Xuyên Việt Thú Nhân Chi Tướng

Chương 119: Trở về




Thủ lĩnh của Bối Mẫu tên là Thanh La, mắt dài mi cong, mũi thẳng môi dày, không thanh tú như á thú bộ lạc trong rừng núi, nhưng cũng không quá thô kệch như thú nhân, đúng là dung mạo đẹp hoàn hảo. Mỗi một Bối Mẫu gần như đều có diện mạo như vậy, thế nhưng Thanh La là người đẹp nhất trong đó, ở giữa hai lông mày có một nốt ruồi son, chia khuôn mặt xinh đẹp thành hai phần, khiến người ta bị mê hoặc.
Bách Nhĩ cảm thấy nếu mình yêu thích nam tử, tất nhiên cũng sẽ bị người này hấp dẫn. Đương nhiên đó chỉ là nếu như mà thôi, tuy hiện tại y đã chấp nhận Đồ, thế nhưng không có nghĩa y sẽ có cảm giác tương tự thế với các nam nhân khác.
Thanh La không có sự kiêu ngạo như á thú thông thường, lời nói của y ôn hòa, thân thiết, khiến người ta bất giác sinh hảo cảm. Thế nhưng Bách Nhĩ lại cảm thấy một cảm giác quen thuộc đã lâu không gặp ở trên người y. Chẳng qua sau cái vẻ thân thiết đó là một nụ cười dối trá, không để lộ ra sự lãnh đạm, dưới đôi mắt xinh đẹp kia là sự u ám và tính kế, trong phút chốc Bách Nhĩ có cảm giác như quay ngược lại thời gian, giao tiếp cùng mấy tên quan lại lõi đời, sự cảnh giác lười biếng lâu nay lập tức thức tỉnh.
Vẫn duy trì tính thật thà của đại lục thú nhân mà hỏi thẳng Thanh La vài câu, từ miệng đối phương biết rằng họ chưa từng gặp Đồ, Bách Nhĩ nói cảm ơn rồi rời đi, nhưng trong lòng lại hạ quyết định, đi tìm đảo Bối Mẫu.
Bối Mẫu chỉ ở lại tụ hội một ngày, bọn họ vốn tới trễ, lúc này bộ lạc muốn tới cũng đã tới đủ, người tình nguyện đi theo họ rất nhanh chóng được chọn ra, cũng không nhiều, chỉ là năm sáu người, đều là thú nhân không có người nhà, tới từ bộ lạc xa xôi. Bởi vì để ý nhóm Bối Mẫu này, nên Bách Nhĩ lập tức nhận ra mấy bộ lạc ở gần lại không có một thú nhân nào tiến lên tìm bạn đời, điều này càng làm cho sự hoài nghi trong lòng y sâu hơn.
Lúc Bối Mẫu rời đi là chiều tối, họ lại kết thành một vật màu trắng, để các thú nhân ngồi ở trên, sau đó rời bờ biển. Bách Nhĩ dặn đám Kỳ Hạ vài câu, nói với họ, y sẽ rời đi vài ngày, để họ nhân dịp y không ở đây, tiếp tục thám thính chuyện mất tích của Đồ, đồng thời tìm nguyên liệu để làm thêm hai cái bè, tới lúc đó để chở đồ vật mang về. Cổ ngược lại muốn đi cùng, nhưng Bách Nhĩ không đồng ý, dù sao đối mặt với chủng tộc y chưa nắm rõ chi tiết, mà lại ở trên biển lớn, dù Bách Nhĩ tự cho mình võ công không kém cũng không dám chủ quan.
Nhìn sắc trời tối đi, Bách Nhĩ mang theo nón, áo mưa để ngừa trời đột nhiên đổ mưa, tìm tới bè trúc họ giấu trong bãi đá ngầm, không lấy sào trúc, cứ như vậy đứng ở đầu bè, dùng nội lực truyền xuống dưới chân, điều khiển bè nhanh chóng đuổi theo hướng Bối Mẫu biến mất. Tốc độ Bối Mẫu đi cũng không nhanh, chỉ non nửa canh giờ đã thấy dấu vết của vật màu trắng trong đêm đen. Bách Nhĩ hạ tốc độ xuống, đi xa xa ở phía sau. May mà hôm nay không đổ mưa lớn, nếu không sao có thể thuận lợi như vậy.
