Những Mảnh Ghép Của Sự Tỉnh Thức

Chương 2: Dựa dẫm




Ở một ngôi làng nọ có một chú bé mù, bố mẹ mất sớm nên chú bé ở chung với người bà đã ngoài 60. Vì từ nhỏ đã bị mù bẩm sinh và chỉ còn mình bà là nơi nương tựa nên nghị lực của chú bé rất lớn, ngày qua ngày chú tự tập cho mình thói quen cảm nhận xung quanh, tuy không nhìn thấy nhưng đã tự tập khả năng cảm nhận âm thanh từ đó có thể đi bằng chính đôi bàn chân của mình một cách an toàn, chính xác và chậm rãi.
Năm tháng cứ thế trôi chú bé mù lớn dần và khả năng đi lại của ngày càng tốt, tuy không thấy đường, nhưng trên những cung đường quen thuộc chú có thể đi mà không sợ lạc hay gây tai nạn cho ai hết. Chú có một người bạn rất thân, người bạn ấy giúp đỡ cho chú rất nhiều và không vì chú bị mù mà xa lánh, chia sẻ từng cái bánh và rất hay đưa chú bé mù về nhà. Một hôm nọ, vì mải chơi ở nhà người bạn thân mà quên giờ về, nom thấy sắc trời đã tối hẳn mà đường làng thì không có đèn đường nhiều, anh bạn bèn nói:
- Trời tối hẳn rồi kìa, cậu về đi không bà lại lo lắng. Tớ sẽ đưa cho cậu cái đèn dầu cậu cầm theo mà đi cho sáng đường
Chú bé mù vừa cười vừa nói: "Tớ bị mù mà, có đèn sáng cũng thấy gì đâu mà cầm?".
Anh bạn đáp lại với vẻ mặt lo lắng:
- Cậu không thấy nhưng người đi đường thấy và họ sẽ tránh, vả lại đường làng mình không có đèn nếu cậu không cầm theo người đi xe đạp đụng trúng gẫy chân thì sao
Chú bé mù nghe vậy thấy hợp lý và cầm theo cây đèn dầu về nhà. Bình thường khi đi chú rất cẩn thận lắng nghe âm thanh xung quanh và phân biệt xem tiếng chân, xe đạp, xe máy đến từ hướng nào để dừng lại tránh né.
Nhưng hôm nay cầm đèn dầu thì cậu lại nghĩ "mình đã có cây đèn dầu rồi, người đi đường họ sẽ tự thấy và tránh ra thôi" suy nghĩ vừa khởi lên cậu đi thật nhanh và chẳng cần quan tâm đến mọi thứ xung quanh nữa. Cảm giác đi nhanh mà an toàn thật thích, không cần lo lắng gì mà thoải mái đi theo ý thích của mình, đây cũng là lần đầu tiên trong 14 năm qua cậu được thoải mái như vậy và trong lòng thầm cảm ơn cậu bạn của mình.
Chú bé mù ngày một đi nhanh hơn nữa, chính lúc này vì chú đi quá nhanh mà cơn gió nhỏ đã làm tắt cây đèn dầu, nhưng chú bé mù không hay biết gì cả. Đi được một đoạn nữa thì phía xa có một chiếc xe đạp chạy đến, vì đường quê không có đèn đường nên người đi xe đạp đã đụng trúng chú. Ngã vừa đau lại bị cây đèn dầu rơi trúng mặt chú bé cáu lên quát mạnh:
- Người đi xe kia bộ bị mù hả! Đi đường không nhìn thấy cây đèn dầu của tôi hay sao còn đụng trúng tôi!
Người đi xe đang rất lo lắng cho chú nhưng nghe cậu nói vậy liền cáu gắt:
- Cây đèn của cháu đã tắt hẳn từ lúc nào rồi! Cháu bị mù mà ôm cây đèn đã tắt chạy như bay vậy giờ còn nổi cáu với tôi sao!
Nói rồi người đi xe đỡ chú dậy rồi chạy thẳng về phía xa, còn chú bé mù đứng như chết lặng và ngẫm nghĩ hồi lâu. Thường ngày cũng cung đường này không có chiếc đèn, tự bản thân chú hoàn toàn có khả năng đi về nhà bằng sự cảm nhận được tích lũy qua nhiều năm, bản năng giữ cho mình đi từng bước thật chậm và an toàn, chú có thể đi chậm và lắng nghe âm thanh từ rất xa và thậm chi nghe được tiếng gió thổi nhẹ, tiếng cành cây rung động trong đêm.
