Những Mảnh Ghép Của Sự Tỉnh Thức

Chương 1: Kí ức bé thơ




Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tôi nhận được một mảnh ghép để thấy sự tương phản của hạnh phúc rõ rệt như thế nào, là câu chuyện của bà trong bữa cơm gia đình kể về những ngày tồi tệ nhất vào những ngày cuối trong cuộc chiến chống Mỹ.
Một buổi trưa lạnh lẽo của thành phố Thanh Hóa khi trời đông, như thường lệ gia đình tôi lại quây quần bên nhau để thưởng thức bữa cơm trưa đầy ấm áp trong căn nhà cấp 4 chật chội và cũ kĩ. Bà nhẹ nhàng thêm củi vào bếp để chống chọi lại cái lạnh giữa tiết trời tháng 12, tôi ngồi một góc bếp nghe tiếng lách tách của từng tia lửa óng lên rực rỡ rồi lại ngó sang mâm cơm chỉ có 1 bát cà, chén nước mắm và 1 đĩa mỡ đông. Bố mẹ tôi mới cấy lúa về cũng đã sẵn sàng cho bữa cơm, khi cả nhà chuẩn bị ăn cơm thì tôi thốt lên:
- Bố ơi! Sao nhà mình ngày nào cũng chỉ ăn cơm với cà với nước mắm vậy? Con chán ăn vậy lắm rồi, đớ lắm luôn! Hôm trước con ăn "chực" nhà thằng Duy cơm nhà nó ăn ngon lắm có thịt kho lại còn cá kho nữa.
Tôi hỏi vì thấy cơm thật sự chán mà ngày nào bố mẹ với bà cũng ăn nom có vẻ ngon miệng lắm! Còn tôi nhìn kiểu gì cũng nuốt chẳng trôi.
Nghe vậy bà ôn tồn nói:
- Với cháu thì đúng là cơm không ngon nhưng bà với bố mẹ thì ngày nào có nước mỡ đông chan với cơm nóng thì ăn cả đời cũng được. Có cơm ăn là thấy vui hạnh phúc rồi chứ đừng nói tới thịt cá nếu mà có thì càng thêm vui.
Tôi chẳng hiểu nổi lời nói của bà mà gặng hỏi:
- Bà nội nói cứ như ngày xưa đói lắm không có cơm ăn ấy
Bà đặt chén cơm xuống, vẻ mặt đượm buồn cho những nếp nhăn xô lại với nhau rồi kể:
- Ngày xưa cái thời của bà với bố mi mới lớn bọn Mỹ cứ lâu lâu thả cái loại "Bom Bi" toàn phải trốn xuống hầm, hào. Đừng nói là lúa cho tới cỏ còn chả sống được thì làm chi có cơm gạo như bây chừ mà ăn.
Có nhiều lần bà còn ăn cám viên, sang hơn thì đi vay được ít gạo rồi ăn chung với cái loại tro bếp cho có hơi vị mặn măn. Có mấy khi còn đói đến mức ăn đọt chuối để cầm hơi chứ làm chi có nước mắm mà chấm hay mỡ lợn mà chan. Ngày đó được sống là may rồi còn cái ăn thì có chi ăn đó. Rồi bố của cháu ngày xưa học giỏi còn phải bỏ học vì nhà không có gạo để ra đồng bắt cá đổi gạo ăn, cũng không được học hành tử tế như cháu bây chừ. Nên cháu phải thấy may mắn thấy quý cơm gạo, đừng có đi so sánh với nhà thằng Duy gia đình hấn ngày xưa là địa chủ nên chừ giàu có. Còn cơm gạo cháu ăn là bố mẹ chắt chiu kiếm từng đồng mà có, nên không có so sánh vậy bố mẹ buồn biết chưa.
Ngồi ngẫm hồi lâu thì tôi thấy đúng thật, nếu so với ngày xưa thì bây giờ nhà mình hạnh phúc thật. Bảo sao mà bà với bố mẹ ăn bữa nào cũng ngon vậy, còn mình thì chưa nếm cái khổ cái thiếu thốn nên đâu biết cơm thường ngày ăn ngon thế nào. Lúc đó tôi mới thấy may mắn và cũng không hay sinh lòng so sánh nữa.
