Cô Thành Bế

Chương 8: Mờ mịt




Giọng A Địch non nớt mềm mại, nói câu này nghe đến là ngây thơ, làm công chúa và Nhược Trúc đều không nhịn được bật cười.
Nhược Trúc tiếp lời: “Chơi trò ấy tất nhiên là phải ăn mặc thoải mái chút mới dễ hoạt động, chẳng lẽ lại bắt họ mặc áo dài tay rộng, bọc mình kín mít mà đấm đấm đá đá sao?”
Công chúa cũng cười: “Đó là tiết mục tạp kỹ tết Nguyên Tiêu hằng năm, lúc quan gia giá lâm Tuyên Đức Môn ngắm đèn cũng thích xem, có thấy ngài ý kiến gì về trang phục của những phụ nhân này đâu.”
Bốn chữ “Tư Mã bá bá” vừa ra khỏi miệng A Địch, ta đã đoán được ngay vị tiên sinh ấy có thể là Tư Mã Quang học sĩ ta từng có duyên gặp mặt một lần, bởi y hiền danh lan xa nên người đời đều biết y phẩm đức cao thượng, coi trọng lễ pháp, nghe lời Trương phu nhân và A Địch tự thuật cũng rất phù hợp với tính tình y, vả lại trong ấn tượng của ta, quan viên trong kinh hiện tại cũng chỉ có mình y mang họ Tư Mã. Mà ngay sau đó, suy đoán này cũng được câu tiếp theo của Trương phu nhân chứng thực.
“Ôi, cũng chính vì quan gia không ý kiến gì nên Quân Thực mới lắm ý kiến thế đấy chứ.” Trương phu nhân cười bất đắc dĩ. Quân Thực chính là tên tự của Tư Mã Quang.
Trương phu nhân giải thích thêm: “Chàng nói với Bàng học sĩ, Tuyên Đức Môn là biểu tượng quốc gia, là nơi ban bố pháp lệnh, thể hiện tôn nghiêm của nước nhà. Lúc ngắm đèn Nguyên Tiêu, trên có thiên tử chí tôn, dưới có vạn dân chi chúng, hậu phi hầu hạ bên cạnh, mệnh phụ theo dõi chung quanh, để đám phụ nhân bán khỏa này nô đùa trước Tuyên Đức Môn thì còn gì là lễ pháp long trọng, thị uy tứ phương? Sau này nhất định phải dâng sớ luận việc này, xin quan gia cấm tiệt tiết mục ấy.”
Công chúa không đồng ý: “Em lại cảm thấy tiết mục này rất hay, nữ tử có thể so tài như nam tử, không như trước đây, chỉ có thể tô son điểm phấn loay hoay với đàn sáo dây ống, hoặc làm ca cơ vũ nữ mua vui cho người. Hoạt động như thế có mặc ít một chút cũng không ảnh hưởng đến toàn cục, lại nói, nam tử để trần cánh tay diễn tạp kỹ trước Tuyên Đức Môn có đầy ra đấy, cớ gì nữ nhân lộ nhiều một tấc da thịt thì lại không được?”
Nhược Trúc cười: “May mà chị không biết ông anh rể này của em, chứ nói câu này trước mặt huynh ấy, chẳng biết huynh ấy sẽ mắng chị thế nào.”
Công chúa không vui, muốn phản bác tiếp, ta vội lén giật tay áo nàng, ngăn nàng lại, công chúa cũng không nói thêm nữa, chỉ hỏi A Địch: “Thế cha con có tán thành ý kiến của Tư Mã bá bá không?”
A Địch lắc đầu, mỉm cười đáp: “Tư Mã bá bá muốn cha con khuyên quan gia cùng mình, cha con chỉ cười, không đáp ứng, sau đó Tư Mã bá bá không vui, trông thấy con lại càng tức giận hơn…”
Công chúa và Nhược Trúc nhìn nhau cười, Trương phu nhân cũng cười than thở, đổi chủ đề: “Chúng mình đừng động tới con mọt sách này nữa. Nhược Trúc, nói về em đi. Làm gì mà cáu đến vậy, một mình chạy tới nơi này?”
Nhược Trúc chần chờ, không trả lời ngay. Ta nghĩ chắc là cô kiêng dè hai ta, không tiện kể chuyện trong nhà với tỷ muội, bèn nhẹ giọng nói với công chúa: “Không còn sớm nữa, chúng ta cũng nên cáo từ thôi.”
Công chúa “ờ” một tiếng, giọng chẳng mấy vui vẻ, cũng không đứng lên ngay. Đại khái Nhược Trúc cũng nhìn ra công chúa rất có hứng thú với chuyện của mình, nghĩ ngợi một hồi, cuối cùng nắm tay công chúa, nói: “Tỷ tỷ đừng đi. Hiếm khi nào gặp được ai hợp ý như tỷ tỷ, em kể lại hết tủi nhục hôm nay cho tỷ tỷ nghe vậy.” lại quay sang ta, nói, “Lang quân cũng đừng ngại nghe xem, tương lai chớ phạm vào sai lầm như phu quân tôi.”