Nhưng hôm nay lại bỏ hết những điều quan trọng ấy và thay vì dựa dẫm, tin tưởng vào chính bản thân mình thì chú lại đặt hết sự an toàn phó mặc cho ánh sáng của cây đèn, đồng thời cuốn theo những thứ cảm xúc mới lạ mà quên mất xung quanh, bị cuốn theo những thứ cảm giác mới mà tai chẳng nghe được tiếng xe đạp trong khi vốn dĩ chú có thể nghe và tránh nó.
Chú vừa bước đi mỗi bước đi thì cơn đau từ dưới chân lại nhói lên như muốn nhắc nhở về sự mù quáng của mình, và đâu đó trong thâm tâm của chú lại tự trách "14 năm nay tuy mình mù nhưng chưa từng một lần thấy nội tâm tăm tối nhưng hôm nay tưởng chừng như tìm được ánh sáng dẫn đường thì mình lại trở thành một tên mù lòa thật sự".
Sau câu truyện của chú bé mù tôi nhận thấy "chú bé mù" giống như một phần tăm tối của chúng ta và "cây đèn dầu" giống với những người thân yêu, những đức tin mà bản thân mỗi người vẫn luôn cho đó là điểm tựa.
Có người để dựa dẫm để sẻ chia thật là tốt và tôi nghĩ trong cuộc sống đầy rối ren mơ hồ này ai cũng nên tìm cho mình một đối tượng thật sự tin tưởng để chia sẻ khó khăn, dựa dẫm khi mệt mỏi. Nhưng những thứ đó dù có tốt tới đâu, những "cây đèn dầu" dù có sáng tới đâu rồi cũng sẽ có ngày bị cơn gió thổi tắt cũng như những điều kiện, người mà bạn luôn cho rằng mình sẽ dựa dẫm và buông thả được khi có họ ở bên cũng sẽ có ngày họ rời xa mình.
Suy cho cùng chúng ta cứ mải làm "chú bé mù" chạy theo những vật chất, sự vật ngoại cảnh mà bỏ quên đi tìm về nơi bản thân. Dựa dẫm, trao cảm xúc của mình cho người khác để có những giây phút an toàn tạm thời rồi lầm tưởng thời gian đó, người đó là vĩnh cửu. Để khi cơn gió kia làm tắt ánh sáng mà bản thân luôn nghĩ là vĩnh cửu và chiếc xe đạp đâm một cú thật đau thì lại mang những cơn đau đó theo sự hối hận và nghĩ "à ra là vậy" lúc ấy đã quá muộn rồi.
Sau tất cả những thứ ngoại cảnh như: Gia đình, bạn bè, người yêu hay vật chất xa hoa cũng chỉ mang tính chất "tạm thời" tất cả như những cây đèn dầu đều sẽ tắt bất cứ lúc nào. Người yêu nhất của ta sẽ bất thình lình rời xa ta, bố mẹ rồi có thể sẽ gặp nạn và bỏ ta lại, tiền bạc có thể sẽ vì khủng hoảng mà không còn. Chỉ còn lại bản thân và những kinh nghiệm, trải nghiệm tích lũy từ lâu.
Thay vì dựa dẫm vào người khác hay chạy theo những thứ hư ảo bên ngoài, thì hãy tin tưởng hơn vào bản thân hơn, tin vào sự nỗ lực của chính mình và bước tiếp với trạng thái thư thả nhất, an vui nhất. Như chú bé mù tuy mù suốt 14 năm nhưng trước khi dựa dẫm vào cây đèn thì mỗi ngày cậu đều đi chậm, tin tưởng vào cảm nhận của chính mình và tận hưởng từng bước chân, lắng nghe thế giới xung quanh. Hãy có niềm tin tuyệt đối vào bản thân còn những điều kiện bên ngoài chỉ để tham khảo..

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.