Xuyên Thành Thái Tử Phi Bị Mất Nước

Chương 33:




Thái tử đang bị thương, phải ăn những món có nhiều chất đạm. Trước khi Lư thẩm từ ruộng về, Tần Tranh đã bỏ chân giò và đậu nành vào nồi hầm.
Chân giò đã trụng qua nước sôi và xào sơ với nước màu trước khi cho vào nồi hầm cùng đậu nành. Trong nồi canh sôi sùng sục, miếng chân giò đã được chặt nhỏ chuyển thành màu nâu vàng rất đẹp, đậu nành được hầm nhừ cũng chắc mẫm, tròn vo. Hơi nước bốc lên nghi ngút mang theo mùi hương thơm phức.
Lúc ăn cơm, Tần Tranh để ý thấy thái tử ăn nhiều hơn nửa chén so với thường ngày, hẳn là món chân giò hầm đậu này hợp khẩu vị của y.
Ăn cơm xong, Tần Tranh định ra ngoài như đã hẹn với Lâm Chiêu thì thái tử đột nhiên lên tiếng hỏi: “Thuốc sáng nay nàng không sắc theo đơn mà ta nói à?”
Bước chân đang cất lên của Tần Tranh thoáng khựng lại, cô đưa lưng về phía y, im lặng một lát rồi đáp: “Thiếp đã hỏi đại phu, ông ấy nói nếu tăng liều lượng của thuốc, tuy trong thời gian ngắn sẽ cho tác dụng thần tốc nhưng về lâu dài sẽ làm suy nhược cơ thể. Tướng công, ngày tháng còn dài, chúng ta vẫn có thời gian nên cứ điều dưỡng theo đơn thuốc mà đại phu kê trước đó đi.”
Thuốc đắng chát, mùi lại nồng, Tần Tranh nghĩ thái tử uống cũng không thể nếm ra lượng thuốc bên trong, có lẽ phải uống xong một lúc lâu, phát hiện hiệu quả không bằng lúc trước thì mới phát hiện cô đã thay đổi đơn thuốc.
Sau khi nghe Tần Tranh nói thế, thái tử không nói gì thêm, cô cũng không đoán được ý của y nên bảo: “A Chiêu đang đợi thiếp, thiếp đi trước đây.”
Cô bước chân ra khỏi phòng. Gió xuân ùa qua, hoa trên cây hòe già ngoài sân rơi xuống lả tả như tuyết, có những đóa bay cả vào trong nhà. Lúc bước qua bậc cửa, làn váy màu xanh đậm của Tần Tranh phất qua những bông hoa rụng trên đó. Mái tóc đen huyền nhẹ nhàng phất phơ trong gió nhẹ như những gợn sóng lăn tăn trong làn nước xuân.
Thái tử nhìn theo bóng lưng của cô, hơi thất thần.
Sống hai đời, đây là lần đầu tiên có người quan tâm cơ thể y có chịu được tác dụng mạnh của thuốc hay không.
Chinh chiến nhiều năm, y từng hứng chịu vô số vết thương lớn nhỏ, nhưng trên chiến trường thời gian là quý nhất, tất cả mọi người đều thúc giục y tiến về phía trước, chưa từng có ai bảo y cứ từ từ mà đi.
Để thương tích mau lành trong thời gian ngắn nhất, trước nay y đều dùng thuốc cực mạnh.
Thái tử nhìn cảnh xuân mơn mởn bên ngoài, có lẽ… đời này có thể bước chậm lại.
Ngón tay vô thức muốn vân vê thứ gì đó nhưng sờ lên trống không, trên cổ tay y không có gì cả.
Xâu chuỗi phật đeo trên cổ tay suốt hai mươi tám năm đã theo y chôn vào hoàng lăng ở kiếp trước rồi.
——
Tần Tranh ra khỏi nhà không bao lâu thì nhìn Lâm Chiêu và Hỉ Thước đang xách hộp cơm, đứng đợi ở đầu đường.
Lâm Chiêu thấy cô đeo giỏ trúc, tay cầm cây cuốc nhỏ thì cười hì hì: “A Tranh tỷ tỷ làm gì cũng đẹp!”
Tần Tranh lườm nàng ta một cái: “Được rồi, đừng trêu ta nữa, đi thôi.”
Nếu đã nói là đi đào cây cỏ về đuổi côn trùng thì phải làm cho giống.
