Nhật ký Đặng Thùy Trâm

Chương 10:




9.4.69
Sang họp huyện đoàn, ý kiến mình được các đồng chí đánh giá cao và thảo luận kỹ. Rất tiếc là vì bận nhiều công tác quá nên không thể đóng góp tích cực hơn trong công tác thanh niên.
Không hiểu sao mình bỗng so sánh lại địa vị mình trong bàn hội nghị hôm nay với mình trong những lúc đùa giởn cùng Vinh, Xê, Quảng, những cô bé phục vụ. Lúc đó mình là chị Thùy hay làm nũng và nghịch ngợm của bọn nó còn bây giờ mình là một cán bộ với trách nhiệm nặng nề mà Đảng đã tin cậy giao phó cho mình.
11.4.69
Mấy phút ngắn ngủi giữa đông đúc mọi người mà sao mình vẫn hiểu và vẫn cảm thấy đôi mắt thân yêu ấy cũng nói rằng im lặng nhưng vô cùng cảm thông. Tạm biệt đôi mắt đen thân yêu nhé.
12.4.69
Cái gì mong đợi, cái gì không thoả mãn mà sao cảm thấy bực bội trong lòng? Về cá nhân có lẽ không đòi hỏi gì. Đòi hỏi gì nữa, mọi người đã nâng niu chăm sóc mình, cuộc đời vẫn đem lại màu xanh hy vọng trải ra trước mắt mình tuy rằng cũng có những đám mây mờ che phủ một góc trời.
Vậy thì công tác làm mình băn khoăn ư? Rất có lý, công tác vẫn nặng nề mà người không có - sợ sợ không đảm bảo chất lượng công tác.
Và còn gì nữa hở Th.? Nỗi buồn, nỗi nhớ sao cứ đè nặng lên trái tim Th.? Khi mà lẽ ra trái tim đó phải hoàn toàn là của Đảng! Nhưng… Đảng không nói rằng trái tim cộng sản chỉ biết có lý trí, biết công việc mà vẫn phải có yêu thương, hy vọng . . . cho nên cũng không thể trách được Thùy!
15.4.69
Thêm một người thân yêu trong những người thân yêu trên mảnh đất miền Nam này. Như vậy là từ nay anh là anh trai của em đó sao anh Tân? Hơi bỡ ngỡ khi nghĩ rằng giữa trăm nghìn công việc bận rộn của một đồng chí bí thư Huyện uỷ anh vẫn dành cho em - đứa em gái miền Bắc mà anh coi như ruột thịt - những suy nghĩ, lo âu và thương nhớ.
Đúng như lời Nghị trong lá thư từ miền Bắc gửi vào hôm nay: "Cuộc cách mạng của chúng ta thật kỳ diệu, bởi vì nó mở rộng tình thương và tầm mắt cho chúng ta nhìn thấy một thế giới đẹp đê hơn, ở đó ngọn lửa yêu thương đang rực sáng dù hôm nay cuộc sống còn gian khổ đau thương".
Anh Tân ạ, anh có thể tin ở em, tin ở lòng chung thuỷ, tin ở sự chân thành trong tình cảm của một đứa em gái.
17.4.69
Ngồi bên em, nghe hơi thở em mệt nhọc, nóng bỏng qua lớp chăn, nóng trùm trên người, lòng mình thấy thương xót đến vô hạn. Muốn ôm em trong lòng san sẻ cho em bớt mệt nhọc muốn nâng niu em trong cánh tay mình như một người mẹ nâng niu con lúc con đau ốm. Tình cảm đó là chính đáng nhưng… không thể làm như điều mình nghĩ được vì có phải rằng ở trên đời này ai cũng hiểu được tình cảm cao quý đó đâu. Không phải rằng không có những đôi mắt dòm ngó, những lời nói ra nói vào rất đáng ghê tởm.
Buồn vô cùng! Bao giờ cho xã hội hết những tư tưởng lạc hậu ấy? Bao giờ để con người hoàn toàn sống bằng lòng ưu ái bằng tâm hồn trong sáng như mình mong ước. Em của chị ơi! Hay hiểu tình thương của chị trong bàn tay chị nhẹ nhàng đặt trên trán em, trong cái nhìn thắm thiết yêu thương thay cho lới nói mà chị không được nói cùng em nhé.
