Edit: Sa
Trên tảng đá phủ rêu trong Bách Thảo Cốc, không biết cô gái từ đâu đến đang cầm con dao sắc điên cuồng khắc chữ lên tảng đá, khắc đi khắc lại cũng chỉ khắc một cái tên La Hỉ Hỉ.
Mới mười hai mười ba tuổi nhưng rất khỏe, cầm dao găm còn linh hoạt hơn cả đũa.
Nàng ấy đã tới Bách Thảo Cốc ba ngày liên tục, lật tìm khắp nơi, từ rạng sáng cho đến tối mịt, thậm chí buổi tối cũng không về.
Nó sợ hãi nấp đằng sau cái cây, cho đến khi nàng mệt lử, dao găm rơi xuống đất, ngồi bệt trên tảng đá, nó mới chầm chậm đi ra.
Nàng nghe thấy tiếng động, lập tức cảnh giác cầm con dao lên, thấy nó thì thở phào nhẹ nhõm, trách cứ: “Sao nhóc lại ở đây? Đã bảo đừng tới đây một mình rồi, trong núi có gì đâu mà chơi.”
Nó ấp úng đứng đó, bối rối kéo vạt áo của mình.
Nàng lắc đầu, đứng dậy đi tới, giơ tay: “Tới đây ngồi đi, vết thương ở chân đã đỡ chưa?”
Nó nắm lấy tay nàng, để mặc nàng cẩn thận dắt nó đi qua đất đá lổm chổm.
Mấy hôm trước nó bị con cáo lông đỏ cắn, nguyên nhân là con cáo tưởng nó muốn cướp con thỏ mà cáo ta săn được, nhưng nó không ăn thỏ, chỉ là trùng hợp đi ngang qua chỗ con cáo giấu thức ăn thôi.
Con cáo cắn chân trái nó, đau lắm, cũng chảy máu nữa.
Nó khốn khổ chạy trốn, mãi đến khi chạy xa khỏi lãnh địa của con cáo mới thở hổn hển ngồi dưới gốc cây nghỉ ngơi.
“Đau quá.” Nó nhìn vết thương trên đùi, không biết có nên tìm nước rửa vết thương hay không.
Đang đắn đo suy tính, thình lình từ bụi cây thò ra nửa thân người, nhìn nó nói: “Bị thương rồi.”
Nó sợ hết hồn, cố nhìn lại, là một cô nương trẻ tuổi, mặc vải bố, tóc tết đuôi sam lộn xộn.
“Hừm, bị thương thật nè.” Nàng đi ra khỏi bụi cây, mặc kệ nó có đồng ý hay không, tóm lấy chân nó xem xét một lượt, sau đó lấy bình nước rửa vết thương giúp nó: “Sao ở đây một mình? Bị con gì cắn?”
“Cáo.” Nó cố chịu đau nói.
“May là cáo đấy, chứ nếu là cọp thì đừng nói là chân, đến cả mạng cũng chẳng còn. Nhóc sống ở đâu? Cha mẹ đâu?” Nàng vừa nói vừa rút khăn tay ra, băng bó vết thương lại.
Trước sự giúp đỡ bất ngờ ấy, nó không biết phải ứng đối làm sao.
Nàng nhìn chằm chằm nó, thấy nó ngẩn người thì bực mình cốc đầu nó: “Sao đó? Sợ quá hóa ngu nên không biết nói luôn hả?”
“Ta… ta…” Nó che trán, lắp bắp, chỉ về một hướng, “Nhà ta ở bên kia.”
“Mấy tuổi rồi? Bốn hay năm?”
“Năm… năm tuổi.”
Nàng cau mày: “Cha mẹ nhóc cũng vô tư ghê, để cho đứa bé mới bấy lớn đi ra ngoài một mình.”
Nó không nói gì.
Nàng đứng dậy hỏi: “Đi nổi không? Ta đưa nhóc về.”
“Nổi.” Nó gật đầu.
“Vậy đi thôi.” Nàng giơ tay ra với nó, “Để ta đỡ nhóc.”
Nó ngoan ngoãn nắm tay nàng, cà nhắc đi về phía trước.
Vết thương trên chân dần bớt đau, nó đã nắm tay của nhiều người, từ đàn ông cho đến đàn bà nhưng chưa có tay ai ấm như tay nàng.
Đi thẳng tới ngã ba, nó mới bịn rịn đứng lại, chỉ vào một căn nhà thấp thoáng trong rừng: “Nhà ta ở đằng đó. Cha mẹ không thích người lạ.”
Nàng nhìn về phía đó, nói: “Vậy được rồi, nhóc mau về đi. Sau này đừng chạy lung tung nữa.”
