Lý lịch của Thẩm Nam Tự và người của cậu ta sạch sẽ như nhau. Bốn tuổi cha mẹ qua đời do tai nạn ngoài ý muốn, cậu ta được tổ chức phúc lợi gửi đến cô nhi viện do viện trưởng nuôi nấng đến năm mười tám tuổi. Tiểu học và trung học cơ sở đều học trường học ở địa phương, cấp ba đậu vào trường học trọng điểm thành phố A. Sau đó thi đậu vào trường đại học A với thành tích đứng thứ ba toàn thành phố, cho đến tận bây giờ.
Không nghi ngờ gì nữa, cậu ta rất xuất sắc. Bất kể là thành tích từ nhỏ cho đến lớn hay là giải thưởng các cuộc thi. Cho dù mất đi cha mẹ nhưng về mặt giáo dục thì không có bất kỳ thiếu sót nào.
Tôi càng thêm tò mò về viện trưởng của cậu ta rốt cuộc là một người như thế nào.
Mở phần thứ hai của tài liệu là phạm vi giao tiếp của Thẩm Nam Tự, vẫn đơn giản như cũ, gần như không có người thân nào có mặt trên đời.
Chỉ cần nhìn nội dung trên màn hình, sẽ khiến người khác cảm thấy cậu ta lớn lên trong sự cô đơn, có lẽ là thực tế cũng như vậy.
Tôi cứ lật từng trang một, cuối cùng cũng lật đến tư liệu của viện trưởng. Đập vào mắt đầu tiên là một tấm ảnh trắng đen, gương mặt của ông lão trên màn hình nhã nhặn, đầu tóc bạc phơ được chải một cách gọn gàng, ngay cả khi tuổi đã lớn nhưng con ngươi vẫn không vẩn đục, Ông ấy ngồi ngay ngắn trên ghế sô pha, mặc trên người bộ đồ tây trang vừa vặn, chống trong tay một cây gậy. Kế bên ông ấy là Thẩm Nam Tự năm mười hai tuổi, một tay cầm đàn vi ô lông, một tay cầm một chiếc cúp, nhìn có vẻ như là đang chụp một tấm ảnh kỷ niệm vì đã giành được giải.
Thẩm Nam Tự lúc đó ngây thơ hơn bây giờ nhiều, mái tóc mềm mềm, đôi mắt vừa đen vừa tròn, mặt còn hơi mũm mĩm, không gầy gò giống như bây giờ. Không biết tại sao, tôi luôn cảm thấy đã từng thấy cậu bé này ở đâu rồi, kể cả ông lão ở bên cạnh cậu ta, nhìn cũng có vẻ khá quen mặt.
Nhớ lại trong miêu tả của Thẩm Nam Tự, viện trưởng là một người "Nhạc sĩ đã nghỉ hưu", tiếp tục lật, tôi lại phát hiện không những như vậy.
Hai mươi tuổi trở thành tay chơi vi ô lông chính trong dàn nhạc giao hưởng hay trên nhất thế giới, ba mươi tuổi tham gia giảng dạy tại học viện âm nhạc hoàng gia Đan Mạch. Ba mươi lăm năm sau chuyên tâm vào giáo dục âm nhạc, mãi đến năm sáu mươi lăm tuổi thì nghỉ hưu về nước ở ẩn, tình cờ có duyên tiếp nhận viện phúc lợi từ tay người bạn cũ.
Nhìn chầm chầm tên trên màn hình rất lâu, cuối cùng tôi cũng nghĩ ra đã gặp ông lão này ở đâu rồi.
Ở nhà của ông ngoại tôi và tang lễ cuối cùng của ông ngoại tôi.
Ngoài ra, tôi còn nhớ đến một số chuyện khác...