22.4.69
Có một nỗi nhớ da diết khi chia tay. Không phải rằng không có gì để nói cho hết những suy nghĩ của mình cho em nghe, nhưng nói gì cũng không đủ để em hiểu hết tình thương của mình. Còn em cũng vậy, em ngồi bên chị, đôi mắt buồn mênh mông và lời em ngắt quãng vì xúc động. "Lần này xa chị sao em thấy buồn hơn bao giờ hết, mơ ước sống gần bên chị vậy là không đạt được. Xa chị lần này biết bao lâu nữa mới gặp lại?
Biết nói sao cùng em đây Nói sao khi lòng chị cũng thắm thía nỗi buồn và còn như có gì lo lắng băn khoăn. Tháng Năm ác liệt sẽ đến, máu xương cũng còn phải đổ nhiều vì thắng lợi cuối cùng. Nếu như em cũng là một trong những liệt sĩ đó thì làm sao hở em? Em nói với chị rằng nếu em có hy sinh thì chị cũng hãy cứ coi như em vẫn còn bên chị, còn bóng hình em thân thuộc, còn lời em thắm thiết tin yêu. Em không nói thì mọi chuyện vẫn thế nhưng như vậy thì đau khổ đến mức nào. Lẽ nào chị lại thấy niềm hạnh phúc trọn vẹn khi không còn em trên đời này nữa ? Không, em mãi mãi vẫn còn bên chị nghe em, em đừng đi đâu cả nghe em!
24.4.69
Những va chạm đâu tiên nói với mình rằng: "Đừng dễ tin người quá. Tình thương phải chứng minh bằng thực tế, không phải chỉ trên những lá thư. Bài học đó nghe Thùy! Đời vẫn đầy rẫy những con sâu địa vị, những gai góc của hạt giống kèn cựa cạnh tranh nhau từng chút uy tín, từng chút quyền lợi. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên, chỉ đáng nói với chính bản thân mình rằng hãy cảnh giác và cảnh giác cao hơn nữa. Thực tế mình đã gặp rồi đó, M., Nghĩa chẳng phải là một bài học đó ư Thuỳ?
Ôi! Cô bé của tôi hai sáu hai bảy tuổi rồi mà tâm hồn vẫn chưa có được cái dày dạn cần thiết của một kẻ đã sống gần một nửa cuộc đời. Phải giảm bớt đi cái yêu thương thơ mộng, giảm bớt đi lòng trong trắng thơ ngây. Phải thêm vào cái suy tính, cái thủ thế trên cương vị công tác, thêm vào cái khôn ngoan mưu trí của một kẻ đứng ở vị trí mà nhiều người thèm muốn…
Thùy ơi! Th. muốn sống với lòng tin trong trắng với niềm hy vọng xanh tươi, với sự yêu thương nồng thắm ưu ái với cuộc đời một cách trọn vẹn, nhưng không được đâu Th. nhé.
26.4.69
Chị Xuyến về không đem lại tin vui mà chỉ có những nỗi lo buồn. Mình cố giữ nét bình thản trong câu chuyện nhưng thực ra lòng mình biết mấy xót xa. Em vẫn đau. vẫn mệt mà khó khăn nguy hiểm vẫn đe doạ quanh mình em. Mình hình dung thấy một đôi mắt long lanh buồn trên khuôn mặt xanh gầy của em. Không hiếu phải làm những gì đây để bảo vệ đứa em rất đỗi yêu thương đó.
27.4.69
Có lẽ không gì buồn hơn cái cảnh chạy càn để lại những ngôi nhà hoang vắng, đồ đạc đã dọn sạch trơn và vắng lạnh không một bóng người. Chiều nay mình từ ngoài rừng trở lại bệnh xá địch cách không xa - Mình nhìn lại những nếp nhà thân yêu mà lòng trào dâng một nỗi căm hờn. Những mái nhà này ghi nhận biết bao công sức của chúng ta. Bao nhiêu mồ hôi đã thấm trong từng cọng tranh, từng hòn đá xây nên những cơ sở này. Và nếu ra đi thì biết bao giờ mới có được một cơ sở điều trị như ở đây nữa. Không bi quan nhưng sao cứ lo âu suy nghĩ và xen lẫn một nỗi buồn kỳ lạ.