“Ừm.” Nó đang định đi thì bị nàng gọi lại.
“Mặt bẩn quá, cha mẹ nhóc mà thấy là sẽ đánh đòn nhóc đấy.” Nàng lau sạch vết bẩn và mồ hôi trên mặt nó bằng tay áo của mình, sau đó xoa đầu nó, “Về đi.”
“Ừm.” Nó xoay người đi, vừa đi vừa sờ đầu mình.
Đó là căn nhà tồi tàn bị bỏ hoang không biết từ bao giờ, không phải nhà của nó, cũng không có cha mẹ nó.
Nó là một con yêu quái, vừa mở mắt là đã ở trong sơn cốc này rồi, không biết mình sinh ra từ đâu. Có lẽ cũng giống như những yêu quái không có cha mẹ khác, núi sông đất trời, tinh hoa nhật nguyệt, có khi từ lúc có những thứ ấy, trên đời đã có nó.
Cây hòe tinh già nhất ở đằng tây Bách Thảo Cốc nói loài yêu quái của nó cứ cách trăm năm sẽ xuất hiện một con, cây hòe tinh ấy đã gặp được bảy tám con.
Nó thấy rất lạ, hỏi thế sao đã lâu lắm rồi mà chỉ có mình nó chứ không thấy những đồng loại khác.
Cây hòe tinh nói chúng bị dắt đi mất rồi, không về nữa, sau này có thể ngươi cũng vậy, bởi vì loài các ngươi rất thích nắm tay con người.
Nó sửa lại, không chỉ là thích, nó cần nắm tay con người để duy trì mạng sống, cũng giống như cây cối các ông cần nước mưa và ánh nắng mới có thể tươi tốt vậy.
Cây hòe tinh mỉa mai, không phải con người nào cũng thích bị các ngươi nắm.
Quả thật vậy. Nó thường giả vờ là trẻ lạc, chờ người ta đi qua Bách Thảo Cốc, xin họ nắm tay mình dẫn mình về nhà. Có người đồng ý, có người không, thậm chí có người còn đẩy nó ra rồi gấp gáp bỏ đi, không muốn lãng phí thời gian với người dưng kẻ lạ.
Người chủ động dắt nó về nhà chỉ có mình nàng.
Nếu ai tới Bách Thảo Cốc đều giống nàng thì tốt quá.
Kể từ hôm ấy, nó bắt đầu chờ đợi.
Nhưng khi nàng lại xuất hiện lần nữa, nó lại thấy khác lạ, nàng cầm dao khác với nàng lau mặt cho nó quá.
Nàng vỗ chỗ bên cạnh mình trên tảng đá: “Ngồi đi.”
Nó co ro ngồi xuống.
“Nhóc không sợ bị cáo cắn nữa à?” Nàng mắng, “Cha mẹ nhóc bị làm sao thế, không sợ con mình bị cọp vồ hả?”
“Hình như ở đây không có cọp.” Nó nhỏ nhẹ nói, len lén nhìn tảng đá bị nàng khắc tùm lum, “Tỷ viết chữ trên này à?”
Nàng thở dài: “Ừ, tên ta đó.”
“Tỷ tên gì?”
“La Hỉ Hỉ.”
“Tỷ đang tức giận lắm phải không?” Nó hỏi tiếp.
“Ha ha, nhóc nhìn ra à?” Nàng bật cười, “Thằng bé này tinh ý ghê.”
“Vì sao lại giận vậy?” Nó khó hiểu.
“Sư phụ ta không chịu dạy ta.” Nụ cười của nàng phai nhạt. “Ông ấy nói nữ giới không thể kế thừa nghề ông ấy, nói trước sau gì ta cũng phải cưới chồng sinh con, lo liệu việc nhà, nấu cơm giặt giũ là được rồi, quên chuyện làm đầu bếp nổi danh đi, chỉ có đàn ông mới cần có lý tưởng.”
Nó vẫn không hiểu lắm: “Đầu bếp nổi danh là gì?”
