Biểu cảm cô sinh động, bắt chước thần thái của phu quân mình khi nói lời ấy nom y như thật, tức khắc làm dậy lên một trận cười vang dội khắp sảnh, đến hai thị nữ hầu sau lưng cô cũng không giữ nổi lễ tiết, lấy tay áo che miệng, cười đến run rẩy cả người.
Bản thân Nhược Trúc thì không cười, thay vào đó căm phẫn bất bình: “Lúc đó em tức đến suýt nữa định đốt nhà thật. Sau nghĩ lại, được, chàng nói thiếp chạy nhanh đúng không? Vậy thiếp chạy cho chàng xem! Liền không nói hai lời, phất tay áo bỏ đi. Thoạt đầu cho là hắn sẽ biết đường đuổi theo nên đi rất nhanh, còn suy nghĩ nếu hắn chạy tới bắt tay mình lại, mình nhất định phải vùng thật mạnh ra mới được… Đợi một lát không thấy hắn đuổi theo, em lấy làm lạ, bèn bước chậm lại, nhưng vẫn không nghe thấy tiếng bước chân hắn, quay đầu nhìn thử, nào ngờ căn bản chẳng thấy bóng hắn đâu! Hừ, nói không chừng hắn còn tưởng sắp đến giờ dùng bữa, em chỉ đi giục kẻ dưới dọn cơm nước đấy thôi. Em nhất thời nổi giận, lập tức sai người chuẩn bị xe, đi tới đây.”
“Ừ, em rể quả thực không đúng. Tuổi cậu ấy cũng đâu còn nhỏ nữa, sao không biết nhường nhịn dỗ dành em ít câu, để em không dưng rước bực vào người thế này.” Trương phu nhân cười than, lại kéo tay Nhược Trúc, vỗ về, “Cơ mà, nói thật, muội muội em cũng có chỗ không phải. Vô duyên vô cớ hỏi cậu ấy như vậy làm gì? Em bảo cậu ấy phải đáp thế nào? Nói cứu người khác trước, tất nhiên là em không vừa lòng, nhưng nếu cậu ấy nói cứu em trước thì có khác nào coi nhẹ cố nhân, có mới nới cũ, vô tình vô nghĩa, em nghe rồi có vui nổi không?”
Nhược Trúc bĩu môi: “Nói thì nói vậy, nhưng em muốn biết địa vị em trong lòng hắn ra sao mà!” Buông một tiếng thở dài, cô lại hậm hực: “Có đôi khi, em cảm thấy chắc mình sinh sai thời điểm rồi. Nếu sinh sớm mười mấy năm, gặp được hắn trước khi hắn lấy vợ rồi xuất giá làm nguyên phối của hắn, hai người nâng khay ngang mày sống bên nhau đến giờ, như là chị và anh rể vậy, không có ngăn cách, chẳng phải mọi thứ đều ổn thỏa rồi sao?”
Nghe thấy nói đến mình, nụ cười của Trương phu nhân phai nhạt đi phần nào, chân thành nói với Nhược Trúc: “Ta và anh rể em cũng chẳng phải không có ngăn cách, không sầu không lo như em tưởng tượng đâu… Tuy chàng chỉ có mình ta là vợ, trước nay chưa từng nạp thiếp, nhưng ta vẫn chưa sinh được cho chàng một trai nửa gái nào. Nay chàng đã bốn mươi rồi, ta cũng chẳng còn trẻ trung gì, thế nên cũng càng thêm lo âu, cứ cảm thấy hổ thẹn với chàng, lại đâm nóng lòng mong chàng mau chóng nạp thiếp, để một cô gái khác cùng hầu hạ chàng, giúp chàng nối dõi tông đường.”
Nhược Trúc hỏi: “Thế anh rể có bằng lòng nạp thiếp không?”
