Tây Giang Cẩn Nguyệt

Chương 3:




4.
Tôi và anh ấy mặc dù vừa kết hôn mới được một năm, nhưng thời gian ở chung lại tương đối nhiều. Về sau anh ấy thường xuyên dẫn binh đi lên phía bắc hoặc phía nam. Tôi chỉ có thể ở nhà chờ đợi.
Nếu anh ấy ở nhà lại thường xuyên ra ngoài làm việc. Có lúc anh ấy về nhà mà cứ ủ rủ không vui. Tôi biết, chế độ mới bọn họ muốn thực hiện cải cách nhưng lại bị chế độ cũ ngăn cản.
Nhớ có một lần, lúc anh ấy trở về, trên mặt hiếm lắm mới không có ý cười. Tôi ngạc nhiên không thôi, hỏi anh ấy đã xảy ra chuyện gì, anh ấy lại không muốn trả lời.
Lòng tôi hiểu rõ, có lẽ lại bất đồng quan điểm chính trị với cha, cãi nhau không dứt. Tôi cũng không gặng hỏi, chỉ nhẹ nhàng xoa bóp huyệt thái dương cho anh ấy.
Anh ấy nhắm mắt hưởng thụ, rồi từ từ mở mắt ra, nhìn tôi nghiêm túc nói: “Cẩn Nhi, anh muốn bán mảnh đất ở thành Tây.”
Tôi có chút ngạc nhiên: “Sao đột ngột như vậy?”
“Cẩn Nhi, giáo dục đối với một dân tộc mà nói là hy vọng, là tương lai. Phương Tây đã bỏ một số tiền lớn đầu tư vào giáo dục, vì thế quốc dân nước họ đa phần có thể hiểu biết chữ nghĩa. Không nói đâu xa, phải kể đến quân xâm lược Nhật Bản lân cận, cuộc hải chiến năm Giáp Ngọ ngày trước chúng ta bồi thường bạc, bọn họ cũng đem đầu tư vào giáo dục, giáo dục của bọn họ theo kiểu phổ cập hoá (phổ biến cho toàn dân). So sánh trên dưới, Trung Quốc vĩ đại của ta cứ khoe khoang là đất rộng của nhiều, nền nhân văn lừng lẫy, nhưng phần lớn đều là mù chữ. Quan niệm của quốc gia hết sức mờ nhạt, không biết thế nào là nhân quyền, không biết thế nào là phản kháng.”
“Cẩn Nhi, chúng ta lạc hậu chẳng những thuyền chắc lợi pháo, thể chế chính trị, hơn nữa, giống như Trần Công ngày trước có nói, dân chúng ta đã lạc hậu rồi. Xây dựng trường học theo giáo dục mới là bắt buộc, nhưng cha vợ đại diện cho chế độ cũ không đồng ý tiếp tục phát triển văn bạch thoại*. Cẩn Nhi, phong trào văn hoá mới cho đến nay, khoa học và dân chủ đã giác ngộ sâu sắc cho nhân dân trong nước, chúng ta nên mượn gió đông, chứ không phải là diệt gió đông.”
*Thuyền chắc lợi pháo: chỉ tàu chiến kiên cố, đại bác mạnh mẽ, miêu tả hải quân hùng mạnh.
*Văn bạch thoại: là thuật từ đề cập đến các dạng văn viết tiếng Trung dựa trên các phương ngôn (tiếng địa phương) khác nhau được nói trên khắp Trung Quốc, khác với văn ngôn là dạng văn viết tiêu chuẩn được sử dụng xuyên suốt cho tới đầu thế kỷ 20.
Tôi tựa nhẹ vào vai anh ấy: “Em hiểu chứ, anh muốn làm gì thì cứ làm. Em tuy xuất thân từ chế độ cũ, nhưng hiểu Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách*. Phu quân của em là đấng nam nhi, muốn làm gì thì cứ làm, em sẽ ở phía sau ủng hộ anh.”
*Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách: nước nhà hưng thịnh hay lúc suy vong, dân thường cũng phải có trách nhiệm.