“Là đầu bếp có tiếng tăm đó.” Mắt nàng rạng rỡ, “Ta muốn làm đầu bếp nấu ra mỹ vị thiên hạ, ta muốn người khác yêu thích món ta nấu, ta thích nhìn lúc người ta vui vẻ ăn cơm.” Và rồi mắt nàng chợt ảm đạm, “Mẹ ta mất sớm, cha nuôi chị em ta trong cảnh bần hàn.” Nàng quay đầu nhìn nó, “Đệ đệ ta tầm tuổi nhóc. Hồi đó đệ ấy bị bệnh nặng, ăn không ngon miệng. Cha ta không giỏi nấu ăn, ta cũng không biết nấu, nhà ta lại không có tiền ra quán mua thức ăn. Nhưng lúc nào đệ đệ ta cũng cố ăn, vì cha nói ăn thì mới sống được. Ta biết đệ ấy muốn sống, đệ ấy chỉ mới năm tuổi, còn chưa ngắm nhìn đủ thế giới này.” Nàng trầm ngâm chốc lát, nói tiếp, “Nhưng cuối cùng vẫn không được. Ngày đệ ấy rời bỏ cha và ta, đệ ấy nằm trong lòng ta, mắt nhắm nghiền, mê sảng nói, tỷ tỷ, chờ đệ khỏe, tỷ phải nấu một bàn thức ăn ngon cho đệ đấy.” Mắt nàng đỏ hoe, bật cười, “Thằng bé ngốc, muốn vậy thì đệ phải chờ tỷ học thành tài trở về mới ăn món ngon do tỷ nấu được chứ. Nhưng giờ trên bàn cơm mãi mãi thiếu mất một người.”
Nghe thế, nó hỏi: “Vậy là tỷ đi học làm đầu bếp?”
“Ừ. Ta đến quán cơm ngon nhất bái sư, ta không quan tâm sư phụ thu nhận ta là vì thật lòng hay vì cần người làm miễn phí, chỉ cần ông ấy chịu dạy ta nấu nướng, khổ cực, mệt nhọc mấy ta cũng không màng.” Nàng cười khổ, “Nhưng sau ba năm, ông ấy lại đuổi ta đi. Ta không chịu, ông ấy nói ta không có năng khiếu làm đầu bếp. Ta muốn chứng minh cho ông ấy thấy. Một ngày nào đó, trong giới đầu bếp phải có cái tên La Hỉ Hỉ ta. Ông ấy đồng ý, nói sẽ cho ta cơ hội, bảy ngày sau, ta phải thi đấu với các sư huynh, sư đệ, nấu ra ba món để người qua đường bình chọn, nếu ta thắng, ông ấy sẽ không nói gì nữa mà dốc hết bí quyết ra để truyền dạy cho ta.”
Nó trợn to mắt: “Vậy là tốt mà. Sao tỷ lại giận?”
“Ta không thể thua.” Nàng nhíu mày, “Nhưng ta không thắng nổi. Các sư huynh, sư đệ được sư phụ hết lòng dạy dỗ, cao siêu hơn nhiều so với mấy thứ vặt vãnh ta học được. Sư phụ chỉ tìm cớ để đuổi ta đi thôi.”
“Vì thế nên tỷ mới giận?”
“Không, ta giận mình tài nghệ không bằng người ta thì thôi, đến cả đầu óc cũng ngớ ngẩn hơn người ta.”
“Hả?”
“Ta nghe một lão đầu bếp trong thành nói Bách Thảo Cốc có một loại cỏ tên là ngư dương, ban ngày nhìn thì bình thường nhưng ban đêm sẽ phát ra ánh sáng giống như sao. Chỉ cần để một ngọn cỏ trong thức ăn thì dù nguyên liệu bình thường hay tay nghề kém cỏi đến đâu cũng sẽ tạo ra món ngon tuyệt thế.” Nàng cười trào phúng, “Nhóc thấy đó, ngay cả ông lão đầu bếp say rượu nói sảng mà ta cũng tin. Ta tới Bách Thảo Cốc ba ngày liên tục nhưng không hề thấy loại cỏ nào phát sáng như sao trong đêm. Chỉ có đứa ngớ ngẩn như ta mới làm chuyện hoang đường này.”
Nói xong, nàng trầm ngâm, cho đến khi mặt trời ngả về tây cũng không nói thêm câu gì.
Nó không biết nên nói gì, nó chưa từng nghe đến cỏ ngư dương. Có lẽ cây hòe tinh biết.
Cuối cùng, nàng đứng dậy, giơ tay về phía nó: “Nào, dẫn nhóc về thôi.”
“Tỷ phải về sao?” Nó không nhúc nhích, “Không tìm được nghĩa là tỷ sẽ thua ư?”
“Ngốc quá, trên đời làm gì có thứ đó.” Nàng cười.
“Để ta về hỏi cha mẹ, có khi họ biết đó.” Nó chân thành nói, “Hay là ba ngày sau tỷ quay lại đây, ta ở chỗ này chờ tỷ, dẫu tìm được hay không cũng sẽ nói lại cho tỷ.”
Nàng ngạc nhiên nhìn nó, cười nói: “Thằng bé này sao đột nhiên giống người lớn thế, mấy câu thế này chả hợp với trẻ con gì cả.”