“Nếu bằng lòng thì ta còn phát sầu thế này làm gì?” Trương phu nhân cười khổ: “Có lần, ta đã chọn xong cho chàng một nàng hầu xinh đẹp rồi. Một hôm nọ, bảo tiểu nương tử ấy trang điểm sẵn sàng, đến thư phòng Quân Thực hầu hạ. Ai ngờ em ấy vào rồi, Quân Thực đến nhìn cũng chẳng nhìn đến, chỉ chuyên tâm đọc sách. Tiểu nương tử ấy muốn làm chàng chú ý, bèn thuận tay cầm lấy một quyển sách, cất tiếng hỏi chàng: ‘Học sĩ, đây là sách gì?’ Quân Thực liếc sách, sau đó chắp tay với em ấy, nghiêm túc đáp: ‘Đây là .’ Sau đó lại tiếp tục đọc sách, không để ý tới nữa. Tiểu nương tử không biết phải làm sao, đành rời đi, kể lại với ta việc này. Khi đó ta nghĩ, có lẽ là vì ta ở nhà, Quân Thực băn khoăn nên mới không tiện gần gũi với em ấy. Qua mấy ngày, ta mượn cớ sang nhà bạn ngắm hoa, ra cửa từ sớm. Tiểu nương tử trang điểm ăn vận hoa lệ đến thư viện dâng trà cho Quân Thực, nào hay Quân Thực trông thấy em ấy lại tức giận không vui, mắng em ấy: ‘Con hầu này! Hôm nay viện quân (*) không ở nhà, ngươi tới đây làm gì?’”
(*) Tức huyện quân, vốn là danh xưng gọi phụ nữ có phong hiệu, sau thê tử nhà phú hào bình thường cũng được gọi là “viện quân”.
Nhược Trúc nghe vậy cười, an ủi Trương phu nhân: “Chuyện nối dõi, nếu anh rể không có ý cưỡng cầu thì tỷ tỷ cần gì phải để tâm? Huống hồ, nghe nói huynh ấy đã thu nhận con cháu trong tộc làm con thừa tự rồi. Anh rể không muốn nạp thiếp, chứng tỏ đối với chị tình thâm ý trọng, thật khiến người ta hâm mộ xiết bao. Nếu em nạp thiếp cho ai kia, hắn nhất định cầu còn chẳng được. Hai ngày trước hắn theo em ra ngoài ngắm đèn, lại cứ nhìn chằm chằm cái bóng mỹ nhân cổ dài ánh đèn rọi ra, rõ rành rành cái thứ háo sắc, tương lai chẳng biết em còn phải chịu bao nhiêu tủi hởn đây!”
Trương phu nhân kinh ngạc: “Cậu ấy nhìn cái bóng đèn soi mà em cũng có ý kiến? Không khỏi đa đoan quá rồi đi? Cậu ấy làm đại thần triều đình mà còn chịu theo vợ ra ngoài ngắm đèn đã là tốt lắm rồi, em còn oán thán lắm thế, há chẳng phải có phúc mà chẳng tự biết?”
Công chúa nghe vậy, hỏi Trương phu nhân: “Lẽ nào Tư Mã học sĩ không chịu cùng phu nhân ra ngoài ngắm đèn?”
“Lại chẳng à!” Nhắc tới việc này, chân mày Trương phu nhân cũng hiện vài phần hờn dỗi, “Mỗi lần ăn tết, chàng đều không chịu ra ngoài du ngoạn cùng ta. Có một năm, cũng vào dịp Nguyên Tiêu, ta muốn ra cửa ngắm đèn, nói với chàng, chàng lại hỏi ta: ‘Trong nhà cũng đốt đèn, hà tất phải ra ngoài xem?’ Ta mới giải thích: ‘Thiếp muốn ngắm cả du khách trên đường nữa.’ Chàng nghe xong, lườm ta, nói: ‘Chẳng lẽ ta không phải người, là ma chắc?’”
Câu này vừa xuất khẩu, mọi người đều phì cười. Trương phu nhân lại hỏi Nhược Trúc: “Em xem, nếu cho em chọn, em có bằng lòng chọn một tên đầu gỗ như Quân Thực vậy không, hay là tiếp tục chung sống cùng em rể?”