Đêm qua một giấc mơ hoà bình đã đến với mình giữa nhà lộn xộn vắng vẻ của cảnh chạy càn đó. Mình mơ Hà Nội với những căn phòng lộng mát sơn màu vôi nhạt của trường Chu Văn An, mơ thấy quyển sổ chép nhạc với hình ảnh một mở tóc vàng tơ của bé Thanh Trà và bông cúc của Hảo đính trên đầu quyển sổ đó. Và mình đã gặp ba má, gặp cậu Hiền, gặp anh Biểu và tất cả mọi người thân yêu ngoài Bắc. Ôi, giấc mơ đâu là của riêng mình mà giấc mơ Hoà bình độc lập đã cháy bỏng trong lòng ba mươi triệu người Việt Nam…
Đêm nay trăng mờ giữa khu rừng vắng vè, mọi vật đâu lặng thinh như chung một ý nghĩ là bảo vệ sự yên lặng của bệnh xá.
Ngồi một mình trên chiếc ghế trước phòng mổ, lặng ngắm cảnh vật xung quanh… không thể nào ngăn được một nỗi buồn mênh mông đang thấm mãi trong lòng. Ngày mai bệnh xá sẽ đi vào kế hoạch chống càn một cách quy mô.
28.4.69
Dù đã dự kiến trước nhưng khi tình huống xảy ra vẫn có những cái lận đận vất vả vô cùng. Sáng nay theo tinh thần cuộc họp ban lãnh đạo bệnh xá đêm qua, toàn bộ số thương binh nặng và đi lại khó khăn chuyển sang trường Đảng vì thấy địch có khả năng lùng sục vào bệnh xá.
Chưa đến sáu giờ mình giục anh em chuyển thương binh đi rồi cũng tay xách nách mang theo anh em.Khiêng lên khỏi dốc trường Đảng, mồ hôi ai nấy chảy dài trên mặt – nhưng không thề chân chừ nghỉ cho ráo mồ hôi được, mình đành đọng viên anh em quay lại khiêng nốt ba ca thương còn lại ở sau.
Chưa đầy một giờ ba mươi phút sau, mấy loạt súng nổ gần bên tai, mình nghĩ thầm chắc địch đã đến trạm trực nên quay vào bảo cho thương bệnh binh chuẩn bị tư thế. Chưa kịp làm gì thì anh em du kích dân tộc hốt hoảng chạy vào báo địch đã vào đến máng nước rồi và tất cả nhân dân hối hả chạy.
Tất cả lực lượng khiêng thương binh đều chưa về đây, nhìn lại còn năm cas phải khiêng mà chỉ có mình, Tám và mấy đứa học sinh đợt I đang chuẩn bị đi về. “Không thể bỏ thương binh được, phải cố gắng hết sức mình khiêng thương binh, các đống chí ạ!” - Mình nói mà lòng thấy băn khoăn khi trước mặt mình chỉ là mấy đứa thiếu nhi gầy ốm, mảnh khảnh. Tình thế nguy nan, Tám và Quảng hớt hải chạy đến báo tin địch đã vào đến suối nước chỗ tắm rồi.
Mấy cas thương được chuyền đi, cỏn lại Kiệm một thương binh cố định gãy xương đùi. Không biết làm sao mình gọi Lý - con bé học sinh lại cùng khiêng. Kiệm lớn xác, nặng quá hai chị em không thể nào nhấc lên được. Ráng hết sức cũng chỉ lôi được Kiệm ra khỏi nhà được một khúc, mình đành bỏ đó đi gọi anh em đến chuyển dùm. May quá lại gặp Minh, Cơ hai đứa vừa thở vừa báo tin địch đã bắn chết đồng chí Vận – thương binh. Mấy chị em khiêng Kiệm chạy. Xuống hố trốn tạm một nơi.