Nó lúng túng nhưng không thể nói cho nàng biết là nó còn lớn tuổi hơn cả nàng được.
“Được rồi, ta biết nhóc tốt bụng mà.” Nàng xoa đầu nó, “Đi về nào.”
“Hay là để ta dẫn tỷ về đi.” Nó đứng dậy, nắm lấy tay nàng, “Dẫn đến đường cái.”
Nàng cười, để mặc nó dắt mình ra cửa Bách Thảo Cốc.
Hoàng hôn đầu hè rất đẹp, hai cái bóng một lớn một bé đổ dài trên mặt đất.
Lúc tạm biệt nhau, nàng nói: “Nhóc con, nếu sau này ta thật sự trở thành đầu bếp lừng danh, chắc chắn sẽ mời nhóc một bữa thịnh soạn.”
“Dạ được.” Nó gật đầu.
“Sau này nếu cha mẹ dẫn nhóc vào thành chơi thì cứ tới tìm ta. Ta ở căn phòng trên tầng ba của tòa nhà ba tầng, chỗ có cây mận đầu con hẻm đó, là tòa nhà ở phía nam.”
“Dạ được.”
“Vậy chào nhé.”
“Dạ. Nhớ ba ngày sau phải đến đây đấy.”
“Ha ha, bảo trọng nha nhóc.”
Nó đưa mắt tiễn nàng ra khỏi Bách Thảo Cốc, thân hình mảnh mai dần hòa vào ánh tà dương.
Sau đó, nó gấp gáp trở vô, dùng tốc độ nhanh nhất trong đời chạy đến chỗ cây hòe tinh.
“Chỗ chúng ta có loại cỏ ngư dương ban đêm sẽ phát sáng như sao không?” Nó sốt sắng hỏi.
Cây hòe tinh ngáp một cái, nói: “Có đó, con suối đằng bắc trong rừng có nhiều lắm.”
“Thật ư?” Nó mừng rỡ, “Vậy sao người ta lại không tìm thấy chúng?”
“Tuy loại cỏ đó không phải là yêu vật giống như chúng ta nhưng chúng cũng là tinh quái, rất sợ con người, gặp ngươi thì chúng sẽ không trốn nhưng nếu gặp con người thì chúng sẽ trốn ngay lập tức, sao mà tìm được.”
“Thì ra là vậy.” Nó vui đến nỗi chỉ muốn nhào tới hôn thân cây.
“Nhưng ngươi phải nhớ kỹ, tính tình của cỏ ngư dương rất quái dị, nếu bị hơn hai người chạm vào, chúng sẽ hóa thành tro, không dùng được nữa.”
“Biết rồi, sẽ không có người thứ ba chạm vào nó đâu.”
Tối đó, nó tới bờ suối, tìm được thứ nó muốn.
Nó hái một ít cỏ ngư dương, cẩn thận bọc trong chiếc khăn tay được giặt sạch sẽ của nàng, thầm nghĩ ba ngày sau nàng đến đây, nó có thể đưa cỏ và trả lại chiếc khăn cho nàng luôn.
Nó chưa bao giờ vui như hôm nay.
Ba ngày sau, mới sáng sớm nó đã đến nơi hẹn. Nhưng từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn, nàng vẫn không tới, chỉ có tảng đá bị nàng khắc tên chằng chịt lặng lẽ nhìn nó.
Có lẽ ngày mai nàng sẽ đến.
Nó ở đó suốt đêm, cỏ ngư dương được cất trong ngực áo, nó sợ bị cướp mất.
Nhưng ngày hôm sau, nàng vẫn không đến.
Mười ngày trôi qua, một tháng trôi qua, một năm cũng nhanh chóng trôi qua.
Trong đám người tới Bách Thảo Cốc, không còn ai tên là La Hỉ Hỉ nữa.
Nó nhớ địa chỉ của nàng, vậy tới đó đưa cho nàng vậy.
Ngày nó định rời khỏi Bách Thảo Cốc, tuyết rơi rất to, trên chạc cây của cây hòe tinh toàn là tuyết, thoạt trông rất giống ông cụ.
“Ngươi muốn đi khỏi Bách Thảo Cốc?”
“Ừm, đi đưa cỏ ngư dương cho tỷ ấy.”
“Ngươi ngu quá!”
“Ta không có ngu.”
“Vậy ngươi ở lại đây đi. Nơi này là nhà ngươi mà!”
“Ta muốn đi.”
“…”
Tuyết rơi càng lúc càng to, vùi lấp tất thảy những gì có trên mặt đất, bao gồm hai con yêu quái đang nói chuyện với nhau.