Những Mảnh Ghép Của Sự Tỉnh Thức

Chương 3: Hiểu để thương




Vẫn như mọi ngày, bình minh lại nhẹ nhàng ghé thăm tu viện Trúc Lâm nhỏ xinh, không như những nơi chùa miếu uy nghi rộng lớn khiến người ta choáng ngợp bởi các hình tượng Phật, óng ánh màu vàng kim khác nhau hay mùi nhang khói nghi ngút ở những chốn khác. Trúc Lâm đơn sơ mà giản dị, chung quanh là những rặng tre, trúc mọc thành từng hàng một cách nề nếp. Tre không quá lớn trúc lại càng mềm mại, khi những tia nắng bình minh khẽ phũ xuống mái tranh trong tu viện lại càng làm không gian thêm ấm áp lạ thường. Không mang cái lạnh lẽo như rừng núi, không mặc lên mình những vật liệu cao quý sang trọng, ấy vậy mà khiến người bước vào nơi đây thấy lòng nhẹ hẳn.
Một cảm giác khoan khoái dâng lên từ trong những tế bào, nếu để ý kĩ bình tĩnh cảm nhận ta có thể nghe thấy tiếng nước chảy róc rách bên dưới hòn non bộ của tu viện, những chú chim ca hát sau rặng tre, cơn gió thì khẽ âu yếm, quấn lấy nhành trúc, tre.
Hôm ấy tôi may mắn được ghé thăm tu viện Trúc Lâm, để tìm kiếm sự an tĩnh nơi tâm hồn và chữa lành mình sau những ngày tháng làm việc đầy mệt mỏi. Quả thật như vậy, khi mới bước vào chỉ cảnh vật cũng đủ khiến tâm hồn tôi trở nên bình lặng lại. Tôi nhẹ nhàng đi từng bước chân thật chậm, hít thở thật sâu, ánh mắt khẽ đưa nhìn kĩ từng chuyển động của tre và trúc.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy bình yên đến thế, không vội vã, không xô bồ, không một tiếng xe cộ hay tiếng hối hả của máy tính văn phòng. Tiếng chim ríu rít hòa vào tiếng gió xạo xạc, tôi hít thật sâu mà mọi phiền não như tan theo không khí rồi biến mất hẳn.
Bước độ khoảng 200 bước chân, tôi ngửi thấy một mùi thơm nhẹ nhàng, không thơm gắt như mùi nước hoa cũng không quá nồng, nhưng mùi thơm ấy lại hòa vào không gian, thoảng trong gió rồi len lỏi vào tâm hồn của tôi. Đi thêm độ mươi bước tôi thấy một hồ sen lớn, đẹp lắm! Và thơm lắm! Thì ra mùi hương ấy là mùi sen trong hồ. Đứng nhìn mãi thì phía bên trong tu viện có một vị thiền sư nhẹ nhàng bước tới, bước đi của người khoan thai mà chậm rãi, nhưng lại vững chãi, chắc chắn từng bước, thầy bước tới gần hơn thì tôi cảm nhận được sự gần gũi lạ thường. Thầy nhìn tôi, một ánh mắt hiền từ và đầy yêu thương, đôi mắt ấy sáng ngời lại ấm áp.
Khi tới gần hơn thì thầy khẽ chắp tay hình búp sen rồi cười nhẹ với tôi rồi hỏi:
- Đây là lần đầu tiên con đến tu viện Trúc Lâm chăng?
Giọng nói Thầy chứa đầy sự yêu thương, không trầm bổng, không cao, không thấp mà vừa đủ, vừa đủ cho người nghe cảm thấy thoải mái, rõ ràng phải là người có nhiều sự yêu thương tới đâu mới có một giọng nói ấm áp và gần gũi tới vậy.
Tôi cũng chắp tay hình búp sen rồi đáp lại:
- Dạ thưa đúng ạ, đây là lần đầu tiên con đến một nơi thoải mái như thế này.
Thầy có lẽ đã để ý tôi cứ ngắm nhìn hồ sen lớn từ khi bước vào nên được một lúc thầy cười hiền:
- Con thích sen trong hồ lắm phải không? Con có thể lội xuống hái một búp cho thầy được không?