Lâm Chiêu bảo Hỉ Thước giúp Tần Tranh cầm những thứ này. Tần Tranh thấy chủ tớ hai người đều xách hai hộp cơm to đùng trông khá nặng bèn từ chối, nói giỏ trúc và cái cuốc không nặng.
Sắc trời quang đãng, thời tiết mát mẻ, cây cỏ xanh tươi, chim chóc hót líu lo không ngừng khiến sơn trại như chốn thế ngoại đào nguyên.
Lúc lên sơn trại, Tần Tranh bị che mắt, bây giờ theo Lâm Chiêu ra ngoài mới kinh ngạc cảm thán Lưỡng Yến Sơn quả là có địa thế hiểm trở.
Bên trong Lưỡng Yến Sơn là một hố sụt khổng lồ, vách hố cao mấy mươi trượng, là vách đá dựng đứng không có cây cỏ nào mọc nổi. Người đời trước đã xây dựng một con đường nhỏ trên vách núi để thông ra bên ngoài.
Tần Tranh phát hiện con đường này dùng phương pháp đặt trụ nghiêng để chịu trọng lượng. Có nghĩa là đục một lỗ ngang trên vách đá, đút trụ gỗ vào để làm xà ngang. Sau đó dưới cái lỗ ngang kia đục một lỗ xiên theo chiều thẳng đứng khiến cho phần xà đứng đút vào trong lỗ trở thành điểm đặt lực, đầu kia thì đỡ lấy xà ngang, như vậy sẽ tạo ra thế vững chắc nhờ ba điểm đặt lực hình tam giác.
Trước kia Tần Tranh chỉ nghe nói đường gỗ thời xưa còn có thể chạy được xe ngựa, ban đầu mục đích là để vận chuyển lương thảo, giống như đường cao tốc ở hiện đại vậy.
Cô cũng từng đến thăm những con đường xây trên vách đá nổi tiếng, tuy đã được người đời sau trả về với dáng vẻ nguyên thủy của nó nhưng vẫn thua xa cảm giác kinh ngạc và thán phục mà con đường phía trước mang lại cho cô. Con đường này rộng đủ để bốn người đi thoải mái, ở những nơi độ dốc hơi thoải còn xây nhô ra để làm nơi ngắm cảnh.
Tần Tranh sờ vào thanh gỗ làm rào chắn, cảm thán: “Trí tuệ của người xưa không kém gì trình độ của hàng ngàn năm sau.”
Kỹ thuật xây dựng của đời sau không ngừng phát triển nhưng đó là dựa trên nền khoa học công nghệ cao. So với con đường dùng những công cụ thô sơ để xây dựng nên tại thời đại lạc hậu này, dường như người hiện đại cũng không có gì ưu việt.
Lâm Chiêu thì lại hiểu lầm ý của cô, tự hào nói: “Chứ sao. Nghe người già nhất trong trại kể, từ thời Đại Sở chưa thành lập, người dân dưới núi vô cùng lầm than, những tướng lĩnh kia đánh nhau suốt mười mấy năm ròng, không có lúc nào được bình an. Sau đó Bắc Nhung đến xâm phạm bờ cõi, thậm chí còn đánh chiếm hoàng thành Biện Kinh, người Bắc Nhung chém giết cướp bóc, xem dân ta như súc vật, hở tí là giết chóc. Vì thế tổ tiên của Lâm gia mới dẫn người trong tộc lên Lưỡng Yến Sơn, dựa vào địa thế hiểm trở nơi đây mà Kỳ Vân Trại chưa bao giờ bị lửa chiến tranh lan đến.”
Tần Tranh mỉm cười, không đáp lại.
Lâm Chiêu nghĩ đến dưới núi loạn lạc, lại thở dài một tiếng: “Ba trăm năm trước nhờ có Vũ Gia Đế bình thiên hạ, bây giờ không biết phải loạn lạc bao lâu nữa.”
Cô đá những hòn sỏi vụn dưới chân. “Người ta nói rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, chuột con tự biết đào hang. Đáng tiếc Vũ Gia Đế không có con cái, nếu không đời sau của ngài ấy giờ cũng là bậc thánh minh, làm gì đến lượt gã họ Lý ở Kỳ Huyện xưng vương xưng đế.”
Tần Tranh nhớ đến trong trại hiện nay có đứa cháu trai không biết mấy mươi đời của Vũ Gia Đế, tự nhiên chột dạ, chỉ nói: “Triều đại thay đổi, khí số đã tận, có điều khổ nhất vẫn là dân chúng trong thiên hạ.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.