Nhược Trúc ngẫm nghĩ, tuy không đáp, song cúi đầu không cầm được nhoẻn cười, đáp án đã rõ ràng.
Trương phu nhân lại nhẹ giọng thở dài, nói: “Trên đời làm gì có cặp phu thê nào mười phân vẹn mười? Có rất nhiều vợ chồng, trong mắt người khác cái gì cũng tốt, tôn trọng lẫn nhau, ân ái muôn phần, hòa thuận tốt đẹp, nhưng ẩn tình trong đó cũng chỉ có thể ấm lạnh tự biết. Thế nhưng, lẽ nào chỉ vì trong hôn nhân có chút khuyết điểm mà không tiếp tục nữa? Em nuôi một cội thược dược cũng phải kiên nhẫn chăm sóc hằng ngày, nó mới có thể nở rộ tưng bừng. Cặp phu thê nào oán giận lẫn nhau, tự cảm thấy không thể sống nổi cùng nhau, ấy có thể là vì thiếu cái kiên nhẫn tưới nước trừ sâu đó… Phu quân em tài hoa cái thế, tướng mạo, tính tình lại tốt, thế gian hiếm có, thế nên lệnh tôn mới yêu quý người con rể này đến vậy, tỷ tỷ em qua đời lại gả em cho cậu ấy. Nam nữ thế gian hàng ngàn hàng vạn, có thể kết làm phu thê là duyên phận khó đắc giữa hai em, nên biết tự quý trọng mới phải. Huống chi suốt hai năm qua, cậu ấy đối xử với em có thể nói hết lòng che chở, săn sóc chu đáo, em còn gì để bất mãn nữa đây? Dẫu có chút chuyện nhỏ làm em không vui, cũng tội gì mà không khoan thứ, rộng lượng chút ít là sẽ qua thôi. Nếu thường xuyên chỉ vì nửa câu một lời mà nổi nóng phát giận, lâu dần sẽ chỉ gây tổn thương lớn đến tình cảm mà thôi.”
Nhược Trúc cúi đầu nghe, cũng không phản bác, một lúc lâu sau mới mở miệng, lại không nói đến chuyện mình mà cười trỏ vào công chúa và ta: “Trên đời chắc gì đã không có đôi phu thê nào mười phân vẹn mười? Em thấy hai người họ tốt lắm, trong mắt chỉ có nhau, bên nhau lại hòa hợp như vậy.”
Công chúa nghe thế, lập tức phản đối: “Còn lâu ấy, bọn tôi cũng có vấn đề – có đôi lúc tôi bảo bảo huynh ấy giúp tôi làm chút chuyện huynh ấy cũng không chịu, còn bắt tôi phải năn nỉ kia!”
Trương phu nhân liền hỏi: “Có phải chuyện cô muốn cậu ấy làm chẳng tốt lành gì nên mới khiến lang quân khó xử vậy không?”
Nhược Trúc lại hỏi: “Thế nhưng, nếu chị khăng khăng thì cuối cùng huynh ấy vẫn nhận lời chứ gì?”
Công chúa kinh ngạc: “Sao hai người biết?”
Nhược Trúc và Trương phu nhân cùng rộ cười, quay sang nhìn ta. Ta cụp mắt cúi đầu, tiếp tục mỉm cười giữ im lặng, mà trong lòng thì chớp lóe một ý nghĩ như mây đen: Thực ra, vấn đề lớn nhất của chúng ta là chúng ta căn bản không phải phu thê, hơn nữa, cả đời này cũng không thể kết làm phu thê.”
Song, cảm xúc ảm đạm ấy của ta cũng chẳng duy trì được bao lâu, sau đó, dưới lầu vọng lên tiếng ngựa hí, cắt ngang nỗi lòng ta.