"Tiểu Lộ, hôm nay là ngày sinh nhật mười hai tuổi của con, ông ngoại đã tài trợ một viện phúc lợi lấy danh nghĩa tên của con, giúp đỡ những đứa trẻ không có cha mẹ. Ông ngoại hy vọng con lớn lên bình an, khỏe mạnh, cũng hy vọng bất luận ngày tháng sau này con có được thành tích thế nào, cũng đừng quên giúp đỡ những người cần giúp đỡ."
...
"Tiểu Lộ, đến đây, đây là ông Thư, đây là bạn cũ của ông ngoại. Trước đây ông Thư là một nhạc sĩ vô cùng tài giỏi, bây giờ là viện trưởng của viện phúc lợi. Con xem bức ảnh này, chính là những đứa trẻ của viện phúc lợi đang cần sự giúp đỡ."
...
"Tiểu Lộ, chiều nay ông Thư sẽ dẫn mấy đứa nhỏ đến làm khách, con phải đối xử tốt với các em trai, em gái. Nghe nói có một cậu bé đàn vi ô lông vô cùng hay, tuổi còn nhỏ như vậy mà có thể được ông Thư khen ngợi, rất ghê gớm đó."
...
"Tiểu Lộ, đây là em trai Tiểu Vũ, con dẫn em trai đi chơi đi."
...
Ký ức dừng lại lúc lễ tang của ông ngoại. Ngày hôm đó tầng mây thấp đến nổi khiến người khác ngột ngạt. Lần đầu tiên tôi đối diện với sự ra đi của người thân, sau khi mọi người rời đi, một mình cô độc đứng trước bia mộ rất lâu.
Người cuối cùng đến là ông lão đầu tóc bạc phơ, đi cùng ông ấy còn có một cậu bé mười hai tuổi. Bọn họ yên lặng đặt một bó hoa xuống, đứng kế bên tôi không nói bất kỳ lời nào.
Mãi cho trước khi rời đi, chàng trai nhỏ đó lấy ra một chiếc khăn tay cũ sạch đưa đến trước mặt tôi, nhẹ giọng nói: "Anh trai đừng khóc." Tôi mới phát hiện không biết từ bao giờ mà bản thân lại rơi nước mắt.
Năm đó tôi hai mươi tuổi, người đưa khăn tay cho tôi là Thẩm Nam Tự mười hai tuổi.
Sau đó tôi không gặp lại bọn họ nữa.
Chiếc khăn tay đó được tôi lãng quên ở một góc ký ức nào đó, ngay cả chủ nhân của nó cũng vậy. Nếu như không phải Thẩm Nam Tự đến trước mặt tôi lần nữa, có lẽ bọn họ sẽ cứ như thế mà biến mất trong im lặng, giống như từ trước đến giờ chưa từng gặp qua.
Tôi cũng mãi mãi không biết được, đã từng có mấy lần gặp "Tiểu Vũ" nhưng thực ra là "Tiểu Tự".
Tôi mở máy tính lên, nhất thời khó hình dung được trong lòng mình là cảm giác gì.
Tôi cũng khó tưởng tượng rằng bản thân chiếm được mấy phần trong sự sống của Thẩm Nam Tự.
Sau khi ông ngoại qua đời, tôi luôn không ngừng giúp đỡ cô nhi viện, nhưng đó chỉ là một trong những dự án từ thiện đứng dưới tên tôi, đối với tôi mà nói không có gì đặc biệt. Tôi gần như nghe lời của ông ngoại làm một người giúp đỡ người khác, nhưng dường như những chuyện này không phải thói quen của tôi, và càng không giống như ngài viện trưởng kia tràn ngập sự chân thành, cống hiến cả cuộc đời mình đi chăm sóc người khác.
Nếu như Thẩm Nam Tự thích tôi xuất phát từ lòng biết ơn, vậy thì tôi không chắc, thật ra thì tôi không đáng để cậu ta thích như vậy.
Tôi nhắm mắt lại ngẩng đầu tựa vào ghế. Những kỉ niệm qua đi giống như thủy triều dâng lên chầm chậm ùa về phía tôi, mãi cho đến khi tiếng chuông điện thoại phá tan sự yên tĩnh.