Một giờ sau mới tập trung đông đủ được số thương binh lại - chỉ thiếu một mình Vận, còn cán bộ thì vắng chín đồng chí.
Bọn mình quyết định chuyển về Hố Sâu lợi dụng địa điểm và lương thực của đơn vị 120 như dự kiến đã bàn từ hôm trước.
Một cuộc di chuyển cực khổ vô cùng, chắc nó cũng như những lần mà bệnh xá bị oanh tạc hoặc tập kích khác, nhưng có khổ hơn vì không biết nhờ cậy vào ai, mấy đứa xưa nay không khiêng thương vì ốm yếu bây giờ cũng phải lãnh một cas thương, trèo đèo lội suối đi về địa điểm mới.
Mệt, đói run chân nhưng mình và các đồng chí vẫn vô cùng bình tĩnh. Dù sao cũng đã trưởng thành rồi qua mấy năm ác liệt.
Bốn giờ đến địa điểm.
Và đêm đến khu rừng tràn ngập trong ánh trăng. Sau khi thăm lại các thương binh không có gì diễn biến trầm trọng, mình trở về nằm vắt tay lên trán ngắm ánh trăng rực rỡ không thể không suy nghĩ.
Hai năm tròn rồi đó, cũng vào tháng tư, cũng giữa mùa trăng mình về nhận công tác tại Đức Phổ giữa lúc bệnh xá đã tan tành sau một cuộc oanh tạc. Bây giờ lại tháng tư ở miền Nam chói chang. Và nỗi căm thù cũng nóng bỏng như ánh nắng mùa hè đó. Chiều nay đứng trên một đỉnh núi cao nhìn về khu vực bệnh xá cũ thấy khói bốc lên nghi ngút mà mình rưng rưng nước mắt. Vậy là biết bao nhiêu mồ hôi công sức, bao nhiêu của cải tài sản nhân dân đã dành dụm nuôi thương binh từ đó đến nay đã cháy hết thành tro bụi! Biết nói đây sao hở các đồng chí? Biết nói gì khác hơn một câu triết lý bất di bất dịch của mỗi người dân Việt Nam là “Không có con đường nào hơn là phải đánh cho không còn một tên đế quốc Mỹ nào trên đất nước chúng ta, lúc đó mới có thể có hạnh phúc”.
29.4.69
1h30 thức dậy giữa đêm khuya. Rừng im lặng mênh mông trong ánh trăng mờ. Đài Giải phóng đang trình bày một bài vọng cổ âm điệu của bản nhạc buồn và thấm sâu vào lòng người nghe. Bất giác mình thấy nhở nhà một cách kỳ lạ. Phải chăng cảnh rừng khuya trầm mặc đã làm mình thấy cô đơn? Phải chăng cảnh gian nan không nhà không cửa làm mình nhớ đến căn phòng ấm cúng trong đó có ba má và cả cải gia đình đầm ấm của mình? Nhưng Thuỳ ơi, đêm nay đâu phải riêng Thuỳ cô đơn không nhà không cửa mà bên Th. còn bốn mươi con người, có cả những đồng chí thương binh vết thương còn đang nhức nhối cũng chịu cảnh như Th. Và còn cả triệu người dân miền Nam còn đang ngập chìm trong khói lửa đau thương và căm thù. Hẳn Th. biết như vậy chứ?
2.5.69
Giữa khó khăn mình không đơn độc, quanh mình biết bao anh em đồng chí bạn bè đâu nóng bỏng lo âu cho anh hình bệnh xá. Trong hàng loạt lá thư tới tấp gỉ ri vẻ có một lá thư làm mình xúc động vô cùng, lá thư mang nặng tình thương, nặng trĩu lo âu và thiết tha vô hạn. Cảm ơn tất cả mọi người! Hứa với tất cả rằng chúng tôi và riêng tôi sẽ bình tỉnh vượt qua mọi khó khăn, đứng vững với tư thế một người chiến thắng.
