽ ở đó bao lâu, cô hỏi.
Không biết, Trinh Lượng đáp. Có khi ở luôn. Tõi sẽ mở một cửa hàng, em đi học và kết bạn. Em đã lớn rồi.
Dãy Thanh Viên như một bức tường thiên nhiên sừng sững ngăn cách, biến thành cổ Lâm Viễn thành một buồng tim biệt lập. Núi đồi trập trùng nối tiếp, ngoằn ngoèo uốn lượn, trồng đầy trúc, phong, dương, tùng bách, long não, xanh tươi bốn mùa. Trên đỉnh núi có chùa Thanh Viễn cổ kính hoang phế. Hồ Thanh Viễn sóng gợn lăn tăn, hè mưa đông tuyết, mở rộng vòng tay đón thế nhân. Thành phố này chia làm bốn màu rõ rệt. Mùa xuân đào hồng liễu lục, mùa hè sen phủ mặt hồ, mùa thu hoa quế hương đưa, mùa đông lạp mai khoe sắc. Thiên nhiên mang lại cho con người nơi đây tâm trạng yên bình và biết tận hưởng mỗi thời khắc sống. Thưởng hoa, uống trà, ngắm trăng, ngóng hồ, nghe nhạc, chèo thuyền, du ngoạn, chơi đùa.
Do mối quan hệ tương hỗ không thể tách rời ấy, thiên nhiên Lâm Viễn thoát được cảnh ngộ bị con người hủy hoại. Phần lớn thành phố vẫn đang tiến bước, một số khu vực thì đã chết, điều này giúp nó bảo lưu sắc thái cổ kính, giữ gìn được nét tôn nghiêm. Lâm Viễn có chỗ dựa có điểm tựa. Nó không phải thành phố được xây đắp hoàn toàn mới trên đất hoang chẳng có gì ngoài buôn bán. Cũng không phải là một thành cổ bị phá hủy nặng nề để cuối đời thương tích trầm trọng ngơ ngác thất thần như Kỳ Chiếu.
Ngõ nhỏ lát đá xanh, nhà cao vườn rộng, hồng leo ló đầu tường, chợ, không khí ẩm lạnh, mùi cuộc sống chất phác. Người ở thành phố khác đến Lâm Viễn du lịch, khuấy động một hồi rồi đi, người mới lại đến. Lâm Viễn chưa bao giờ hẫng hụt vì tĩnh lặng, cũng chưa bao giờ quay cuồng trong náo nhiệt. Giống như công viên giải trí khi chiều tối, cho dù hội hè đèn đuốc tưng bừng liên miên bất tận, thì vẫn là nơi cách biệt với huyên náo trần gian. Lâm Viễn là một thực thể độc lập lánh đời, nhưng vẫn đầy đủ khả năng giao tiếp.
Trinh Lượng nói, đời người ngắn ngủi, thời gian hữu hạn, vì vậy cố gắng xe dịch xem xét nhiều nơi, gặp được nơi nào yêu thích thì dừng chân.
Bà chọn ở lại thành phố này.
Mười ba tuổi. Cô là thiếu nữ có ánh mắt trong trẻo vẻ mặt già dặn. Mê mải vẽ đường kẻ đen thật mảnh trên mí mắt. Quan sát sự vật và con đường xung quanh, cảnh giác nhạy cảm. Đêm khuya trở dậy, ngửa mặt nhìn vòm không trăng sáng tìm hiểu sự uyên áo của ngân hà, đồng thời cũng thích thú với con mèo hoang lững thững trong rừng trúc, hoa ưu đàm trắng nở bừng trên hiên đêm, đom đóm đậu nghỉ giữa lùm hoa bóng nước. Chạy dưới mưa, tìm nấm trong rừng rậm chẳng có đường mòn, cởi quần áo vẫy vùng cùng nước hồ mênh mông. Và cả váy phồng, âm nhạc, thi ca, đọc sách, vẽ tranh, xem phim, du lịch. Khát khao kết bạn, mở đường tình cảm.
Quen chân trần trèo cây, treo một chiếc xích đu buộc bằng dây mây giữa những thân hòe to cao. Đan bồ công anh làm vòng tay, tết nhành liễu thành vòng nhỏ. Nhuộm móng tay chân bằng nước ép hoa bóng nước. Ăn cánh đỗ quyên tươi, nhai cành xoan hôi non mềm. Tán phấn trắng lên vùng giữa chân mày và mí mắt, như mặt nạ tuồng.
Cô theo Trinh Lượng phiêu du khắp nơi. Nếu ở thành phố, sẽ được cắp sách đến một trường dân lập. Nếu ở vùng xa xôi hẻo lánh thì ngưng học hành, trừ nhận mặt chữ và tập đọc. Thời gian còn lại đều để trải nghiệm thực tế: đường sá gập ghềnh, ăn ở đi lại, quan sát tiếp xúc với ngôn ngữ văn hóa con người khí hậu thực vật của các vùng miền khác nhau. Mở hết mọi giác quan, hấp thu tất cả. Trinh Lượng luôn cởi mở với cô. Bôn ba phiêu bạt, lang thang đây đó, chứng kiến những sự vật hiện tượng không tài nào tin được. Họ vừa náo nức tò mò, lại vừa điềm nhiên bình thản với mỗi vùng đất đi qua, sẵn sàng giã từ, lại cũng sẵn sàng nấn ná.
Cô nói, chắc hẳn lối sống của con người ta định hình từ thuở ấu thơ, bởi ngay từ hồi ấy tôi đã rất phóng khoáng cởi mở. Trinh Lượng và tôi, tuy là hai cá thể, nhưng không hề tách biệt hay khép kín. Thực tế chúng tôi luôn mở rộng lòng mình với mọi người và với các hành trình.