Là Thẩm Nam Tự.
Tôi lấy điện thoại ra nhìn màn hình rất lâu rồi vuốt lên.. Mấy giây sau bên đó gửi tin nhắn đến: [Anh đang bận à, không phải em làm phiền anh rồi chứ?]
[Ừm.] Tôi đáp.
[Vậy em đợi anh.] Thẩm Nam Tự nói.
Nếu như nói cậu ta giống với Phó Chi Hành ở điểm nào, vậy có thể nói là sự nhẫn nại vô tận đối với tôi rồi. Thậm chí có lúc tôi không nhịn được sự tò mò, người ở lứa tuổi thiếu niên này như cậu ta sao có thể yên lặng đến mức đó chứ.
Tôi ngả người lên ghế, nghỉ ngơi được mười mấy phút thì gọi điện thoại lại.
Giọng của Thẩm Nam Tự bình thường rất dịu dàng, gần như nhận điện thoại ngay lập tức: "A lô, anh làm xong việc chưa?"
"Ừm, xin lỗi." Tôi nói.
"Không sao đâu." Cậu ta nói xong, ngừng khoảng một lát, trong giọng nói lại có chút quan tâm và lo lắng: "Nghe anh như không có tinh thần vậy, công việc mệt quá hả?"
Tôi không biết nên giải thích với cậu ta thế nào, chỉ biết thuận theo lời cậu ta: "Gần đây việc nhiều quá rồi."
Thẩm Nam Tự nghĩ đi nghĩ lại, nói: "Có muốn xem con thỏ không? Em ôm nó qua cho anh chơi."
Bỗng nhiên tôi nhớ con thỏ mà cậu ta nuôi, đã lâu rồi không gặp, có lẽ nó lại béo lên rồi.
"Được thôi." Tôi nói.
Hai mươi phút sau, Thẩm Nam Tự đạp xe đạp đến. Gần đây nhiệt độ liên tục giảm, cậu ta mặc một chiếc áo len đen cổ rộng và chiếc áo khoác dày và nặng, làm cho gương mặt càng gầy hơn. Chắc có lẽ chạy vội trên đường nên khi mở cửa ra, hơi thở của cậu ta không đều, chóp mũi có hơi đỏ. Ánh mắt hướng về tôi mang theo ý cười, đôi mắt cũng sáng rỡ.
Màn sương ban đầu bao phủ trong trái tim tôi đã bị nụ cười của cậu ta xóa đi. Tôi cũng không tự giác lộ ra nụ cười mỉm, hỏi: "Con thỏ đâu?"
Thẩm Nam Tự đi qua, kéo khóa kéo áo khoác xuống, một cái đầu lông tơ màu nâu nhạt ló đầu ra ngoài.
"Ở đây." Cậu ta cười nói.
Quả nhiên con thỏ cậu ta giấu ở trong lòng lại béo rồi. Lúc này đôi mắt đen to tròn quan sát xung quanh, vừa muốn ra ngoài, vừa sợ không dám di chuyển.
Tôi chìa tay ra sờ, thân nhiệt của con thỏ ấm hơn con người một chút, vừa nóng vừa mềm mại. Thẩm Nam Tự ôm nó ra, nói: "Em nuôi nó quá béo rồi, ngồi trong lòng rất nặng."
Tôi nhận lấy con thỏ, ôm rồi chọt chọt: "Có hơi béo."
Trong ấn tượng con thỏ đều là sợ người lạ, nhưng lần đầu tiên gặp con thỏ này đã bắt đầu ngoan ngoãn cho tôi ôm, tôi nói nó béo nó cũng không khó chịu.
"Thời Lộ..." Đột nhiên Thẩm Nam Tự kêu tôi.
Tôi quay đầu qua: "Hửm?"
Tay của cậu ta sờ mặt tôi rất nhẹ nhàng, ngón tay còn mang theo cảm giác mát lạnh bên ngoài: "Mắt anh sao lại đỏ vậy, khóc à?"