3.5.69
Gần một năm mới trở lại Phổ Cường. Mảnh đất thân yêu mà mình đã coi là quê hương ấy vẫn như xưa. Những người dân Phổ Cường cả quen lẫn lạ nồng hậu đón tiếp mình. Vậy mà không hề thấy vui. Những người thân yêu đều đi vắng không gặp ai cả. Đáng lại đau, con bé giận dỗi mình vì nói sao mình cũng không chịu ở lại một ngày nữa rồi hãy về. Cái giận dỗi của con bé vô tình làm mình buồn thêm. Nằm bên nó trăng sáng mênh mông mà không sao ngủ được. Em yêu thương ơi sao không có em ở đây. Lòng em tha thiết yêu thương chị nhưng em không san sê cho chị những nỗi nhớ niềm thương thương khi mà chị đang chờ em đến. Biết là mình sai vì không thể trách ai được cả, Mỹ còn đó, làm sao ai có thể đi đâu được. Vậy mà cũng thấy bực bội trong lòng! Ôi! Cô bé Thuỳ ơi, cô vẫn là một đứa trẻ con, cô vẫn để cho tình cảm lấn áp những điều mà lý trí đã thấy rõ ràng.
11.5.69
Bệnh xá bắt đâu vào thời kỳ xây dựng. Mọi người tập trung cho công tác đó. Riêng mình và Liêm - Vinh - anh Sáu - chị Xăng ở lại nhà với thương binh.
Chiều nay, một buồi chiều oi ả, trong cái thung lũng này gió không đến được. Không khí nặng nẻ. Quanh trời tiếng máy bay địch gầm gừ, tiếng vang rén của bom pháo không ngớt… Một câm giác lo âu đè nặng tim mình. Còn bấy nhiêu cán bộ, sáu cas thương phải khiêng. Toàn bộ tài sản tập trung tại đây- địa hình xung quanh rất khó rút lui - Nếu địch đồ quân xuống… làm sao giải quyết cho được.
Từ đây đến ngày thắng lợi không xa nữa nhưng đoạn đường ấy bao nhiêu là xương máu hở các đồng chí thân yêu? Không hề bi quan nhưng mình cảm thấy rằng sự hy sinh là lẽ tắt nhiên của mọi người trong giai đoạn này.
12. 5. 69
Những buổi nói chuyện với anh Long để lại cho mình những suy nghĩ khá đậm nét Không phải đến hôm nay mình mới biết anh mà mình đã biết từ những ngày bệnh xá còn gian nan xây dựng. Người thủ trưởng ấy dáng người mảnh khảnh, nước da trắng, đôi mắt vui cười nhìn mình trìu mến: "Cố gắng nghe em, cố gắng để học tập trưởng thành trong chuyên môn và lãnh đạo”. Anh xoắn tay cầm con rữa lặn lội trong mưa đi làm với anh em. Ít lâu sau anh đi, tuy chỉ gần mình ít lâu nhưng anh rất thương mình. Những lá thư gửi về bao giờ cũng thắm tình mến thương và quan tâm lo lắng.
Thuận, anh Kỳ nhiều lần giới thiệu vê anh "Một con người ít có". Và Thuận có lẫn nói: "Đời em chỉ thương và phục nhất có hai người về cách sống, đó là anh Long và chị". Thằng nhỏ đã quả thương mà đề cao mình, nhưng với anh Long thì đúng như vậy.
13.5.69
Xuống Phổ Cường sau khi xảy ra trận tác chiến ở đây. Không khí còn nặng mùi trận địa. Bộ đội đang giải quyết thương binh và tử sĩ. Không hiểu sao niềm vui chiến thắng (diệt 98 tên địch, bắn rơi một HU-1A, một xe tăng) không át nổi được cái buồn. Đó chỉ là cảm giác của riêng mình hay là của mọi người? Mười lăm đồng chí bộ đội hy sinh, hai mốt cas thương binh - con số đó đâu phân là nhỏ?
Xóm thôn im lặng , súng địch phản ứng nổ như bắp rang. Mình không thấy sợ mà chỉ thấy căm thù và suy nghĩ.