Bản thân tôi vốn khó từ chối người khác, đồng thời sen vừa đẹp vừa thơm tôi rất thích thú mà không ngần ngại cởi đôi giày, sắn ống quần tây lên lội xuống hồ sen để hái.
Khi vừa bước xuống thì tôi không ngửi thấy mùi sen nữa mà một mùi vừa hôi vừa tanh bốc lên, nhìn xuống chân mới biết đó là mùi bùn, tôi vội bước tới bông sen gần nhất nhưng ngoái nhìn thì Thầy vẫn đứng đó chờ tôi hái. Nghĩ hồi lâu tôi quyết đi xa hơn để hái bông sen đẹp nhất tặng Thầy, càng ra xa mùi bùn càng nồng, cố chịu một hồi tôi cũng đã hái được đóa sen đẹp nhất đưa cho thầy.
Thầy nhẹ nhàng vỗ vai tôi rồi cảm ơn, nụ cười của người thật đẹp, xong tôi cũng cảm thấy thật xứng đáng. Nhận sen xong người cầm lên đưa gần mũi rồi ngửi, Thầy bảo:
- Sen thật thơm, một hương thơm thuần khiết. Con hãy ở lại dùng bữa trưa cùng mọi người, chiều nay Thầy có một buổi giảng nhỏ cho các phật tử đến đây, con hãy đến nghe chung nhé!
Tôi vui vẻ nhận lời dùng bữa với các vị tu sĩ ở đây. Trong bữa ăn mọi người không hề nói chuyện rôm rã hay ồn ào như lúc tôi đi làm, mọi thứ diễn ra tĩnh mịch và yên ắng. Không ai nhìn ai mà chỉ tập trung vào bữa ăn của mình, ăn một cách chậm rãi khoan thai. Ngắm nhìn cách ăn uống của các vị thiền sư tôi thấy được thường ngày khi làm việc hay ăn uống mình đã vội vàng như thế nào.
Tôi bắt chước ăn thật chậm, nhai kĩ thì cảm nhận được vị ngon, ngọt của gạo đã chín, vị thanh đạm của rau cải, ăn xong tôi mới nhận ra từ trước tới giờ đã bỏ lỡ vị ngon của bữa ăn suốt thời gian dài như thế này sao.
Dùng bữa xong mọi người đều tìm chỗ để nghỉ ngơi, hầu hết mọi người đều tìm cho mình một góc dưới gốc tre, trải những chiếc bồ đoàn nhỏ nhắn xuống rồi bắt chéo chân dạng "kiết già" để ngồi thiền, thực tập phép quán niệm hơi thở. Tôi nhìn ngó hồi lâu rồi cũng tìm cho mình một góc mát mẻ bắt kiết già để ngồi thiền, nhưng vì chưa ngồi lần nào mà tôi trở nên lúng túng. Thấy vậy Thầy khẽ đến bên ngồi cạnh tôi, rồi chỉ dẫn:
- Con đừng nóng vội, thả lỏng bản thân rồi bắt chéo hai chân lên giống thế đài sen. Tay phải đặt lên lòng bàn tay trái, lưng thẳng để cố định tư thế ngồi cho vững trãi. Sau đó mắt con khẽ nhắm lại, cảm nhận cơ thể hòa lại làm một với tự nhiên.
Khẽ hít thở thật sâu bằng mũi, đè hơi thở xuống vùng bụng dưới rốn cho căng tràn năng lượng, rồi lại thở ra thật chậm bằng mũi. Khi hít vào thì con cảm nhận được hơi thở đi vào, bụng căng ra và khi thở ra thì bụng từ từ xẹp lại. Cảm nhận vào từng hơi thở để tâm lặng hơn.
Làm như Thầy nói thì sau 5 phút tôi cảm nhận được từng luồng khí trong trẻo đi từ từ khắp cơ thể, những mệt mỏi bắt đầu tan đi, cơ thể tôi cảm nhận rõ hơn về từng mạch đập ở 2 lòng bàn tay, tiếng tim đập cũng nghe rõ. Lúc ấy tâm trí nhẹ hẳn mọi thứ chỉ tập trung vào hơi thở mà lòng được yên, không bận tâm ngày mai phải làm gì, không lo lắng về tương lai nữa.