Lệnh thị nữ dọn thức ăn thừa xuống, đun nước châm trà, Nhược Trúc nghiêng người bắt đầu kể với Trương phu nhân: “Bởi quan hệ với cha em nên phu quân em vốn không tiện làm quan kinh thành, cũng đã ra ngoài nhậm chức mấy năm, nhưng gần đây quan gia bỏ ngoài tai cha em phản đối, cho vời hắn về, bổ hắn vào Hàn uyển làm học sĩ. Em lấy làm lạ, trở về hỏi cha nguyên nhân, cha lại không chịu nói với em. Mãi đến hôm qua, em theo mẹ sang nhà ông ngoại chúc tết, nói chuyện phiếm với chị em dì mợ bên ấy, họ mới nói cho em biết, hai năm nay Âu Dương nội hàn phải kiêm chức đảm đương cả phủ Khai Phong, sự vụ Hàn uyển không quản lý được bao nhiêu, huống hồ năm ngoái y lại bận hặc tội Bao Chửng, quan gia cảm thấy Hàn uyển thiếu người, bèn vội vã điều phu quân em về.”
Chuyện năm ngoái Âu Dương Tu hặc Bao Chửng mà cô đề cập đến ầm ĩ rất lớn, ta cũng nghe kể được đôi phần. Nguyên nhân là quyền ngự sử trung thừa Bao Chửng suất lĩnh quan viên Ngự sử đài hặc tam ty sứ Trương Phương Bình, tố y tắc trách, cuối cùng làm Trương Phương Bình mất chức. Sau đó kim thượng bổ Tống Kỳ đảm nhiệm chức tam ty sứ, Bao Chửng lại bảo không được, hặc tiếp Tống Kỳ, buộc kim thượng điều Tống Kỳ ra ngoài. Kim thượng buồn cười: Ông thấy người này không được, người kia cũng không được, hay là tự ông làm đi thôi! Ngòi bút vung lên, ý chỉ viết xuống: Phong quyền ngự sử trung thừa Bao Chửng làm toàn tam ty sứ.
Hoàng mệnh hạ xuống, Âu Dương Tu giận dữ, lập tức dâng sớ hặc Bao Chửng, dày đặc ngàn lời, tố Báo Chửng “thiên tư ngay thẳng, song vốn thiếu học vấn”, “giẫm ruộng đoạt trâu (*), há lại vô tội”, “tố tội người ta mà như xoi mói, đuổi chỗ người ta mà như hãm hại… Nay Chửng đuổi hai thần, tự thế mình vào chỗ họ, giúp kẻ gian nịnh tương lai có cớ lừa dối quân chủ; từ rày về sau lời gián ngôn chẳng còn đáng tin, không rõ minh bạch”… Tấu chương vừa dâng, Bao Chửng cũng đứng ngồi không yên, trốn trong nhà không nhận bổ nhiệm. Song, mặc cho Âu Dương Tu khuyên can thế nào, kim thượng cũng không đổi mệnh lệnh, một mực khăng khăng, Bao Chửng chỉ đành nhậm chức.
(*) Thành ngữ xuất xứ từ một tích trong “Tả truyện – Tuyên công thập nhất niên”: Người nông dân vì bị trâu nhà khác giẫm nhầm vào đất ruộng mình nên cướp lấy trâu, chỉ tội nhẹ phạt nặng để mưu lợi cho mình.
Quốc triều thi hành chính sách tị hiềm thân tịch, bình thường thân quyến của trọng thần tể chấp không thể cũng nhậm chức trọng yếu, thậm chí còn không thể đồng thời làm quan trong kinh. Một trong những lí do Bao Chửng hặc Tống Kỳ chính là anh Kỳ Tống Tường đã chấp chính nên y không thể nhậm chức tam ty sứ. Mà nghe ý của Nhược Trúc, có vẻ như phụ thân cô cũng là trọng thần triều đình, thế nên chồng cô không tiện làm quan trong kinh, bị điều ra ngoài vài năm. Có điều, gần đây ta ít khi hỏi thăm chuyện Hàn uyển nên cũng không biết gần đây có vị nào làm quan quận ngoài được vời về nhậm chức nội hàn.
“Thì ra phu quân tỷ tỷ là nội hàn, quả nhiên ta đoán không sai mà!” Công chúa đắc ý vỗ tay cười.
Quan giai của hàn lâm học sĩ đứng hàng chính tam phẩm, suy đoán của công chúa trước đó về phẩm cấp của phu quân Nhược Trúc hoàn toàn chính xác.
Trương phu nhân nghe vậy cười: “Phu nhân cô này cao thâm lắm, đỗ đạt mười năm đã làm đến nội hàn, quốc triều trước nay cũng chẳng có mấy người.”