Ngồi bên em (phải chăng đó là điều mà cả hai chị em mình cùng thiết tha mong ước). Nhưng sao niềm vui không trọn vẹn. Trong bóng đêm chỉ có ánh sao và pháo sáng địch soi rõ. Mình cố nhìn xem đôi mắt long lanh của em muốn nói những gì nhưng không thấy gì hơn, cũng chỉ là cái nhìn thắm thiết yêu thương từ trước đến nay. Và cũng như bao lần khác em ngồi lặng lẽ bên mình không biết nói gì.
Cả mình và em đâu như nhau, không bao giờ thoả mãn trong mọi mặt - công tác và tình cảm. Bao giờ cũng thấy còn thiếu. Đó là cái ham tiến bộ hay cái tham vọng quá cao chị em mình?
18.5.69
Chiến sự vẫn tiếp diễn, suốt đêm ngày tiếng súng vẫn nổ rền, tiếng máy bay vẫn gào xé trong không gian và đêm đêm pháo sáng vẫn sáng rực cả góc trời phía quận. Cuộc chiến đấu ngày càng gay go ác liệt, bộ đội của ta đêm ngày nằm sát trận địa, nắng lửa và bom đạn làm đen sạm nước da các anh. Ôi những người anh giải phóng, trong trăm nghìn gian khổ nguy nan, anh là người chịu nhiều nhất, máu các anh đã chảy thấm ướt cả ngọn cờ và cả mảnh đất mà các anh đang bảo vệ. Những lúc này đây sao tôi bỗng cảm thấy sâu sắc hơn bao giờ hết cái hy sinh anh dũng của các anh cao quý, thiêng liêng biết chừng nào... Tôi biết trong các anh có rất nhiều và rất nhiều người quê ngoài miền Bắc. Cũng có nhiều người mới từ những ngày hoà bình bước vào cảnh lửa đạn này. Hôm nọ, gặp mấy chàng trinh sát trẻ măng nước da trắng dưới lớp lông măng trên má, chắc rằng đó là những học sinh cấp hai mới rời cây bút để nhận khẩu súng lên đường đi chống Mỹ cứu nước. Vậy đó, cả nước đã lên đường…
* * *
Sao mình lại xử sự với em như vậy? Chắc sẽ làm em buồn. Nhưng mình là vậy đó , hình như với ai cũng vậy, cũng có lúc mình gây cho người thân những nỗi đau buồn. Đâu phải vì tính mình mà là vì tình thương ở mình phức tạp quá, mình đòi hỏi quá cao ở người thân. Về vật chất thì không, không bao giờ mình đòi hỏi nhưng về tinh thần mình lại đòi hỏi cao hết sức. Thuận đã bao nhiêu lần nói rằng thương mình cao hơn hết mọi người trên đời trừ cha mẹ. Vậy mà mình cũng vẫn có lúc nghi ngờ tình thương ấy. Nghe tình hình Phổ Cường căng thẳng, biết em vất vả nhiều, muốn làm lành với em vậy mà cũng vẫn gửi lá thư đi, lá thư có mấy dòng đầy trách móc. Em ơi, bao giờ chị cũng thương em vô hạn nhưng tình thương đâu phải là chỉ những buổi sáng nắng hồng rực rỡ, những buổi chiều êm ả hay những đêm trăng mênh mông trên đồng lúa yên lành. Mà tình thương còn là những cơn giông sau những ngày hè êm ả. Vậy đó, làm bạn với một đứa tiểu tư sản thực là phức tạp.
20.5.69
Suýt chết một lần nữa. Sáng nay mấy chiếc HU-1A và một chiếc tàu rọ quân sát dưới hố sâu. Ngồi quan sát mức độ rà kiếm của nó mình thấy hết sức lo. Quả nhiên sau một vòng quần thấp sát ngọn cây chúng đã phát hiện được một phòng thương binh ở. Tiếng lựu đạn nổ chát tai, lửa loé sáng rực và khói trùm toàn bộ lên nhà. Mọi người vội chui xuống hầm - Hầm rất cạn nhưng có cách nào khác hơn – Mình thầm nghĩ, chắc lần này khó thoát.