“Tiểu Cẩn Nhi không cần có quá nhiều quần áo đẹp, cũng không cần sống trong nhà rộng cửa to, em chỉ mong phu quân của em có thể vui vẻ. Nếu phu quân của em muốn vui vẻ, nhất định phải làm được chuyện lớn thiên hạ. Cẩn Nhi vì nguyên cớ gia tộc, rất ít quan tâm đến chuyện lớn nước nhà, nhờ phu quân mưa dầm thấm lâu, hiểu rõ nhiệt huyết trong lòng phu quân. Tiểu Cẩn Nhi không thể làm gì hơn, chỉ có thể ở bên cạnh ủng hộ.”
Anh ấy nắm chặt tay tôi, chúng tôi ôm nhau không nói lời nào. Ngay từ ban đầu giữa chúng tôi đã có một loại ngầm hiểu ăn ý, không cần nói nhiều, trong lòng tự rõ.
5.
Năm Dân quốc thứ 25, tôi và Cố Tây Yến đã kết hôn được ba năm. Anh ấy và cha tôi vẫn vì quan điểm chính trị mà cãi nhau không ngớt. Anh ấy dạy tôi rất nhiều thứ mà tôi chưa từng biết qua, kể cho tôi rất nhiều chuyện thú vị khi anh ấy ở châu u. Tôi bắt đầu cùng anh ấy đi tham dự các yến hội, cùng anh ấy thành lập Trường học Ngô Châu kiểu mới.
Học sinh của anh ấy ngày càng nhiều, mỗi khi Tết đến, trong nhà vô cùng náo nhiệt. Năm nay còn có chuyện vui, Quốc - Cộng* quyết định hợp tác lần thứ hai, liên thủ kháng Nhật. Nhớ đến đêm tin tức truyền tới Ngô Châu, hiếm khi nhìn thấy Cố Tây Yến vui vẻ đến như vậy. Anh ấy cùng mấy người bạn uống đến say mèm.
*Quốc - Cộng: Nội chiến Trung Quốc hay Quốc - Cộng nội chiến (giản thể: 国共内战; phồn thể: 國共內戰; bính âm: guógòng nèizhàn; nghĩa đen: "Nội chiến giữa Quốc dân Đảng và Cộng sản Đảng"), kéo dài từ tháng 4 năm 1927 đến tháng 5 năm 1950, là một cuộc nội chiến tại Trung Quốc đại lục (với chính quyền khi đó là Trung Hoa Dân Quốc), giữa hai đảng phái là Trung Quốc Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sau khi giải tán, tôi dùng khăn ấm lau mặt cho anh, nghe thấy anh ấy lẩm bẩm: “Luôn sẽ có ngày quân địch bị trục xuất, luôn sẽ có ngày đó.”
Tôi cười, vuốt ve khuôn mặt anh ấy, thật tốt, tôi gả cho một chàng trong lòng mang nặng quốc gia.
Tôi cởi áo ngoài của anh ấy ra, lúc cầm trên tay thì sờ được cái gì đó trong túi áo, tôi lấy ra, có vẻ là một chiếc túi thơm đã lâu năm.
Màu sắc sợi vải đã phai nhạt không ít, bề mặt trơn nhẵn, xem ra hình như mỗi ngày đều có người lấy ra nâng niu trong tay.
Lão ma ma bưng canh giải rượu đi vào, nhìn thấy tôi cầm áo ngoài của Cố Tây Yến, trong tay còn giữ một cái túi thơm, cho rằng tôi phát hiện cái gì đó không nên biết, muốn mở miệng giải thích.
Tôi ra hiệu bà ấy im lặng, đặt túi thơm trở về chỗ cũ. Tỏ ý bà ấy cùng tôi đi ra ngoài, lão ma ma nhanh chóng đặt đồ trong tay xuống rồi đi theo tôi, vô cùng sốt sắng, rất sợ tôi hiểu lầm.
Bà ấy nhìn tôi, mở miệng muốn nói, tôi nhẹ nhàng trả lời: “Con biết.” Tôi biết đó là đồ của tôi, năm tôi bảy tuổi, vừa hay mừng thọ 50 tuổi của bà nội, mở tiệc chiêu đãi các danh gia vọng tộc ở Ngô Châu, năm đó mới lần đầu tiên tôi và Cố Tây Yến gặp gỡ.
