Yêu Anh Từ Bao Giờ

Chương 13:




Khi tôi đem đồ về đến nơi, bếp ga đã được đưa đến. Lúc này Thịnh đang lắp bình ga vào bếp, thái độ khá tập trung. Quay ra thấy tôi ôm thùng carton tiến lại, Thịnh bỗng nở một nụ cười, khóe miệng cong cong vừa duyên lại vừa có nét gì đó trẻ thơ. Nụ cười trong sáng trên một khuôn mặt thiên thần! Má ơi… tim tôi lại rụng mất tiêu rồi! Tôi càng lúc càng nhận ra… tôi thích nụ cười của Thịnh, thích cực kỳ luôn. Có điều… nụ cười trên khuôn mặt khinh khỉnh kia rất rất hiếm khi được Thịnh trưng ra, thế nên tôi vẫn còn an toàn lắm.
Tôi lập tức quay đi, không muốn Thịnh thấy bản thân mình đã bị nụ cười của Thịnh hạ gục. Thịnh biết tôi thích thì có để làm gì đâu, nếu biết tiếng tim tôi đập lúc này, biết tôi hồi hộp trước Thịnh thế này, chắc chắn Thịnh lại cười khẩy tôi thôi. Một đứa như tôi, vừa xấu lại vừa nghèo, như Thịnh nói là còn kiêu, thì ai mà thèm yêu chứ hic hic. Tôi có kiêu lúc nào với Thịnh không? Chắc chắn là không luôn, với ai chứ với Thịnh chắc chắn là không, nhưng mà có thế nào thì… tôi kiêu hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì với anh ta hết.
Tôi hơi buồn một chút, đặt thùng carton còn băng dính xuống trước mặt Thịnh nói:
– Tôi mua tạm đủ đồ rồi, trong này là bộ nồi chảo với thau nhựa, còn bát đĩa linh tinh tôi treo ở xe.
– OK.
Thịnh nhướng mày, tay lau sạch dầu đen bám bẩn, ném giấy lau vào thùng xốp đựng rác gần đó, dùng một dao zip rạch băng dính dán thùng xốp để xếp đồ vào gầm bàn. Chiếc bàn bếp vừa xuất hiện này được trưng dụng từ đâu tôi cũng chẳng rõ, có điều nhìn nó không còn mới, tôi đoán Thịnh khuân về từ chợ đồ cũ. Những món đồ để bên ngoài một ngôi nhà trong lúc xây dựng thì cần gì mới đâu, chỉ cần chắc chắn là được, mà cái bàn gỗ thịt này thì tôi cam đoan là chắc chắn luôn.
Bên ngoài ngôi nhà đang xây dựng này chỉ có khu vực bếp tôi đang đứng là được che mưa nắng bằng mái tôn cũ, cũng chỉ lợp tạm bợ, bao giờ xây xong sẽ phá bỏ, khi trước ở đây có mỗi vòi nước, giờ thì thành một căn bếp bên ngoài rồi.
Tôi ra xe xách mấy túi đồ, lấy cả ở trong cốp xe về bếp để sắp đặt, đơn giản gọn nhẹ vì cũng đâu phải nấu cơm khách sạn, thực đơn quan trọng là đầy đủ dinh dưỡng và vệ sinh là được. Tôi tin những người thợ xây này cũng chẳng kén cá chọn canh gì, đầu bếp như tôi cho ăn gì họ sẽ vui vẻ ăn nấy, hơn thế nữa, tay nghề đầu bếp của tôi cũng không phải quá tệ, thậm chí thời sinh viên tôi từng gói bánh chưng bán kiếm tiền vào dịp Tết nữa đó.
Một lát sau, nhìn căn bếp cũng đã ra hình dạng, sẵn sàng để mai sắp được một mâm cơm cho độ chín, mười người, Thịnh gật gù chắp hai tay ra sau lưng, dáng vẻ hài lòng. Tôi quay sang hỏi ý Thịnh:
– Sáng mai tôi sẽ mượn xe anh đi chợ nhá, mua thức ăn ở chợ rẻ với tươi hơn trong siêu thị.
– Được. Chợ ở đâu? – Thịnh nhíu mày thắc mắc.
– Chợ X ngay gần đây thôi, không biết anh có ra đó mua bao giờ không? Trước tôi ở nhà trọ cũ, ngày nào cũng đi chợ đó.
– OK. Sau này những việc như vậy không cần hỏi ý tôi, tùy cô quyết.
– Ừm… mà tôi nên làm những món gì nhỉ?
– Cô thích món gì thì làm món đó.
Sếp dễ tính thật đấy, tôi cười cười nhìn Thịnh. Vẻ ma mãnh của tôi không qua được mắt Thịnh, anh ta nhướng mày rất nhẹ:
– Có gì vui sao?
– Hihi… mai tôi làm thịt lợn luộc, rau muống luộc, tôi thích thế.
Tôi cảm thấy thoải mái nên trêu Thịnh, không ngờ Thịnh trả lời, khóe miệng nhếch nhẹ:
– Cô là người làm, nhưng tôi là người đánh giá.