“Ồ?” Công chúa tò mò truy vấn, “Thế huynh ấy là…”
“Hắn chỉ là được thánh thượng gia ân, lượm được của hời đó thôi.” Nhược Trúc hời hợt nói, cũng không vội nói ra danh tính chồng mình mà kể tiếp chuyện nhà, “Sau, nữ quyến nhà ngoại em thảo luận chuyện Âu Dương nội hàn và Bao Chửng ai đúng ai sai, đa số đều cảm thấy Bao Chửng hặc Tống Kỳ thực ra cũng không sai, ngoài việc đáng ra phải tị hiềm Tống Tường chấp chính ra thì Tống Kỳ cũng đúng như lời Bao Chửng nói, ham tiệc tùng yến ẩm, xa hoa thái quá, mà tam ty sứ lại quản lý tài chính quốc gia, không nên để người như vậy đảm nhiệm. Sau đó, họ bắt đầu nói đến những chuyện về Tiểu Tống lưu truyền trong triều, trong đó có một chuyện rất thú vị: Tiểu Tống có rất nhiều tì thiếp, trong khoảng thời gian y tri Thành Đô Phủ, một ngày nọ bày tiệc bên bờ Cẩm Giang, rượu uống được một nửa thì đột nhiên cảm thấy gió quá lớn, hơi lạnh, bèn phái người về nhà lấy một tấm áo tay lửng cho y mặc. Kết quả, tên hầu kia trở về phủ vừa nói chuyện này ra, cả bầy oanh yến đã lập tức chạy về phòng, ai nấy đều lấy một tấm áo tay lửng dúi cho hắn. Tên hầu mang hết đi đưa, Tiểu Tống nhìn thấy, trợn tròn mắt há hốc – tổng cộng những mười mấy tấm kia mà! Y mờ mịt nhìn nửa ngày, cảm thấy chọn của ai cũng không ổn, thế nào cũng có cảm giác nặng bên này nhẹ bên kia, thế là không dám lựa mặc, cuối cùng cố chịu lạnh mà về.”
Cô kể tới đây, công chúa nâng tay áo che miệng, trộm cười, Trương phu nhân và ta cũng buồn cười theo. Nhược Trúc trông thấy, lại bảo: “Buồn cười lắm đúng không? Em cũng thấy thú vị, thế nên hôm nay về đến nhà, em mới kể lại cho ai kia. Lúc hắn nghe đến Tiểu Tống mờ mịt nhìn áo tay lửng, cũng phá ra cười ha hả đến là vui vẻ. Thế nên kể xong, em mới thuận thế hỏi hắn: ‘Nếu nguyên phối của chàng và chị thiếp đều còn tại thế, ba người bọn thiếp mỗi người may cho chàng một tấm áo bông, cùng tặng chàng, vậy chàng sẽ mặc của ai?’ Hỏi vậy, hắn nhất thời cũng ‘mờ mịt’, ngẫm nghĩ một lúc mới trả lời: ‘Ta mặc cả hết vậy, dù sao mùa đông năm nay cũng lạnh.’ Đời nào em chịu để hắn bịp bợm cho qua, bèn truy vấn: ‘Vậy chàng sẽ mặc của người nào trước? Mặc của ai trong cùng?’ Hắn ấp úng không đáp, em hỏi đi hỏi lại, hắn mới lẩm bẩm: ‘Thì dù sao cũng phải có trước có sau chứ đúng không, mặc theo thứ tự cưới các nàng đi…’”
Trương phu nhân cười hỏi: “Em tức giận vì chuyện này?”
Nhược Trúc cau mày: “Lúc đó em nghe xong quả thực cũng không vui, nhưng đây chưa phải cái đáng giận nhất đâu… Em tỉnh rụi hỏi lại hắn: ‘Nếu ba người bọn thiếp chia nhau ở trong phòng mình, sau đó cả ba căn phòng đều bốc cháy, vậy chàng sẽ cứu ai trước?’ Hắn hết nhìn trời lại nhìn đất, lề mề hồi lâu mới đáp: ‘Nàng cho ta cứu Vương tỷ tỷ của nàng và Nhược Lan trước đi, sức khỏe họ không tốt… Ta cam đoan cứu họ ra xong sẽ cứu nàng ngay.’”
Công chúa không nhịn được nữa, bật cười nắc nẻ, Trương phu nhân ngậm cười xua tay: “Cậu ấy cũng ngay thẳng quá rồi, có nghĩ thế thật cũng không nên nói thẳng câu cuối ra vậy chứ.”
Nhược Trúc nghiến răng nghiến lợi, căm hận: “Em hít sâu một hơi, vất vả mãi mới nén được lửa giận, tiếp tục ôn hòa bảo hắn: ‘Nhưng thế lửa lớn lắm, chàng mà không tới cứu thiếp trước, thiếp sẽ chết cháy mất.’ Kết quả, mọi người đoán xem hắn trả lời thế nào?”
Chúng ta đều cười lắc đầu, tỏ vẻ đoán không ra. Cô bèn công bố đáp án: “Hắn nói: ‘Không đâu, nàng không bệnh không ốm, chạy lại nhanh, có khi nhà vừa bốc khói nàng đã chạy ra rồi không chừng, chẳng cần đến ta cứu.’”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.