Thì ra thường ngày những thứ cơ bản nhất là ăn và thở tôi đều đã làm sai, hay nói đúng hơn là vô tâm với bản thân mình nhiều đến thế nào. Tôi bắt cái thân đầy đau nhức này phải làm việc thật nhiều, bắt bộ não phải suy nghĩ quá nhiều thứ để rồi tự bao biện là làm những việc ấy chúng sẽ có tiền để nghỉ ngơi. Trong khi tôi chỉ cần chậm lại vài chục phút cho chúng nghỉ ngơi hàng ngày, lắng nghe cơ thể mình muốn gì.
Nhận thấy lâu nay tôi chưa từng hiểu chính cơ thể của mình mà toàn ép nó phải làm theo cái tâm ích kỉ của chính tôi, ngay lúc này đây sâu thẳm nội tâm tôi cũng đã nhận ra được rằng ngồi thiền là để cảm thụ, thấu hiểu chính mình và khi dành thời gian cho thân thể nghỉ ngơi, thấu hiểu được cái mệt của khối óc, cái đau khi ngồi lâu từ chân kéo lên của thân xác thì mới biết yêu thương cơ thể quý giá do cha mẹ ban tặng. Từ đó mà không sinh tâm gượng ép bản thân nữa.
Ngồi được 20 phút thì chân có cảm giác nhức, đau tê lắm. Tôi không cố chịu được nữa mà xả thiền để mát xa cho chân đỡ tê nhức, sau đó tôi nằm ngay dưới bóng tre mà thiếp đi. Ngồi thiền xong dễ ngủ thật, không một chút tạp tâm nào khi nhắm mắt mà ngủ ngay. Thường ngày trước khi ngủ tôi hay trằn trọc, lăn qua lăn lại, nhắm mắt mươi phút thì lại nghĩ lung tung rồi những chuyện xa lắc xa lơ thuở nào cứ xuất hiện càng khiến tôi khó ngủ.
Ấy vậy mà hôm nay, tại đây mới đặt lưng xuống đã đi vào giấc ngủ say, hoặc do không gian ở Trúc Lâm thật thoải mái an tĩnh, hoặc do tôi đã tìm thấy phương pháp an định tâm hồn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Dưỡng thần được khoảng 15 phút, Thầy nhẹ nhàng vỗ vai tôi bảo vào rừng trúc để nghe giảng pháp, bài hôm nay có tới 90 phần trăm công sức của tôi. Nghe thấy vậy tôi không khỏi thắc mắc "mình thì làm gì biết giảng pháp nhỉ" nhưng chỉ giữ đó mà ôm một bụng đầy mò tò chờ tới lúc giảng.
Trong rừng trúc là những tấm thảm đan bằng tre, có để sẵn bồ đoàn cho các thiền sư cùng phật tử đến để nghe giảng pháp. Khi tôi đến cùng Thầy thì nom thấy mọi người đã ngồi sẵn hết để nghe giảng, ai nấy đều nghiêm trang và gương mặt đều ánh lên sự mong đợi.
Tôi ngồi lên bồ đoàn rồi khoanh chân "bán già" để nghe giảng, vì khi nãy thực tập thiền tôi đã ngồi "Kiết già" rồi, đau lắm không ngồi lâu được. Thầy bước từ từ tới chỗ cao nhất để mọi người đều thấy, từng bước đi vẫn vậy khoan thai nhẹ nhàng, sau đó người khẽ ngồi xuống bồ đoàn, bắt chân "Kiết già" chỉnh chu lại trang phục cho thật ngay ngắn, rồi Thầy đưa mắt nhìn hết cả thay học trò của mình ngồi phía dưới.
Thầy cười mỉm rồi lại im lặng, không gian bỗng tĩnh mịch, mọi người đều im lặng mong chờ Thầy cất tiếng giảng pháp. Tiếng gió vờn lấy những khóm trúc xào xạc, tiếng nước chảy róc rác hòa cùng tiếng thở chậm rãi của nhóm người.
Trong âm thanh của sự tĩnh lặng thì tiếng nói đầm ấm của thầy cất lên:
- Ngày hôm nay lại là một ngày thật vui, Thầy lại được nhìn ngắm những gương mặt của học trò khắp nơi hội tụ về.