Giang gia tuân thủ nghiêm ngặt cổ huấn (lời dạy của người xưa), nam nữ 7 tuổi không được chung mâm, vì thế tôi và anh trai đã tách ra. Tôi ở một mình buồn chán nên rời khỏi yến tiệc đi dạo xung quanh, ở phía sau núi giả trong vườn hoa nghe thấy tiếng cãi nhau ầm ĩ.
Tôi đi theo hướng âm thanh, ở nơi đó gặp được Cố Tây Yến. Lúc đó anh ấy mặc bộ quần áo Tôn Trung Sơn, dẫn theo một đám người cũng ăn mặc y hệt, còn anh trai tôi cầm đầu nhóm mặc trường bào, hai bên cãi nhau gay gắt.
Tôi trốn sau núi giả nghe thấy giọng nói đanh thép của anh ấy: “Nếu quốc gia không có nhiệt huyết của binh sĩ, đều chỉ như các anh mặc trường bào lễ giáo, trong miệng toàn là đạo đức nhân nghĩa liệu có thể đỡ lâu đài khi sụp đổ hay không? Buồn cười đến cực điểm. Cường quốc phương Tây hay thậm chí là quốc gia nhỏ bé chật hẹp như Nhật Bản còn có thể thắng trận Giáp Ngọ, chiếm lấy Sơn Đông. Các anh cứ chấp mê bất ngộ như vậy, không chịu cải cách. Quốc gia bất hạnh, một đám hèn nhát.”
Người bên cạnh anh trai bị nói đến ch.ết lặng, mặt đỏ tía tai, không bao lâu liền nghênh ngang rời đi. Tôi cẩn thận nhô đầu ra, lại đụng phải ánh mắt của anh.
Anh ấy thiếu niên nhiệt huyết, trong mắt chứa đầy ánh sáng. Anh ấy thấy tôi, nhìn cách ăn mặc của tôi liền đoán ra tôi chắc là con gái Giang gia, bèn nói với tôi: “Chỉ là cùng anh trai em tranh luận, không phải cãi nhau.”
Tôi chớp mắt nhìn anh, hình như có nói gì đó nhưng tôi không nhớ rõ. Ký ức tương tự như thế nhiều lắm. Thực tế, anh ấy cũng không phải là người duy nhất dẫn đầu một nhóm mặc Tôn Trung Sơn đến tranh luận với những người theo chế độ cũ chúng tôi.
Bởi vì luôn có, mà quan điểm tranh luận lại cứ giống nhau nên đoạn ký ức đó đã sớm bị tôi ném ra sau đầu. Tôi chỉ biết, thời thơ ấu tôi đã từng làm trái gia quy lễ giáo để tặng túi thơm cho một chàng trai. Chỉ là tôi đã quên mất người đó là ai.
Quanh đi quẩn lại nhiều năm như vậy, thì ra vẫn luôn là anh ấy. Anh ấy vẫn luôn cất giữ nó, lưu giữ ký ức đầu tiên giữa chúng tôi. Cố Tây Yến, đừng nói là anh đã tương tư em bao nhiêu năm qua đấy nhé.
Tôi nóng lòng muốn hỏi anh ấy, muốn hỏi, liệu có phải anh vẫn luôn nhớ rõ tôi, nhớ mong tôi hay không; muốn hỏi, tôi của năm đó rốt cuộc đã nói những gì để anh nhớ mãi không quên; còn muốn hỏi, anh đồng ý cưới tôi, có phải là do người đó chính là tôi hay không.
Trước đây, vì hôn nhân bất hạnh của bao người xung quanh, tôi đã sớm có cái nhìn tiêu cực đối với hôn nhân kết hợp giữa chế độ cũ và mới, là anh ấy cho tôi câu trả lời hoàn toàn mới, để tôi từ không hề mong đợi, sợ bóng sợ gió, cẩn thận gò bó, trở thành bộ dáng vui vẻ tự tại, vô lo vô nghĩ của hiện tại. Là anh ấy khiến tôi hiểu rằng thì ra thoát khỏi những quy củ nặng nề, cuộc sống lại thoải mái dễ chịu như vậy.
Cho nên, câu trả lời của anh ấy đối với tôi vô cùng quan trọng. Ngoài ra, tôi cũng có một tin tức quan trọng không kém muốn thông báo cho anh ấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.