Có lẽ là chưa từng lo lắng có người có thể theo dõi họ trên biển, nên các Bối Mẫu căn bản không chú ý đàng sau, còn vài thú nhân kia, bởi vì lúc này bị vây giữa biển khơi rộng lớn, đen kịt, vô bờ bến, khiến hưng phấn ban đầu khi được lựa chọn của họ biến thành run sợ, là sợ Bối Mẫu tản ra làm họ rơi xuống biển, nên làm gì còn tâm tư đi chú ý chuyện khác.
Đi một đêm như thế, thời điểm mặt trời dần mọc lên ở phía Đông, phía trước rốt cuộc hiện ra một hòn đảo có núi cao thác ghềnh, và rừng cây nhiều màu sắc. Cái tiểu đảo đó rất lớn, giống như một mỹ nhân nằm nghiêng trong biển. Bách Nhĩ thấy các Bối Mẫu tới gần tiểu đảo, y vội vàng ngừng lại, mãi tới khi bọn họ mang theo thú nhân lên bờ, biến mất ở giữa đá ngầm thật lâu, mặt trời cũng tỏa ra ánh nắng đầu tiên, Bách Nhĩ mới chậm chạp lướt bè đi qua.
Giấu bè trúc trong động do đá ngầm hình thành, đầu tiên Bách Nhĩ ngưng thần im lặng lắng nghe, xác định phụ cận không có người canh gác ngầm, y mới đặt chân lên tiểu đảo. Nhóm Bối Mẫu lên bờ ở chỗ khối đá ngầm bằng phẳng, bởi vậy kéo dài ra một con đường, khi đi qua đá ngầm lởm chởm, đồ sộ, lối ra chính là cánh rừng rậm rạp. Những cây cổ thụ to lớn và cây bụi thấp bé đan xen lẫn nhau, ở giữa có dây leo rủ xuống, quấn quanh, khiến người ta không phân biệt được đâu là đường đi. Bách Nhĩ dụng tâm quan sát một lát, mới lần theo dấu vết vệt nước trên đất và phiến lá của cây bụi mà đi. Y đã chịu đủ khổ cực với thực vật trên đại lục, nên khi nhìn thấy cây cối sặc sỡ trên hòn đảo này, khiến y không khỏi đề cao *** thần.
Đi được khoảng một khắc, vệt nước trên đất không thấy nữa, nhưng may mà cây cối thưa thớt dần, đường cũng hiện ra. Lại đi thêm một canh giờ, xuyên qua một khe núi, phía trước thông thoáng rộng mở, đúng là một mảnh đất mênh mông, bằng phẳng, rộng gấp đôi chỗ của bộ lạc họ. Điểm bất đồng với chỗ của họ là, nơi này chỉ mọc cây cối cao lớn, không có cỏ, có thể nhìn thấy cát trắng ở dưới đất. Mà điều khiến Bách Nhĩ kinh ngạc là, ở giữa thung lũng có một cung điện bằng đá đang được xây dựng, đã dần dần hiện ra hình dáng đại khái. Không ít thú nhân đang bị á thú cầm roi da lùa, giống như những con kiến bận rộn dựng tường thành bên ngoài. Ở trên cơ thể thú nhân không có một mảnh vải che thân, một bên vai lại có một sợi xích đen rủ xuống, kéo dài trên đất, nhìn thú nhân từng bước đi qua, dây xích kéo trên cát đá, liền biết trọng lượng không nhẹ. Không ngờ thú nhân bị đưa tới đây lại rơi vào kết cục như vậy.