Nhưng tới tận bây giờ tôi mới ngộ ra thật ra bà nội và bố mẹ may mắn hơn tôi rất nhiều vì họ đã từng trải qua sự đau khổ thiếu thốn nhất để rồi mỗi miếng ăn đều cho họ cảm giác no đủ, hạnh phúc.
Còn tôi đã quen với cái tiện nghi đầy đủ rồi nên thấy những điều kiện sinh hoạt bình thường thật chẳng có gì đặc biệt, dẫu cho có "biết" được và tự nhắc nhở phải trân trọng cái có ở hiện tại nhưng để "hiểu" thực sự thì cần phải có sự trải nghiệm để thấu hiểu sâu sắc cái đau khổ ấy mới biết được hạnh phúc thật sự là như thế nào.
Tôi từng nghe Thiền Sư Thích Nhất Hạnh nói "Hạnh phúc được sinh ra từ những điều kiện của khổ đau, chúng giống như hình với bóng không thể thiếu được".
Kể từ khi nhận thức được điều đó tôi chưa bao giờ sợ khổ đau hay khó khăn cả, mỗi ngày đi làm đi học tôi đều đi thật chậm ngân nga hát ca những bài hát mà mình thích, rồi lại ngắm nhìn những hàng cây ven đường, nghe tiếng lá xạo xạc, nghe tiếng chim hót, lại nhìn thấy hoa nở, bầu trời thì trong xanh mang theo những cơn gió cuối thu thổi nhẹ. Tôi tận hưởng từng chút của tự nhiên và giữ cho mình trạng thái vui vẻ nhất.
Nhiều người vẫn cứ hay đi tìm kiếm hạnh phúc, sự thoải mái để rồi họ làm bạn với máy tính văn phòng từ sáng tới tận khuya chỉ để kiếm tiền, khá hơn là sẽ dùng số tiền đó du lịch nghỉ ngơi để ngắm nhìn thiên nhiên, sắc trời sau những ngày làm việc mệt mỏi.
Nhưng họ chưa từng nghĩ thật ra thời tiết ở đâu cũng sẽ có những ngày đẹp đến lạ, không cần đi xa thì sáng sớm bình minh vẫn chói lọi như thế, trời khi chớm đông luôn se lạnh và trong xanh, gió thì nhẹ thổi trên đường đi, hoa chưa từng ngưng nở ở bên đường khi họ đi làm. Chỉ là họ chưa thật sự nhìn ngắm tận hưởng thôi, khi ra đường mắt tuy nhìn thẳng nhưng trong đầu là những ý nghĩ về công việc ngày mai, còn lo sợ về những lỗi lầm của mình hay đang mải mê với việc mình đã kiếm được bao nhiêu tiền để lên kế hoạch cho tương lai..
Tôi cũng từng có khoảng thời gian như vậy, cả ngày học hành từ sáng rồi tới gần khuya đi về để rồi cứ như một vòng lặp vô tận tới mức có một thời gian sự lặp lại ấy khiến tôi rơi vào trạng thái mơ hồ chán nản với mọi thứ xung quanh, mất động lực với mọi thứ. Ngôn Tình Ngược
Ai cũng vậy, sẽ có lúc chúng ta tự hỏi "Mình là ai? Mình cố gắng vì điều gì? Những việc mình đang làm thật nhàm chán". Ấy là khi chúng ta đang trong trạng thái mê man, chạy theo những điều kiện bên ngoài mà lầm tưởng rẳng đó là thứ mình phải có và nó sẽ làm mình hạnh phúc hơn, nhưng đến khi chạy theo những thứ đó bất chợt bản thân bạn nhận ra "à thì ra mình chẳng cần thứ này và nó chẳng thú vị chút nào" lại không biết nếu không phải thứ này, công việc này thì điều bản thân mình muốn thật sự là gì? Từ đó này sinh ra tâm nghi hoặc rồi ở mãi trong đó không thoát ra được.. Bởi vậy đôi khi hãy bình tĩnh, cảm nhận để cho bản thân có thời gian tĩnh lặng tự ngẫm xem thứ thật sự mình muốn là gì.