Trương phu nhân đứng dậy, đến bên song cửa ngó ra ngoài, chợt ngậm cười nghiêng đầu, nói với Nhược Trúc: “Nói thật vậy, hôm nay nhận được thư em, thấy em viết nghiêm trọng quá chừng, đến câu ‘gặp người không ra sao’ cũng nói ra được, thấy kinh ngạc hết sức, lại không biết tình hình cụ thể ra sao, nên đến nhà em hỏi em rể trước. Cậu ấy kể với ta, lúc đó vốn định chọc cười em, không ngờ em lại cho là thật, lúc em ra ngoài, cậu ấy nhất thời không phản ứng kịp nên mới không đuổi theo. Sau, ta hẹn với cậu ấy, ta tới gặp em trước rồi cậu ấy tới đón em về. Bây giờ cậu ấy đã tới dưới lầu rồi, em bớt giận mà về với cậu ấy đi thôi.”
Công chúa và ta cũng tới bên cửa sổ xem, quả nhiên trông thấy dưới lầu có một văn sĩ ngồi trên lưng ngựa, khoác một tấm áo choàng tay rộng có mũ trùm đầu, mũ trùm che đi nửa khuôn mặt, khiến người ta không sao thấy rõ được tướng mạo chàng, nhưng vẫn có thể cảm nhận được dáng dấp chàng thanh tú, phong nhã hào hoa.
Nhược Trúc lưỡng lự, cuối cùng vẫn dời gót tới cạnh song thoáng ngó xuống, văn sĩ nọ nhác thấy bóng cô, lập tức khẽ giọng gọi: “Nương tử, đêm đã khuya, chúng ta về nhà thôi.”
Hiển nhiên chàng dè chừng người chung quanh nên không dám cao giọng hô hoán.
Nhược Trúc nghe vậy, khóe miệng nhếch lên, xoay người nắm tay A Địch, cúi đầu rủ rỉ vào tai cô bé mấy câu. A Địch gật đầu, chỉ vào ghế đẩu bảo thị nữ chuyển giúp mình đến bên cửa sổ, sau đó trèo lên, chân đạp ghế, khuỷu tay chống trên bệ cửa, nhìn văn sĩ dưới lầu, kế tiếp dùng giọng nói trong trẻo của mình hỏi chàng: “Phùng thúc thúc, thím bảo cháu hỏi chú, chú là ai ấy nhỉ?”
Giọng cô bé lảnh lót, lại thản nhiên dùng âm lượng vừa đủ nói ra câu quái dị này, nghe vào rất thú vị, nghĩ hẳn có thể gây sự chú ý cho người trong ngoài tửu lâu.
Văn sĩ nọ có vẻ xấu hổ, song nghĩ ngợi một hồi, vẫn thấp giọng nói gì đó.
A Định lắc đầu, dõng dạc hỏi chàng: “Gì cơ ạ?… Nghe không rõ!”
Văn sĩ kia như hít lấy một hơi thật sâu, hai vai thõng xuống, đại khái là bất chấp mọi sự, ngửa mặt lên, mũ trùm đầu theo đó tuột xuống, lộ ra dung nhan tuấn mỹ mà cả ta và công chúa đều nhớ rõ.
“Tại hạ Phùng Kinh đất Giang Hạ.” Chàng cất cao giọng đáp, ánh mắt phóng ra sau A Địch, truy tìm bóng hình Nhược Trúc.
Trên dưới tửu lâu nhất thời rộ lên một tràng “ầm ầm” tiếng mở cửa sổ, vô số cái đầu từ trong lầu vươn ra, ánh mắt sôi nổi đậu lên Phùng Kinh, người đi đường cũng dừng bước, nhao nhao tò mò nhìn chàng chằm chằm, chỉ trỏ về phía chàng, thậm chí còn có rất nhiều du khách hoặc tửu khách nam nữ nhiệt tình từ bốn phương tám hướng vây lại, liên thanh gọi chàng “Phùng trạng nguyên”, “Phùng học sĩ” hoặc “Phùng nội hàn”.
Phùng Kinh cũng chẳng còn sức đâu mà để ý tới Nhược Trúc nữa, ngồi trên lưng ngựa, lúng túng gật đầu chào hỏi những người gọi mình, cười trái đáp phải, khó xử vô cùng.
Mà Nhược Trúc thì nghiêng người núp sau chấn song, ôm A Địch cười gập cả bụng.