Bách Nhĩ lập tức nhớ tới Ưng tộc ở thảo nguyên phương Nam, nghe nói họ cũng đối đãi như thế với tù binh, liệu có phải Bối Mẫu ở ngoài khơi này có liên quan tới Ưng tộc? Trong phút chốc, y không khỏi cảm thấy may mắn khi mình theo đến, nếu không chỉ e sau này thú nhân bộ lạc ở rừng núi đều sẽ bị đưa tới đây.
Không gây ra tiếng động tới gần thung lũng, y tìm cây cổ thụ to cao vút, nhanh nhẹn trèo lên, sau đó nấp trong tán lá, từng bước từng bước tìm kiếm trong các thú nhân. Nhìn tình cảnh thê thảm của thú nhân như vậy, y không biết có nên chờ mong tìm thấy Đồ ở đây không. Còn việc giúp các thú nhân này trốn thoát, y ngược lại không suy xét tới. Thứ nhất, những thú nhân này là tự nguyện tới đây, tuy trong đó có yếu tố lừa gạt, nhưng ai biết được hiện tại suy nghĩ của họ là như thế nào. Thứ hai là, mấy người này là người bộ lạc khác, y không có lý do để can thiệp. Mà điều quan trọng nhất là, y không muốn khi bộ lạc mình còn chưa lớn mạnh đã khiêu khích sự chú ý của Ưng tộc phương Nam. Không nói tới mặt khác, chỉ riêng cách cùng dùng dây xích màu đen xuyên qua xương bả vai, nếu nói Bối Mẫu không liên quan tới Ưng tộc, thế nào y cũng không tin đâu. Mà khi một vài thú nhân được tự do, xum xoe trước mặt Bối Mẫu, cùng ức hiếp đồng loại của mình tiến vào mắt y, Bách Nhĩ lại càng khẳng định suy nghĩ này.
Ở trên cây thật lâu, thời điểm mấy thú nhân kia đi nhận đồ ăn, Bách Nhĩ nhìn kỹ từng người một, nhưng trong đó không có Đồ. Chờ đêm đen buông xuống, các thú nhân bị xua về huyệt, mãi tới khi trên sân xây dựng không còn một bóng người, y mới xuống cây, vào rừng đánh một con thú con, nướng ăn, rồi tìm một chỗ nghỉ ngơi qua đêm. Ở trên đảo ba ngày, gần như lật hết khắp nơi, không chỉ là thú nhân bị bắt lao động, mà cả mấy thú nhân được Bối Mẫu chọn làm bạn đời, y cũng xem xét từng người một, thậm chí còn bắt người thẩm vấn, nhưng cũng không tìm được tung tích của Đồ. Y không thể không tuyệt vọng, chán nản trở về. Nhưng ba ngày này cũng không tính là uổng phí, chí ít ở trên đảo, y đã thấy một ngọn núi lớn có đầy hắc thạch, bởi vậy y đoán ra, đây rất có khả năng là mấu chốt để Bối Mẫu hợp tác với Ưng tộc. Có điều khi nhìn thấy cỏ Diệp Bạch Huệ ở trên hắc thạch, vết xe đổ còn đó, trong lòng y vẫn thấy sợ hãi, không dám tới gần.
Lúc trở lại bãi biển đã là sáng sớm của ngày thứ tư, Tiểu Cổ và các thú nhân đều sốt ruột chờ, bọn họ làm được ba cái bè, đang chuẩn bị để người chèo bè mới tìm y trên biển. Bách Nhĩ thấy bè họ làm không phải là trúc, cũng không phải là gỗ, mà là dùng xương của một loài động vật biển làm thành. Xương động vật biển kia rỗng ở trong, lại nhẹ, làm bè đúng là hoàn hảo hơn trúc. Tâm tình buồn rầu do không tìm được người của Bách Nhĩ khi nhìn thấy vật này cũng tốt lên chút ít. Y biết những thú nhân này vì yếu tố hoàn cảnh nên thiếu một chút kiến thức, nhưng một khi cho họ ý tưởng, họ có thể làm ra thứ tốt hơn cả vật ban đầu. Bởi vậy sau này y thường đưa ra một vài thứ kiếp trước mình thấy, để họ suy nghĩ tiếp.