Tôi xị mặt, có thế nào thì anh ta vẫn là kẻ có tiền đi thuê sức lao động của kẻ khác mà thôi. Tôi bĩu môi, bước ra bếp ga bật thử, kiểm tra kết quả lắp đặt của tên chủ hách dịch. Ừm… lửa lên xanh thế này là yên tâm rồi. Tôi gật gù tắt bếp, thế nhưng mà… bếp lại không tắt mà cứ cháy phừng phừng, mỗi lúc cháy một lớn hơn. Tôi hết hồn, mặt mũi chẳng còn hạt máu quay ra nhìn Thịnh thốt lên:
– Anh Thịnh… bếp ga không tắt được?
Tôi run rẩy, hồn vía bay đi đâu mất, chân đứng cũng còn không vững, cứ đứng đó cố gắng bật đi tắt lại. Thịnh giật mình lập tức tiến đến, ngay sau đó mặt mũi đỏ gay anh ta quát lên:
– CHẠY!
Tôi lập cập tránh sang một bên, cảm giác như cái chết đang ở cận kề, thế nhưng chẳng hiểu sao vẫn đứng yên tại chỗ, hai chân chôn chặt mà đứng nhìn Thịnh nhanh chóng khóa van bình ga. Rất may, chỉ sau vài giây kiểm soát kịp thời, bình ga đã được khóa lại, lửa cũng ngừng cháy, chưa kịp bắt vào tấm bạt nhựa phất phơ ngay phía trên…
Thịnh kịp thời ngăn nguồn năng lượng khiến ngọn lửa bị dập tắt, lại không có thứ gì vướng vào gây bắt lửa nên rất nhanh kiểm soát được nguy hiểm. Tôi chỉ biết lúc này chẳng còn chút sức lực mà ngồi thụp xuống. Thịnh cũng ngồi phịch ra đất, mặt vẫn còn vẻ tái, thở hắt ra. Tôi run run chỉ biết thốt lên:
– May… may quá!
– Sao không chạy đi?
– Tôi… tôi…
Trong đầu tôi lúc ấy chỉ biết lo lắng cho Thịnh, không muốn Thịnh chịu chết một mình. Ngốc nghếch thật đấy! Tôi chẳng biết nói gì nên cứ lúng búng, mặt cũng đỏ ửng lên. Thịnh phủi phủi mông đứng dậy, gắt nhẹ:
– May đấy, nãy lửa nó tạt vào người cho lại bỏng!
Trống ngực tôi vẫn còn đập thình thịch, cơ mà vẫn còn thắc mắc:
– Ban nãy… có khi nào nổ bình ga không?
– Nổ sao được, nổ thì có chạy cũng chẳng thoát. Chạy là chạy lửa thôi!
À… tôi mỉm cười, ra cũng không đáng sợ đến mức như tôi nghĩ. Đúng là đàn ông họ hiểu biết và mạnh mẽ thật, còn tôi thì… lúc ấy chỉ biết hoảng loạn, nghĩ chết đến nơi mà hồn vía bay tứ tung hết cả. Phùuuu!
Thịnh móc điện thoại từ túi quần, hất nhẹ hàm:
– Ra kia đi, tôi phải gọi chửi cho bọn bán bếp một trận, bếp đểu mà cũng bán!
Tôi lút cút trở lại bàn nước, quay lại thấy Thịnh mặt mũi đỏ gay quát lên qua điện thoại rồi bực bội dập máy. Nhìn cái bếp ga vừa mới mua mà tôi cũng bực chẳng kém, tôi không rõ nguyên nhân tại sao lửa lại không kiểm soát được nhưng qua lời Thịnh thì có lẽ là tại bếp. Nguy hiểm khôn lường thật đấy! Lúc ấy mà có mình tôi ở đó, không ai ngăn lửa kịp, lửa bén vào bạt rồi lan khắp nơi thì không biết sẽ ra sao nữa…
Một lát sau Thịnh cũng tiến lại bàn nước, ngồi phịch xuống. Tôi đưa cho Thịnh cốc nước mát, hỏi han:
– Họ trả lời sao hả anh?
– Đổi bếp. Chốc họ đến, để họ lắp đặt kiểm tra kỹ càng rồi mới cho đi. Tôi cũng chủ quan nên không test mấy lần.
Tôi gật đầu, nhớ ra phải cảm ơn Thịnh thì lí nhí:
– Ban nãy… may có anh khóa kịp van ấy… tôi sợ hết hồn… hic… cảm ơn anh…
– Lần sau cô xem cái van ở dưới, vặn nó lại theo chiều kim đồng hồ, nghe không? Không thể chủ quan được, cũng không đảm bảo lúc nào cũng có người ở gần… Quan trọng lúc ấy phải bình tĩnh…
Tôi gật gật, khẽ mỉm cười nhìn Thịnh, ánh nhìn chứa đựng biết ơn và cả tin tưởng nữa. Bất giác Thịnh khựng lại, gò má thoáng ửng hồng, nhìn Thịnh lúc này… đáng yêu mới chết. Tôi cũng đỏ cả mặt, lúng túng nói:
– Tôi… tôi nhớ rồi… vặn theo chiều kim đồng hồ…
– Ừm.
Thế rồi tôi và Thịnh chẳng biết nói gì nữa, cũng chẳng nhìn nhau thêm mà nhìn về phía thợ xây. Có vẻ họ không biết chuyện gì xảy ra bởi góc bếp khuất nơi họ làm việc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.