Vì thế. Năm mười ba tuổi, cô không phải là tờ giấy trắng chưa mang dấu tích vạch vẽ nào nữa, mà là chất lên men sau thời gian dài di chuyển và ăn ở tạm bợ. Không được đào tạo bài bản, nhưng thành thạo ngôn ngữ vá cách thức biểu đạt của nhiều vùng miền khác nhau. Không máy móc duy trì bất cứ một quan điểm cố định nào về thế giới. Cảm thấy quan hệ biện chứng giữa hai mặt trái phải và tính đối lập mâu thuẫn trong mỗi sự vật đều là hợp lý.
Cô được gửi tới một trường dân lập ở Lâm Viễn. Từ nhỏ cô đã có một cái tên tiếng Anh, Fiona, phát âm gãy gọn đẹp đẽ, là do Trinh Lượng chọn cho. Bà tin rằng sự giao lưu văn hóa với nước ngoài sẽ làm phong phú thêm khả năng cảm thụ của con trẻ. Cho cô học tiếng Anh, còn thời gian thì học yoga, múa ba lê, trượt băng, bơi lội, dương cầm, quốc họa, thư pháp... Vừa tiếp xúc và tận hưởng các lĩnh vực khác nhau cho vui, vừa vun xới và hun đúc tâm hồn thông qua quá trình rèn luyện.
Trẻ con trường này đều xuất thân từ gia đình khá giả. Khi xuất hiện ở bữa tiệc đón học sinh mới, trên tóc cài một bông thục quỳ, cô có cảm giác rất phi thực, thấy mình không ăn nhập gì với xung quanh, hệt như một loài cá từ dưới sâu đại dương vừa nhảy vọt lên khỏi mặt nước. Toàn thân ướt và tanh, dồi dào sức sống. Trên cổ là sợi dây đỏ mà Trinh Lượng đeo cho từ nhỏ, xỏ qua một chiếc nanh chó bằng bạch ngọc. Đã lên nước óng ánh. Đôi mắt một mí lạnh tanh, trong veo, đen láy. Ánh nhìn lạnh nhạt kiêu kì, hiếm khi nở nụ cười.
Trang Nhất Đồng mau chóng trở thành người bạn đầu tiên của cô. Cậu là người trong vùng, lớn hơn cô một tuổi, say mê cô vô cùng. Cô biết mình đã chinh phục được cậu. Sâu trong tâm hồn, cô là một thiếu nữ cô độc.
Cậu hỏi, Fiona, mẹ em là nghệ sĩ phải không? Trong lễ kỉ niệm thành lập trường, cậu đã trông thấy Tranh Lượng. Bà không chú ý ăn vận, đến dự buổi lễ long trọng trong chiếc áo nỉ màu lam khói tự may, không trang điểm, khuôn mặt gầy sắt se, tóc mai cài một bông thạch trúc màu trắng. Thoáng trông cũng biết hai mẹ con họ là người vùng khác, đến ngụ cư ở đây. Cô nói không, mẹ chỉ dệt vải thôi. Nhưng không định giải thích cụ thể vì sao lại là dệt vải.
Cô thấy bố mẹ của các bạn học quây lại chuyện trò rôm rả, riêng Trinh Lượng đứng một chỗ thờ ơ thong thả nhìn đám đông. Cuối cùng bước ra khỏi cửa, tay cầm một ly sâm banh, tay kia rút điếu thuốc cắm vào giữa hai hàm răng, châm lửa hút, không để bản thân phải khó xử. Từ nhỏ cô đã quen với hình ảnh một Trinh Lượng lẻ loi cô độc nhưng ung dung tự nhiên. Mẹ là nghệ sĩ ư? Cô không biết. Trinh Lượng điềm tĩnh kiệm lời, chưa bao giờ để ý đến đánh giá bên ngoài hay người khác, cũng không sốt sắng lấy lòng đám đông. Công việc của bà có giá trị, nhưng đi ngược trào lưu, chỗ đứng nhỏ hẹp. Tuy thế, họ sống một cách thực sự. Đây là điều duy nhất mà Trinh Lượng chú trọng.
Thi thoảng, giữa họ nảy ra cuộc đối thoại như sau:
Tín Đắc, ở trường em chỉ cần tìm bạn để chơi cùng thôi. Thi cử điểm chác thế nào, đấy không phải là mục tiêu đi học.
Vậy sau này con không cần lo đến việc vào được trường đại học tốt, tìm được việc làm tốt hay sao?
Nếu đủ khả năng, đương nhiên em sẽ vào được trường tốt. Quan trọng là em phải tự xác định xem có cần thiết không. công việc cũng vậy.
Từ giọng điệu của Trinh Lượng, cô nhận ra bà không hề bận tâm dù cô trượt đại học hay thất nghiệp. Cô không muốn tương lai rồi giống mấy súc vải dệt của Trinh Lượng, đẹp đẽ mát mẻ đấy, mà hoàn toàn vô dụng với thế gian. Lối sống lẻ loi trái khoáy này không hợp thời cuộc. Cô muốn sưởi ấm mình bằng việc hòa nhập đám đông, cho dù chưa hiểu rõ phải đi thế nào đi đến đâu. Trước hết gắng sức học hành, đáp lại tình bạn của Nhất Đồng, bỏ công bỏ sức để bản thân được ấm áp. Cô nói, tôi chờ một cơ hội để được vào cõi người.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.