Nói rồi thầy nhẹ nhàng lấy bông sen hồi sáng tôi hái đưa trước mặt một lượt cho mọi người ngắm, sau đó ghé nhẹ mũi vào hít sâu:
- Sớm nay có một chàng trai rất trẻ, hoạt bát đã không ngại bùn mà lội xuống hồ hái cho ta một bông sen thật đẹp, thật thơm. Vậy tiện đây ta muốn hỏi các con rằng bông sen này đẹp và thơm như thế nào?
Có người trả lời: "Sen thơm phảng phất và đẹp một cách thuần khiết".
Lại có người nói: "Sen như một cô gái đôi mươi trong trẻo đẹp không thấm bùn nhơ"
Thầy nghe xong lại nói:
- Bùn vừa hôi vừa tanh, nhơ nhuốc như các con nói, vậy nếu các con là bông sen có muốn sống chung với bùn không?
Tất cả đều trả lời: Tất nhiên sẽ không muốn, chẳng ai muốn ở chỗ nhơ nhuốc bẩn thỉu cả thưa Thầy.
Thầy nhìn quanh một lát rồi nhìn về phía tôi rồi hỏi: Vậy còn con thì sao? Nếu là sen thì con muốn sống với bùn chứ
Tôi bối rối trả lời:
- Con đã lội xuống bùn sáng hay, tất nhiên nếu là con sẽ không muốn sống chung với nó, con không phải là Sen nên cũng không biết được Sen muốn ở với bùn hay không?
Thầy mỉm cười rồi đọc bài thơ đã rất quen với người Việt Nam:
"Trong đầm gì đẹp bằng sen?
Lá xanh bông trắng, lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn"
Sen ơi! Có phải bùn kia với mi là hôi tanh là nhơ nhuốc như người ta nghĩ không? Phải chăng mi không nghĩ vậy mà người lại lấy suy nghĩ của người để gán ghép cho mi nhỉ.
Họ tỏ ra hiểu mi rồi nói mi thật cao quý để rồi họ phủ nhận "bùn" nơi mi sinh sống. Nếu mi biết nói liệu có giận lên mà mắng họ vì có người nói xấu nơi mi sinh ra không?
Sen ơi! Mi có ghét bùn như người vẫn hay ví von không? Hay họ chưa từng hiểu mi để rồi họ nghĩ mi cũng giống họ.
Thầy vừa dứt lời thì mọi người đều ngơ ngác chưa hiểu ý của Thầy, thấy vậy người lôi ra một bình Sen Đá nhỏ. Thầy hỏi:
- Cái bình sen đá này các con thấy có đẹp, có thơm như bông sen khi nãy không?
Chúng học trò đều lắc đầu.
- Đúng vậy, sen đá không thơm, không đẹp bằng sen lúc nãy. Bởi vì nó không có bùn.
Nếu chúng ta bình tâm lại để suy nghĩ, để thấu hiểu, đặt mình là sen thì ta sẽ không hề ghét bùn, thậm chí còn thấy thương bùn nữa. Bông sen kia không hề ghét bùn đất chút nào, nó cũng không hề thấy bùn nhơ nhuốc hôi tanh như ta nghĩ. Thậm chí Sen còn thích bùn bởi vì có bùn mới có Sen, bùn nuôi dưỡng sen từ lúc còn là một thân nhỏ, liên tục cung cấp dinh dưỡng cho Sen tới khi nó nở rộ rực rỡ và thơm ngát. Mùi hương của sen cũng do từ bùn mà có. Nếu thấy hương thơm của sen ta tự biết đó là công của bùn, Sen sẽ lại càng thương bùn hơn.
- Vậy tại sao ta lại nghĩ rằng Sen ghét bùn vì hôi tanh, chính bởi vì mỗi người chưa từng đặt cảm nghĩ của mình vào người khác để thấu hiểu họ. Thay vì thấu hiểu họ thì ta lại để cảm tính, phán đoán mang tính chất một chiều đánh giá và nhìn nhận phiến diện về một sự vật khác. Nên Sen yêu thương và cảm ơn bùn còn không kịp, nào có chê trách bùn như các con nghĩ.