Ở bờ biển đổi được không ít đồ, ba bè chở lại vừa vặn, còn dư một bè trống. Đoàn người cáo biệt tộc trưởng bộ lạc họ tá túc, chèo bè quay trở về theo đường thủy như khi tới. Trên đường, Bách Nhĩ kể cho họ nghe chuyện mình thấy trên đảo Bối Mẫu, khiến cho các thú nhân vốn có suy nghĩ lần sau đem theo bạn bè trong bộ lạc mình đến tìm bạn đời đều đổ một thân mồ hôi lạnh, nào còn dám có ý nghĩ đó nữa.
“Mấy bộ lạc gần bờ biển có lẽ biết gì đó, nếu không sao thú nhân bộ lạc họ không đi.” Bách Nhĩ nhìn Chiêm, nói.
Chiêm cũng đang sợ hãi không thôi khi nghe thấy tin tức vừa rồi, nghe y hỏi, hắn ngẩn ra một hồi mới phản ứng lại “Không nghe thấy họ nói tới… Chuyện ngươi nói, hình như đúng vậy, trước kia lúc chúng ta tới đây cũng chưa từng thấy thú nhân bộ lạc họ đi cùng Bối Mẫu.” Nói tới đây, hắn lại cảm thấy có chút rối rắm “Nếu họ biết, sao lại không nhắc nhở thú nhân bộ lạc khác?” Không có ai trả lời vấn đề này, bởi vì nếu ngay cả Chiêm cũng không rõ, thì những người khác lại càng không biết. Có điều việc này ngược lại khiến người ta dâng lên cảnh giác, các thú nhân vốn nghe người ta nói gì cũng tin, trong lòng chợt cảm thấy có chút khủng hoảng.
Bởi vì ngược dòng mà đi, nên tốn thêm hơn một ngày mới tới được bộ lạc Thanh Hà, lúc đó là buổi chiều, thú nhân ra ngoài săn thú chưa về, nên đoàn người ở lại bộ lạc Thanh Hà ngủ một đêm. Hôm sau, toàn bộ lạc thu dọn hành lý, để thú nhân cõng người già, trẻ em, người tàn tật xuống núi, lưu luyến chốn cũ mà đi lên bè, tới bộ lạc Bách Nhĩ. May mà các thú nhân lúc ở bờ biển làm dư một cái bè xương, nếu không sẽ chở không đủ nhiều người như thế này, không chừng còn phải bỏ lại một vài vật phẩm, hoặc là đi thành hai chuyến.
Trong quá trình trở về, lúc đi qua bộ lạc Tháp Tháp và bộ lạc Đại Sơn, đám người Bách Nhĩ cũng không nán lại lâu, trả thú nhân hỗ trợ, đồng thời gỡ một ít vật phẩm đổi ở bờ biển để cảm tạ. Mặc dù như vậy vẫn tốn hơn mười ngày mới trở lại thung lũng.
Đoàn người còn chưa tiến vào thung lũng, người ở bên trong đã biết, Tát mang theo vài người chèo bè trúc ra đón. Bọn họ không ngờ Bách Nhĩ đi ra ngoài một chuyến, không chỉ mang về rất nhiều thứ họ chưa từng thấy qua, mà còn mang về một nhóm người, nên ai nấy đều rất vui mừng. Chỉ có Tát khi đảo mắt qua bốn cái bè, không thấy bóng dáng của Đồ, trong mắt gã vẫn ảm đạm đi một chút.
“Ở ngoài sắp xếp thú nhân canh gác à?” Bách Nhĩ thấy họ phản ứng nhanh như vậy, có chút kinh ngạc.
“Ừ. Như thế an tâm hơn.” Tát đáp, không hỏi tới chuyện của Đồ, gã biết nếu tìm được Đồ, Bách Nhĩ sẽ tự nói ra, nếu không tìm được, hỏi tới chỉ làm đối phương thương tâm hơn thôi “Ta muốn dựng một trạm canh gác ở lối ra vào đường sông, để tránh người ta xông vào mới biết được.”