Chiếc rọ vừa quần ra xa, mình vụt chạy lên phòng thương binh, mọi người cũng đã xuống được hầm kể cả các ca cố định. Chiếc rọ lại quần tới nơi, vòng lượn của nó thu hẹp dần, lựu đạn ném tới tấp quanh nhà. Tiếng rocket nổ long trời ngay đầu dốc chỗ phòng I.
Mình quay sang anh Minh - một bộ đội bị thương đang nằm viện:
- Giải quyết sao giờ anh Minh?
- Ngồi đây chứ biết làm sao giờ?
Mình bỗng nghĩ đến những người thân yêu trên cả hoài miện và tự nói: Cái chết đơn giản quá! Mọi người chỉ chờ một cách tuyệt vọng rằng pháo bom sẽ giội xuống tan nát khu rừng bé nhỏ này, nhưng sau ba mươi phút bắn phá bọn quỷ kéo nhau đi.
Mình chạy lên, lật đật cho di chuyển thương binh. Cõng thằng Khâm trên lưng mệt nhưng vẫn thấy sung sướng. Qua trận bắn phá không ai tổn thất gì. Đó là điều sung sướng nhất rồi.
Ngay ngày hôm đó toàn bộ chuyển về vị trí mới.
Chao ôi, những ngày gian khổ của giai đoạn cuối cùng!
24.5.69
Về sống Phổ Cường giữa lúc trận tác chiến mở ra. Hai giờ súng bắt đầu nổ. Bom, đạn, pháo, máy bay tất cả tạo nên một âm thanh phức tạp, thứ âm thanh vẫn thường nghe thấy trong những cuốn phim chiến đấu. Nghe súng nổ mình hơi lo, bọn mình đã sát trong vòng trận địa. Chưa kịp đi đâu đã thấy Thuận chạy ra bất kể máy bay trên đâu, em lo lắng gọi mình về công sự nấp.
Đêm hôm đó mình cùng em chứng kiến một đêm của chiến trường. Địch phản ứng dữ dội vô cùng, phản lực thả bom khắp xóm, tàu hai thân chiến đấu quần lượn chiếu đèn pha và đổ từng dòng đạn xuống trận địa. Giữa trời đêm từng viên đạn đỏ rực như lửa chậy xối xuống trận địa, xối cả vào tim mình. Ai sẽ phải hứng những luồng đạn đó? Có phải anh không hỡi những người giải phòng quân đã cùng tôi xuống đường đêm hôm trước? Những Lâm, những anh Đến… và bao nhiêu người khác nữa. Suốt một đêm không ngủ, lo âu, căm thù, nặng trĩu tâm tư.
25.5.69
Những ngày sống bên em đã chứng minh thêm những điều em đã nói. Quả thực không ai được em đối xử như đối với mình. Trong mối quan hệ ấy nó bao gồm tất cả ý nghĩ quan miệm của em về tình thương, nỗi nhở. Đó là sự tôn trọng, đó là sự lo lắng quan tâm, thương yêu, chiều chuộng hết sức cho mình. Từ câu nói, cái nhìn, từng chén nước rót đem đến cho mình, từng mũi tiêm mà em năn nỉ tiêm trên cánh tay mình khi đau ốm. Tất cà đều chứng tỏ một điều là em thương chị hơn tất cà mọi người. Thế thôi! Đó là một điều có đúng không em?
4.6.69
Vẫn là những ngày căng thẳng, địch đổ quân sát bên nhà. Chúng la hét, chặt cây ầm ĩ cả khu rừng. Bệnh xá im lìm căng thẳng đến tột bậc.
Đang công tác ở Phổ Cường, nghe báo tin mình lặng người lo lắng, chén cơm bưng trong tay không sao ăn tiếp được nữa. Chẳng lẽ cứ thế này mãi sao. Vừa xây dựng được mấy bữa lại lo chạy - Bao giờ mới tiếp tục được nhiệm vụ (không rõ chữ) ? Lo buồn và uất ức lạ. Có cách nào đâu chứ không lẽ bó tay chạy dài mãi sao?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.