Bằng chứng rõ nhất cho việc này thật ra rất dễ tìm kiếm, đó chính là mỗi chúng ta đều có một cái "muốn" chung. Tôi chắc rằng hầu hết mọi người khi còn thơ bé đều muốn lớn thật nhanh, lớn thật nhanh để được đi xe đạp đến trường, lớn thật nhanh để được lái xe máy hay chỉ đơn giản muốn lớn để được tự do quyết định mọi thứ mà không bị Bố Mẹ của mình quản thúc.
Vậy mà khi đủ lớn rồi, chúng ta được mỗi ngày đi xe máy thật ra đến chỗ làm, mỗi ngày được đạp xe đi chợ như mong ước thì lại cảm thấy mệt mỏi. Được tự do đi chơi, làm việc mình thích, ăn uống tự lo không bị quản thúc như mong ước thì lại bắt đầu nhớ nhà, nhớ Bố Mẹ thật nhiều.
Để rồi khi lớn lên phải đối mặt với áp lực trưởng thành về vật chất và công việc thì chúng ta lại ước, muốn trở về những ngày bé thơ để chẳng phải lo nghĩ gì nhiều. Không cần lo nghĩ về tiền bạc, Bố và Mẹ tóc chưa bạc màu, những trưa hè thì đi chơi với lũ trẻ vô lo vô nghĩ.
Sau khi có những suy nghĩ như vậy thì chúng ta nhìn lại thực tại rồi bắt đầu chán nản. Nếu như vậy mãi thì ta dần trở thành những kẻ tham lam vì chẳng phải mình đã đạt được những thứ mình mong ước rồi sao? Thay vì cảm thấy hạnh phúc thì người ta nhanh chóng chán nản và muốn một thứ khác mới mẻ hơn đồng thời cảm thấy chán nản với những thứ đã đạt được ở hiện tại. Hầu hết mỗi người đều chưa xác định được bản thân thật sự muốn gì và chính điều đó khiến họ bị lầm tưởng, mất phương hướng sau đó rơi vào trạng thái tiêu cực.
Nhà văn Oscar Wilde cho rằng: "Con người có hai nỗi bất hạnh lớn nhất. Một là không thể nào đạt được ước mơ của mình, hai là đạt được ước mơ đó rồi".
Điều đó thật đúng nhưng chỉ đúng với những người đang không thật sự nhận biết được điều kiện hạnh phúc và không phân biệt được mong ước của mình. Tôi sẽ không bàn luận rằng nhà văn là một người đã đủ "tỉnh thức" hay chưa mà tôi chỉ nhận xét rằng quan điểm của nhà văn chỉ đúng với những người "lạc lối '.
Khi con người ta có mong muốn lớn lao mà không thực hiện được sẽ chịu cảm giác đau khổ nên Thiền Sư Thích Nhất Hạnh mới có câu:" Mọi sự khổ đau đều bắt nguồn từ sự muốn "" nhưng nếu bạn trải qua vô vàn gian khổ để đạt được mong muốn ấy xong sau cùng khi đạt được rồi lại thấy công sức bỏ ra thật không đáng hay đạt được rồi thì mất động lực, còn trở nên nhàm chán và bất hạnh hơn thì nguyên do rõ ràng nhất là vì bản thân bạn ngay từ đầu đã xác định sai rồi, ước mơ đó không phải điều mà bạn mong muốn thật sự nên cái khổ đau, bất hạnh lại được sản sinh ra. Nên tôi mới cho rằng câu nói của nhà văn đang hướng tới những người lạc lối, họ bị mất phương hướng ngay từ sâu bên trong họ và không xác định được điều kiện mang đến hạnh phúc cho bản thân.
Bởi vậy tôi hi vọng thông qua những mảnh ghép nhỏ từ những câu truyện mà tôi cảm thấy sẽ bổ ích sẽ giúp được bạn những lúc khó khăn, tự nhìn nhận được cái mong muốn từ sâu trái tim để có một quyết định sáng suốt, một tâm hồn cởi mở sẽ nhìn nhận thế giới tươi đẹp hơn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.