Không ngờ suy nghĩ của gã chu đáo như vậy, Bách Nhĩ cảm thấy mình đề cử gã làm tộc trưởng quả thật không sai, vì thế y không khỏi cười nói “Vậy rất tốt.”
“Cười khó coi như vậy thì thà rằng đừng có cười.” Tát thản nhiên liếc Bách Nhĩ, nói. Từ sau khi Đồ rời đi, dù Bách Nhĩ có cười, thì ý cười rất hiếm khi hiện ở trong mắt.
Nghe vậy, khóe môi Bách Nhĩ hiện lên một nụ cười khổ.
“Những thứ mang về đều giao cho ngươi sắp xếp, ta nghỉ mấy ngày, để còn tiếp tục ra ngoài nữa.” Y chuyển đề tài “Ngươi muốn cái gì, có thể nói cho ta biết, ta sẽ để ý ở bên ngoài.”
“Trong bụng ngươi còn có thú con đấy, sao có thể chạy khắp nơi suốt như vậy được?” Tát có chút không tán thành.
Lúc này bè đã tới rừng trúc, trên bờ có rất nhiều người, đều là tới đón bọn họ, nhóm người Duẫn, Nặc, Mục, Mạc, còn có không ít á thú. Lúc người bộ lạc Thanh Hà thấy trong đó có rất nhiều thú nhân tàn tật, tâm tư vốn buộc chặt không khỏi âm thầm thả lỏng ra.
“Bách Nhĩ! Bách Nhĩ!” Mục nhảy nhót ở trên bờ, hận không thể nhảy thẳng lên bè.
Bách Nhĩ vốn muốn nói gì đó thì chợt dừng lại, mũi chân đạp lên bè, rồi nhảy lên bờ, một tay ôm lấy Mục đã nhào tới “Thời gian ta ra ngoài, các ngươi có ngoan không?” Y cười, hỏi Mục và các tiểu thú nhân đã xúm lại.
“Ngoan, chúng ta đều rất ngoan. Chúng ta vẫn chăm chỉ học tập với luyện công.” Mục không suy nghĩ đã gật mạnh đầu, cuối cùng còn không quên bắt Duẫn tới làm nhân chứng “A phụ, có phải không?”
Duẫn hừ một tiếng, đưa tay chuẩn xác kéo Tiểu Mục bám trên người Bách Nhĩ xuống “Nói với con bao nhiêu lần rồi, trong bụng Bách Nhĩ có thú con, không được nhào vào người y như thế nữa.”
Mục bị dạy dỗ, liền cúi thấp đầu, có chút bất an liếc qua cái bụng còn bằng phẳng của Bách Nhĩ, mấy tiểu thú nhân khác thấy thế, đều nhịn không được che miệng cười trộm, âm thầm cảm thấy may mắn mình không có nhào lên cùng Mục, nếu không chắc chắn sẽ bị mắng cho một trận.
“Không sao đâu.” Bách Nhĩ xoa đầu Mục, cười nói với Duẫn.
Y đã nói như vậy, Duẫn đương nhiên không thể tiếp tục giáo huấn con trai mình, chỉ là tai hắn giật giật, ở trong tiếng người hỗn độn không có nghe thấy giọng nói mình chờ đợi, trong lòng hắn không khỏi thở dài. Nặc đứng bên cạnh Tát cũng quét một vòng trên bốn bè, sau đó không hỏi cái gì, chỉ nói “Đi về nghỉ ngơi trước đi.”
Biết họ quan tâm mình, trong lòng Bách Nhĩ cảm thấy ấm áp, cũng không nói nhiều, mang theo Cổ đã lên bờ, đi tới bên cạnh y về nhà đá của họ. Còn chuyện người bộ lạc Thanh Hà, đương nhiên có đám người Tát an bài rồi.
p/s: chap sau Bách Nhĩ sinh con nhé.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.