Nói rồi Thầy lại im lặng một hồi lâu để cho chúng học trò suy ngẫm, người khẽ nâng chén trà nóng xoa nhẹ rồi uống chậm rãi, người giảng tiếp:
- Các con ngồi đây cũng rất giống sen, ai nấy đều tươm tất thơm tho, có những người có nơi ở khang trang sạch sẽ, Thầy chỉ mong các con trong đối nhân xử thế phải giống Sen mà thương lấy Bùn, đừng vì mình cao quý mà chê người khác thấp hèn, đừng vì mình sạch sẽ mà chê người khác là nhơ bẩn.
- Như có một số người giàu có, nhà cao cửa rộng mà chê bai những người đi nhặt rác, dọn vệ sinh, nghĩ họ làm việc thấp hèn, dơ bẩn rồi tự cho mình là cao quý sạch sẽ. Khoác lên người bộ quần áo thật lộng lẫy, ngồi xe sang trọng mà nghĩ mình cao quý sạch sẽ lắm. Họ thật giống Sen nhưng cũng chẳng giống Sen.
Một anh bạn ngồi dưới nhanh nhảu đứng lên thắc mắc:
- Thưa Thầy vì sao nói giống sen lại không giống sen?
Người nhìn anh bạn, rồi cầm bông sen lên xoa nhẹ từng cánh xong Thầy lại vang vang, giọng của thầy tuy không nói lớn nhưng âm thanh đều đều từng nhịp vang vọng như tiếng chuông:
- Họ giống ở cái hương thơm, bề ngoài nhưng tâm họ lại chưa được lần nào giống vẻ ngoài ấy. Họ quên mất cái nghề dọn rác, dọn vệ sinh kia được sinh ra từ những hoạt động sinh hoạt hằng ngày của họ, từ việc ăn đồ ngon xong rác dơ bẩn được gom lại cho những người lao công dọn. Họ đi vệ sinh và cho ra những thứ không sạch sẽ để người dọn vệ sinh dọn dẹp lại nó.
- Họ thật giống sen, sự đẹp đẽ và thơm tho ấy là nhờ có những người làm công việc mà họ cho rằng là thấp hèn, vẫn miệt mài hằng ngày giữ sạch sẽ cho họ đấy sao. Những người dọn dẹp ấy thật giống bùn, tuy rất quan trọng, họ mang lại cảnh quan, vẻ đẹp cho người khác tận hưởng, nhưng lại bị bài xích chê bai.
- Bởi vậy Thầy luôn mong muốn các con ngồi đây, có ai vẫn còn bận đấu đá, thù ghét, chê bai người khác thì hãy bình tâm lại, nhẹ nhàng thực hành sự thấu hiểu, đặt mình vào người khác để cố gắng hiểu họ, không cần một trăm phần trăm thì cố gắng khoảng năm mươi, không được năm mươi thì ba mươi. Khi các con hiểu được người khác thì thay vì ghét họ lại càng thấy thương họ hơn cũng là đang thương lấy chính mình hơn.
Nói xong ai cũng im lặng, mọi người đều quán niệm hơi thở để chiêm nghiệm lời Thầy, trước là hiểu về bản thân hơn, sau là thấu hiểu người khác. Tuy ai cũng biết thật khó nhưng mỗi người khi ấy nhận ra sự cần thiết của "thấu hiểu" trong cuộc sống hằng ngày là quan trọng ra sao.
Bản thân tôi cũng chưa từng hiểu được tại sao bố lại hay cáu gắt mỗi khi đi làm mệt về, thay vì thông cảm cho sự nhọc nhằn của ông thì như một phản xạ tôi giữ sự bực tức ấy trong lòng để nhìn bố với hình ảnh là một người cọc cằn chỉ biết cáu gắt lên con cái. Sau buổi giảng pháp của Thầy tôi tự nhủ mình sẽ dịu dàng hơn, thấu hiểu hơn với mọi người để có thể nhìn người khác với ánh mắt yêu thương mà không phải cái nhìn phiến diện.
Lúc bấy giờ trời đã xế chiều, Thầy cùng các học trò đều xả thiền để dọn dẹp chỗ ngồi, gió vẫn thổi, nhưng chim đã ngưng hát ca, hoàng hôn đã ghé thăm nơi đây như báo hiệu một ngày sắp hết..

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.